Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP về công tác cải tạo cảnh quan tuyến đường Lê Lợi (quận 1), đồng thời đề xuất lắp mái che trên vỉa hè tuyến đường này để che nắng che mưa, tạo không gian thương mại, mua sắm với kinh phí từ 20-30 tỷ đồng.
Đường Lê Lợi là một trong những trục đường có hoạt động kinh doanh, mua bán sầm uất và đắt đỏ nhất TPHCM.
Cuối năm 2022, gần 800m đường Lê Lợi (đoạn từ chợ Bến Thành tới phố đi bộ Nguyễn Huệ) đã được tháo dỡ rào chắn, trả lại mặt bằng, giao thông thông thoáng sau 8 năm rào chắn thi công tuyến metro số 1.
Tuyến đường Lê Lợi là trục đường chính tập trung nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ, nơi dừng chân của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tuyến đường này còn là cầu nối giữa các công trình trọng điểm của thành phố như chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ...
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, đường Lê Lợi hiện không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Vậy nên đề xuất giải pháp lắp mái che trên vỉa hè để che nắng che mưa, tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại - du lịch bên phần đường Lê Lợi cùng hướng với chợ Bến Thành.
Mỗi bên vỉa hè sẽ được thiết kế mái che trung bình cao từ 5,5 - 6m, với kết cấu khung sắt, lợp mái tôn và đóng trần phía dưới, kích thước mái che vươn ra 4m.
Theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, vật liệu sử dụng để làm mái che cho tuyến đường là các chất liệu đẹp bền vững và chi phí tiết kiệm của các địa phương phía Nam, kết hợp các loại vật tư với thiết kế màu sắc nhẹ nhàng, có thiết kế hài hòa với cảnh quan chung của khu vực. Kinh phí ước tính sơ bộ khoảng 20-30 tỷ đồng.
Hiện tại, phần vỉa hè đường Lê Lợi (cùng phía chợ Bến Thành) không có cây xanh, mặt đường lát gạch và nắng chiếu trực tiếp xuống khiến khu vực này khá nóng bức.
Anh Konstantin Gorgen (người Đức) và chị Eleanor McSweeney (người Ireland) cho biết họ cảm thấy không có gì đáng phàn nàn khi đi bộ trên vỉa hè ở tuyến phố này.
"Chúng tôi thấy ý tưởng này khá hay. Tuy nhiên nếu chú trọng vào mục đích bóng mát cho người đi bộ thì chúng tôi thích nhiều cây xanh hơn là thêm sắt thép, bê tông để xây dựng hệ thống che mát nhân tạo", cặp đôi này nói.
Một bên tuyến đường này do không ảnh hưởng thi công tuyến metro số 1 nên vẫn còn hàng cây cổ thụ kéo dài từ vòng xoay chợ Bến Thành về ngã tư Pasteur - Lê Lợi, còn với vỉa hè đối diện không một bóng cây.
Dải phân cách giữa đoạn giao với đường Pasteur đến chợ Bến Thành được thiết kế trồng hoa kiểng tạo cảnh quan, tuy nhiên một số bồn trồng cây vẫn đang để trống.
Vào đầu giờ chiều, phần lớn vỉa hè tuyến đường này (phía chợ Bến Thành) trở nên mát hơn bởi ánh nắng được che chắn bởi các tòa nhà cao tầng.
Trước đó, sau khi hoàn trả mặt bằng, UBND quận 1 cũng đã đề xuất UBND TP cho phép chuyển đường Lê Lợi thành phố đi bộ để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế đêm.
Đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM), tuyến đường được đề xuất lắp mái che vỉa hè (Ảnh: Google maps).