Tố cáo bạo hành trẻ em: "Pháp luật của lương tâm" và phẩm giá của người lớn

30/12/2021 16:59

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm bắt buộc phải báo cáo khi phát hiện trẻ em bị bạo hành, nhưng mỗi người cần học được thói quen tố cáo và coi đó là "luật pháp của lương tâm"…

Nếu google từ khóa "mandatory reporting of child abuse and neglect" - tạm dịch là "báo cáo bắt buộc về những hành vi lạm dụng và bỏ bê trẻ em",  bạn sẽ tìm được gần 7 triệu kết quả. Nó bao gồm các quy định pháp luật của nhiều vùng lãnh thổ, nhiều quốc gia trên thế giới (ví dụ như Mỹ, Úc) về vấn đề tố cáo nạn bạo hành trẻ em.

Tóm tắt lại, tất cả đều có một điểm chung, trong đó bắt buộc người trưởng thành phải có trách nhiệm báo cáo với các cơ quan, tổ chức có liên quan (về bảo vệ trẻ em) khi phát hiện ra các trường hợp trẻ nhỏ bị bạo hành, bị xâm hại, bị bỏ rơi hay bỏ bê. Trong trường hợp một cá nhân đang hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến trẻ em, khi phát hiện hay nghi ngờ mà không báo cáo các trường hợp xâm phạm quyền trẻ em, thì sẽ bị luật pháp đặc biệt nghiêm trị, ví dụ như phạt tù từ 30 ngày đến 5 năm, phạt tiền từ 300-10.000 USD.

Điều luật này cũng có giá trị tương tự với các tổ chức, đoàn thể ngăn cản các cá nhân thực hiện nghĩa vụ "báo cáo bắt buộc" dù vì bất cứ lý do gì và hình phạt có thể lên tới 1 triệu USD. Riêng ở bang Colorado của Mỹ, có tới 40 danh mục ngành nghề (bác sĩ, ý tá, nhân viên bệnh viện, nhân viên và giáo viên trường công), chuyên gia sức khỏe tâm thần, bác sĩ nha khoa, chuyên gia dinh dưỡng….) nằm trong danh sách những ngành nghề có nghĩa vụ "báo cáo bắt buộc". Luật pháp Mỹ cũng quy định, bố mẹ, bố mẹ nuôi hoặc những người chăm sóc trẻ cũng là những người có nghĩa vụ "báo cáo bắt buộc" nếu phát hiện đứa trẻ đó bị bạo hành, xâm hại hay bỏ bê bởi bất cứ thành viên nào trong gia đình.

Thế nên, ở Mỹ, sẽ không ngạc nhiên nếu bắt gặp một trường hợp sau:

- Một bà mẹ để quên con trong siêu thị => bị tố cáo.

- Một người mẹ đơn thân mải tư tình với bạn trai mà để con trong ô tô bị khóa kín => bị tố cáo và có thể bị tước quyền nuôi con.

- Một ông bố đánh đập trong con trong nhà mà bị hàng xóm phát hiện => bị hàng xóm tố cáo đến cảnh sát hoặc các thanh tra gia đình và bị tước quyền nuôi con, thậm chí bị phạt tiền và phạt tù.

Kể cả chính đứa trẻ - nạn nhân của các vụ bạo hành, xâm hại và bỏ bê cũng có thể trực tiếp tố cáo cha mẹ, người thân của mình. Khi đó, pháp luật Mỹ cũng như các tổ chức bảo vệ trẻ em ở Mỹ sẽ làm mọi thứ có thể, trong thời gian ngắn nhất, để bảo vệ đứa trẻ ấy. Việc làm đó không chỉ được quy định thành các điều luật, mà còn in sâu vào thói quen, vào văn hóa của người Mỹ. Họ coi đó là một loại trách nhiệm xã hội đương nhiên phải làm, mà hoàn toàn không hề e ngại mất thời gian, không hề e ngại phiền phức, cũng như không hề lo lắng rằng liệu có hay không việc mình sẽ bị trả thù cá nhân khi can thiệp vào việc người khác.

Đó là chuyện xảy ra ở Mỹ…

Còn chuyện đang xảy ra ở Việt Nam hôm nay, là câu chuyện về cô bé 8 tuổi bị "dì ghẻ" bạo hành đến chết ở chung cư Sài Gòn Pearl (Bình Thạnh, TPHCM) với cả một mảng lưng tím đen vì đòn roi.

Và đó không phải trận đòn duy nhất mà đứa trẻ ấy phải hứng chịu!

Tố cáo bạo hành trẻ em: Pháp luật của lương tâm và phẩm giá của người lớn - 1

Những vết bầm tím trên cơ thể cháu bé V.A. do bạo hành.

Người dân ở khu chung cư Sài Gòn Pearl đã chia sẻ với báo chí rằng, những trận đòn đó xảy ra hàng ngày, như cơm bữa, dù là ban ngày hay lúc nửa đêm và trong suốt một thời gian dài hơn một năm qua.

Tôi thực lòng tin vào pháp luật và tin rằng kẻ bạo hành dẫn đến cái chết thương tâm của đứa trẻ ấy sẽ bị trừng phạt. Tôi tin rằng người cha để mặc người tình thoải mái dùng đòn roi tra tấn con gái mình dù không bị pháp luật nghiêm trị thì cũng sẽ bị tòa án lương tâm lên án suốt đời.

