Theo ông Biden, “mục tiêu của Mỹ rất đơn giản: Washington muốn thấy Ukraine dân chủ, độc lập, có chủ quyền và thịnh vượng”.
Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố rằng Mỹ không tìm kiếm chiến tranh giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga .
“Cho đến khi Mỹ hoặc các đồng minh bị tấn công, họ sẽ không trực tiếp tham gia vào cuộc khủng hoảng và gửi quân tới Ukraine”, ông Biden nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: RIA) |
Nhà Trắng xác nhận giao hệ thống tên lửa HIMARS cho Ukraine
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, gói viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) sẽ được công bố vào thứ Tư (1/6).
“Chúng tôi sẽ công bố gói hỗ trợ an ninh thứ 11. Gói này sẽ bao gồm các hệ thống tầm xa hơn, cụ thể là HIMARS”, một quan chức chính quyền Mỹ cho hay.
Việc cung cấp các hệ thống tên lửa, theo diễn giả, được thiết kế để củng cố vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán và tăng khả năng phòng thủ của nước này.
Ông nói thêm rằng, đạn của các hệ thống tên lửa này có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách khoảng 80 km và sẽ không cho phép Lực lượng vũ trang Ukraine tấn công bên ngoài lãnh thổ nước này. Quan chức chính quyền nói thêm, Kiev đã hứa sẽ không sử dụng vũ khí được chuyển giao, bao gồm cả HIMARS để chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Nhà Trắng hé lộ chi phí của gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với các phóng viên, gói viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine ước tính khoảng 700 triệu USD và sẽ bao gồm nhiều hệ thống tên lửa HIMARS, radar, trực thăng, phương tiện và vũ khí chống tăng, bao gồm cả tên lửa chống tăng Javelins.
Đợt viện trợ tiếp theo cũng sẽ bao gồm các phụ tùng thay thế cho các thiết bị đã được chuyển giao trước đó.
Mỹ sẽ không gây áp lực với Kiev về vấn đề nhượng bộ lãnh thổ
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết tại một cuộc họp báo rằng Washington sẽ không buộc Kiev phải nhượng bộ lãnh thổ trong các cuộc đàm phán với Moscow.
“Các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga bị đình trệ không phải vì Kiev từ bỏ ngoại giao. Thực tế, Nga tỏ ra không quan tâm đến các cuộc đàm phán một cách thiện chí. Vì vậy, chúng tôi sẽ không gây áp lực lên chính phủ Ukraine để buộc chính phủ nước này phải nhượng bộ lãnh thổ cho dù đó là các cuộc trò chuyện riêng tư hoặc các cuộc tiếp xúc công khai”, quan chức Nhà Trắng cho hay.
Nhà Trắng: Kiev hứa sẽ không sử dụng HIMARS cho các cuộc tấn công vào Nga
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, Mỹ không khuyến khích Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga và cam kết không sử dụng vũ khí được cung cấp cho mục đích này.
Được biết, gói viện trợ quân sự mới của Mỹ sẽ bao gồm các hệ thống tên lửa HIMARS với tầm bắn khoảng 80 km.
Quan chức này nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi không khuyến khích Ukraine tấn công bên ngoài biên giới và không tạo cơ hội cho Ukraine làm điều đó”.
Theo ông, Mỹ không tìm cách kéo dài các hành động thù địch chỉ để làm tổn thương Nga.
Ông tuyên bố, Ukraine đã hứa sẽ không sử dụng vũ khí được chuyển giao, bao gồm cả HIMARS, chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
“Dựa trên những đảm bảo nhận được, chúng tôi khá tin tưởng Ukraine sẽ không làm điều này”, một phát ngôn viên Nhà Trắng nói thêm.
Na Uy sẽ tiếp nhận binh lính Ukraine bị thương
Chính phủ Na Uy đã quyết định sơ tán những binh lính Ukraine bị thương về lãnh thổ nước này, cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho họ.
“Chính phủ đã quyết định rằng Na Uy sẽ chấp nhận các thương binh từ Ukraine đến sơ tán y tế và điều trị tại các bệnh viện của nước này”, chính phủ Na Uy cho biết.
Theo thông cáo, Na Uy có mọi thứ cần thiết để giúp đỡ các binh sĩ Ukraine. Đặc biệt, bệnh viện đại học Oslo, bệnh viện Sunnas.
Bộ Quốc phòng Hy Lạp điều động xe chiến đấu bộ binh BMP-1 tới Ukraine
Bộ Quốc phòng Hy Lạp đã xác nhận việc điều động xe bộ binh bọc thép BMP-1 tới Ukraine và việc thay thế chúng bằng các thiết bị do Đức sản xuất trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Hy Lạp và Đức.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong cuộc họp giao ban sau hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Ba (31/5) rằng, Hy Lạp sẽ chuyển giao xe bọc thép kiểu Liên Xô cho Ukraine, trong khi Berlin sẽ cung cấp cho Athens xe bọc thép để thay thế.
Theo thủ tướng Đức, ông đã thương lượng việc này với thủ tướng Hy Lạp tại một cuộc họp ở Brussels. Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh đã không chia sẻ quyết định gửi xe bọc thép tới Ukraine.
Trong khi đó, các đảng phái chính trị của Hy Lạp đã yêu cầu làm rõ lý do tại sao chính phủ nước này lại che giấu việc vận chuyển vũ khí cho Ukraine và cho rằng việc chuyển giao vũ khí này là vi phạm luật pháp quốc gia. Các đảng phái chính trị của Hy Lạp nói rằng, nước này bị lôi kéo một cách nguy hiểm vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Hy Lạp vào cuối ngày thứ Ba (31/5) đã thông báo một thỏa thuận giữa Hy Lạp và Đức để gửi thiết bị quốc phòng cho Ukraine và thay thế bằng thiết bị quốc phòng do Đức sản xuất.
Thanh Bình (lược dịch)