Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thượng đỉnh trực tuyến với người đồng cấp Mỹ Joe Biden ngày 7/12. (Nguồn: AFP) |
Nga
Tổng thống Nga gửi điện mừng Năm mới tới đồng cấp Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ
Điện Kremlin cho biết ngày 30/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện mừng Giáng sinh và Năm mới tới người đồng cấp Mỹ Joe Biden, cho rằng 2 nước có thể và nên tương tác một cách xây dựng, cùng nỗ lực chống lại các mối đe dọa.
Trong điện mừng, ông nêu rõ Nga và Mỹ gánh trách nhiệm cụ thể về an ninh khu vực và quốc tế nên 2 nước có thể và cần tương tác một cách xây dựng, cùng nỗ lực chống lại nhiều thách thức và mối đe dọa mà nhân loại phải đối mặt. Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng cả hai nước sẽ có thể tiến xa hơn và tổ chức đối thoại dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và tôn trọng lợi ích của nhau.
Ông Putin cũng gửi điện mừng Năm mới người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhấn mạnh quan hệ Ankara-Moscow đã cải thiện thời gian gần đây. Thông báo của Điện Kremlin nêu rõ: “Trong điện mừng năm mới 2022 gửi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Putin hài lòng lưu ý rằng, bất chấp những khó khăn liên quan đại dịch Covid-19, gần đây đã có nhiều việc được thực hiện để phát triển mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, kinh tế và quân sự”.
Tổng thống Nga cũng gửi điện mừng năm mới tới lãnh đạo các nước Trung Á, Moldova, Armenia, Azerbaijan và Belarus. (Sputnik)
Xác nhận thời gian họp với Mỹ, NATO, OSCE, Nga tố EU leo thang căng thẳng
Ngày 30/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow xác nhận rằng cuộc họp Hội đồng Nga-Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra vào ngày 12/1/2022 và sau đó là cuộc tham vấn giữa Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào ngày 13/1/2022.
Phát biểu họp báo, bà Zakharova nói: “Việc thảo luận về dự thảo văn kiện pháp lý quốc tế về đảm bảo an ninh do chúng tôi đề xuất sẽ diễn ra trong khuôn khổ đối thoại cấp cao Nga-Mỹ tại Geneva vào ngày 10/1/2022, và sau đó - tại cuộc họp Hội đồng Nga- NATO vào ngày 12/1/2022 ở Brussels và cuộc họp của Hội đồng thường trực OSCE vào ngày 13/1/2022 tại Vienna”.
Liên quan cuộc thảo luận Nga-Mỹ, bà nêu rõ: “Vào ngày 10/1/2022, cuộc thượng lượng này được lên kế hoạch tổ chức tại Geneva theo thể thức phái đoàn liên bộ của Nga và Mỹ. Phái đoàn Nga sẽ do Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov dẫn đầu, phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman dẫn đầu”.
Bà nhấn mạnh, Moscow sẽ tìm sự đảm bảo “chắc chắn” cho chính mình.
Về Liên minh châu Âu (EU), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng chính khối này đã khiến căng thẳng leo thang ở châu Âu, bao gồm việc tạo ra định dạng Quan hệ đối tác phương Đông: “EU đã tự tay làm rất nhiều việc khiến leo thang căng thẳng ở châu Âu. Năm 2009, khối này đã đưa ra định dạng Quan hệ đối tác phương Đông nhằm chống lại các sáng kiến hội nhập của Nga và nói chung, tạo ra phạm vi ảnh hưởng cho mình trong không gian hậu Xô Viết”. Theo bà, EU cho thấy sự bất nhất khi có nhiều tuyên bố khác nhau về cùng một đề xuất của Nga. (Sputnik)
Nga, Palestine kêu gọi nối lại đối thoại Bộ tứ Trung Đông
Điện đàm ngày 30/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã nhấn mạnh cần sớm nối lại cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Israel và Palestine dưới sự bảo trợ của nhóm Bộ tứ về Trung Đông.
