Tin thế giới 27/6: Nga nói Ukraine vượt lằn ranh đỏ; Kiev chặt đứt thỏa thuận về hạt nhân với Moscow; G7 chi khủng cạnh tranh Trung Quốc

Hoàng Hà| 27/06/2022 20:27

Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, Thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), căng thẳng Nga-Nhật Bản, tình hình Trung Đông, biểu tình ở Mỹ... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tin thế giới 27/6: Nga nói Ukraine vượt lằn ranh đỏ; Kiev chặt đứt thỏa thuận về hạt nhân với Moscow; G7 chi khủng cạnh tranh Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo nhóm G7 tập trung tại Bayern, Đức, để tham dự Thượng đỉnh của nhóm từ 26-28/6.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Đối thoại Nga-Ukraine cần dựa trên các điều kiện thực tế do phía Moscow đề xuất công khai, có tính đến tình hình thực tế, theo Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko.

Lưu ý các điều kiện đã được Moscow tuyên bố công khai qua những mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt, theo bà Matviyenko, "Nga sẽ không bao giờ tổ chức các cuộc đàm phán về bất kỳ điều kiện nào khác vì chính Ukraine đã vượt qua lằn ranh đỏ".

Chủ tịch Thượng viện Nga cho rằng, nếu phương Tây muốn, họ sẽ đưa Ukraine tiến đến bàn đàm phán và buộc nước này phải đạt được các thỏa thuận hòa bình, song, "phương Tây có những mục tiêu và nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, đã được chứng minh ở hiện tại".

Theo bà, với những gì đang diễn ra ở Ukraine, "Nga không phải kẻ gây chiến mà chính phương Tây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang chiến đấu chống Nga bằng người Ukraine", và "đó là lý do tại sao chúng tôi phải làm mọi thứ để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình". (TASS)

* Ukraine đình chỉ thỏa thuận an ninh hạt nhân với Nga: Ngày 27/6, Ukraine đã chấm dứt thỏa thuận trao đổi thông tin và hợp tác về an toàn trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình giữa Ủy ban nhà nước Ukraine về quy định hạt nhân và Cơ quan giám sát Liên bang Nga về an toàn bức xạ và hạt nhân.

Bên cạnh Thỏa thuận trên - được ký kết tại Moscow vào ngày 14/8/2002, Ukraine cũng chấm dứt thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Bảo vệ Môi trường và An toàn Hạt nhân nước này và Cơ quan Giám sát Liên bang của Nga, vốn được ký kết tại Vienna, Áo, vào ngày 19/9/1996. (TASS)

* Ukraine kết thúc xung đột vào cuối năm nay, trước khi mùa Đông đến, theo lời của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Thượng đỉnh G7.

Bên cạnh đó, ông Zelensky kêu gọi lãnh đạo G7 cung cấp cho Kiev các hệ thống phòng không và đảm bảo an ninh, cũng như tăng cường trừng phạt Nga.

Theo một quan chức châu Âu giấu tên, ông Zelensky cũng yêu cầu trợ giúp hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và cung cấp viện trợ tái thiết cho quốc gia thân phương Tây này. (Reuters)

* Sơ tán dân thường khỏi nhà máy Azot ở Severodonetsk: Trên kênh Telegram, lực lượng an ninh của vùng ly khai Lugansk ngày 27/6 cho biết, có thêm hơn 500 dân thường đã được sơ tán khỏi khu vực nhà máy Azot ở Severodonetsk trong ngày 26/6 và việc sơ tán vẫn tiếp diễn.

Một ngày trước đó, vùng ly khai này đã thông báo về việc sơ tán khoảng 250 dân thường khỏi nhà máy Azot. (Teller Report)

* Thủ tướng New Zealand sẽ không đến thăm Ukraine, sau khi từ chối lời mời của Tổng thống nước này Zelensky, với lý do "cần có một số lượng khổng lồ các hoạt động hậu cần và an ninh khi có bất kỳ nhà lãnh đạo nào tới Ukraine". (1 News)

* Ukraine tiếp tục tấn công giàn khoan dầu của Nga ngoài khơi Crimea ở Biển Đen hôm 26/6, thuộc sở hữu của công ty dầu khí Chernomorneftegaz. Đây là vụ tấn công lần thứ 2 trong vòng một tuần qua.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, quân đội nước này sáng cùng ngày đã sử dụng tên lửa tấn công nhà máy sản xuất vũ khí Artyom ở Kiev của Ukraine. (TASS)

Thượng đỉnh G7

* G7 sẵn sàng hỗ trợ Ukraine chừng nào có thể: Trong một tuyên bố từ Hội nghị thượng đỉnh G7 ở bang Bayern của Đức ngày 27/6, nhóm này đã cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine để đối phó Nga.

