9h15: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Nhìn lại chặng đường chiến đấu và chiến thắng oanh liệt của cách mạng Việt Nam nói chung, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng, chúng ta vô cùng xúc động, tự hào tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; thành kính biết ơn hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống; hàng triệu người đã hi sinh một phần máu thịt, dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam có ngày hôm nay.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là minh chứng sắt đá, khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với cách mạng nước ta; là biểu tượng của sức mạnh Việt Nam trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, khẳng định chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi.
Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cống hiến, hy sinh cho cách mạnh Việt Nam của các thế hệ đi trước là hành trang, là niềm tự hào, là động lực để mỗi người Việt Nam hôm nay tin tưởng vào mục tiêu, con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; tự tin, tự hào về Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp, để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hãy thắp sáng lên giữa đất trời Điện Biên dáng hình đất nước mang biểu tượng Rồng thiêng vươn mình, trỗi dậy, bay lên, hướng tới tương lai tươi sáng và bầu trời rộng mở để mỗi người dân Việt Nam tự tin, tự hào về: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay” đang sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng bao đời của toàn dân tộc ta.
9h23: Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc.
9h10: Các khối diễu binh, diễu hành còn lại tiến vào lễ đài
Các khối: Khối Cựu chiến binh; Khối Thanh niên xung phong; Khối Dân công hoả tuyến; Khối Công nhân; Khối Nông dân; Khối Trí thức; Khối Thanh niên; Khối Phụ nữ; Khối các dân tộc Tây Bắc; Khối Nghệ thuật.
9h:
Xe Chỉ huy, xe Tổ Cờ truyền thống Công an: Dẫn đầu là xe chỉ huy của Thiếu tướng Lê Văn Hà, Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tiếp theo là Tổ Cờ truyền thống của lực lượng Công an nhân dân.
Được Đảng và Bác Hồ chăm lo giáo dục, rèn luyện, được Nhân dân tin yêu, giúp đỡ; lực lượng Công an nhân dân mưu trí, sáng tạo, đập tan mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng và các cơ quan đầu não của ta, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trải qua 79 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân ngày càng lớn mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng là “Thanh bảo kiếm” sắc bén bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tiếp đó là các khối lần lượt tiến vào lễ đài:
Khối nam sĩ quan An ninh nhân dân
Khối nam sĩ quan Cảnh sát nhân dân
Khối nữ sĩ quan Cảnh sát giao thông
Khối nam sĩ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy & cứu hộ, cứu nạn
Khối nam sĩ quan Cảnh sát cơ động
Khối nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm
Khối nam chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm
Khối Cảnh sát cơ động Kỵ binh
8h50:
Xe Chỉ huy, xe Tổ Quân kỳ toàn quân do Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam chỉ huy, dẫn đầu các khối đại diện cho lực lượng QĐND và Dân quân tự vệ. Trên Quân kỳ quyết chiến, quyết thắng tung bay, lấp lánh những tấm Huân chương cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng, xứng đáng với truyền thống: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, xứng đáng là Quân đội Anh hùng của dân tộc Anh hùng.
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tiếp đó là các khối lần lượt tiến vào lễ đài: Khối nữ Quân nhạc; Khối chiến sĩ Điện Biên; Khối sĩ quan Lục quân; Khối sĩ quan Hải quân; Khối sĩ quan Phòng không - Không quân; Khối sĩ quan Biên Phòng; Khối sĩ quan Cảnh sát biển; Khối nữ sĩ quan Quân y; Khối Lực lượng Tác chiến không gian mạng; Khối Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam; Khối chiến sĩ Lục quân; Khối chiến sĩ Đặc công; Khối chiến sĩ Đặc nhiệm; Khối nữ Dân quân các dân tộc Tây Bắc; Khối nữ Du kích miền Nam.
8h46: Đi đầu đội hình là Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Quốc huy được đặt trên biểu tượng Rồng thiêng, vươn mình bay lên, thể hiện ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam. 54 trai tài, gái giỏi hộ tống, tượng trưng cho khối đại đoàn kết vững bền của 54 dân tộc anh em - sức mạnh vô địch được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, kết tinh thành sức mạnh thần kỳ của quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Tiếp đó là Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Những lá cờ tung bay trước gió tượng trưng cho lý tưởng, niềm tin chiến thắng; bản lĩnh, trí tuệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được khơi nguồn, bồi đắp từ lịch sử, bừng cháy cho hôm nay và tỏa sáng đến mai sau. Đó là cội nguồn, là sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tiếp theo là xe rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, Người Cha kính yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Người đã mở đường, chỉ lối và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong đó có chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bác đã đi xa, nhưng thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mãi mãi tỏa sáng, soi đường cho dân tộc Việt Nam vững bước tiến lên những tầm cao mới, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tiếp theo, là xe mô hình biểu tượng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là một trong những trang sử bằng vàng; mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho sự tan rã không thể cứu vãn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Hào khí Điện Biên Phủ luôn đồng hành cùng dân tộc ta trên con đường đi tới tương lai.
8h45: Các khối lực lượng bắt đầu diễu binh, diễu hành
Khối diễu binh gồm: 4 khối Nghi trượng, 24 khối quân đội, dân quân tự vệ, công an.
Khối diễu hành gồm: 9 khối cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân, nông dân, tri thức, thanh niên, phụ nữ, khối các dân tộc Tây Bắc và cuối cùng phần trình diễn của khối nghệ thuật.
Sau khi các khối diễu binh, diễu hành qua lễ đài, tiếp tục qua tuyến đường Hoàng Văn Thái đến ngã tư A1 sẽ chia thành 3 hướng: Hướng 1 gồm 8 khối lực lượng vũ trang và các khối của tỉnh Điện Biên đi theo đường Võ Nguyên Giáp về đường 7/5; Hướng 2, gồm 7 khối các lực lượng quân đội, đi qua cầu A1, đường Nguyễn Hữu Thọ và tập kết tại phương Thanh Bình và hướng 3, gồm 8 khối lực lượng công an rẽ trái qua phường Nam Thanh và tập kết tại khu đô thị Bom La.
Mở đầu đầu lễ diễu binh, diễu hành là các biên đội trực thăng vũ trang thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc Việt Nam tượng trưng cho lý tưởng, niềm tin, bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm nên Chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” để đất nước nở hoa độc lập, phồn vinh, hạnh phúc.
Đội hình diễu binh, diễu hành trong Lễ Kỷ niệm trọng thể hôm nay tái hiện khí thế hào hùng của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; thể hiện khí phách, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; sự lớn mạnh và trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giữ vững bản chất cách mạng, phát huy truyền thống dân tộc anh hùng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng; khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới, sáng tạo...
8h37: Điện Biên đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
70 năm sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đã nỗ lực xây dựng và phát triển quê hương. Để ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có quyết định trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang điều hành nghi thức khen thưởng.
Đại diện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên, lãnh đạo tỉnh gồm: Bí thư Tỉnh uỷ Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô, Chủ tịch HĐND tỉnh Lò Văn Phương, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Lò Văn Mừng lên vị trí danh dự nghe quyết định và đón nhận huân chương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao huân chương.
8h32: Bạn Vũ Quỳnh Anh - đại diện thế hệ trẻ Việt Nam phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm
Vũ Quỳnh Anh chia sẻ, cảm thấy may mắn được sinh ra trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, có ông bà là những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
"Trong hình dung của cháu từ những câu chuyện, thước phim và lời kể của ông bà, Điện Biên Phủ là vùng đất “huyền thoại”, nơi chứng kiến tinh thần quật cường, anh dũng của quân và dân ta với “56 ngày đêm, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”.
Điện Biên Phủ là nơi các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi mang trong mình một tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, với bao tấm gương như anh Bế Văn Đàn, anh Tô Vĩnh Diện, anh Phan Đình Giót, anh Trần Can… ", Vũ Quỳnh Anh nói.
Thời gian trôi đi, chiến trường ác liệt năm xưa giờ đã thay da đổi thịt từng ngày, nhiều chiến sĩ Điện Biên như ông bà của Vũ Quỳnh Anh đã ở lại mảnh đất này, xây đắp hạnh phúc và xây dựng quê hương.
Trang sử hào hùng về Điện Biên Phủ năm xưa đã cho thế hệ trẻ niềm tin yêu, niềm tự hào về mảnh đất mình sinh ra, lớn lên, về trách nhiệm luôn khắc ghi trên con đường học tập, lập thân, lập nghiệp. Đó cũng là những hành trang vô cùng quý giá, giúp cháu có thêm động lực khi trở thành một cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Vũ Quỳnh Anh dẫn câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Cần phải phát huy tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”.
"Thế hệ trẻ chúng cháu ý thức sâu sắc rằng, mỗi thành quả mà chúng cháu được thụ hưởng ngày nay được đánh đổi bằng máu xương của các bậc tiền bối cách mạng và hàng triệu người con Việt Nam...
Máu của anh chị, của chúng ta không uổng
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.
