Trong một đoạn video được đăng tải hôm 11/3, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố hình ảnh về việc một tổ hợp phòng không tự hành Stormer HVM do Anh viện trợ cho Ukraine bị phá hủy bởi máy bay không người lái (UAV) cảm tử Lancet của quân đội nước này.
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, London đã viện trợ ít nhất 6 tổ hợp Stormer cho Kiev.
Stormer HVM được chế tạo và đưa vào sử dụng trong biên chế quân đội Anh từ những năm 1997 và khoảng hơn 220 hệ thống phòng không tầm ngắn này đã được sản xuất. Được đặt trên khung gầm của xe chiến đấu bộ binh Scorpion hoặc Spartan, Stormer HVM có chiều dài khoảng 5,27m, rộng 2,76m và cao gần 2,5m. Với trọng lượng 12,7 tấn, tổ hợp này vẫn có thể di chuyển được với tốc độ lên tới 80 km/h trong phạm vi hơn 650km nhờ được trang bị các động cơ diesel Perkins công suất 250 mã lực.
Điểm mạnh nhất của Stormer HVM là các tên lửa phòng không Starstreak mà hệ thống này được trang bị. Theo các thông số kỹ thuật được công bố, một tổ hợp Stormer HVM có 8 tên lửa được gắn sẵn trong bệ phóng cùng 12 tên lửa dự trữ được chuyên chở theo bên trong xe.
Được chế tạo bởi nhà thầu quốc phòng Thales, điểm nổi bật nhất của Starstreak là việc có thể nhanh chóng tăng tốc sau khi phóng lên tốc độ Mach 4 (khoảng 4.800 km/h), tương đương gấp 4 lần tốc độ âm thanh. Tên lửa siêu thanh này hiện đang nắm kỷ lục tên lửa đất đối không nhanh nhất thế giới từng được chế tạo.
Cơ chế tấn công của tên lửa này là bắn ra 3 quả đạn phụ với 3 tia laser đi kèm. Điều đó có nghĩa là với mỗi tên lửa được bắn ra, sẽ có cơ hội thứ 2 để nó tấn công vào mục tiêu bằng đạn phụ sử dụng laser dẫn đường.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, các hệ thống Stormer HVM đã hoạt động rất hiệu quả trong việc bảo vệ các binh sĩ và khí tài của quân đội Ukraine trước máy bay trực thăng và cường kích tấn công mặt đất của Nga.
Về Lancet, UAV này được thiết kế dưới dạng một máy bay không người lái cảm tử với khả năng treo mình trên không trong nhiều giờ liền và tấn công mục tiêu ngay sau khi nhận được chỉ thị. Có tốc độ ấn tượng vào khoảng 110km/h, khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 3kg cùng với việc được tích hợp hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, Kể từ khi được triển khai đến Ukraine, Lancet đã tiêu diệt nhiều mục tiêu quân sự của đối phương, trong đó có các hệ thống vũ khí hiện đại do phương Tây viện trợ cho Kiev.