Triều Tiên tiến hành vụ phóng thử tên lửa thứ 17 trong năm vào sáng 25/5, khiến Mỹ-Nhật-Hàn phản ứng mạnh mẽ. (Nguồn: Newsbyteapp) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Tổng thống Ukraine phàn nàn phương Tây: Ngày 25/5, Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky cho biết, phương Tây vẫn bất đồng về mức độ ủng hộ Kiev.
Ông nói: "Sự thống nhất quan điểm là về vấn đề vũ khí. Tuy nhiên, vấn đề tôi băn khoăn là liệu có sự thống nhất này trong thực tế hay không? Tôi không thể thấy điều đó. Lợi thế to lớn của chúng ta so với Nga sẽ là khi chúng ta thực sự thống nhất".
Nhà lãnh đạo cũng tuyên bố, ông chỉ sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và không thông qua trung gian, đồng thời cho rằng, Moscow nên rút quân về phòng tuyến như trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự hôm 24/2, như bước đầu tiên hướng tới đàm phán. (AFP, Reuters)
* Nga đặt câu hỏi về sự chân thành của Ukraine: Ngày 25/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho hay, tuyên bố của Tổng thống Ukraine - rằng đất nước của ông chỉ có thể quay lại đàm phán với Moscow sau khi Nga rút quân - đã phủ bóng đen lên mong muốn của Kiev về một giải pháp hòa bình.
Nhà ngoại giao Nga nêu rõ: "Ukraine đã tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán gần như kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt mà không đưa ra bất kỳ điều kiện nào. Việc hiện nay Kiev đưa ra một số điều kiện nhất định khiến chúng tôi đặt câu hỏi về sự chân thành của họ trong việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình".
Theo ông Rudenko, tuyên bố của Zelensky khó có thể được coi là tích cực. (TASS)
* Nga để ngỏ khả năng đàm phán về dỡ bỏ phong tỏa các cảng của Ukraine: Ngày 25/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nước này đang liên lạc với Liên hợp quốc và "không loại trừ khả năng tiến hành cuộc thảo luận toàn cầu về dỡ bỏ phong tỏa các cảng của Ukraine".
Bộ trên cũng thông báo, thành phố cảng Mariupol hiện do Nga kiểm soát ở Ukraine sau cuộc bao vây kéo dài 3 tháng, hiện đang hoạt động bình thường.
Trước đó, Nga thông báo mở một hành lang nhân đạo ra Biển Đen để tàu nước ngoài ra khỏi cảng Mariupol, Ukraine an toàn từ 8h00 ngày 25/5. (Reuters)
* Đức cam kết hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine: Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, việc Nga chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ là điều tốt nhất cho cả thế giới lúc này.
Nói rằng cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga đang góp phần làm tăng giá nhiên liệu toàn cầu, ông Scholz cho hay, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang đi đầu trong sáng kiến giảm giá nhiên liệu trên toàn thế giới, thông qua việc kêu gọi các nước tăng sản lượng dầu và khí đốt.
Theo nhà lãnh đạo Đức, "rất nhiều quốc gia đang phải gánh chịu hậu quả từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và đây là lý do tại sao chúng tôi quyết định sẽ giúp đỡ những quốc gia đang chịu thiệt hại”. (DW)
* Estonia nói phải tránh hòa bình tồi tệ cho Ukraine: Ngày 25/5, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho rằng, Ukraine phải có khả năng đàm phán với Nga trên cơ sở thế mạnh.
Theo bà, “phải tránh một nền hòa bình tồi tệ, một nền hòa bình thông qua đàm phán tồi tệ cho Ukraine sẽ đồng nghĩa với một nền hòa bình tồi tệ cho tất cả chúng ta".
