Tin Thế giới 9/2, Ngoại trưởng Anh Liz Truss và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov gặp gỡ bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2021. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Nga) |
Nga-Ukraine
Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Anh thăm Nga, bàn về Ukraine
Ngoại trưởng Anh Liz Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace sẽ đến Moscow ngày 9/2 để thảo luận với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về Ukraine.
Bà Truss nêu rõ: “Tôi đến Moscow để hối thúc Nga theo đuổi một giải pháp ngoại giao, đồng thời làm rõ rằng một cuộc xâm lược khác của Nga đối với một quốc gia có chủ quyền sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng cho tất cả các bên liên quan... Nga có sự lựa chọn ở đây. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích họ tham gia, giảm leo thang và lựa chọn con đường ngoại giao”.
Cùng ngày, Nga đã yêu cầu Anh bớt những phát ngôn về việc áp đặt các lệnh trừng phạt khi các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng nước này tới Moscow để tham gia các cuộc hội đàm trong bối cảnh căng thẳng về Ukraine leo thang, nếu không sẽ đối mặt với khả năng các cuộc họp bị rút ngắn.
Theo TASS, Đại sứ Nga tại London, Andrey Kelin cho biết, Moscow quan tâm tới các cuộc hội đàm nếu Anh có những đề xuất mang tính xây dựng, đáp ứng yêu cầu an ninh của Moscow: “Nếu họ tới Nga để lại đe dọa chúng tôi với các lệnh trừng phạt thì hoàn toàn vô lý: chúng tôi đọc mọi thứ, nhìn thấy mọi thứ, biết và nghe. Trong trường hợp này, đối thoại và hội đàm tại Moscow chắc chắn sẽ khá ngắn”.
Nga: Ukraine muốn triển khai THAAD là hành động khiêu khích
Hãng RIA đưa tin, ngày 9/2 Nga cho rằng, việc Ukraine yêu cầu triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở quốc gia Đông Âu này là "hành động khiêu khích" và việc xem xét nghiêm túc hoạt động cung cấp như vậy sẽ là bước thụt lùi cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov đã bình luận như vậy về tin tức truyền thông Nga cho rằng, Kiev đã đưa ra yêu cầu nêu trên. RIA dẫn lời ông Ryabkov nhận định, nếu Washington xem xét nghiêm túc hoạt động cung cấp như vậy thì điều đó sẽ làm giảm khả năng đạt được một giải pháp ngoại giao chính trị cho tình hình căng thẳng liên quan Ukraine.
Trong khi đó, Interfax đưa tin, trong bài phát biểu riêng rẽ, Thứ trưởng ngoại giao Nga Alexander Pankin cho biết, Moscow hy vọng căng thẳng liên quan Ukraine và các yêu cầu an ninh của Nga đối với phương Tây sẽ được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao. (Reuters)
Ukraine nhận định tình hình vẫn căng thẳng
Ngày 9/2, Ukraine cho biết sự thúc đẩy ngoại giao của châu Âu nhằm tránh một cuộc xâm lược đáng lo sợ từ Nga với quốc gia láng giềng từng thuộc Liên Xô này đang được triển khai, song tình hình vẫn căng thẳng.
Phát biểu với báo giới sau khi hội đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manel Albares, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay: “Tình hình vẫn căng thẳng song đã được kiểm soát. Ngoại giao sẽ tiếp tục hạ nhiệt căng thẳng. Cách cộng đồng châu Âu rộng lớn hơn phản ứng với cuộc khủng hoảng này sẽ xác định tương lai của an ninh khu vực và mỗi quốc gia châu Âu”.
Phát ngôn của Ngoại trưởng Kuleba được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham gia ngoại giao con thoi giữa Moscow và Kiev, rồi sau đó tiếp tục các cuộc hội đàm của ông ở Berlin.
Cùng ngày, Đức Giáo hoàng Francis cảnh báo chiến tranh tại Ukraine sẽ là "sự điên rồ" và hy vọng những căng thẳng giữa nước này và Nga có thể được giải quyết thông qua đối thoại nhiều bên.
Đức Giáo hoàng nêu rõ: “Chúng ta hãy tiếp tục cầu xin Chúa bình an để căng thẳng và mối đe dọa từ chiến tranh có thể được giải quyết thông qua đối thoại và các cuộc hội đàm theo Dạng thức Normandy có thể góp phần cho mục tiêu này. Và đừng quên. Chiến tranh là sự điên rồ”. (Reuters/AFP)
Lo ngại về tình hình Ukraine, Nhật Bản tăng cường cung cấp khí đốt cho châu Âu
Ngày 9/2, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết, nước này đang cung cấp cho châu Âu một phần lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu do lo ngại các nguồn cung sẽ bị gián đoạn bởi căng thẳng xung quanh khả năng Nga xâm lược Ukraine.
Theo ông Hagiuda, nhiều chuyến hàng khí đốt của các công ty tư nhân Nhật Bản đã cập bến châu Âu, song từ chối cung cấp thông tin chi tiết về số lượng tàu thuyền hoặc khí đốt.
Phát biểu với phóng viên, ông cho hay, sẽ có thêm nhiều tàu chở khí đốt đến châu Âu vào tháng 3, song nguồn cung sẽ phụ thuộc nhiều vào việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước. Ông tuyên bố đã nhận được yêu cầu từ các đại sứ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về việc đáp ứng nhu cầu nhiên liệu ở châu Âu. (Reuters)
Iran
Iran ra mắt tên lửa đạn đạo tầm xa mới
Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran đưa tin, ngày 9/2 nước này đã công bố tên lửa mới có tầm bắn lên tới 1.450km mang tên Kheibarshekan.
Tên lửa đạn đạo tầm xa này đã được giới thiệu trong chuyến thăm của các quan chức quân đội hàng đầu của Iran tới căn cứ tên lửa của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn và có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa với độ chính xác cao. Một điểm nổi bật của vũ khí này là khả năng tấn công mục tiêu với tốc độ cao. Thiết kế tên lửa đã được điều chỉnh với trọng lượng giảm khoảng 1/3 so với các tên lửa cùng loại. Thời gian chuẩn bị phóng đã được rút ngắn xuống còn 1/6 so với tên lửa thông thường.
Vũ khí chiến lược này là tên lửa tầm xa đời thứ ba do các chuyên gia trong nước của Lực lượng Hàng không vũ trụ IRGC thiết kế và sản xuất. (Tasnim)
Australia
Ngoại trưởng Ấn Độ thăm Australia và Philippines
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar sẽ thực hiện chuyến công du kéo dài gần một tuần tới Australia và Philippines từ ngày 10/2, nhằm tiếp thêm động lực cho quan hệ song phương với các đối tác quan trọng của New Delhi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Chuyến thăm Australia từ ngày 10-13/2 sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông Jaishankar tới nước này trên cương vị ngoại trưởng. Trong khi đó, chuyến thăm Philippines từ ngày 13-15/2 diễn ra hơn hai tuần sau khi quốc gia Đông Nam Á ký thỏa thuận trị giá 375 triệu USD mua ba khẩu đội tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos của Ấn Độ.
Thông báo về chuyến công du hai nước trên, Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) cho biết, ông Jaishankar sẽ tham dự hội nghị ngoại trưởng nhóm Bộ tứ lần thứ tư vào ngày 11/2 tại Melbourne cùng với những người đồng cấp Australia, Nhật Bản và Mỹ. Hội nghị này sẽ tiếp nối cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng hồi tháng 2 năm ngoái và trao đổi quan điểm về các vấn đề chiến lược khu vực, dựa trên tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm.
Tuyên bố của MEA nêu rõ: “Các bộ trưởng sẽ đánh giá về sự hợp tác đang diễn ra của nhóm Bộ tứ và thúc đẩy chương trình nghị sự tích cực và mang tính xây dựng đã được các nhà lãnh đạo nhóm công bố tại hai hội nghị thượng đỉnh trong năm 2021, để giải quyết các thách thức đương đại, như đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng, công nghệ quan trọng, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng…”.
Ngoài ra, ông Jaishankar cũng sẽ cùng với người đồng cấp Australia Marise Payne đồng chủ trì cuộc đối thoại khung cấp ngoại trưởng lần thứ 12 vào ngày 12/2, đánh giá tiến triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ-Australia và thảo luận về các vấn đề song phương, đa phương và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Tại Philippines, Ngoại trưởng Jaishankar sẽ hội đàm với người đồng cấp Teodoro L Locsin Jr, đánh giá những phát triển trong quan hệ song phương kể từ cuộc họp của ủy ban chung về hợp tác song phương mà hai quan chức này đồng chủ trì theo hình thức trực tuyến vào tháng 11/2020, cũng như thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. (India Times)
Ngoại trưởng Mỹ thăm Australia
Ngày 9/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Australia để gặp các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và thể hiện cam kết của Washington đối với khu vực, bất chấp việc Mỹ đang tập trung vào Ukraine.
Ngoại trưởng Blinken sẽ tham gia 2 ngày họp của nhóm Bộ tứ, với mục tiêu củng cố quan hệ đối tác với Ấn Độ, Australia và Nhật Bản như một bức tường thành đối trọng sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ thừa nhận khả năng Nga xâm lược Ukraine đã là “tiền đề và trọng tâm” đối với chính phủ Mỹ, ngay cả khi ông đến Melbourne tham gia hội nghị ngoại trưởng Quad lần thứ tư.
Tuy nhiên, ông khẳng định, việc Washington xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước thách thức của Trung Quốc vẫn còn tồn tại, bất chấp sự chuyển hướng mạnh mẽ của các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và hiện là Đông Âu trong những năm gần đây.
Phát biểu với phóng viên trên máy bay, ông Blinken nói: "Thế giới rộng lớn. Lợi ích của chúng tôi là toàn cầu và tất cả các bạn đều biết rất rõ trọng tâm mà chúng tôi đặt vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi luôn tập trung vào trọng tâm này và đó là lý do tại sao chúng tôi hướng đến Australia”. (AFP/Reuters)