Tin thế giới 9/11: Châu Âu đón tin vui giữa cơn đói khí đốt; Nga báo động tình hình Ba Lan-Belarus; Warsaw tính đường cầu viện NATO

Hoàng Hà| 09/11/2021 20:22

Khủng hoảng năng lượng châu Âu, vấn đề di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus, quan hệ Mỹ-Romania, quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên, tình hình Afghanistan, Nga-Trung Quốc, Syria,... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tin thế giới 9/11: Châu Âu đón tin vui giữa cơn đói khí; Nga báo động tình hình Ba Lan-Belarus; Warsaw tính đường cầu viện NATO
Ba Lan phải tăng cường lực lượng quân đội ở biên giới với Belarus để ngăn chặn dòng người di cư xâm nhập trái phép. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Gazprom mang tin vui tới châu Âu giữa "cơn đói khí đốt"

Ngày 9/11, Tập đoàn Năng lượng độc quyền Nga Gazprom thông báo đã phê duyệt và bắt đầu thực hiện kế hoạch bơm khí đốt vào 5 cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của công ty này ở châu Âu.

Theo thông báo, công ty đã xác định khối lượng và tuyến đường vận chuyển khí đốt sang 5 cơ sở lưu trữ này.

Động thái trên được thực hiện sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin giao nhiệm vụ cho Gazprom tăng cường cung cấp khí đốt cho các cơ sở lưu trữ ngầm ở châu Âu của tập đoàn.

Trong khi đó, nguồn cung cấp khí đốt trực tiếp qua đường ống Yamal-Europe đến Đức cũng đã được nối lại vào cuối ngày 8/11. Vì vậy, vào sáng 9/11, khối lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống đã tăng lên gấp đôi.

Ngoài ra, khối lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine đến Slovakia trong ngày 9/11 cũng tăng lên khoảng 54%, ở mức gần 88 triệu m3.

Theo dữ liệu trên sàn ICE, giá khí đốt tại châu Âu đã giảm 4,5% trong phiên mở cửa ngày 9/11. Giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 12 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã giảm xuống dưới 900 USD/1.000m3 xuống còn 899,6 USD/1.000m3. (TASS)

Romania tính mời Mỹ sang đối phó Nga

Ngày 8/11, trước thềm cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Anthony Blinken, Ngoại trưởng Romania Bogdan Aurescu cho biết, hai nước sẽ thảo luận về việc gia tăng sự hiện diện của Washington tại quốc gia châu Âu này thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong một thông cáo đưa ra sau cuộc gặp tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, "hai bên đã nêu bật tầm quan trọng của đối tác chiến lược Mỹ-Romania trong việc củng cố quan hệ quốc phòng, năng lượng, cũng như giải quyết những mối đe dọa và thách thức chung".

Theo bộ trên, Ngoại trưởng Mỹ ca ngợi Romania là đồng minh vững vàng của NATO và hai bên nhất trí hợp tác trong các vấn đề an ninh Biển Đen và hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine cũng như với các quốc gia khác bên sườn phía Đông của NATO".

Theo thông cáo: "Hai nhà ngoại giao tái khẳng định mong muốn tăng cường an ninh năng lượng ở châu Âu. Bucharest cam kết đưa một lò phản ứng dạng module nhỏ do Mỹ xây dựng tới Romania". (TASS)

Nga báo động căng thẳng Ba Lan-Belarus

Ngày 9/11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) "tránh các tiêu chuẩn kép mà phải sử dụng cách tiếp cận chung trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Belarus với Ba Lan và Lithuania".

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga: “Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ chính sách mà chính các nước thành viên NATO và EU theo đuổi ở Trung Đông và Bắc Phi trong nhiều năm, cố gắng áp đặt những tư tưởng về nền dân chủ và ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ", vì vậy, "tạo ra dòng người tị nạn chưa từng có".

Cho rằng khi thực hiện bất kỳ bước đi nào, NATO và EU "cần phải nhớ tất cả bắt nguồn từ đâu và ai là người phải chịu trách nhiệm về việc này", ông Lavrov nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng di cư phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Điện Kremlin bày tỏ quan ngại về tình hình biên giới Ba Lan-Belarus, đồng thời khẳng định, "tình hình chắc chắn là căng thẳng và đáng báo động, đòi hỏi tất cả bên liên quan phải hành động một cách rất có trách nhiệm".

Quan chức Điện Kremlin cho hay, Nga đang theo dõi sát sao sự việc. (TASS)

Khủng hoảng di cư: Ba Lan tính "cầu viện NATO"

Ngày 9/11, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski cho hay, tình trạng di cư ở biên giới nước này với Belarus có thể trở nên trầm trọng hơn đến mức Warsaw có thể phải yêu cầu NATO giúp đỡ.

Theo ông Jablonski, Ba Lan thường xuyên liên lạc với NATO và đã trao đổi thông tin về tình hình trên thực địa trong những tuần qua, đồng thời cho biết: "Trong trường hợp cần thiết, nếu sự việc tiếp tục leo thang, chúng tôi không loại trừ việc sử dụng sự trợ giúp".

Trong khi đó, cùng ngày, trên Twitter cá nhân, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông đã thảo luận với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda về diễn biến tại khu vực biên giới của nước này với Belarus.

Nhà lãnh đạo NATO cho hay: "Việc Belarus lợi dụng người di cư như một chiến thuật hỗn hợp là không thể chấp nhận được. Chúng tôi luôn đoàn kết với Ba Lan và tất cả các đồng minh trong khu vực".

Phái đoàn thường trực Ba Lan tại NATO cũng cho biết: "NATO đang theo dõi sát sao. Ba Lan luôn thông báo tình hình cho các đồng minh và đối tác". (TASS, Sputnik)

Triều Tiên-Trung Quốc khởi động lại giao thương đường sắt, Mỹ nhắn gửi đôi lời

Ngày 8/11, đài KBS (Hàn Quốc) công bố một đoạn video cho thấy hình ảnh một đoàn tàu hỏa của Triều Tiên chạy qua cây cầu sắt trên sông Áp Lục ở biên giới Trung-Triều vào khoảng 17h cùng ngày.

Đây là chuyến tàu đầu tiên kể từ khi hai nước ngừng hoạt động giao thương đường sắt vì đại dịch Covid-19 vào tháng 10/2020.

Hiện tại chưa có tin xác nhận đây có phải là việc chạy thử nghiệm trước khi chính thức nối lại tuyến hay không, song các nguồn tin từ Triều Tiên khẳng định, việc nối lại tuyến đường sắt thương mại Trung-Triều sắp diễn ra.

Trong một diễn biến khác liên quan tình hình bán đảo Triều Tiên, ngày 9/11, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố, Trung Quốc có khả năng giúp hướng Triều Tiên tới một giải pháp ngoại giao cho căng thẳng hạt nhân bởi Bắc Kinh "có tầm ảnh hưởng tại Bình Nhưỡng".

Ông Kirby cho rằng, cách để Trung Quốc làm việc này sẽ là thực thi chính xác các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: "Họ có ảnh hưởng và nên sử dụng ảnh hưởng đó để giúp hướng Triều Tiên tới một giải pháp ngoại giao cho vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo, cũng nhằm trong lợi ích của Trung Quốc". (KBS, Yonhap)

Ấn Độ tổ chức đối thoại khu vực về Afghanistan, Trung Quốc từ chối dự

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, nước này sẽ tổ chức Đối thoại An ninh Khu vực Delhi về Afghanistan vào ngày 10/11 tới do Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval chủ trì.

Theo các nguồn tin tại New Delhi, Cố vấn An ninh Quốc gia hoặc Thư ký của Hội đồng An ninh đại diện cho các nước Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đều sẽ tham dự sự kiện.

Đối thoại cấp cao sẽ xem xét tình hình an ninh trong khu vực phát sinh từ những diễn biến gần đây ở Afghanistan. Cuộc gặp cân nhắc các biện pháp để giải quyết thách thức an ninh liên quan và hỗ trợ người dân Afghanistan trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định.

Tuy nhiên, báo Indian Express dẫn các nguồn tin cho hay, sau khi Pakistan từ chối vào tuần trước, hôm nay, đến lượt Trung Quốc viện dẫn "các vấn đề về lịch trình" để thông báo sẽ không tham dự Đối thoại an ninh khu vực về Afghanistan.

Mặc dù từ chối tham dự, Trung Quốc khẳng định sẵn sàng duy trì liên lạc và thảo luận thông qua các kênh ngoại giao song phương.

Một số tin quốc tế nổi bật khác trong ngày:

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam phóng thành công vào không gian: Vào lúc 7h55 sáng nay, tên lửa Epsilon số 5 được điểm hỏa, rời bệ phóng, đưa 9 vệ tinh, trong đó có vệ tinh NanoDragon của Việt Nam bay vào vũ trụ theo đúng quỹ đạo.

Nga-Trung Quốc bắt tay sản xuất trực thăng hạng nặng: Ngày 8/11, trong cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin, Tổng giám đốc Tổng Công ty Trực thăng Nga Andrei Boginsky cho biết, công ty này và công ty Trung Quốc Avicopter đã ký hợp đồng cùng chế tạo máy bay trực thăng hạng nặng. (TASS)

Phớt lờ lời Nga-Ukraine, Lầu Năm Góc tuyên bố tiếp tục làm điều này: Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết, Lầu Năm Góc tiếp tục theo dõi sát "hoạt động di chuyển đáng lo ngại của quân đội Nga gần Ukraine". (Sputnik)

Belarus thẳng thừng từ chối bán điện cho Ukraine: Tối 8/11, trang mạng Strana Today của Ukraine dẫn một tài liệu cho biết, Belarus đã từ chối bán điện cho Kiev. (The News Glory)

Israel nã tên lửa vào Syria, điều chiến cơ diệt ngầm mua từ Mỹ, tính kế phá khóa căn cứ Nga: Đêm 8/11, Israel phát động chiến dịch không kích vào hai tỉnh Tartus và Homs của Syria, tuy nhiên, quốc gia Arab đã kích hoạt hệ thống phòng không nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công này. (Sputnik)

Mỹ vội trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran vì Trung Quốc? Ông Vahid Jalalzadeh, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại thuộc Quốc hội Iran, cho rằng: "Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định quay trở lại bàn đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran dựa trên 3 lý do chính:

Thứ nhất, là việc Trung Quốc và Iran ký kết thỏa thuận chiến lược 25 năm; thứ hai là sự thất bại trong các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran; và thứ ba là việc phê chuẩn luật dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt”. (Sputnik)

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-911-chau-au-don-tin-vui-giua-con-doi-khi-dot-nga-bao-dong-tinh-hinh-ba-lan-belarus-warsaw-tinh-duong-cau-vien-nato-164395.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-911-chau-au-don-tin-vui-giua-con-doi-khi-dot-nga-bao-dong-tinh-hinh-ba-lan-belarus-warsaw-tinh-duong-cau-vien-nato-164395.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 9/11: Châu Âu đón tin vui giữa cơn đói khí đốt; Nga báo động tình hình Ba Lan-Belarus; Warsaw tính đường cầu viện NATO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO