Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thư lý Liên hợp quốc Antonio Guterres ở Moscow, ngày 26/4. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Hàn Quốc không nằm trong danh sách các nước “đối tác” do Ukraine công bố: Một đoạn video được đăng tải trên tài khoản Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 25/4 cho thấy danh sách 31 quốc gia được Kiev tuyên bố là “đối tác”, cùng với lời cảm ơn của Valerii Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine.
Danh sách này bao gồm các quốc gia đã hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.
Hàn Quốc và Nhật Bản được cho đã bị loại khỏi danh sách vì không hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Đến nay, Hàn Quốc đã viện trợ 1 tỷ won (798.000 USD) vật tư y tế và trang bị quân sự phi sát thương cho Ukraine. Seoul có kế hoạch cung cấp thêm khoản viện trợ phi sát thương trị giá 2 tỷ won trong tháng này. (Korea Times)
* Chưa có thỏa thuận về cuộc gặp thượng đỉnh với Nga: Theo trưởng đoàn đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak ngày 27/4, hiện nay chưa có thỏa thuận nào để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nga và Ukraine.
Ông Podolyak cho biết "vẫn chưa quyết định được thời gian gặp gỡ của Tổng thống hai nước cũng như nội dung cuộc gặp". (Reuters)
* Đàm phán vẫn tiếp diễn chứ không bị bác bỏ: Trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 26/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán với Ukraine theo hình thức trực tuyến.
Theo ông Putin, nỗ lực tại các cuộc đàm phán với Ukraine đã bị "chệch hướng" do những cáo buộc về lực lượng Nga tại thị trấn Bucha ở ngoại ô Kiev. (Reuters, AFP)
* Nga nhất trí để LHQ tiến hành sơ tán người dân ra khỏi nhà máy Azovstal: Theo thông cáo của LHQ, phía Nga đã nhất trí về nguyên tắc để LHQ và Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế tiến hành sơ tán dân thường ra khỏi nhà máy Azovstal ở thành phố Mariupol của Ukraine.
Trong cuộc hội đàm với ông Putin, ông Guterres một lần nữa kêu gọi Moscow và Kiev hợp tác với LHQ để thiết lập các hành lang cứu trợ và sơ tán người dân ở Ukraine. (Reuters, AFP)
* Mỹ chỉ trích Nga không nghiêm túc: Ngày 26/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, Tổng thống Putin đã cho thấy sự không nghiêm túc về biện pháp ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine, bất chấp hàng loạt nỗ lực của cộng đồng quốc tế.
Theo ông Blinken, những luận điểm của ông Putin về việc Ukraine xích lại gần các đồng minh phương Tây chỉ là một cái cớ cho chiến dịch quân sự. (Reuters)
* Khả năng Belarus tham gia vào đàm phán Nga-Ukraine: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz ngày 27/4 cho biết, các đối tác phương Tây của Belarus không muốn nước này tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, sẽ không có cuộc đàm phán nào giữa Moscow và Kiev mà không có sự tham gia của Minsk.
Nhà lãnh đạo Belarus tin rằng "không thể đạt được thỏa thuận riêng biệt nào sau lưng Belarus", và ông "hoàn toàn bị thuyết phục" rằng "Nga hiểu rõ lập trường này". (TASS)
Nga
* Nga bác cáo buộc tống tiền sau khi cắt khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria: Ngày 27/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ cáo buộc cho rằng Moscow lợi dụng nguồn cung khí đốt tự nhiên làm công cụ tống tiền, sau khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga quyết định ngừng xuất khẩu khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Ông Peskov cho hay, quyết định dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria là hệ quả từ hành động không thân thiện nhằm vào Nga, đồng thời khẳng định Moscow là nước xuất khẩu năng lượng đáng tin cậy và không tham gia hành động tống tiền.
Cùng ngày, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố, sẽ có hành động pháp lý nhằm vào tập đoàn Gazprom của Nga do vi phạm hợp đồng.
* Nga "tổng tấn công" Hạ viện Anh: Bộ Ngoại giao Nga ngày 27/4 thông báo, nước này đã xếp 287 thành viên Hạ viện Vương quốc Anh vào danh sách trừng phạt.
