Hình ảnh phòng đàm phán trước khi diễn ra cuộc gặp giữa hai phái đoàn Nga-Ukraine tại thành phố Gomel, khu vực biên giới giữa Belarus và Ukraine. (Nguồn: News Bytes, Tân Hoa xã) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine:
Xung đột Nga-Ukraine tiếp tục có những diễn biến mới trong ngày 28/2.
Belarus hy vọng: Nga và Ukraine bắt đầu đàm phán
Hãng tin Reuters dẫn lời cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Ukraine, tham gia đoàn đàm phán với Nga, cho biết, hai bên đã bắt đầu thảo luận tại thành phố Gomel, khu vực biên giới giữa Belarus và Ukraine.
Theo thông báo trước đó của Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, phái đoàn Ukraine gồm Bộ trưởng Quốc phòng leksii Reznikov, ông Podolyak và một thứ trưởng ngoại giao.
Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng cho biết, nội dung quan trọng của cuộc đàm phán là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và Nga rút quân khỏi Ukraine.
Về phía Nga, trưởng đoàn đàm phán là ông Vladimir Medinsky, Trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Phát biểu với báo giới ngay trước khi đàm phán diễn ra, ông Medinsky cho biết, Moscow mong muốn hai bên đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt và tất nhiên phải phù hợp với lợi ích của hai bên.
Phái đoàn của Nga đã tới Belarus từ sáng 27/2 với kế hoạch ban đầu là đàm phán tại Minsk, song phía Ukraine đã từ chối phương án này và đề xuất các địa điểm khác.
Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo, Kiev đồng ý đàm phán với Nga tại Gomel.
Ukraine bác thông tin Nga kiểm soát nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu
Hãng thông tấn Interfax của Ukraine đưa tin, ngày 28/2, công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Energoatom của Ukraine bác thông tin được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenko đưa ra trước đó rằng, Moscow đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Zaporizhzhia là nhà máy hạt nhân lớn nhất ở châu Âu. Hồi tuần trước, các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát đối với khu vực từng là nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.
Trong khi đó, cùng ngày, Reuters dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Anh cho biết, chiến dịch của Nga tiến quân vào thủ đô Kiev của Ukraine đang bị chậm lại do thiếu hậu cần và sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine.
Bộ trên cho hay: "Phần lớn các lực lượng trên bộ của Tổng thống Vladimir Putin vẫn cách thủ đô Kiev hơn 30 km về phía Bắc".
Latvia cho phép công dân tham chiến ở Ukraine
Ngày 28/2, Quốc hội Latvia đã bỏ phiếu đồng thuận cho phép các công dân nước này tham chiến ở Ukraine nếu sẵn sàng.
Chủ tịch Ủy ban quốc phòng, các vấn đề nội vụ và phòng chống tham nhũng thuộc Quốc hội Latvia Juris Rancanis cho hay: "Công dân của chúng tôi, những người muốn hỗ trợ và tình nguyện phục vụ Ukraine để bảo vệ nền độc lập nước này và nền an ninh chung của chúng ta cần phải được tạo điều kiện tham chiến". (Reuters)
Liên hợp quốc tổ chức hai cuộc họp khẩn
Ngày 27/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết tổ chức một phiên họp khẩn của Đại hội đồng LHQ để thảo luận về chiến dịch tấn công quân sự của Nga ở Ukraine.
Phiên họp diễn ra trong ngày 28/2 và tất cả 193 thành viên của LHQ đều có cơ hội bày tỏ quan điểm đối với hành động của Nga.
Chiều cùng ngày, HĐBA cũng dự kiến họp khẩn về tình hình khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Pháp, một trong 5 quốc gia giữ vị trí Ủy viên thường trực HĐBA, đã đề nghị Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp này. (AFP, Interfax)
Nga:
Tổng thống Nga Putin ra mệnh lệnh 'nóng'
Ngày 27/2, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đặt các lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Moscow trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu đặc biệt.
Động thái này nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt cũng như tuyên bố mà ông Putin cho là "gây hấn" của phương Tây nhằm vào Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Đức lên tiếng chỉ trích động thái của Nga.
Nga lấp lửng khả năng tiếp tục chiến dịch ở Ukraine
Ngày 28/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, còn quá sớm để nói về kết quả cũng như hiệu quả của chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và cần phải đợi đến khi chiến dịch hoàn tất.
Đại diện Điện Kremlin còn lên tiếng chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) vì hành vi thù địch đối với Nga, cho rằng hoạt động cung cấp vũ khí cho Ukraine là nguy hiểm, gây bất ổn và càng chứng tỏ Nga đã đúng khi thực thi các nỗ lực phi quân sự hóa quốc gia láng giềng.
Trước đó, EU công bố gói hỗ trợ vũ khí trị giá 450 triệu Euro cho Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin từ chối bình luận về số lượng thương vong mà lực lượng Nga phải gánh chịu, và cũng không đưa ra phát biểu chi tiết về chỉ thị của Tổng thống Putin liên quan việc bố trí lực lượng răn đe hạt nhân ở tình trạng cảnh giác cao.
Ngoài ra, ông Peskov khẳng định, Moscow sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào ngành hàng không của Nga: "Nguyên tắc quan trọng sẽ là có đi có lại và lợi ích của chính chúng ta sẽ được đặt lên hàng đầu". (Reuters)
EU không tiếp tục làm leo thang tình hình, Trung Quốc hối kiềm chế
Ngày 28/2, sau chỉ thị về lực lượng hạt nhân của Tổng thống Putin, Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU Josep Borrell khẳng định: "Chúng tôi sẽ không tiếp tục làm tình hình leo thang hơn nữa".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh, tất cả các bên cần duy trì bình tĩnh và tránh leo thang căng thẳng hơn nữa.
Ông Uông cũng tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc là mọi quan ngại an ninh chính đáng của tất cả các nước cần được xem xét nghiêm túc, đồng thời phản đối việc phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt đơn phương và trái phép. (Reuters)
G7 dọa mạnh tay, Nga nhắc 'nhìn lại mình'
Ngày 27/2, Đức ra thông cáo báo chí nêu rõ, tại hội nghị trực tuyến các ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, cùng Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU và Ngoại trưởng Ukraine, các bên tham gia đã kịch liệt lên án cuộc tấn công nhằm vào Ukraine của Nga.
G7 kêu gọi Nga lập tức chấm dứt chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự của nước láng giềng, đồng thời rút ngay lực lượng vũ trang ra khỏi Ukraine.
Đáp trả thông điệp trên, ngày 28/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: "Chính G7 cần tính toán những thiệt hại mà các quốc gia thành viên gây ra cho thế giới ít nhất trong 20-25 năm qua và thanh toán các khoản nợ phát sinh ở một số thời điểm, tại một số lục địa trên thế giới". (Sputnik)
Bộ Quốc phòng Mỹ muốn thiết lập kênh liên lạc với Nga
Ngày 27/2, tờ Politico dẫn một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, bộ này muốn thiết lập một kênh liên lạc với Nga tương tự như kênh liên lạc được thiết lập ở Syria hồi năm 2015.
Một quan chức cấp cao thuộc Lầu Năm Góc nêu rõ: "Giờ đây, không phận của Ukraine đang bị tranh chấp và ngay sát không phận NATO, chúng tôi đã thông báo với người Nga rằng chúng ta cần có một kênh liên lạc… để có thể tránh tính toán sai lầm".
Tuy nhiên cho tới nay, Washington chưa nhận được phản hồi từ phía Moscow. (Sputnik)
Ukraine:
Tổng thống Ukraine yêu cầu EU 'mở đường' ngay lập tức
Ngày 28/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hối thúc EU cấp quy chế thành viên cho Ukraine ngay lập tức, trong bối cảnh cuộc tấn công của Nga nhằm vào quốc gia láng giềng thân phương Tây đã bước sang ngày thứ 5 liên tiếp.
Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo 44 tuổi này nói: "Chúng tôi kêu gọi EU tạo điều kiện cho Ukraine gia nhập ngay lập tức thông qua một quy chế đặc biệt mới. Mục tiêu của chúng tôi là được sát cánh cùng với tất cả người châu Âu và quan trọng nhất là trên cơ sở bình đẳng. Tôi chắc rằng điều này là công bằng và có thể xảy ra".
Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Zelensky hối thúc các binh lính Nga: "Hãy hạ vũ khí. Đi khỏi đây. Đừng tin chỉ huy của bạn. Đừng tin những người tuyên truyền của bạn. Hãy cứu lấy mạng sống của bạn", đồng thời tuyên bố rằng, hơn 4.500 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Nga tại Ukraine.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Ukraine trở thành thành viên của EU, nêu rõ: "Ukraine thuộc về chúng tôi. Họ là một trong số chúng tôi và chúng tôi muốn Ukraine gia nhập khối".
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài BFM của Pháp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định, các nước thành viên sẽ tiến hành thảo luận về tư cách thành viên của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh hiệp định liên kết giữa EU và Ukraine "rất mạnh mẽ" và có thể được củng cố.(AFP, Reuters)
Tổng thư ký NATO điện đàm với Tổng thống Ukraine
Ngày 28/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo, ông vừa điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trên trang Twitter, ông Stoltenberg nêu rõ: "Tôi khen ngợi về lòng dũng cảm của nhân dân và các lực lượng vũ trang Ukraine. NATO đang tăng cường cung cấp tên lửa phòng không, vũ khí chống tăng cũng như viện trợ nhân đạo và hỗ trợ tài chính cho quốc gia Đông Âu này". (Reuters)
Bán đảo Triều Tiên: Hàn Quốc kêu gọi thiết lập thế trận quốc phòng mạnh mẽ
Ngày 28/2, Triều Tiên thông báo nước này đã tiếp hành một “cuộc thử nghiệm quan trọng” phục vụ mục đích phát triển một “vệ tinh trinh sát” trong ngày 27/2, sau khi Hàn Quốc xác nhận Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa đạn đạo về hướng bờ biển phía Đông.
Đây là màn phô trương sức mạnh lần thứ 8 của Bình Nhưỡng kể từ đầu năm đến nay.
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi thiết lập thế trận quốc phòng mạnh mẽ, nhấn mạnh rằng hòa bình chỉ có thể đạt được trên nền tảng phòng thủ vững chắc, trong bối cảnh thế giới đang quay cuồng với cuộc xâm lược gây sốc của Nga nhằm vào Ukraine.
Ông Moon nói: "Hòa bình và thịnh vượng mà chúng ta đang hưởng có được dựa trên nền tảng an ninh vững chắc. Dựa trên các năng lực quốc phòng mạnh mẽ, Hàn Quốc đã thúc đẩy các nỗ lực hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và biến cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên thành một phương thức đối thoại".
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nói thêm: "Gần đây, Triều Tiên phóng thử tên lửa hết lần này đến lần khác, song chúng ta sở hữu năng lực tên lửa và khả năng phòng thủ tuyệt vời có thể ngăn chặn triệt để tất cả các mối đe dọa". (Yonhap)
Hạt nhân Iran: Không chấp nhận hạn chót bị áp đặt, Iran nêu 3 vấn đề chính cần giải quyết
Ngày 27/2, Iran tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ thời hạn nào do phương Tây đặt ra để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với các cường quốc trên thế giới.
Iran đồng thời cho rằng, tuyên bố của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về việc loại bỏ chương trình hạt nhân của Tehran là "mang động cơ chính trị vô căn cứ".
Ngày 28/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho rằng, việc hồi sinh JCPOA là khả thi nếu các cường quốc phương Tây đưa ra được một quyết định chính trị nhằm giải quyết 3 vấn đề tồn đọng.
Cụ thể, 3 vấn đề còn tồn đọng: mức độ trừng phạt sẽ được áp dụng; các đảm bảo để Mỹ không rời bỏ thỏa thuận một lần nữa; và giải quyết vấn đề liên quan dấu vết của uranium được tìm thấy tại một số bãi thử cũ nhưng không được khai báo ở Iran. (Reuters)