Nhưng điều tôi muốn nói là, lẽ ra cô bé ấy có thể có cơ hội sống sót, nếu như có ai đó, trong số những hàng xóm ở xung quanh nhà em, dành 3 phút để gọi điện thoại cho một đường dây nóng nào đó để tố cáo với các cơ quan hữu trách; tiếc là cuối cùng đã không có ai thực sự làm thế.

Một trong những văn hóa của người Việt Nam là không thích lo chuyện bao đồng, không thích xen vào chuyện nhà người khác, có thể vì sợ phiền hà hoặc vì lý do "làm người văn minh".

Khi còn là một cô bé, mỗi khi đi trên đường, nếu nhìn thấy ai đó quên gạt chân chống xe máy, tôi thường cố chạy theo để hét to lên nhắc nhở. Đó là thói quen tôi học được từ ông ngoại mình. Dĩ nhiên lần nào làm việc đó, tôi cũng thu hút sự chú ý của người đi đường. Có những người tủm tỉm, có những người kinh ngạc, có những người nhìn tôi với ánh mắt thắc mắc khó hiểu. Họ nghĩ tôi hẳn là phải kỳ cục lắm vì làm một chuyện tầm phào. Có lẽ vì những ánh mắt khó hiểu đó mà dần dần chính tôi cũng cảm thấy ngại ngần, cho rằng hành động của mình là bất thường.

Chắc là tôi sẽ mãi giữ thái độ như thế nếu như không có một ngày, tôi chứng kiến một người đàn ông chở theo một đứa trẻ ngã ngay trước mặt tôi. Người đàn ông quên gạt chân chống xe đã bị ngã khi nghiêng xe để vào cua ở trên con dốc nho nhỏ giữa thị trấn miền núi quê tôi. Thật may mắn vì hôm đó, cả người đàn ông lẫn đứa bé đều chỉ bị thương nhẹ. Nhưng chuyện xảy ra khiến tôi cứ nghĩ mãi một điều, ngộ nhỡ chẳng may họ ngã mạnh hơn và bị thương nặng hơn thì sao? Ngộ nhỡ chẳng may đúng lúc họ ngã sẽ có một chiếc ô tô ngược chiều lao tới thì thế nào? Tôi biết rằng, nếu những điều ngộ nhỡ ấy xảy ra, thì tôi sẽ ân hận suốt đời, bởi vì tôi đã nhìn thấy người đàn ông quên không gạt chân chống xe mà không hề cảnh báo. Nên sau lần đó, tôi lại tiếp tục thói quen cũ khi còn bé, vui vẻ nhắc nhở những người quên gạt chân chống xe máy trên đường, và không bao giờ còn cảm thấy khó chịu khi bị ai đó nhìn mình với ánh mắt kì lạ nữa.

Trên thực tế, trong vụ việc đau lòng dẫn đến cái chết của cô bé 8 tuổi vô tội, đã có người hàng xóm phản ánh tình trạng đó với bảo vệ tòa nhà và được bảo vệ tòa nhà xác nhận đó là việc thường xuyên xảy ra. Chỉ tiếc là không một ai trong số đó (kể cả những người hàng xóm lẫn bảo vệ tòa nhà) cảm thấy rằng mình cần phải làm một bước tiếp theo quyết liệt hơn, mà cứ để mặc vụ việc tiếp tục tái diễn. Không một người lớn nào, xung quanh cô bé ấy, coi việc tố cáo lên các cơ quan chức năng là trách nhiệm nên làm với một đứa trẻ yếu thế và không có năng lực tự bảo vệ trong hoàn cảnh bị đe dọa, tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần.

Cái chết của cô bé ấy khiến nhiều người trong đó có tôi đã chấn động, đã phẫn nộ, đã đau xót, đã bàng hoàng, đã chết lặng. Nhưng đây không phải vụ việc đầu tiên, và cũng sẽ không phải vụ việc cuối cùng. Pháp luật Việt Nam hiện chưa có những điều luật quy định về trách nhiệm "báo cáo bắt buộc" với nạn bạo hành trẻ em. Nhưng tôi nghĩ, nếu không muốn phải chứng kiến những vụ việc khiến chúng ta chấn động, khiến chúng ta phẫn nộ, khiến chúng ta đau xót như vụ việc này, thì mỗi người lớn cần học được thói quen coi "báo cáo bắt buộc" là một việc nhất định phải làm để tuân thủ "luật pháp của lương tâm". Bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành và xâm hại - đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là phẩm giá của mọi người trưởng thành.

Đề phòng bạn không biết, thì số máy của các đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em hiện có rất nhiều (111, 113, 1900.54.55.59, 1800.9069). Nếu bạn phát hiện một trường hợp bạo hành trẻ em ở đâu đó xung quanh bạn, xin hãy nhấc máy lên, để cứu đứa trẻ ấy, và để bảo vệ phẩm giá của chính mình.

Tô Lan Hương

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tố cáo bạo hành trẻ em: "Pháp luật của lương tâm" và phẩm giá của người lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO