Cuộc bạo loạn ở Kazakhstan trong những ngày đầu năm mới khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương. (Nguồn Reuters) |
Theo hãng thông tấn EFE, phát biểu tại họp báo ngày 15/1, ông Serik Shalabaev - người đứng đầu cơ quan truy tố hình sự Văn phòng Tổng công tố Kazakhstan cho biết: "Trong thời gian áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp, "thi thể của 225 người đã được chuyển tới các nhà xác, trong đó có 19 nhân viên thực thi pháp luật và quân nhân”.
Con số này cao hơn đáng kể so với thống kê trước đó của giới chức Kazakhstan.
Cũng theo ông Shalabaev, làn sóng bạo loạn vốn bắt đầu bằng những cuộc biểu tình hòa bình phản đối tình trạng giá nhiên liệu tăng vọt còn khiến 4.578 người khác bị thương.
Ngoài ra, nhóm điều tra đang thụ lý 546 vụ án hình sự, trong đó 44 vụ liên quan đến khủng bố, 34 vụ khác liên quan đến bạo loạn và 19 vụ giết người.
Các cuộc biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố của Kazakhstan từ ngày 2/1 đã nhanh chóng leo thang thành bạo loạn cùng với việc lục soát và tấn công vào các cơ sở của chính phủ, cảnh sát và quân đội. Kể từ ngày 5/1, tình trạng khẩn cấp được ban bố trên khắp cả nước.
Tổng thống Tokayev đã đề nghị sự giúp đỡ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu và tổ chức này đã cử lực lượng gìn giữ hoà bình tới Kazakhstan.
Theo nhà chức trách Kazakhstan, hiện luật pháp và trật tự nhìn chung đã được khôi phục ở tất cả các khu vực của đất nước.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn TASS, Tổng thư ký CSTO - ông Stanislav Zas cho rằng, tình hình đang trở lại bình thường song vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Belarus-1 hôm 15/1, ông Zas nêu rõ: “Tình hình đang được cải thiện, bước ngoặt đã đến, và chúng ta có thể nói rằng Kazakhstan đang trở lại cuộc sống bình thường. Mọi người đối xử với các nhân viên gìn giữ hòa bình bằng sự hiểu biết và cố gắng giúp đỡ”.
Tuy nhiên, các cơ quan thực thi luật pháp và cơ quan tình báo Kazakhstan vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ông Zas cũng tiết lộ lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO sẽ hoàn thành kế hoạch rút quân trước ngày 19/1.
Người đứng đầu CSTO khẳng định rằng những công dân nước ngoài hiện diện trong các nhóm khủng bố đã tham gia vào làn sóng bạo loạn ở Kazakhstan không phải là những đối tượng chủ chốt.