Cuộc họp diễn ra ngày 6/5 tại Bộ LĐ-TB&XH, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Thành viên Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết 15), Tổ phó Tổ Biên tập.
10 năm thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ
Khái quát về 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi lưu ý các cơ quan thực hiện báo cáo tổng kết đánh giá theo 5 chỉ tiêu chính là chăm lo người có công với cách mạng; thực hiện an sinh xã hội với các nội dung: đảm bảo việc làm, thu nhập, thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững; bao phủ bảo hiểm xã hội; các chính sách an sinh; đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhận diện 5 nhóm vấn đề này, theo Thứ trưởng, yêu cầu là xác định rõ trong 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết, chỉ tiêu nào đạt được, chỉ tiêu nào chưa, phát hiện khoảng trống giữa các chính sách.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, nhấn mạnh, Nghị quyết 15 là sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân. Trong 10 năm thực hiện, Nghị quyết đã mang lại những kết quả, thay đổi to lớn. Theo đó, các vấn đề xã hội đã được quan tâm sâu sắc, song hành với vấn đề phát triển kinh tế.
Ông Hồi nêu một vài con số, những năm qua, nhà nước thường xuyên lo an sinh cho gần 1 triệu dân Việt Nam, bảo đảm được công ăn việc làm cho 54 triệu lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phát triển mạnh. Công tác giảm nghèo là một điểm sáng, theo đánh giá của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn đặt ra.
Như vậy, trong các nhóm vấn đề, có thể nhận định trước hết nội dung chăm lo với người có công, chiến lược giảm nghèo hay việc đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… đã đạt và vượt mức đề ra. Nhưng cũng còn những nội dung sau 10 năm vẫn còn tồn tại như độ bao phủ chính sách an sinh xã hội còn thấp, thiếu bền vững, tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19…
Thứ trưởng Hồi đề nghị, các ban, bộ ngành cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, để có đánh giá nghiêm túc, khách quan, đúng thực tế, làm rõ những thiếu sót, tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, tổng kết để phát hiện những vấn đề xã hội nảy sinh mới, do tác động của đại dịch Covid-19, do biến đổi khí hậu, môi trường, tác động của những vấn đề xã hội toàn cầu; những vấn đề cần ưu tiên trong chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất quan điểm, chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp khả thi, phù hợp với xu thế, thực tiễn của đất nước trong thời kỳ mới.
Ông gợi ý, trong thời gian tới, đặc biệt từ nay đến năm 2030 và 2045, cần tham mưu, nêu ra những vấn đề mới về lao động việc làm, tập trung vào nghiên cứu, hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho tất cả các lĩnh vực ngành nghề, để người lao động Việt đều được đào tạo, có trình độ tay nghề cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Vấn đề khác là cần phải xây dựng được quan hệ lao động hài hòa, bền vững, tăng cường kết nối cung cầu lao động theo hướng hiện đại, thông suốt.
Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ rõ mục tiêu trọng tâm là hướng đến bao phủ bảo hiểm với mọi người lao động. Thực tế bức xúc hiện nay là vấn đề bảo đảm nhà ở cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Lĩnh vực bảo trợ xã hội, theo Thứ trưởng Hồi, cần giải quyết chính sách đối với người có thu nhập thấp, trợ cấp cho gia đình có trẻ em và giải quyết chính sách cho người cao tuổi, người khuyết tật; phát triển mạng lưới các hệ thống cung cấp dịch vụ tăng cường bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành một cách kịp thời, hiệu quả…
Chuyển hướng chính sách xã hội
Trao đổi tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội - Bộ LĐ-TB&XH Phạm Trường Giang cho rằng, để đánh giá toàn diện, xác đáng kết quả đạt được trong lĩnh vực này 10 năm qua không đơn giản. Nếu nhìn vào 5 nhiệm vụ ngành bảo hiểm được giao thì có thể nói, đã có 4 nhiệm vụ được hoàn thành, hoàn thành vượt chỉ tiêu, ví dụ như nhiệm vụ sửa luật bảo hiểm xã hội, nhiệm vụ đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm.
Ông Giang dẫn chứng, thời điểm 10 năm trước, rộ lên cảnh báo về khả năng mất cân đối quỹ lương hưu, con số được đưa ra khi đó là quỹ chỉ đảm bảo vận hành, chi trả được 30 năm nữa. Nhưng tới thời điểm này, đánh giá về khả năng cân đối dài hạn của quỹ từ các tổ chức quốc tế, độc lập, mức an toàn đã lên tới hơn 70 năm.
Có một nhiệm vụ, theo ông Giang, ngành bảo hiểm cần xem xét, cân đối thêm là chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội tới 50% người lao động. Tuy nhiên, vì con số đề ra ban đầu này quá cao, khó khả thi nên Nghị quyết 28 sau đó đã điều chỉnh ở mức 35%. Vụ trưởng Phạm Trường Giang cho rằng "áp" theo con số này thì ngành cơ bản hoàn thành.
Nói về những vấn đề mới đặt ra trong bối cảnh hiện nay, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhận định, điểm thay đổi lớn nhất với Việt Nam 10 năm qua là sự phát triển kinh tế thị trường. Điều này khiến một số chính sách xã hội bộc lộ độ "vênh". Trước hết, đó là quan điểm xây dựng chính sách, mới "khoanh" ở mức nhà nước tập trung hỗ trợ các đối tượng yếu thế, theo quan điểm truyền thống là hoạt động bao cấp, trợ cấp, bảo trợ mang tính chất phi thị trường. Điều kiện, bối cảnh mới hiện nay đòi hỏi các chính sách xã hội xây dựng phải phù hợp và vận hành theo thị trường, giảm thiểu tính chất bao cấp.
Cục trưởng Vũ Trọng Bình dẫn chứng về những thay đổi từ chính sách giảm nghèo. Trước đây, nhà nước chủ trương hỗ trợ trực tiếp người nghèo bằng tiền, sau chuyển sang các biện pháp gián tiếp là hỗ trợ nhà cửa, hỗ trợ đào tạo nghề… nhưng cũng vẫn chưa xây dựng được cơ chế để tạo nên thị trường, để hút được các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cho hoạt động này theo hướng sinh lợi bền vững.
"Tôi nghĩ, việc tổng kết Nghị quyết 15 lần này, cần đánh giá kỹ việc chuyển tiếp từ hướng chính sách an sinh xã hội phi thị trường sang thị trường. Đây là yếu tố hết sức quan trọng" - ông Bình nêu quan điểm.
Tán thành quan điểm này, TS.Bùi Sỹ Lợi, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực lao động, việc làm cũng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất đặt ra lúc này chính là về thị trường lao động, với nhiệm vụ trước hết cần bàn là chính thức hóa thị trường lao động phi chính thức, vì thực tế, khu vực lao động phi chính thức này lớn hơn nhiều khu vực chính thức. Nói là vấn đề thị trường, vấn đề kinh tế, không phải là an sinh xã hội nhưng theo TS.Lợi, đó chính là giải quyết vấn đề con người, là nền tảng để đảm bảo an sinh bền vững.