Tô hủ tiếu gõ về đêm

Lý An Nhiên| 23/12/2023 06:56

Những ngày cuối đông ở miền Bắc, giữa bộn bề công việc, nhận được tin vào TP.HCM công tác, lòng tôi lại không khỏi nao nao. Thành phố phương Nam, nơi chất chứa biết bao hoài niệm thời niên thiếu, luôn khiến tôi xuyến xao mỗi lần quay trở lại.

TP.HCM những ngày cuối Đông chào đón tôi với ồn ã tiếng còi xe tấp nập. Thế nhưng, suốt cả ngày dài mải mê với vô số công việc tất bật, tôi chẳng có thời gian để dành cho thành phố, nơi đong đầy biết bao kí ức thời sinh viên của mình. Khi trời chuyển dần về khuya, tôi nằm một mình trên căn gác mái của homestay thuê vội ở góc đường Nguyễn Văn Cừ mà chẳng tài nào chợp mắt được.

Tôi gác tay lên trán, mải mê với những dòng kí ức của bản thân, thì bỗng nghe tiếng “lốc cốc” vang lên. Hủ tiếu gõ chăng? Tôi cố ngóc đầu dậy để nghe âm thanh cho rõ ràng hơn. Đã rất nhiều năm, kể từ khi ra trường rồi rời thành phố này đến miền Bắc sinh sống, tôi mới có dịp được nghe lại âm thanh quen thuộc này.

Tô hủ tiếu gõ về đêm - 1

Hủ tiếu gõ thường được ưu ái gọi là "món đặc sản không chính thức" của Sài Gòn.

Ngày ấy, tôi vốn là một sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố trọ học. Cũng như nhiều bạn sinh viên mới từ quê lên thành phố khi ấy, tôi chọn cho mình một căn phòng trọ trong một hẻm khá nhỏ để sống ghép cùng vài người bạn. Đó là cách giúp chúng tôi không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn vô cùng thuận lợi trong việc học và đi làm thêm. Nhịp sống tất bật của những sinh viên xa nhà thường xoay quanh những ngày lên giảng đường, mải miết đi làm thêm, hoàn thành bài tập đúng hạn.

Do xa nhà, tiền bạc lại ít nên chúng tôi thường bỏ bê việc ăn uống. Thi thoảng, có những ngày, chúng tôi ngồi học bài mà bụng lại sôi lên ùng ục, cảm tưởng như buổi cơm ăn vội ngoài quán bình dân đã bay đi đâu mất. Tuy nhiên, khu nhà trọ khi ấy đã đóng cửa nên có muốn ra ngoài cũng không thể. Chúng tôi đành ngồi chờ tiếng “lốc cốc” quen thuộc để gọi một tô hủ tiếu gõ “chống đói”.

Theo lời người bạn tôi kể thì những người bán hủ tiếu gõ khi ấy đa phần là dân gốc Quảng Ngãi. Họ chọn Sài Gòn làm nơi để mưu sinh và thường chọn cho mình một góc nhỏ ở đầu hẻm hay vỉa hè nào đó để đặt xe đẩy hủ tiếu. Những chiếc xe nhìn bề ngoài có vẻ giản đơn nhưng lúc nào cũng trang bị đầy đủ một bếp lò, bên trên có nồi nước lèo được giữ nóng nên lúc nào cũng nghi ngút khói. Ngoài ra, người bán cũng trang bị thêm rất nhiều tô, đũa, muỗng và các nguyên liệu cần thiết. Nếu có không gian rộng, nhiều người bán hàng cũng kê thêm đôi ba chiếc bàn nhựa xung quanh. Chỉ đơn giản như thế mà nhiều xe hủ tiếu gõ đã trở thành hoài niệm, gợi nhiều thương nhớ trong lòng biết bao con người đã từng sống tại Sài Gòn.

Tô hủ tiếu gõ về đêm - 2

Vốn là một món ăn quen thuộc với học sinh, sinh viên, một tô hủ tiếu gõ thường bình dị, không có quá nhiều đồ ăn kèm nhưng hương vị lại đủ sức gây thương nhớ.

Việc bán buôn đa phần là do một cặp vợ chồng hoặc những ông lão, bà lão tuổi đã cao phụ trách. Tuy nhiên, mỗi xe hủ tiếu gõ phải kèm theo một cậu nhỏ phụ việc. Đêm càng về khuya, khi thực khách đã thưa thớt dần cũng là thời điểm những bước chân của cậu bé phụ việc rảo khắp hang cùng ngõ hẻm ngày càng đều đặn hơn. Tiếng “lốc cốc” đặc trưng ấy được tạo ra từ hai thanh gỗ nhìn có vẻ mộc mạc nhưng vang xa cả phố, đặc trưng đến độ không thể lẫn vào đâu được. Cũng chẳng rõ từ bao giờ mà những người bán hủ tiếu gõ ở Sài Gòn nghĩ ra cách này để quảng cáo cho xe bán hàng của mình, chỉ biết khi nghe được âm thanh ấy vào ban đêm, bất chợt bụng chúng tôi cồn cào cảm giác đói.

Đứa bạn thân của tôi, như thường lệ, sẽ kéo ô cửa nhỏ nơi phòng trọ, hào hứng kêu: “Nhóc ơi, cho hai tô hủ tiếu nha!”. Chỉ cần nghe thấy như thế, cậu bé sẽ nhanh chóng quay về xe hủ tiếu. Vài phút sau, cậu nhanh nhảu bưng đến một tô hủ tiếu nóng hổi, thơm lừng mùi giá hẹ, tóp mỡ, hành phi… Tô hủ tiếu này có một điểm cực kỳ hài hước là miếng thịt mỏng như tờ giấy mà đến mãi tận bây giờ khi nhắc nhớ, chúng tôi vẫn không khỏi khâm phục cách xắt thịt của họ. Nhưng ngẫm lại thì tô hủ tiếu khi đó chỉ dao động từ 2.000 đến 3.000 đồng nên không thể đòi hỏi chất lượng cao hơn được. Mà bọn sinh viên nghèo như chúng tôi cũng có cần gì ngoài một tô hủ tiếu ấm nóng, đủ sức vỗ về cái dạ dày đang trống rỗng.

