Tổng thư ký LHQ có chuyến thăm tới Ukraine đúng thời điểm Nga tiến hành tấn công vào các mục tiêu ở thủ đô Kiev. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Nga phá hủy nhà máy sản xuất tên lửa và tàu vũ trụ ở Kiev: Ngày 29/4, Thiếu tướng Igor Konashenkov - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga - tuyên bố, lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy nhà máy sản xuất tên lửa và tàu vũ trụ Artem ở thủ đô Kiev của Ukraine bằng tên lửa tầm xa có độ chính xác cao.
Theo phía Ukraine, cuộc tấn công của Nga diễn ra giữa lúc Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang ở thăm Kiev, ngay sau chuyến làm việc của ông ở Moscow.
Ngoài ra, quân đội Nga cũng tấn công 3 trạm biến áp điện ở khu vực các điểm giao cắt đường sắt tại các thành phố Fastiv, Krasnosilka và Polonne bằng tên lửa hành trình Kalibr có độ chính xác cao. (Reuters, Sputnik)
* Trung Quốc tố Mỹ thổi bùng ngọn lửa ở Ukraine: Ngày 29/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, mục tiêu của Mỹ là kéo dài xung đột ở Ukraine càng nhiều càng tốt để làm suy yếu Nga.
Quan chức ngoại giao nói: "Trong khi châu Âu và quốc tế đang kêu gọi chấm dứt chiến tranh, Mỹ vẫn tiếp tục thổi bùng ngọn lửa và sẵn sàng chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng", viện dẫn việc Washington tiếp tục cung cấp cho Ukraine tiền bạc và vũ khí. (TASS)
* Mỹ thúc đẩy gói viện trợ khổng lồ cho Ukraine: Ngày 28/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký yêu cầu gửi tới Quốc hội về việc viện trợ an ninh, tài chính và nhân đạo nhằm hỗ trợ Ukraine với trị giá 33 tỷ USD.
Theo ông Biden, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine cho tới khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga kết thúc. (Reuters)
* Indonesia xác nhận mời lãnh đạo Nga, Ukraine dự Thượng đỉnh G20: Hãng tin AFP ngày 29/4 dẫn lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, ông đã mời hai người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Trước đó, Tổng thống Zelensky nói rằng ông đã được người đồng cấp Indonesia - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 - mời tham dự Thượng đỉnh của nhóm. Nga là thành viên G20, song, Ukraine không thuộc nhóm này.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đang chuẩn bị cho Thượng đỉnh G20 năm nay, song vẫn chưa quyết định liệu Tổng thống Vladimir Putin sẽ tham dự trực tiếp hay trực tuyến. (AFP, Reuters)
* NATO tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong nhiều năm: Ngày 28/4, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, liên minh quân sự này sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong nhiều năm trong cuộc chiến với Nga.
Phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Brussels (Bỉ), ông Stoltenberg nêu rõ: "Chúng ta cần chuẩn bị cho dài hạn... Hoàn toàn có khả năng cuộc chiến này sẽ kéo dài, nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm".
Bên cạnh đó, ông khẳng định các đồng minh NATO sẵn sàng giúp Ukraine chuyển sang sử dụng các vũ khí theo tiêu chuẩn của liên minh quân sự. (Reuters)
*Ukraine không công nhận các cuộc trưng cầu dân ý tại các vùng lãnh thổ không do Kiev kiểm soát, theo lời của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Theo ông, các cuộc trưng cầu dân ý sẽ làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán Nga-Ukraine. (TASS)
* Nga không thấy cần thiết đàm phán về tình hình tại Azovstal: Ngày 28/4, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho hay, Điện Kremlin không thấy có chủ đề cho các cuộc đàm phán về tình hình liên quan nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, Đông Nam Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, Kiev sẵn sàng cho các cuộc đàm phán ngay lập tức về việc sơ tán dân thường khỏi Azovstal.
* LHQ nỗ lực cứu người dân mắc kẹt tại nhà máy thép ở Ukraine: Ngày 28/4, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Zelensky tại thủ đô Kiev, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố, tổ chức này đang nỗ lực hết mình để đưa được những người dân mắc kẹt ra khỏi nhà máy thép tại Azovstal.
Ông Guterres cũng khẳng định sẽ không đưa ra thêm bất kỳ bình luận gì có thể làm ảnh hưởng tới những nỗ lực đó.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng thừa nhận Hội đồng Bảo an đã thất bại, không cản được và cũng không chấm dứt được cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Ông cho rằng đó là điều rất đáng thất vọng và phẫn nộ. (AFP)
* Canada cam kết tăng viện trợ vũ khí sát thương và phi sát thương cho Ukraine, theo lờiBộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand.
Phát biểu tại họp báo với người đồng cấp Mỹ ở Washington, bà Anand khẳng định: “Chúng tôi cũng đồng ý rằng, đây có thể là một cuộc chiến rất dài”.
Canada tuần trước thông báo đã cung cấp 4 lựu pháo M-777 từ kho vũ khí của mình cho Ukraine, đồng thời cũng đang nghiên cứu mua 8 xe bọc thép để gửi tới nước này. Quân đội Canada sẽ hướng dẫn các đối tác Ukraine cách sử dụng các loại pháo. (The Globe and Mail)
Nga trừng phạt hàng trăm công dân Canada
Ngày 28/4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với 592 công dân Canada nhằm đáp trả những hành động mà Moscow coi là "thù địch" của chính quyền Ottawa trước đó. Những cá nhân trong danh sách trừng phạt trên sẽ bị cấm nhập cảnh vào Nga vô thời hạn.