G7 nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao, cũng như sát cánh với Ukraine chừng nào có thể" thông qua việc tăng cường trừng phạt Nga và ủng hộ các cam kết an ninh cho Kiev trong giải pháp hậu chiến tranh. (AFP, Reuters)

* G7 tiếp tục gây sức ép với Nga, theo lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz - người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G7.

Trên trang mạng Twitter, ông Scholz viết: "Là G7, chúng tôi đoàn kết đứng về phía Ukraine và sẽ tiếp tục hỗ trợ. Đối với điều này, tất cả chúng tôi phải đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết".

Ông Scholz cũng bày tỏ cảm ơn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới bằng liên kết trực tuyến.

Ông Scholz nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc chiến này phải chấm dứt". (AFP)

* G7 lo ngại Nga cung cấp hạt nhân cho Belarus: Các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về kế hoạch chuyển giao tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga cho Belarus trong những tháng tới.

Trong thông cáo báo chí, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi Nga hành xử có trách nhiệm và kiềm chế".

Ngoài ra, G7 quyết tâm giảm doanh thu của Điện Kremlin, chẳng hạn từ hoạt động xuất khẩu vàng. G7 cũng kêu gọi với Nga phải cho phép các chuyến hàng ngũ cốc rời khỏi Ukraine để tránh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. (Reuters)

* Mỹ công bố các lệnh trừng phạt mới của G7 nhằm vào Nga: Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới của G7 nhắm vào ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, trong nỗ lực nhằm cản trở khả năng duy trì bộ máy quân sự của Điện Kremlin trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nhà Trắng cho biết: "Các nhà lãnh đạo G7 sẽ sắp xếp và tăng cường các biện pháp trừng phạt có mục tiêu để hạn chế hơn nữa việc Nga tiếp cận" với công nghệ phương Tây, vốn có thể hỗ trợ ngành công nghiệp vũ khí của Nga".

Mỹ cũng sẽ "quyết liệt nhắm vào các chuỗi cung ứng quốc phòng của Nga ... và hạn chế khả năng của Moscow trong việc thay thế các thiết bị quân sự mà nước này đã mất trong xung đột".

Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết G7 đã đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán nhằm thiết lập giới hạn giá đối với dầu nhập khẩu từ Nga. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm khiến Điện Kremlin thất thu "nguồn tiền mặt chính và buộc giá dầu của Nga phải giảm".

Cũng theo quan chức này, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí rằng số tiền thu được từ việc áp mức thuế thương mại cao hơn đối với hàng xuất khẩu của Nga nên được rót vào khoản viện trợ dành cho Ukraine. (AFP)

* G7 chi khủng cạnh tranh Trung Quốc: Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 đã cam kết hỗ trợ 600 tỷ USD để giúp các quốc gia có thu nhập thấp xây dựng “cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng mới của G7 sẽ tập trung vào các sáng kiến về khí hậu, trong đó có dự án đầu tư trang trại năng lượng Mặt trời trị giá 2 tỷ USD ở Angola, chi 320 triệu USD để xây dựng bệnh viện ở Côte d'Ivoire và 40 triệu USD thúc đẩy thương mại năng lượng khu vực ở Đông Nam Á.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, các nước G7 đang cung cấp “cơ sở hạ tầng bền vững, chất lượng” và sẽ lắng nghe phản hồi của các nước tiếp nhận.

Động thái này như một phần trong nỗ lực của Nhóm G7 nhằm đối trọng với dự án Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc.

Theo một quan chức cấp cao Mỹ, dù kế hoạch này ra sau BRI nhiều năm, song "chắc chắn là chưa quá muộn, thậm chí chưa chắc đã muộn”.

Châu Âu

* Nga tuyên bố đáp trả các lệnh trừng phạt của Nhật Bản sau khi Tokyo thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow liên quan chiến dịch quân sự ở Ukraine gồm cấm nhập khẩu vàng của Moscow, cấm cung cấp một số dịch vụ đối với Nga và phong tỏa tài sản đối với 70 cá nhân và tổ chức của Nga...

Đại sứ Nga tại Nhật Bản Mikhail Galuzin chỉ trích động thái của Tokyo và cáo buộc quốc gia Đông Bắc Á phá hủy quan hệ giữa hai nước.(Reuters)

* Nga cấm nhập cảnh 43 quan chức Canada, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 27/6, nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt Moscow.