Đời đời nhớ ơn công lao của các thế hệ cha anh đi trước, phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ chúng cháu nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; trân trọng lịch sử, yêu chuộng hoà bình, dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn, phấn đấu trở thành người công dân có ích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", Vũ Quỳnh Anh phát biểu.
Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ sẽ không ngừng học tập, lao động, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ; nỗ lực trong khởi nghiệp, lập nghiệp; đem sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ nguyện không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần, chung sức cùng cộng đồng; quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
8h24: Ông Phạm Đức Cư - đại diện chiến sĩ Điện Biên và các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ phát biểu
Ông Phạm Đức Cư (94 tuổi), nhập ngũ tháng 10/1949, nguyên trợ lý tham mưu tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 pháo Cao xạ. Hiện ông sinh sống tại Tổ dân phố 7, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Trong bài phát biểu của mình, ông Cư bày tỏ vinh dự được thay mặt cho các chiến sĩ Điện Biên phát biểu tại lễ kỷ niệm.
"Là một người lính năm xưa, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được tận mắt chứng kiến những thời khắc lịch sử oanh liệt và đầy cam go, thử thách của dân tộc trên mặt trận Điện Biên Phủ, tôi vô cùng xúc động tưởng nhớ tới những đồng chí, đồng đội và nhân dân đã hy sinh để làm nên chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Cách đây vừa tròn 70 năm, trận quyết chiến - chiến lược lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Tiểu đoàn chúng tôi và Tiểu đoàn 383 thuộc Trung đoàn 367 pháo Cao xạ vinh dự được cấp trên giao nhiệm vụ dựng lưới lửa phòng không trên vùng trời Điện Biên, chiến đấu với Không quân của địch, bảo vệ đội hình các đơn vị Bộ binh của ta", ông Cư kể lại.
Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, Pháo phòng không qua 56 ngày đêm trong mưa bom, bão đạn, anh dũng chiến đấu, cùng các đơn vị bạn đã đánh thắng không lực của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch trên vùng trời Điện Biên, bắn rơi 62 chiếc máy bay các loại, trong đó có cả pháo đài bay B24; góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông khẳng định, chiến dịch thắng lợi, đơn vị chúng tôi vinh dự và tự hào được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Chiến tranh đã lùi xa, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa, được chứng kiến sự đổi thay phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng. Những chiến sĩ như ông Phạm Đức Cư cảm thấy phấn khởi và tự hào đã đóng góp một phần công sức của mình để làm nên Điện Biên anh hùng và tươi đẹp.
"Chúng tôi luôn tâm niệm: Mình là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ; gương mẫu trong lối sống, chấp hành và thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ.
Chúng tôi tin tưởng và mong rằng: Thế hệ trẻ hôm nay, luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", cựu chiến sĩ Điện Biên gửi gắm.
7h55: Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài cùng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.
Thủ tướng cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thân ái gửi đến toàn thể quý vị, đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước lời chúc mừng, những tình cảm chân thành, thân thiết nhất và chúc Lễ kỷ niệm thành công tốt đẹp.
Thủ tướng chia sẻ, trong giờ phút thiêng liêng "chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng nhớ công lao vĩ đại và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Vị Lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân và hòa bình, tiến bộ của nhân loại".
Tưởng nhớ và tri ân sâu sắc Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cùng toàn thể các lực lượng vũ trang và nhân dân.
Thủ tướng đã điểm qua diễn tiến lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thừa hưởng những thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và niềm vui độc lập chưa lâu, Nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đoàn kết một lòng, với tinh thần “Nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhất tề đứng lên kháng chiến và lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, nhận định đúng và rõ tình hình chiến trường, thế và lực của ta, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách, từ công tác bảo đảm bí mật, hậu cần, quân số cho đến vũ khí, trang bị kỹ thuật; trong khi đó địch “binh hùng, tướng mạnh” với vũ khí, trang thiết bị hiện đại. Phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ, dân công hoả tuyến cùng nhân dân các địa phương đã ngày đêm xẻ núi, bạt rừng, xuyên đèo, lội suối, mở hàng nghìn km đường giao thông cho bộ đội hành quân, vận chuyển vũ khí, lương thực, hậu cần cho Chiến dịch.
Quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”, Đảng ủy Mặt trận, trực tiếp là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, với tư duy quân sự độc đáo, sự mưu lược, quyết đoán của một vị tướng tài ba, đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” ngay trước giờ mở màn Chiến dịch.
Trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn…”, với “đôi chân đất”, tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh hùng của quân và dân ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vang dội - “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Theo Thủ tướng, đây là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, là thắng lợi của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là sự kết tinh sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva (21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; tạo cơ sở, tiền đề cho việc giải phóng, xây dựng miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thủ tướng khẳng định, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại, không chỉ có ý nghĩa đối với Cách mạng Việt Nam, mà còn trở thành bản anh hùng ca bất hủ thôi thúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết tinh của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chiến thắng của chính nghĩa, của lòng dân, của lương tri và phẩm giá con người, được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo; bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, từ truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, được Nhân dân các dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước phát huy cao độ và tận tâm, tận lực dốc sức, đồng lòng, đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch.
Đặc biệt, góp phần trực tiếp làm nên chiến thắng là sự cống hiến, hy sinh to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - một đội quân “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu” với trên 4 vạn cán bộ, chiến sỹ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng trên chiến trường là minh chứng sinh động cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, tạo tiền đề cho những chiến công, thắng lợi tiếp theo của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tiếp đó, Thủ tướng đã thông tin về tình hình đất nước sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thủ tướng dẫn lại nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ và là hình mẫu của hàn gắn và khôi phục vết thương sau chiến tranh.
Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho hợp tác phát triển.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường.
"Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với những thành tựu, kết quả đã đạt được; nhưng cũng không bi quan, hoang mang, dao động trước những khó khăn, thách thức; ngược lại càng áp lực, càng phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn; khơi dậy, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa; càng phấn khởi, tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, của các thế hệ đi trước, càng củng cố niềm tin và thấy rõ trách nhiệm với đất nước trong hiện tại và tương lai; vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm phấn đấu cao nhất để tiếp tục lập nên những kỳ tích “Điện Biên phủ mới” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", Thủ tướng phát biểu.
7h45: Lễ mít tinh chính thức bắt đầu bằng 21 loạt pháo lễ trên nền nhạc quốc ca
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng điều hành phần lễ chào cờ và giới thiệu các đại biểu.
Tham dự lễ kỷ niệm có: Thủ tướng Phạm Minh Chính; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Tới dự lễ kỷ niệm có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương; lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; đại diện chiến sĩ Điện Biên, cựu chiến binh, cựu CAND, dân công hoả tuyến; đông đảo đồng bào...
Đoàn đại biểu quốc tế có: đoàn đại biểu Lào do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chansamose Chanyalath làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu Campuchia do Phó Thủ tướng Neth Savoeun làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu Trung Quốc do Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Trương Khánh Vỹ làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu Pháp do Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sebastien Lecornu làm trưởng đoàn. Ngoài ra còn có các Đại sứ, đại diện các nước và đông đảo bạn bè quốc tế.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ
Trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Điện Biên đã đến dâng hương, dâng hoa Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi hoa viếng.
Trong không khí trang nghiêm, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất Điện Biên anh hùng.
Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – Người anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, tiến hành trận quyết chiến quyết thắng Điện Biên Phủ.
Với lòng quả cảm, tinh thần anh dũng hy sinh, qua suốt 56 ngày đêm "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn", các Anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
7h15: Xếp hình nghệ thuật
Tại sân vận động, trước lễ diễu binh, diễu hành đã diễn ra màn xếp hình nghệ thuật với chủ đề “Bản hùng ca Điện Biên” do các nghệ sĩ, chiến sĩ Đoàn nghi lễ quân đội biểu diễn; tiếp đó là màn trống hội với sự tham gia của 1.000 diễn viên là học viên của Học viện Cảnh sát Nhân dân cùng 400 chiếc trống đủ kích cỡ, đội cờ, đội múa rồng.
Người dân chuẩn bị sẵn ô, áo mưa để chờ xem diễu binh
Cả sáng nay Điện Biên mát mẻ, trời nhiều mây. Đến khoảng 7h thì đổ mưa.
Lúc này, các khán đài trong Sân vận động Điện Biên đã chật kín đại biểu, nhân dân, các khối đứng. Các tuyến đường xung quanh sân vận động cũng đều đã kín người.
Xếp hàng từ tinh mơ chờ xem diễu binh
Từ 3h sáng nay (ngày 7/5), nhiều người dân và đội ngũ tham gia diễu binh, diễu hành đã đổ ra các tuyến phố hướng về sân vận động tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 7/5, tại sân vận động Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tham dự buổi lễ có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố; lãnh đạo tỉnh Điện Biên và đại diện lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu công an nhân dân, đại diện nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Lễ kỷ niệm còn có sự tham dự của đại biểu quốc tế, phóng viên báo chí nước ngoài.
Lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành khoảng 12.000 người, gồm Quân đội, Dân quân tự vệ và Công an, các ban ngành, đoàn thể xã hội.