Vòng đàm phán thứ 3 giữa Nga-Ukraine vào tối 7/3 không đạt được kỳ vọng. (Nguồn: TASS) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Xung đột Nga-Ukraine
* Vòng đàm phán thứ ba Nga-Ukraine, được tổ chức tại Belarus vào tối 7/3, đã không mang lại kết quả như mong đợi.
Trưởng đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky nói rằng, những kỳ vọng trong đàm phán đã không thành hiện thực, trong khi cố vấn văn phòng tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak thừa nhận rằng, không có kết quả nào có thể cải thiện đáng kể tình hình.
Cả hai bên đồng ý tiếp tục tổ chức cuộc đàm phán tiếp theo trong thời gian sớm nhất. (TASS)
* Ukraine có thể nhượng bộ trong vấn đề Crimea và Donbass: Ngày 8/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố có khả năng sẽ tiến hành thảo luận về việc công nhận Crimea là một phần của Nga và nền độc lập của các nước cộng hòa tự xưng tại khu vực Donbass.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC News, ông Zelensky nói: "Tôi nghĩ rằng đối với các vấn đề liên quan những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và các nước cộng hòa chưa được công nhận bởi bất kỳ ai ngoài Nga, chúng ta có thể thảo luận và tìm ra thỏa hiệp về cách các vùng lãnh thổ này sẽ phát triển".
Theo ông Zelensky, điều quan trọng những người dân ở các vùng lãnh thổ đó sẽ tiếp tục sinh sống như thế nào. (Sputnik)
* Tổng thống Zelensky cáo buộc phương Tây gây ra thương vong ở Ukraine, bởi các nước này từ chối việc mở cửa không phận và điều máy bay tới hỗ trợ.
Trong một bài phát biểu, ông Zelensky cho rằng, trong vòng 13 ngày qua, Ukraine chỉ nghe "những lời hứa" từ phương Tây rằng họ sẽ điều máy bay tới hỗ trợ trên không.
Nhà lãnh đạo Ukraine nêu rõ: "Trách nhiệm cho hành động này thuộc về những người đã không thể đưa ra quyết định trong 13 ngày qua, một nơi nào đó ở phương Tây, một nơi nào đó trong các văn phòng". (Sputnik)
* Tàu khu trục tên lửa của Hải quân Mỹ tiến vào biển Baltic: Theo Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga, các tàu khu trục Donald Cook và Forrest Sherman mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ đã tiến vào vùng biển Baltic.
Nguồn tin cho hay: "Lực lượng và phương tiện của Hạm đội Baltic đã bắt đầu theo dõi hành động của các tàu khu trục Hải quân Mỹ". (Sputnik)
* EU đề nghị Trung Quốc thiết lập hành lang nhân đạo cho người tị nạn Ukraine: Ngày 7/3, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Đây là cuộc hội kiến thứ hai giữa hai bên kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, trong đó, ông Borrell yêu cầu Ngoại trưởng Vương Nghị hỗ trợ thiết lập các hành lang nhân đạo để cho phép di tản dân thường. (Teletrader)
* Trung Quốc tố Mỹ góp phần vào khủng hoảng Nga-Ukraine: Ngày 8/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, chính sách của Mỹ liên quan việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang hướng Đông đóng vai trò quan trọng làm bùng nổ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trả lời họp báo, ông Triệu nêu rõ: "Mỹ đã ném một khúc gỗ khổng lồ vào ngọn lửa của cuộc khủng hoảng Ukraine khi theo đuổi chính sách mở rộng NATO về hướng Đông". (Sputnik)
* Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh, sự thất bại của thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine không chỉ dẫn đến leo thang xung đột vũ trang mà còn có khả năng làm tăng con số thương vong và một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine.
Ông kêu gọi tất cả các bên cùng nhau ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất trong thế kỷ này. (Twitter)
* Ngân hàng thế giới (WB) phê duyệt gói hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraine trị giá 489 triệu USD, bao gồm số tiền cho vay thêm 350 triệu USD và các khoản bảo lãnh trị giá 139 triệu USD, sẽ giải ngân ngay lập tức.
Khoản hỗ trợ này sẽ giúp chính phủ Ukraine cung cấp các dịch vụ quan trọng cho người dân, trong đó có tiền lương cho nhân viên bệnh viện, lương hưu cho người già và các chương trình xã hội cho những người dễ bị tổn thương.
WB cho biết, tổ chức tài chính này "cũng đang huy động khoản tài trợ không hoàn lại 134 triệu USD và khoản tài trợ song song 100 triệu USD, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên 723 triệu USD". (AFP)
* Anh cam kết thêm 175 triệu Bảng hỗ trợ Ukraine: Ngày 7/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố cam kết viện trợ thêm 175 triệu Bảng (230,28 triệu USD) cho Ukraine để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một gia tăng, trong đó 100 triệu Bảng sẽ được cung cấp trực tiếp cho chính phủ Ukraine.
Khoản viện trợ bổ sung này nâng viện trợ của Anh cho Ukraine lên mức 400 triệu Bảng. (Reuters)
* EU chính thức xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine, Gruzia và Moldova: Ngày 7/3, Pháp - hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU - cho hay, khối này đã khởi động thủ tục xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine, Gruzia và Moldova.
Ủy ban châu Âu (EC) sẽ phải đưa ra ý kiến chính thức và sau đó, 27 quốc gia thành viên sẽ quyết định xem có cấp tư cách ứng viên cho những người nộp đơn hay không, trước các cuộc đàm phán kéo dài và phức tạp. EC đã mất hai năm để đưa ra ý kiến sau khi Romania nộp đơn xin gia nhập. (AFP)
Bán đảo Triều Tiên:
* Quân đội Hàn Quốc nổ súng cảnh cáo tàu tuần tra Triều Tiên vi phạm biên giới trên biển liên Triều vào ngày 8/3.