Tuyên bố nêu rõ: "Để đáp lại quyết định của Chính phủ Vương quốc Anh, được đưa ra vào ngày 11/3, trong đó xếp 386 nhà lập pháp Duma Quốc gia (Hạ viện) Liên bang Nga vào danh sách trừng phạt, trên cơ sở có đi có lại, (Bộ Ngoại giao Nga) áp đặt các hạn chế cá nhân đối với 287 thành viên của Hạ viện Anh".
Theo Bộ Ngoại giao Nga, các cá nhân bị trừng phạt không được phép nhập cảnh vào Nga vì họ đã tham gia tích cực vào chiến dịch trừng phạt Moscow. (Sputnik)
* Nga rút khỏi một tổ chức quốc tế: Hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha ngày 27/4 đưa tin, Nga đã quyết định rút khỏi Tổ chức Du lịch Thế giới, cơ quan trực thuộc LHQ (UNWTO).
Cùng ngày, trên trang Twitter, UNWTO xác nhận Nga đã quyết định rút khỏi cơ quan thuộc LHQ này. (Sputnik)
* Doanh nghiệp châu Âu 'chịu' thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble: Hãng tin Bloomberg ngày 27/4 đưa tin, ít nhất 10 doanh nghiệp châu Âu mua khí đốt tự nhiên của Nga đã mở tài khoản ở ngân hàng Gazprombank để thanh toán bằng đồng Ruble.
Theo một nguồn tin thân cận với tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom, 4 công ty đã thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Ruble của nước này.
Ngày 22/4 Ủy ban châu Âu cho biết, kế hoạch thanh toán bằng đồng Ruble cho khí đốt của Nga có khả năng mâu thuẫn với các lệnh trừng phạt.
Đông Bắc Á
* Chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể là Hàn Quốc: Phát biểu trong cuộc gặp ông Edwin Feulner, người sáng lập viện nghiên cứu Quỹ Di sản của Mỹ, ngày 27/4, tại thủ đô Seoul, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hàn Quốc sẽ là một cơ hội tốt để tăng cường toàn diện quan hệ đồng minh giữa hai nước.
Về phần mình ông Feulner cho rằng, chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Biden có thể là Hàn Quốc, điều này rất có ý nghĩa vì chuyến thăm sẽ diễn ra đúng vào thời điểm hai nước kỷ niệm 140 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn-Mỹ.
Dự kiến Tổng thống đắc cử Yoon và Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên tại Seoul trong khoảng thời gian 20-22/5 tới, trước khi nhà lãnh đạo Mỹ đến Nhật Bản để dự hội nghị Bộ tứ Quad. (Yonhap)
* Tàu hải quân Trung Quốc đi vào vùng biển Nhật Bản: Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 27/4 thông báo, một tàu hải quân Trung Quốc đã được phát hiện ở trong vùng lãnh hải Nhật Bản, gần các đảo thuộc tỉnh Kagoshima ở Tây Nam nước này.
Cụ thể, một tàu thăm dò đã tiến vào vùng biển Nhật Bản từ phía Tây đảo Kuchinoerabu vào khoảng 23h ngày 26/4, sau đó ra khỏi vùng lãnh hải phía Nam đảo Yakushima vào khoảng 2h10 phút ngày 27/4.
Đây là vụ xâm nhập đầu tiên của một tàu hải quân Trung Quốc mà Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xác nhận và thông báo kể từ tháng 11/2021. Chính phủ Nhật Bản đã trao công hàm phản đối Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao.
* Đảng cầm quyền Nhật Bản đề xuất tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng: Ngày 27/4, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản đã đề nghị Bộ Quốc phòng cân nhắc tăng gấp đôi ngân sách lên mức tương đương từ 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trở lên.
Đề xuất đồng thời cho phép Nhật Bản phát huy năng lực phản công do môi trường an ninh ngày càng phức tạp và khắc nghiệt trong khu vực.
Đảng LDP cho rằng Nhật Bản nên đặt mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng nhằm đạt đến mức "cần thiết để củng cố cơ bản các năng lực quốc phòng trong 5 năm tới". Ngoài ra, LDP cũng kêu gọi nới lỏng các hạn chế xuất khẩu vũ khí. (Kyodo)