Nữ lãnh đạo nhận định: "Việc nhượng bộ Tổng thống Nga Vladimir Putin còn nguy hiểm hơn nhiều so với việc khiêu khích ông ấy. Tất cả những nhượng bộ tưởng như nhỏ nhặt này đều sẽ dẫn đến các cuộc chiến tranh lớn. Chúng ta đã phạm sai lầm này ba lần: Gruzia, Crimea và Donbass". (Reuters)
* Lithuania tiếp tục hỗ trợ thiết bị quân sự cho Ukraine, bao gồm 20 xe bọc thép chở quân M113 cùng nhiều xe tải quân sự và phương tiện rà phá bom mìn trị giá 15,5 triệu Euro (khoảng 16,5 triệu USD).
* Canada tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, với khoảng 20.000 viên đạn pháo - loại đạn mà lực lượng Ukraine sử dụng trong các khẩu lựu pháo lớn.
Châu Âu
* Nga cảnh báo để mắt Moldova: Ngày 24/5, cựu Tổng thống Moldova Igor Dodon thân Nga - điều hành đất nước từ năm 2016 đến năm 2020 - đã bị chính quyền hiện tại của nước này bắt giữ vì nghi ngờ phản quốc và tham nhũng.
Ngày 25/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko nói rằng, việc giam giữ ông Dodon là “chuyện nội bộ” của Moldova, song nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi không muốn các nhà chức trách hiện tại bắt đầu trừng phạt các đối thủ chính trị cũ của họ trong tình hình hiện tại”.
Ông cho biết, Nga sẽ "giám sát chặt chẽ" vụ việc để đảm bảo rằng “tất cả các quyền của ông Dodon” đều được tôn trọng và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. (AFP, Reuters)
* EU đóng băng gần 10 tỷ Euro tài sản của các doanh nhân Nga: trong khuôn khổ gói trừng phạt liên quan tình hình Ukraine, theo hãng thông tấn DPA.
EU có kế hoạch thúc đẩy một dự luật vào cuối ngày 25/5, theo đó sẽ cho phép thu giữ số tài sản bị đóng băng của Nga.
* Qatar rót vốn đầu tư "khủng" vào Anh: Ngày 24/5, Anh cho biết, nước này đã nhất trí với Qatar về mối quan hệ Đối tác Đầu tư chiến lược mới giữa hai bên, theo đó quốc gia vùng Vịnh này sẽ đầu tư vào Anh tới 10 tỷ Bảng (12,5 tỷ USD) trong 5 năm tới.
Khoản đầu tư này, sẽ bao gồm các lĩnh vực như công nghệ tài chính, khoa học đời sống và an ninh mạng, đã được ký kết trong chuyến thăm của Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani tới London. (Reuters)
* Nga cấm nhập cảnh hơn 150 thượng nghị sĩ Anh, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/5, nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt tương tự của London do vấn đề Ukraine. (AFP)
Châu Mỹ
* Xả súng đẫm máu ở Mỹ, Tổng thống Biden kêu gọi mạnh mẽ: Chiều 24/5 (giờ địa phương), tại trường tiểu học Robb ở thị trấn Uvalde, bang Texas, xảy ra vụ xả súng làm 21 người thiệt mạng, trong đó có 18 học sinh.
Thủ phạm được xác định là Salvador Ramos, 18 tuổi, học sinh hoặc cựu học sinh của trường phổ thông trung học Uvalde. Lực lượng an ninh đã tiêu diệt đối tượng tại chỗ.
Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi người dân nước này chống lại các hoạt động vận động hành lang mạnh mẽ ủng hộ súng đạn sau vụ việc.
Phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden nói: “Đã đến lúc biến nỗi đau này thành hành động cho mọi bậc cha mẹ, cho mọi người dân của đất nước này. Chúng ta phải làm rõ điều đó cho mọi quan chức được bầu ở Mỹ: đã đến lúc phải hành động”. (AP, Reuters)
* Mỹ bắt giữ nghi can âm mưu ám sát cựu Tổng thống George W. Bush, có tên Shihab Ahmed Shihab Shihab, công dân Iraq sống ở Columbus, bang Ohio, theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ.