Điện Kremlin nêu rõ: “Để tiếp tục cuộc thảo luận trong khuôn khổ cuộc gặp tại Sochi ngày 23/11, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về hợp tác song phương và vấn đề giải pháp ở Trung Đông. Đặc biệt, cả hai bên nhắc lại sự cần thiết phải sớm nối lại cuộc đàm phán mang tính xây dựng giữa Palestine và Israel dưới sự bảo trợ của nhóm Bộ tứ nhà hòa giải quốc tế”. (Sputnik)
Trung Quốc
“Chia rẽ về nhận thức” trong chính sách Trung Quốc của châu Âu
Đây là nhận định được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra trong cuộc phỏng vấn ngày 30/12 với truyền thông nhà nước. Ông nhấn mạnh: “Dường như có một sự ‘chia rẽ về nhận thức’ trong chính sách Trung Quốc của Châu Âu. Thật khó để tưởng tượng rằng, một mặt, châu Âu thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và mặt khác, châu Âu định vị Trung Quốc là một đối thủ”. Cản trở hiệp định đầu tư song phương “cuối cùng sẽ làm tổn hại đến lợi ích lâu dài của người dân châu Âu”.
Năm 2021, mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU đã trở xấu sau khi thỏa thuận đầu tư song phương bị đóng băng, trong bối cảnh hai bên trừng phạt lẫn nhau, Litva đã rút các nhà ngoại giao khỏi Bắc Kinh và tăng cường quan hệ Đài Loan (Trung Quốc). Trong năm nay, Nghị viện châu Âu cũng tạm dừng phê chuẩn một hiệp định đầu tư với Trung Quốc cho đến khi nước này dỡ bỏ trừng phạt đối với các chính trị gia EU.
Song ở thời điểm hiện tại, EU được cho là đã và đang có lập trường mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất, dù khối vẫn bày tỏ quan ngại về hồ sơ nhân quyền và các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông, Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan. Trong tháng này, quan chức EU và Mỹ cho biết cách tiếp cận của họ đối với Trung Quốc ngày càng “trở nên tương đồng”. (AFP)
Đại sứ Trung Quốc kêu gọi hợp tác sâu rộng với Nga để kiềm chế phương Tây
Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy cho rằng Bắc Kinh và Moscow cần hợp tác chiến lược sâu rộng hơn để chống sức ép từ Washington và phương Tây. Ông nói: “Mỹ, cùng các đồng minh phương Tây, đang gây sức ép lên Trung Quốc và Nga trên mọi mặt trận - trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, nhân đạo, an ninh, khoa học và công nghệ, thực hiện quyền tài phán ngoại trị và tùy tiện áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc và Nga”.
Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy nhấn mạnh Bắc Kinh và Moscow nên tiếp tục hợp tác chiến lược “chống lưng”, tăng cường phối hợp thiết thực trong các lĩnh vực khác nhau. Chỉ khi Trung-Nga tương tác tích cực thì mới có thể phản ứng một cách hiệu quả trước các hành động của phương Tây và Washington.
Ông cũng lưu ý, ngoài thương mại và kinh tế, Trung-Nga cần thúc đẩy hợp tác về đầu tư, nông nghiệp, kinh tế kỹ thuật số và các lĩnh vực khác. Theo ông, cuộc gặp sắp tới giữa lãnh đạo hai nước tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh sẽ giúp ngăn chặn những nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm chính trị hóa sự kiện này. (Sputnik)
Afghanistan
Lãnh đạo tối cao Taliban ra lệnh không trừng phạt thành viên chính quyền cũ
Lãnh đạo tối của Taliban Mullah Hibatullah Akhundzada đã ra lệnh cho các tay súng của lực lượng này không được trừng phạt các thành viên của chính quyền Afghanistan cũ vì “những tội lỗi” trong quá khứ. Mệnh lệnh này được đưa ra vài ngày sau một video phát trực tiếp hình ảnh một chỉ huy quân đội đang bị đánh đập lan truyền trên mạng xã hội.
Lãnh đạo Taliban, người chưa từng lộ diện công khai trong nhiều năm, nhấn mạnh rằng cần tôn trọng lệnh tổng ân xá được thông báo sau khi phong trào Hồi giáo này lên nắm quyền hồi tháng 8.