Bộ này nhấn mạnh, Nga tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp và tôn trọng lẫn nhau với Canada, đồng thời kêu gọi chính phủ Canada từ bỏ những hành động "bài Nga".
Danh sách trên được Bộ Ngoại giao Nga công bố trên trang web chính thức của bộ này, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand, Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu, Doanh nghiệp nhỏ và Phát triển Kinh tế của Canada Mary Ng, cùng nhiều quan chức, nghị sĩ, nhà báo và các nhân vật khác. (Reuters)
Khủng hoảng khí đốt châu Âu
* Mỹ cam kết bảo vệ châu Âu: Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/4 cho biết, nước này sẽ không để Nga sử dụng "hăm dọa bằng khí đốt" nhằm gây sức ép với các đồng minh của Washington ở châu Âu và để hủy hoại những lệnh trừng phạt đang áp dụng với Moscow.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, chính sách của Nga sẽ không hiệu quả do "lợi nhuận và các nguồn lợi từ việc bán khí đốt sẽ bị ngăn chặn".
Quan chức này cũng thông báo rằng các chuyến tàu chở khí đốt hóa lỏng tự nhiên của Mỹ tới châu Âu đang được tăng cường nhằm "bù đắp cho bất cứ khoản thiếu hụt nào". (AFP)
* Ba Lan tìm cách lách luật: Người phát ngôn của Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom Sergey Kuprianov ngày 28/4 cho hay, Ba Lan vẫn tiếp tục mua khí đốt của Nga, bất chấp những tuyên bố chấm dứt nhập khẩu trước đó.
Sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt do Ba Lan từ chối thanh toán bằng đồng ruble, khí đốt Nga sẽ đi đến Ba Lan ngược từ Đức theo đường ống Yamal-Europe.
* Nga tự tin về ngân sách giữa lúc nhu cầu khí đốt ở châu Âu giảm: Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 29/4 khẳng định, ngân sách của nước này sẽ chống chịu được trước sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt ở châu Âu.
Theo ông Siluanov, các nước châu Âu sẽ không thể nhanh chóng từ bỏ khí đốt của Nga và nguồn cung cấp dự kiến sẽ gia tăng theo các hướng khác. Nga đang nỗ lực đa dạng hóa khách hàng, hướng đến phương Đông.
Châu Âu chuẩn bị triển khai quân đội chung quy mô lớn
Ngày 29/4, chính phủ Anh cho biết, nước này đang triển khai khoảng 8.000 quân cho các cuộc tập trận khắp Đông Âu nhằm phô trương sức mạnh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các cuộc tập trận kéo dài nhiều tháng ở các quốc gia trải dài từ Phần Lan đến Bắc Macedonia cũng có sự tham gia của các đồng minh trong đó có Pháp và Mỹ.
Anh đang triển khai 72 xe tăng Challenger 2 và 120 xe chiến đấu bọc thép cùng với pháo binh, máy bay trực thăng và máy bay không người lái cho các cuộc tập trận này.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói: "An ninh của châu Âu chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này và gọi đây là "một trong những đợt triển khai quân đội chung lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh".
Anh đã cung cấp tên lửa cho Ukraine để chống lại Nga, đồng thời cho biết nước này sẵn sàng trợ giúp về xe tăng và máy bay thông qua các đối tác như Ba Lan.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho rằng "toàn bộ Ukraine", bao gồm cả Crimea, phải được giải phóng sau khi bán đảo này bị Nga chiếm giữ năm 2014. (AFP)
EU tuyên bố luôn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Moldova
Trong những ngày qua, Moldova liên tiếp chứng kiến các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở an ninh của nước này.
Ngày 29/4, quan chức cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hoan nghênh các phản ứng kiềm chế của các cơ quan chức năng Cộng hòa Moldova giúp duy trì sự bình tĩnh ở nước này.
EU khẳng định đoàn kết với Moldova và nhắc lại sự ủng hộ vững chắc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này theo các đường biên giới được cộng đồng quốc tế công nhận và có vị thế đặc biệt đối với khu vực Transnistria, đồng thời kêu gọi các bên có trách nhiệm tránh làm tình hình thêm bất ổn.
EU đang cung cấp viện trợ toàn diện để giúp Moldova giải quyết những vấn đề trước mắt nảy sinh bởi dòng người tị nạn từ Ukraine và đã tăng cường hỗ trợ trong trung hạn để tăng cường khả năng phục hồi về các mặt của Moldova. (EEAS)
Chủ tịch Triều Tiên kêu gọi tăng cường sức mạnh quân sự
Theo Yonhap ngày 29/4, Chủ tịchTriều Tiên Kim Jong-un một lần nữa kêu gọi tăng cường sức mạnh quân sự của đất nước để tiêu diệt kẻ thù, đảm bảo vững chắc việc hoàn thành sự nghiệp cách mạng của CHDCND Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un đánh giá, lực lượng quân đội cách mạng Triều Tiên đã thể hiện "ưu thế quân sự và công nghệ vô song" của họ trong sự kiện duyệt binh được tổ chức vào tối 25/4.