Đối tượng này bị buộc tội hỗ trợ, tiếp tay cho âm mưu sát hại một cựu quan chức Mỹ và đưa công dân nước ngoài đến Mỹ một cách bất hợp pháp.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Shihab được cho là đã lên kế hoạch nhập cư bất hợp pháp cho 4 công dân Iraq như một phần của âm mưu này. (CNN)
Đông Bắc Á
* Triều Tiên phóng 3 tên lửa vào sáng 25/5 ra vùng biển phía Đông nước này, trong đó đường như có một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến công du châu Á - trong đó có chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản - để nhấn mạnh cam kết an ninh của Washington đối với Seoul và Tokyo.
Trong chuyến công du Hàn Quốc hôm 21/5, Tổng thống Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nhất trí tăng quy mô tập trận chung cũng như triển khai thêm khí tài chiến lược Mỹ nếu cần thiết.
* Hàn-Mỹ bắn tên lửa sau động thái của Triều Tiên: Ngày 25/5, quân đội Mỹ đã phóng hệ thống tên lửa chiến thuật, trong khi Hàn Quốc phòng các tên lửa Hyunmoo-2 trong cuộc tập trận chung bắn đạn thật ngay sau khi Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin, hai bên đã nhất trí tăng cường hơn nữa thế trận quốc phòng phối hợp giữa Seoul và Washington.
Họ cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai các khí tài quân sự chiến lược của Mỹ và sớm nối lại Nhóm Tham vấn và chiến lược răn đe mở rộng (EDSCG) để chuẩn bị đối phó khả năng Triều Tiên tiến hành thêm các hành động khiêu khích". (Yonhap)
* Hàn-Mỹ hối thúc Triều Tiên đối thoại sau vụ phóng tên lửa: Mỹ và Hàn Quốc đồng loạt lên án việc Triều Tiên tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo sáng 25/5.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi kêu gọi Bình Nhưỡng không tiến hành thêm các hành động khiêu khích và tham gia vào đối thoại bền vững và thực chất”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se cho rằng: “Triều Tiên sẽ không đạt được gì ngoài việc đối mặt với các động thái tăng cường răn đe của Hàn Quốc và Mỹ cùng những bất lợi khác do các hành động khiêu khích này".
Theo ông, Bình Nhưỡng nên "dừng ngay các hành động khiêu khích để không tự cô lập mình và mắc kẹt trong các lệnh trừng phạt, đồng thời chọn con đường đối thoại và ngoại giao để đạt được các yêu cầu của mình”.
Hàn Quốc cũng khẳng định, sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng trong “bất kỳ chủ đề nào mà không cần điều kiện tiên quyết”. (Yonhap)
* Ngoại trưởng Trung Quốc chuẩn bị thăm chính thức khu vực Nam Thái Bình Dương gồm quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Timor Leste theo lời mời từ ngày 26/5-4/6. (THX)
* Nga-Trung Quốc tuần tra chung ở các vùng biển ngoài khơi khu vực Đông Bắc Á, gồm Biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.
Hai nước cho biết, chiến dịch tuần tra chiến lược trên không này không nhằm vào quốc gia thứ 3 và "không vi phạm không phận quốc tế" trong quá trình tuần tra. (Reuters, TASS)
Trung Đông
* Quan hệ Israel-Thổ Nhĩ Kỳ “mở sang trang mới”: Phát biểu tại cuộc họp báo chung nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/5, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid khẳng định, hai nước đang tìm cách “đóng lại trang cũ và mở sang trang mới” trong mối quan hệ song phương.
Theo đó, quan hệ giữa hai nước đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng Israel "vẫn ghi nhớ Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo đầu tiên công nhận Nhà nước Israel độc lập vào năm 1949", đồng thời hai bên "luôn biết cách hướng tới đối thoại và hợp tác".
Về phần mình, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết, bất chấp những bất đồng còn tồn tại, hai bên đồng ý sẽ duy trì đối thoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bởi "việc này không chỉ có lợi cho mối quan hệ song phương, mà còn đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh trong khu vực".
Trước đó, tại Palestine, ông Cavusoglu khẳng định với các quan chức nước chủ nhà rằng, việc cải thiện quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Israel không ảnh hưởng tới cam kết ủng hộ Palestine và giải pháp hai nhà nước đối với cuộc xung đột Israel-Palestine. (Times of Israel)
* Mỹ trừng phạt Hamas và các thực thể liên quan: Ngày 24/5, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một quan chức tài chính và các công ty của Văn phòng Đầu tư của phong trào Hồi giáo Hamas, bộ phận nắm giữ tài sản ước tính trị giá hơn 500 triệu USD.
Các công ty này bao gồm Agrogate Holding có trụ sở tại Sudan, công ty Sidar có trụ sở tại Algeria, công ty Cổ phần bất động sản Itqan có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, công ty Trend GYO có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ và công ty Anda có trụ sở tại Saudi Arabia. (Reuters)
Châu Phi
* LHQ hối thúc Sudan đối thoại để đạt được giải pháp chính trị: Ngày 24/5, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Sudan Volker Perthes kêu gọi giới chức Sudan cam kết thúc đẩy tiến trình đối thoại như một cách duy nhất để đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại nước này.
Ông Perthes cho rằng, để đưa quá trình chuyển đổi chính trị ở Sudan đi đúng hướng, trước tiên nhà chức trách nước này cần trả tự do cho những người hiện còn bị giam giữ, chấm dứt việc bắt giữ tùy tiện và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp.
Theo quan chức LHQ, thời gian để thúc đẩy một giải pháp chính trị nhằm đưa đất nước Sudan thoát khỏi khủng hoảng chính trị và kinh tế-xã hội hiện nay không còn nhiều.
* Ai Cập chấp thuận chuyến bay thẳng từ thủ đô Yemen: Ngày 24/5, chính phủ Yemen cho biết, Ai Cập đã chấp thuận các chuyến bay thẳng từ thủ đô Sanaa hiện do lực lượng Houthi kiểm soát tới thủ đô Cairo của quốc gia Bắc Phi này, sau thỏa thuận ngừng bắn giữa liên quân Arab và lực lượng phiến quân.
Các cơ quan có thẩm quyền của hai nước sẽ làm việc trong những ngày tới để phối hợp và hoàn thiện các thủ tục kỹ thuật vận hành các chuyến bay.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ hoan nghênh quyết định của Ai Cập. (Alaraby)
WEF thúc đẩy hành động cho các sáng kiến về biến đổi khí hậu
Ngày 25/5, các phiên thảo luận của Hội nghị thường niên lần thứ 52 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ, xoay quanh vấn đề huy động hành động công - tư để thực hiện các mục tiêu quan trọng về khí hậu toàn cầu năm 2030 và 2050.
Đây là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị WEF Davos 2022.
Các cuộc thảo luận nhấn mạnh sự cấp bách đối với chính phủ các nước và các doanh nghiệp trên toàn cầu trong việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.
Các đại biểu tham gia các phiên thảo luận tại Davos cho rằng, việc bảo vệ thiên nhiên và khí hậu cần được quan tâm hàng đầu, nhất là trong bối cảnh chỉ còn vài năm nữa để thay đổi hướng đi, tránh việc các cơ hội bị bỏ qua.
Giám đốc điều hành Trung tâm Thiên nhiên và khí hậu tại WEF Neo Gim Huay, nêu rõ: "Hội nghị thường niên tại Davos là cơ hội quan trọng để củng cố quyết tâm của chúng ta đối với hành động vì khí hậu, biến tham vọng thành hành động và củng cố thêm nhiều mối quan hệ đối tác để cùng tạo ra một tương lai mà chúng ta có thể tự hào".
Ông Tedros A.Ghebreyesus tái đắc cử Tổng Giám đốc WHO
Ngày 24/5, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết, các nước thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bầu lại ông Tedros Adhanom Ghebreyesus làm Tổng Giám đốc tổ chức này
Trên mạng xã hội Twitter, ông Lauterbach nêu rõ: "Tiến sĩ Tedros được bầu lại làm Tổng Giám đốc của WHO, với tỷ lệ 155/160 phiếu ủng hộ, một kết quả ngoạn mục. Xin chúc mừng, hoàn toàn xứng đáng". (Reuters)