Trong danh sách các cá nhân bị trừng phạt có Chủ tịch đảng Tự do cầm quyền của Canada Suzanne Cowan và cựu Thống đốc của Ngân hàng Canada Mark Carney. (Reuters)

* Lãnh đạo Phần Lan, Thụy Điển tiếp tục thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu vào ngày 8/9, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid từ 28-30/6.

Bên cạnh lãnh đạo 3 nước trên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng sẽ tham dự cuộc thảo luận. (AFP)

* Khả năng Anh đơn phương thay đổi quy tắc thương mại liên quan Bắc Ireland, trước khi dự luật này được đệ trình trở lại lên quốc hội cho giai đoạn tiếp theo vào tối cùng ngày, theo Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Reuters)

* Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin khẳng định.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Haberturk, người phát ngôn trên nêu rõ: “Chúng ta đang thực hiện chính sách cân bằng tốt liên quan Nga… Chúng ta sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt và sẽ không tham gia với phương Tây. Phải tuân thủ những lợi ích riêng của chúng ta".

Ông Kalin chia sẻ: “Quan hệ kinh tế của Ankara và Moscow có đặc điểm là các biện pháp trừng phạt sẽ gây hại nhiều hơn cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ so với nền kinh tế Nga. Chúng ta có quan điểm rõ ràng về vấn đề trừng phạt. Phương Tây không chấp nhận quan điểm đó”. (TASS)

* Thủ tướng Đức cân nhắc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 trong trường hợp Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có mặt tại sự kiện này.

Theo đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ sớm đưa ra quyết định về việc có tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Indonesia vào tháng 11 hay không.

Ông Scholz khẳng định điều quan trọng là không "phá hỏng" Hội nghị thượng đỉnh G20. (Reuters)

* Quan chức Pháp lạc quan về việc khôi phục quan hệ với Australia nhờ các động thái của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và chính phủ của ông, sau những căng thẳng liên quan việc mua bán tàu ngầm trong khuôn khổ thỏa thuận an ninh 3 bên giữa Canberra với Anh và Mỹ.

Trung Đông

* Saudi Arabia muốn nối lại đàm phán ngoại giao với Iran, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh ngày 27/6

Iran và Saudi Arabia, hai cường quốc Hồi giáo dòng theo dòng Shi'ite và Sunni hàng đầu ở Trung Đông, đã cắt đứt quan hệ vào năm 2016. Vòng đàm phán thứ 5 giữa hai địch thủ khu vực đã diễn ra hồi tháng 4 vừa qua.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết, nước này hoan nghênh việc mở lại đại sứ quán của Iran và Saudi Arabia tại Riyadh và Tehran. (Reuters)

* Thủ tướng Iraq thăm Iran: Phát biểu tại cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian khẳng định, Tehran chỉ tìm cách thúc đẩy các lợi ích của khu vực.

Ông đánh giá cáo các nỗ lực của chính phủ Iraq trong việc khuyến khích đối thoại giữa các nước trong khu vực và đóng vai trò xây dựng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia cũng như các quốc gia Trung Đông khác.

Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi tuyên bố, hai quốc gia láng giềng đang nỗ lực thúc đẩy ổn định cho khu vực Trung Đông. (Reuters, THX)

* Lãnh đạo 4 nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ sẽ tổ chức hội đàm về Iran vào sáng 28/6, bên lề Thượng đỉnh G7 tại Đức.

Một quan chức cấp cao của Pháp cho biết, trong số những chủ đề được thảo luận sẽ có “vấn đề về dầu mỏ” và “việc sẵn sàng ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Châu Á

* Ấn định thời điểm Tổng thống đắc cử Philippines tuyên thệ nhậm chức: Tổng thống đắc cử Philippines Ferdinand Marcos Jr sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30/6, kế nhiệm Tổng thống Rodrigo Duterte.

Ông Ferdinand Marcos Jr thường được gọi là Bongbong Marcos, sinh ngày 13/9/1957, là con trai duy nhất của cố Tổng thống Philippines Ferdinand E. Marcos, người nắm quyền trong giai đoạn 1965-1986. (AFP)

* Hàn Quốc đề cập khả năng Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân: Ngày 27/6, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se nhận định, “sẽ không có gì ngạc nhiên” nếu Triều Tiên sớm tiến hành một vụ thử hạt nhân trong thời gian tới.

Ông Kwon đồng thời cho rằng, cần tăng cường giám sát chặt chẽ các hoạt động của Triều Tiên theo cách xem xét toàn diện tình hình, bao gồm cả việc xử lý dịch Covid-19...

