“Chúng tôi đã thảo luận về tất cả những điều này từ lâu. Tổng thống Zelensky luôn cho rằng ông ấy nợ người dân Ukraine và sẽ ở lại đó bảo vệ họ. Tôi rất ngưỡng mộ ông ấy”, Thủ tướng Johnson cho biết.
Mỹ đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao S-400 cho Ukraine
Reuters dẫn các nguồn tin cho hay, Mỹ đang đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất cho lực lượng Ukraine.
Các nhà chức trách Mỹ đang tìm kiếm khắp thế giới các hệ thống tên lửa phòng không do Nga hoặc Liên Xô sản xuất mà Ukraine có thể sử dụng để chống lại máy bay và tên lửa của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: AP) |
“Các quan chức Mỹ đã lên tiếng về ý tưởng trong tháng qua tại các cuộc tiếp xúc với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không có yêu cầu cụ thể hoặc chính thức nào được đưa ra”, nguồn tin tiết lộ.
Australia sẽ hỗ trợ nhân đạo bổ sung cho Ukraine
Theo một thông báo từ Bộ Ngoại giao Australia hôm 20/3, chính phủ nước này sẽ cung cấp thêm 22 triệu USD hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho dân thường Ukraine.
“Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison cam kết cung cấp thêm cho Ukraine khoảng 22,2 triệu USD hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp”, thông báo cho biết.
Theo đó, quỹ sẽ được dùng để bảo vệ phụ nữ, trẻ em, người già và người tàn tật. Tổng số tiền mà chính phủ Australia đã cam kết cung cấp sẽ là khoảng 48 triệu USD.
Ngoài ra, Australia sẽ hỗ trợ an ninh năng lượng cho Ukraine bằng cách viện trợ ít nhất 70.000 tấn than cho nước này.
Quân đội Nga phá hủy 59 cơ sở quân sự ở Ukraine
Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, hôm 19/3 cho biết Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã phá hủy 59 cơ sở quân sự Ukraine, thiết bị định vị phức hợp S-300 và 5 máy bay không người lái, trong đó có một chiếc Bayraktar TB2.
“Trong ngày, hoạt động tác chiến-chiến thuật, không quân lục quân đã tấn công 59 cơ sở quân sự của Ukraine. Trong số đó, 3 sở chỉ huy, 2 cơ sở lắp đặt nhiều hệ thống tên lửa và 2 trạm radar gần thành phố Bohodukhiv (Kharkiv), 2 kho vũ khí tên lửa và pháo, cũng như 51 địa điểm tập kết công nghệ chiến đấu”, ông Konashenkov nói.
Ông Konashenkov nói thêm rằng, máy bay không người lái Forpost-R đã phá hủy một radar chiếu sáng và dẫn đường của hệ thống tên lửa phòng không S-300 gần làng Vypovziv, cách Kiev 60 km về phía Bắc.
Bulgaria quyết định không gia hạn hợp đồng với Gazprom
Bộ trưởng Tài chính Bulgaria Asen Vaskov Vasilev tuyên bố, nước này sẽ không gia hạn hợp đồng với công ty khí đốt Gazprom của Nga.
Ông Vasilev giải thích rằng, một quyết định như vậy có liên quan đến tình hình ở Ukraine.
Theo ông Vasilev, Bulgaria sẽ nhận được khí đốt từ các nhà cung cấp thay thế, bao gồm Qatar và Algeria. Chính phủ Bulgaria cũng có kế hoạch sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng và tăng nhập khẩu từ Azerbaijan.
Báo Đức cảnh báo về hậu quả của việc “từ bỏ” tài nguyên Nga
Theo một bài báo của Deutsche Wirtschafts Nachrichten, việc hạn chế nguồn cung cấp từ Nga có nguy cơ làm tăng chi phí xây dựng ở Đức lên nhiều lần.
Cụ thể, theo tờ báo Đức, cuộc khủng hoảng ở Ukraine ngày càng tạo ra nhiều vấn đề đối với việc cung cấp vật liệu xây dựng. Theo ông Matthias Wächter, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Xây dựng Lower Saxony, hiện nay các vấn đề phổ biến nhất là đối với bitum, thép và các sản phẩm thép, những thứ cần thiết cho xây dựng công trình và cơ khí chế tạo.
Do đó, do sự phụ thuộc của các nhà máy lọc dầu ở các thành phố Schwedt và Leuna vào nguồn năng lượng từ Nga, nguồn cung cấp bitum có thể giảm đi 1/3. Ngoài ra, 30% thép kết cấu và 40% gang cũng như các nguyên liệu thô khác như niken hoặc titan đến từ Nga, Belarus và Ukraine.
Theo ông Wächter, việc chính phủ Đức hủy bỏ các khoản khấu trừ theo Đạo luật Năng lượng Tái tạo từ tháng Bảy chỉ là “giọt nước trong đại dương”. Đồng thời, giá năng lượng và nhiên liệu sẽ không ngừng tăng cho đến thời điểm đó, đồng thời sự thiếu hụt nghiêm trọng về bitum và thép sẽ khiến giá xây dựng tăng gấp hai 3 lần.
Hơn 2,7 triệu người Ukraine muốn di tản sang Nga
Đại tá Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát quốc phòng Nga cho biết, những người cực đoan Ukraine tiếp tục coi dân thường như một “lá chắn sống”, theo ghi nhận có hơn 2,7 triệu người muốn sơ tán sang Nga.
“Theo kết quả giám sát hàng ngày, chỉ riêng trong 24 giờ qua, chúng tôi đã nhận được thêm 7.223 đơn đăng ký và tổng cộng đã có 2.711.319 tên và địa chỉ cụ thể trong cơ sở dữ liệu của chúng tôi từ các khu định cư của Ukraine”, ông Mizintsev nói.
Thanh Bình (lược dịch)