Canh cá – món ăn đặc sản nổi tiếng của quê lúa Thái Bình. Ảnh: Ngọc Huyền
Sau khi đã ngán mâm cơm ngày tết với giò chả hay bánh chưng thì đây chính là món ăn “giải ngán” rất phù hợp. Các loại cá như cá lóc và cá rô được lóc xương và chế biến theo ba kiểu khác nhau. Cá lóc chiên giòn, cá rô xào với dầu điều đỏ đem đến màu sắc đẹp mắt.
Người ta cũng kết hợp cả thịt heo và cá để làm ra những lát chả cá mỏng. Vì thế, khi thưởng thức một tô canh cá hay bún cá, mọi người sẽ cùng lúc cảm nhận được miếng thịt cá lóc giòn tan, thịt cá rô mềm ngọt và chút cay của tiêu lẫn trong chả cá giòn dai.
Những lát cá và chả cá chiên giòn. Ảnh: Ngọc Huyền
Nước dùng hầm từ xương heo và khung xương cá đã lóc thịt. Vị ngọt đậm đà của nước dùng nóng hổi, khi ăn thì vắt lát chanh nhỏ, bỏ thêm ít măng ngâm chua cay.
Hương thì là kết hợp với rau cải cúc hoặc rau cần tươi xanh cũng góp phần tạo nên tô canh cá hay bún cá vừa lôi cuốn vị giác vừa hấp dẫn thị giác. Canh cá có đặc trưng dùng sợi bánh đa mỏng dẹt hình chữ nhật làm từ bột gạo. Gần đây, món bún cá trộn với sợi bún to tròn cũng dần trở nên được ưa chuộng.
Cá rô được xào với dầu điều đỏ mang tới màu sắc bắt mắt. Ảnh: Ngọc Huyền
Người dân Thái Bình thường ăn canh cá, bún cá vào buổi sáng và tầm chiều tối. Các hàng canh cá nổi tiếng tại thành phố quê hương năm tấn như Phúc Tửu thường đông nghịt khách mỗi sớm. Cảnh thực khách phải chờ đợi tầm mười lăm đến ba mươi phút mới đến lượt được phục vụ không phải là hiếm thấy.
Tô bún cá trộn ấm bụng ngày đầu năm giá rét. Ảnh: Ngọc Huyền
Buổi chiều, các hàng quán nhộn nhịp mở trên khắp vỉa hè phố lớn, phố nhỏ. Trong cái giá lạnh đầu xuân của Vùng Đồng bằng Bắc Bộ, bạn bè hoặc người thân cùng nhau xì xụp tô bún cá, canh cá nóng hổi. Ấy chính là những khoảnh khắc thật ấm áp cho một năm mới vừa bước qua ngưỡng cửa.
Theo Sài gòn Tiếp thị