Theo ông, Triều Tiên đang tìm cách lợi dụng sự kình địch ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trong nỗ lực nhằm thay đổi "hiện trạng" an ninh khu vực thông qua việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố, Hàn Quốc vẫn kiên quyết "giải quyết tất cả các vấn đề liên Triều thông qua đối thoại". (Yonhap)

* Tổng thống Indonesia thăm UAE để bàn về tăng cường hợp tác kinh tế: Kênh truyền hình CNN News dẫn phát biểu ngày 26/6 của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cho biết, ông sẽ tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, cũng như đến thăm Ukraine và Nga.

Theo Tổng thống Jokowi, chuyến thăm tới UAE không chỉ quan trọng đối với Indonesia, mà còn quan trọng đối với các nước đang phát triển.

Một trong những mục đích trong chuyến thăm của ông đến UAE là nhằm bàn cách ngăn chặn người dân ở các nước đang phát triển và những quốc gia có thu nhập thấp rơi vào tình trạng cùng cực và đói kém.

Tổng thống Jokowi cũng cho hay trong chuyến công du nước ngoài dài ngày này, ông sẽ gặp lãnh đạo các quốc gia thành viên G7 để thảo luận về những giải pháp tìm kiếm hòa bình ở Ukraine.

Nhà lãnh đạo Indonesia chia sẻ: “Mặc dù đây là vấn đề không hề đơn giản, nhưng Indonesia sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng”.

* EU và Ấn Độ nối lại các cuộc đàm phán thương mại sau 9 năm gián đoạn và sẽ được kéo dài tới ngày 1/7.

Bộ Thương mại Ấn Độ cho hay, hai bên đang hướng tới các cuộc đàm phán trên diện rộng, cân bằng, toàn diện dựa trên nguyên tắc công bằng, có đi có lại nhằm giải quyết những vấn đề khúc mắc, cản trở quan hệ thương mại song phương. (AFP)

Người gốc Á tuần hành tại Mỹ yêu cầu chấm dứt tình trạng thù hận người châu Á

Mới đây, người Mỹ gốc Á trên toàn nước Mỹ đã đổ tới góc phía Đông ở Quảng trường National Mall ở thủ đô Washington D.C kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực và lòng thù hận nhằm vào cộng đồng người gốc Á.

Giám đốc điều hành tổ chức Bầu cử châu Á-Thái Bình Dương Christine Chen nói: "Chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng tiếng nói của chúng tôi được nghe thấy khi chúng tôi cố đảm bảo sự bình đẳng về chủng tộc và sự an toàn cho cộng đồng chúng tôi cũng như mọi cộng đồng ở Mỹ".

Bà Chen cho biết trong vài năm qua, Mỹ ghi nhận tình trạng gia tăng số vụ tấn công không những nhằm vào người gốc Á mà còn vào người gốc Phi, Mỹ Latinh và các cộng đồng khác.

Hội nghị Đại dương LHQ phát thông điệp về những đại dương khỏe mạnh

Sau một thời gian dài bị trì hoãn, Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc đã được tổ chức vào ngày 27/6 tại thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) và đưa ra thông điệp "nhân loại cần có những đại dương khỏe mạnh".

Nội dung chính của Hội nghị Đại dương LHQ tại Lisbon tập trung vào những biện pháp khắc phục tình trạng suy thoái của các đại dương trên toàn cầu.

Các giải pháp đối với rác thải nhựa như tái chế hay giới hạn sản lượng nhựa trên toàn cầu và nghề cá toàn cầu cũng sẽ là những vấn đề được đưa ra tại Hội nghị.

Bà Kathryn Matthews, nhà khoa học cấp cao thuộc tổ chức phi chính phủ Oceana có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Ít nhất 1/3 trữ lượng cá tự nhiên bị đánh bắt quá mức, trong khi có chưa tới 10% diện tích đại dương được bảo vệ".

Dự kiến, các đại biểu cũng sẽ hối thúc tạm đình chỉ khai thác kim loại hiếm ở biển sâu - vốn là yếu tố cần thiết cho lĩnh vực chế tạo pin xe điện đang bùng nổ. Theo các nhà khoa học, hệ sinh thái dưới đáy biển hiện chưa được hiểu rõ và rất mong manh, có thể mất nhiều thập kỷ hoặc lâu hơn để chữa lành một khi bị phá vỡ.

Cuộc họp tại Lisbon lần này sẽ kéo dài trong 5 ngày, với sự tham gia của các bộ trưởng và một số nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 27/6: Nga nói Ukraine vượt lằn ranh đỏ; Kiev chặt đứt thỏa thuận về hạt nhân với Moscow; G7 chi khủng cạnh tranh Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO