Có nên bỏ quyền thu thập chứng cứ của tòa án?
Tại thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi chiều 22/11, tranh luận với ý kiến đại biểu về việc tòa án có nên chủ trì thực hiện thu thập chứng cứ hay không, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, người dân không có hiểu biết sâu nên cần thiết quy định tòa án thực hiện thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo sự khách quan của vụ án, ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên.
Phân tích vì sao đặt vấn đề tòa án nhân dân thực hiện thu thập chứng cứ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, Việt Nam theo hệ dân luật. Trong hệ dân luật, tòa và thẩm phán chủ trì trong việc đánh giá xem xét và cần thiết thì thu thập chứng cứ.
Hơn nữa, tên gọi Tòa án nhân dân có ở Việt Nam, trong khi ở các nước không có tên là Tòa án Nhân dân. Điều kiện của Việt Nam có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về dân trí, về văn hóa, giữa thành thị và nông thôn.
"Do đó rất nhiều người dân không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ và do những khoảng cách ấy, nếu khoán cho các bên "tự chiến đấu" sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tòa án chủ trì việc thu thập chứng cứ không mâu thuẫn với các bên tự thu thập chứng cứ. Song, mỗi bên đều thu thập những chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ bất lợi.
Theo đại biểu, các bên không giải quyết được mới tìm đến tòa án, như tìm đến "ông Bao Công" để ra phán quyết công bằng cho các bên.
Đại biểu nhấn mạnh, sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân, để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn hay để thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân thì không nên bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của tòa án.
Tranh luận về vấn đề thu thập chứng cứ tại tòa, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) nhận thấy, Điều 15 khoản 1 quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Đại biểu cho rằng quy định không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.
"Tòa án là cơ quan quyền lực mà thu thập chứng cứ còn khó khăn, huống hồ giao cho người dân. Hiện chúng ta chưa có cơ chế để người dân tự thu thập chứng cứ", đại biểu nêu rõ.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng, từ Pháp lệnh giải quyết các thủ tục dân sự năm 1989 đến Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đến nay, đều quy định tòa án có quyền thu thập chứng cứ. Đây là quy định rất nhân văn và đã đi vào thực tiễn 3-5 năm nay.
Hai luồng ý kiến trái ngược
Về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết, qua tổ chức lấy ý kiến góp ý còn hai loại ý kiến.
Ý kiến thứ nhất bày tỏ lo ngại việc giao cho người dân, đương sự tự thu thập và cung cấp chứng cứ sẽ rất khó thực hiện, bởi vì hiện nay ngay cả tòa án thu thập chứng cứ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều cơ quan, đơn vị chậm trễ trong việc cung cấp tài liệu hoặc cung cấp không đầy đủ, thậm chí không cung cấp mặc dù đã có văn bản yêu cầu của tòa án.
Vì vậy, theo đại biểu, nếu giao cho người dân trách nhiệm này sẽ còn gặp khó khăn hơn, từ đó dẫn đến chậm trễ trong việc giải quyết, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Trong điều kiện trình độ dân trí, sự am hiểu pháp luật của người dân như hiện nay, đại biểu Yến Nhi cho rằng nên giữ như quy định Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014.
Ý kiến thứ hai cho rằng cần khẳng định việc thu thập và cung cấp chứng cứ trong vụ án dân sự là trách nhiệm của các bên tham gia tố tụng, không phải là trách nhiệm của tòa án. Tòa án của nhiều quốc gia trên thế giới đều thực hiện như vậy.
Trước đây, trách nhiệm thu thập, cung cấp chứng cứ là của người tham gia vụ kiện, nhưng đến Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 lại quy định giao về cho tòa án.
Từ khi thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ tòa án gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, có trường hợp những người có liên quan chống đối, không cho thu thập chứng cứ, gây nguy hiểm cho sự an toàn của cán bộ, trong khi cán bộ của tòa án đã phải giải quyết rất nhiều công việc tại tòa.
Theo đại biểu, việc tòa án thu thập chứng cứ rồi đánh giá chứng cứ sẽ không đảm bảo tính khách quan. Pháp luật cũng đã có quy định về việc các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ xét xử.
Do đó, cần xử lý nghiêm các cơ quan chậm cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, chứ không lấy việc các cơ quan chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ để làm lý do giao trách nhiệm này cho tòa án.
Nhiệm vụ của tòa án là xét xử, còn trách nhiệm này là của đương sự. Muốn bảo vệ quyền lợi của mình, muốn thắng kiện thì phải có trách nhiệm cung cấp chứng cứ để chứng minh.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi khẳng định, đây là nội dung rất quan trọng và có tác động rất lớn trong lần sửa đổi này. Vì vậy đề nghị Tòa án nhân dân tối cao có báo cáo đánh giá tác động, giải trình làm rõ thêm vấn đề này để đại biểu quốc hội và người dân có thể an tâm hơn.