Theo quân đội Hàn Quốc, tàu tuần tra của Triều Tiên xâm phạm biên giới trên biển khi đang đuổi theo một tàu đánh cá của nước này, song sau đó đã rút lui.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết, nước này cũng đã liên lạc với phía Triều Tiên sau vụ việc. (Yonhap)
* Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên tôn trọng các thỏa thuận phi hạt nhân hóa đã đạt được với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh có thông tin cho rằng, chính quyền Bình Nhưỡng đang tiếp tục các hoạt động tại khu liên hợp hạt nhân Yongbyon chính của nước này.
Ngày 8/3, phát biểu với các phóng viên, một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc trên cho hay: "Chính phủ Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ với các quốc gia và cơ quan liên quan, chẳng hạn như Mỹ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đang tiếp tục giám sát các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên".
Hôm 7/3, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết, nhóm giám sát của cơ quan này đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy có các hoạt động tại lò phản ứng 5 megawatt ở khu phức hợp phía Bắc Bình Nhưỡng và gọi động thái này là "vô cùng đáng tiếc". (Yonhap)
* Nga hiểu lý do Triều Tiên phóng tên lửa thường xuyên, cho rằng,khi Bình Nhưỡng tạm dừng các vụ thử tên lửa trước đó, đã có sự tăng cường hợp tác quân sự giữa Seoul và Washington. (Reuters)
* HĐBA LHQ họp kín về vấn đề Triều Tiên vào tối 7/3. Đây là cuộc họp thứ hai của HĐBA trong khoảng một tuần qua liên quan vụ vụ phóng vật thể gần đây của Triều Tiên.
Tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đọc một tuyên bố chung của 11 quốc gia - trong đó bao gồm cả những nước không thuộc HĐBA như Nhật Bản và Australia, chỉ trích vụ phóng của Triều Tiên, cho rằng Bình Nhưỡng đã "phóng tên lửa đạn đạo".
Bà nêu rõ, giống như các vụ phóng khác kể từ đầu năm nay, "hành động này của Triều Tiên đã vi phạm nhiều nghị quyết của HĐBA".
Đại sứ Mỹ khẳng định, Washington "sẵn sàng hợp tác và xác định một cách tiếp cận hợp lý, được tất cả các thành viên trong hội đồng chấp thuận" nhằm giải quyết chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên. (Reuters)
Tình hình Venezuela:
* Mỹ-Venezuela đàm phán: Phái đoàn cấp cao của chính phủ Mỹ do ông Juan Gonzalez - Cố vấn về các vấn đề Mỹ Latinh của Tổng thống Joe Biden - dẫn đầu tới Caracas hôm 5/3 và ngay sau đó đã có cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Nicolas Maduro.
Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Venezuela sau nhiều năm khủng hoảng quan hệ song phương.
Ngày 7/3, Tổng thống Maduro cho biết, cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí thân thiện, tôn trọng lẫn nhau và hết sức ngoại giao, và hai bên đã nhất trí về một chương trình làm việc trong tương lai liên quan tới các nội dung cùng quan tâm.
Tổng thống Maduro khẳng định phía Venezuela luôn sẵn sàng thúc đẩy một chương trình làm việc giữa hai bên trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau vì sự thịnh vượng và hòa bình. (Reuters)
* Tổng thống Venezuela tuyên bố nối lại đàm phán với phe đối lập, vốn bị tạm dừng cách đây 5 tháng sau vụ dẫn độ một đồng minh của tổng thống.
Ông Maduro kêu gọi tiến hành một "cuộc đối thoại bao trùm hơn, toàn diện hơn, sâu rộng hơn... để đáp ứng mọi lĩnh vực, vì hòa bình và sự phục hồi của Venezuela". (AFP)
Tình hình Iran
* Iran phóng thành công vệ tinh quân sự thứ 2: Ngày 8/3, hãng tin bán chính thức Tasnim đưa tin, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng thành công vệ tinh quân sự thứ 2 mang tên Noor 2 (Ánh sáng 2) vào quỹ đạo, đánh dấu bước tiến quan trọng của quân đội Iran.
Vệ tinh Noor 2 được phóng lên bằng tên lửa đẩy 3 tầng Qased từ sân bay vũ trụ Shahroud và đã đi vào quỹ đạo ở độ cao 500 km.
Trước đó, hồi tháng 4/2020, vệ tinh quân sự thứ nhất mang tên Noor 1 đã được Iran phóng lên quỹ đạo ở độ cao 425 km, cũng bằng tên lửa đẩy Qased. Đây là tên lửa sử dụng hỗn hợp nhiên liệu lỏng và rắn.
* Iran thúc đẩy sáng kiến hồi sinh thỏa thuận hạt nhân 2015: Ngày 7/3, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao của Iran Ali Shamkhani kêu gọi tất cả các bên tham gia tiến trình đàm phán hạt nhân tại thủ đô Vienna của Áo đưa ra các "sáng kiến" nhằm đẩy nhanh việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân.
Theo ông, triển vọng về một thỏa thuận trong các cuộc đàm phán tại Vienna vẫn chưa rõ ràng do Washington "chậm trễ trong việc đưa ra quyết định chính trị".
Ông Shamkhani nói thêm, ưu tiên của các nhà đàm phán Iran là giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, vốn được coi là đã vượt qua "lằn ranh đỏ" của Tehran. Ông cũng lưu ý: "Việc nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận mạnh mẽ đòi hỏi các sáng kiến mới từ tất cả các bên".