Đăng tải mệnh lệnh này trên Twitter, người phát ngôn của Taliban Mohammad Naeem cũng hối thúc giới chức ngăn chặn người dân rời khỏi quê hương, cho rằng họ không được tôn trọng khi ở nước ngoài. (AFP)
Triều Tiên
Quan chức cấp cao Triều Tiên thảo luận định hướng chính sách lớn năm 2022
Phiên họp toàn thể thứ tư của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII đảng Lao động Triều Tiên đã bước sang ngày làm việc thứ ba vào ngày 29/12 với việc đảng Lao động đã tổ chức các phiên thảo luận cấp cao về các định hướng chính sách quan trọng năm 2022. Các đại biểu tổ chức thảo luận theo “từng nhóm vấn đề” để vạch ra các kế hoạch tiếp theo trên cơ sở định hướng chính sách “đấu tranh” do nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đề ra. Đáng chú ý, ngày làm việc thứ ba có sự tham gia của các quan chức cấp cao phụ trách quan hệ liên Triều và các vấn đề đối ngoại.
Mặc dù hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) không cung cấp thêm thông tin chi tiết, tuy nhiên, các bức ảnh do hãng này công bố cho thấy ông Kim Yong-chol, người đứng đầu Mặt trận Thống nhất Triều Tiên chủ trì phiên thảo luận ngày 29/12 và bên cạnh ông này là Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Son-gwon. Theo đó, quan hệ liên Triều và đàm phán hạt nhân có thể nằm trong chương trình nghị sự.
Một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết: “Đây là lần đầu tiên, một ủy ban độc lập về quan hệ với Hàn Quốc hoặc các vấn đề đối ngoại được phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên xác nhận tại một sự kiện quan trọng của đảng”.
Ông Pak Jong-chon, một quan chức quân sự hàng đầu của Triều Tiên, cũng chủ trì một phiên thảo luận và rất có thể chủ đề thảo luận là về các kế hoạch phát triển vũ khí và chiến lược quốc phòng của Triều Tiên.
Trong ngày làm việc thứ ba, các đại biểu cũng thảo luận về ngân sách quốc gia năm 2022. KCNA cho biết: “Nhóm tư vấn về ngân sách nhà nước đã thảo luận nội dung thứ hai trong chương trình nghị sự: Kết quả triển khai ngân sách nhà nước năm 2021 và dự thảo ngân sách nhà nước năm 2022”. Dự thảo ngân sách Triều Tiên dự kiến sẽ được Hội đồng tối cao - cơ quan lập pháp của Triều Tiên thông qua tháng 2 tới.
Các quan chức cũng tiếp tục thảo luận “Chiến lược phát triển nông thôn mới” và “Định hướng công tác của đảng và nhà nước năm 2022” do nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra các phiên họp trước. Chiến lược trung và dài hạn về phát triển nông thôn mới được coi là định hướng quan trọng để phát triển “nông thôn xã hội chủ nghĩa”, trong bối cảnh Triều Tiên nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu lương thực và khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt và đóng cửa biên giới để phòng dịch Covid-19.
Theo truyền thông Hàn Quốc, nội dung và kết quả các phiên có thể được công bố trong nghị quyết dự kiến được đưa ra cuối phiên họp toàn thể lần này. Tuy nhiên, hiện chưa rõ sự kiện chính trị quan trọng này của Triều Tiên sẽ diễn ra trong bao lâu, khi mà các phiên họp toàn thể trước đây được tổ chức trong thời gian từ 1-4 ngày.
Phiên họp toàn thể lần này của Triều Tiên thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng quốc tế, vì đây là sự kiện chính trị quyết định các bước đi tiếp theo của Triều Tiên trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ tiếp tục bế tắc. Sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019, Triều Tiên không phản hồi trước các tuyên bố của Mỹ về đàm phán hạt nhân, trong khi yêu cầu Washington trước hết phải từ bỏ “tiêu chuẩn kép” và “chính sách thù địch” được Bình Nhưỡng cho là chống lại chế độ của mình.
Phiên họp toàn thể thứ tư của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII đảng Lao động Triều Tiên cũng diễn ra vào dịp kỷ niệm 10 năm cầm quyền của ông Kim Jong-un, vốn chính thức nắm quyền ngày 30/12/2011 trên cương vị “Chỉ huy tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên”, 13 ngày sau khi cha ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời.
Ngày 30/12, Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đã đăng bài xã luận ca ngợi công lao của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong việc phát triển quân đội Triều Tiên trở thành “quân đội mạnh nhất thế giới”, đồng thời kêu gọi tăng cường hơn nữa tiềm lực quốc phòng đất nước. (Yonhap)