“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng tiền bạc, viện trợ nhân đạo và cũng phải nói rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ để Ukraine có thể tự vệ bằng nguồn cung cấp vũ khí, như nhiều nước khác ở châu Âu đã làm”, ông Scholz nói.
Đồng thời, Thủ tướng Đức cũng lưu ý rằng, tình hình ở Ukraine sẽ gây ra hậu quả cho toàn thế giới và có nguy cơ dẫn đến nạn đói ở một số quốc gia.
“Chúng ta nên lo lắng rằng sẽ có những người chết đói, sẽ có những quốc gia không thể cung cấp bánh mì cho người dân, tình trạng quân sự này sẽ dẫn đến nạn đói trên thế giới. Chúng tôi sẽ không để những quốc gia nghèo này một mình, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ”, ông Scholz hứa.
Đức hứa sẽ hỗ trợ thêm về tài chính và quân sự cho Ukraine. (Ảnh: U.S. Army) |
Ông Zelensky: Các cuộc đàm phán với Chủ tịch Hạ viện Mỹ rất thực chất
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, các cuộc đàm phán với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ở Kiev kéo dài 4 giờ và rất thực chất.
“Tôi đã thảo luận về các vấn đề chính trong việc cung cấp hỗ trợ cho chúng tôi với Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Chúng tôi đã dành 4 giờ đồng hồ với bà Pelosi trong các cuộc đàm phán rất thực chất. Đặc biệt, chúng tôi đã thảo luận về nguồn cung cấp quân sự, hỗ trợ tài chính vĩ mô, chính sách trừng phạt, tương tác chính trị với Mỹ”, ông Zelensky nói trong một thông điệp qua video.
Sau chuyến thăm Ukraine, bà Pelosi nói rằng các nhà lập pháp Mỹ đang làm việc theo yêu cầu của Tổng thống Joe Biden gửi thêm quỹ để giúp Ukraine. Theo một tuyên bố được đưa ra bởi Hạ viện Quốc hội, phái đoàn của bà Pelosi đảm bảo với phía Ukraine rằng “sự hỗ trợ bổ sung của Mỹ đang được tiến hành”.
Ngoại trưởng Ukraine: “Đức là một trong những nước EU thiếu quyết đoán nhất”
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi các nhà chức trách Đức hành động quyết đoán hơn trong việc hỗ trợ đất nước của ông và đưa ra quyết định về các lệnh trừng phạt mới chống Nga.
Theo đó, ông Kuleba gọi Đức là “một trong những nước Liên minh châu âu (EU) thiếu quyết đoán nhất” về các quyết định đối với tình hình xung quanh Ukraine.
Đồng thời, theo ông Kuleba, hội nhập châu Âu của Ukraine “ngày nay là một vấn đề hòa bình và chiến tranh trên lục địa”. Ông kêu gọi Berlin đảm nhận vai trò hàng đầu ở châu Âu, trên hết là trong việc xây dựng chính sách hướng Đông.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ukraine nêu ra 3 ưu tiên mà ông cho là quan trọng về sự hỗ trợ của Đức đối với Kiev. “Thứ nhất, trong việc tháo gỡ những trở ngại liên quan đến việc cung cấp tất cả các loại vũ khí mà Ukraine cần. Thứ hai, về vấn đề trừng phạt chống Nga. Thứ ba, trong việc cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine gia nhập EU”, ông Kuleba nói.
Ông Kuleba tuyên bố rằng “châu Âu sẽ không có sự ổn định và an ninh trong nhiều thập kỷ” nếu Nga giành chiến thắng.
Đề cập đến các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev, Bộ trưởng Kuleba cho hay, những người tham gia của họ đang “giữ liên lạc với nhau theo thời gian, nhưng không có cuộc đàm phán lớn nào”.
Ba Lan bàn giao 232 xe tăng T-72, pháo tự hành và máy bay không người lái cho Ukraine
Theo nguồn tin của Tập đoàn Visegrad, Ba Lan đã chuyển giao cho Ukraine 232 xe tăng T-72M1, hệ thống tên lửa phòng không cơ động, nhiều hệ thống tên lửa phóng và pháo tự hành.
“Quyết định chuyển giao 232 xe tăng T-72L1 của Ba Lan có nghĩa là nước này đứng thứ hai sau Mỹ với tư cách là quốc gia đã cung cấp nhiều hỗ trợ quân sự nhất cho Ukraine”, Visegrad cho biết trên Twitter.
“Sự trợ giúp của Ba Lan cũng bao gồm hệ thống phòng không vác vai, pháo phản lực, máy bay không người lái và pháo tự hành”, nguồn tin lưu ý.
Ankara: NATO sẽ không xung đột ở Ukraine
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không tham gia vào một cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng sẽ đáp trả nếu các đồng minh của họ bị tấn công.
Kênh truyền hình Haber dẫn lời ông Cavusoglu cho hay: “Lập trường của NATO là rõ ràng”.
Nhiều người Italy không ủng hộ việc gửi vũ khí tới Ukraine
Trong một cuộc thăm dò dư luận do tờ La Stampa công bố, hơn 46% người Italy phản đối việc gửi vũ khí cho Ukraine, hơn 48% không ủng hộ việc nước này gia nhập NATO.
Đồng thời, số người phản đối việc gửi vũ khí giảm nhẹ so với số liệu một tháng trước, khi 50,4% phản đối và số người ủng hộ biện pháp này tăng nhẹ so với một tháng trước - 36% ủng hộ, bây giờ là 41%.
Trong khi đó, số lượng những người ủng hộ việc Ukraine sắp gia nhập EU đã giảm xuống vào cuối tháng 3 là 46% ủng hộ, bây giờ là 42%. Vấn đề Ukraine gia nhập EU đang ngày càng “nóng”, nếu cách đây một tháng có 34% chống lại nước này, thì bây giờ gần 40%.
Ngoài ra, 40% lo ngại rằng xung đột Ukraine có thể nhấn chìm các nước khác và 30% lo ngại về khả năng leo thang thành một cuộc toàn cầu. 20% tin rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga không có tác dụng và 18% coi chúng là nguy hiểm vì cản trở đối thoại.
Thanh Bình (lược dịch)