Những buổi tối trời mưa lất phất, chúng tôi ngồi ăn cùng nhau, tán gẫu vài câu chuyện trường lớp, gia đình rồi vui cười rộn rã. Sau đó, thưởng thức xong thì đặt lại tô ngoài cổng rồi chỉ cần chờ cậu bé đi ngang lấy tô để trả tiền, thế là xong. Những tô hủ tiếu gõ dẫu giản đơn nhưng đã trở thành kí ức khó quên, đồng hành cùng tôi trong suốt những năm tháng khốn khó của thời sinh viên trên mảnh đất này.

Sực nhớ vài năm trước, có dịp đi công tác Sài Gòn, tôi bèn ghé qua thăm một anh bạn học cũ. Ngồi chưa ấm chỗ, anh bạn này nằng nặc bảo để dẫn tôi qua khu nhà trọ xưa. Khi thấy tôi băn khoăn, anh bảo mình muốn thưởng thức vài tô hủ tiếu của bà lão bán hủ tiếu gõ và nghe lại âm thanh “lốc cốc” quen thuộc của thằng bé vốn là cháu trai của bà. Nghe lời bạn nói, tôi mới lờ mờ nhớ ra gương mặt sáng láng của cậu bé.

Tô hủ tiếu gõ về đêm - 3

Hình ảnh một xe hủ tiếu gõ.

Những ngày nhàn rỗi, không bán được nhiều hủ tiếu, thằng bé hay lẩn quẩn quanh khu nhà trọ trò chuyện với chúng tôi, rồi nài nỉ các anh chị sinh viên ủng hộ giúp bà cháu nó vài tô hủ tiếu. Theo lời cậu bé kể thì công việc của nó là mỗi ngày, tầm 4 giờ chiều, phụ bà ngoại đẩy xe từ nhà trọ ở đường Lê Hồng Phong cách đó hơn 200 mét ra góc đường quen thuộc để chuẩn bị dọn hàng. Sau khi phụ nhóm than xong, cậu bé sẽ khẽ khàng móc hai thanh gỗ dài hơn một tấc từ trong túi quần ra để bắt đầu gõ những nhịp điệu quen thuộc của mình. Dẫu trời nắng cũng như trời mưa, cậu bé vẫn cố gắng len lỏi vào từng hẻm nhỏ với tiếng “lốc cốc” đều đặn phát ra.

Khi có khách gọi, dù xa thế nào cậu bé cùng phải tất tả quay về xe hủ tiếu gõ để bưng đến tận nơi cho khách. Có những buổi tối, tôi nhìn theo bóng lưng của cậu bé chạy mải miết trong đêm, thấy lòng nao nao biết bao nỗi xót thương.

Có lần, cậu bé ngồi khóc sau khi bị một vài kẻ bất hảo “ăn quỵt” tiền hủ tiếu, đã rưng rưng nói với tôi rằng em sẽ không làm nghề này nữa khi lớn lên. Cũng bởi, bà của em đã hứa sẽ cho em đủ tiền để học nghề làm tóc. Thế mới hay, mỗi tô hủ tiếu gõ dẫu giản đơn chỉ là món ăn với người thưởng thức nhưng lại chứa biết bao nỗi nhọc nhằn, xót xa của những người bán hàng tha hương đến Sài Gòn mưu sinh.

Đêm nay, ngồi một mình lặng lẽ giữa Sài Gòn, tôi không còn là cậu sinh viên nghèo như ngày trước, nhưng vẫn vô cùng xúc động trước một tô hủ tiếu gõ ban đêm. Nhiều năm đã trôi qua, tính từ ngày lần đầu tiên tôi chạm đũa vào tô hủ tiếu gõ ở đất Sài Gòn, món ăn này đã có nhiều thay đổi. Chuyện giá cả thì không cần bàn cãi, bởi nó đã tăng lên nhiều lần, nhưng khi ngồi đối diện với một tô với đầy đủ “phụ gia” đặc trưng của hủ tiếu gõ gồm một ít giá hẹ, vài lát bò viên, ít miếng da heo... thì bao nhiêu cảm xúc vẫn vẹn nguyên như thời còn niên thiếu.

Mặc dù, theo dòng chảy của thời gian, mọi hình thức giao nhận thức ăn đã thay đổi rất nhiều. Thế hệ trẻ sinh trưởng thời hiện đại không còn chờ đợi những âm thanh đặc trưng như tiếng hủ tiếu gõ nữa mà chỉ cần nhấc điện thoại lên và đặt hàng, lập tức sẽ có người giao đến tận nhà mọi thức ăn họ cần. Dẫu thế, với những người hoài cổ, yêu quý những giá trị xưa cũ như tôi, sự kiên nhẫn để chờ những âm thanh “lốc cốc” đôi khi lại mang nhiều cảm xúc đặc biệt. Đâu đó, giữa những biến đổi nhanh chóng của đời sống, vẫn còn đó một Sài Gòn với những tô hủ tiếu gõ về đêm trong kí ức của tôi.

Tô hủ tiếu gõ về đêm - 4
Tô hủ tiếu gõ về đêm - 5
Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/an-gi/to-hu-tieu-go-ve-dem-c12a65736.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/an-gi/to-hu-tieu-go-ve-dem-c12a65736.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tô hủ tiếu gõ về đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO