Tin thế giới 25/3: Nga nói gì về việc bị loại khỏi G20?; EU chuẩn bị ‘tung’ thêm trừng phạt Nga, Belarus; Tên lửa ‘kiểu mới’ của Triều Tiên

Duy Quang| 25/03/2022 21:15

Nga 'dửng dưng' trước khả năng bị loại khỏi G20, Xung đột Nga-Ukraine, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc, Triều Tiên thử tên lửa hiện đại nhất từ trước đến nay... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Tin thế giới 25/3: Nga nói gì về việc bị loại khỏi G20?; EU chuẩn bị ‘tung’ thêm trừng phạt Nga, Belarus; Tên lửa ‘kiểu mới’ của Triều Tiên
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nhiều thành viên của G20 cũng đang có chiến tranh kinh tế với Moscow. (Nguồn: UN Photo)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga: Chẳng có gì khủng khiếp xảy ra nếu Moscow bị loại khỏi G20

Ngày 25/3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng sẽ chẳng có gì khủng khiếp xảy ra nếu Mỹ và các đồng minh thành công trong việc loại Nga khỏi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), vì dù sao nhiều thành viên của G20 cũng đang có chiến tranh kinh tế với Moscow.

Phát biểu với báo giới, ông Peskov cho biết quân đội Nga sẽ đề xuất lên Tổng thống Vladimir Putin về cách Moskva nên tăng cường hoạt động phòng thủ để đối phó việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) củng cố sườn phía Đông. (Reuters)

Các cơ quan đại diện bị ‘tấn công’, Nga gửi yêu cầu điều tra

Chủ tịch Ủy ban Điều tra Nga Alexander Bastrykin ngày 25/3 cho biết, cơ quan này đã đưa ra yêu cầu đối với 7 quốc gia về các cuộc tấn công vào các đại sứ quán và lãnh sự quán của Nga ở nước ngoài.

Ông Bastrykin nói rằng, sau khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, “chiến tranh truyền thông” và “chiến dịch hận thù” chống lại Nga đã nổ ra. Sau đó, các cơ quan đại diện của Nga ở châu Âu liên tục bị tấn công, cụ thể là tại Hà Lan, Ireland, Czech, Lithuania, Ba Lan, Pháp và Estonia.

“Chúng tôi cũng đã ghi nhận tất cả những thông tin này trong khuôn khổ các vụ án hình sự và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ gửi yêu cầu hỗ trợ pháp lý đến cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia này", Chủ tịch Ủy ban Điều tra Nga nói với TASS.

Mỹ trừng phạt hàng trăm cá nhân Nga

Ngày 24/3, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới liên quan Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các lệnh trừng phạt nhằm vào hàng chục công ty quốc phòng, 328 thành viên của cơ quan lập pháp Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga và Giám đốc điều hành của Sberbank.

Phản ứng trước động thái mới của Mỹ, ngày 25/3, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga sẽ không đạt được mục đích.

Trong một tuyên bố đăng trên tài khoản Telegram của Đại sứ quán Nga tại Mỹ, ông Antonov nhấn mạnh: "Không có cách nào khiến người dân Nga phải quỳ gối trước điều giả dối. Không ai có thể buộc chúng tôi hy sinh những điều tốt đẹp của quê hương để làm hài lòng ý muốn của Mỹ và các đồng minh". (Reuters/Sputnik)

Mỹ tôn trọng lựa chọn của Ukraine

Ngày 24/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nếu Ukraine muốn từ bỏ lãnh thổ để đàm phán chấm dứt xung đột với Nga, thì Washington sẽ tôn trọng lựa chọn này của Kiev.

Khi được hỏi liệu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có cần nhượng lại bất kỳ vùng đất nào để đảm bảo ngừng bắn hay không, hoặc liệu một động thái như vậy có được cân nhắc hay không, Tổng thống Biden nói rằng đó "hoàn toàn là quyết định của Ukraine”.

Trả lời họp báo tại thủ đô Brussels (Bỉ), ông Biden nêu rõ: “Tôi không tin họ sẽ phải làm điều đó", song ông lưu ý "các cuộc thảo luận đã diễn ra mà tôi không tham gia", đề cập đến đàm phán giữa Ukraine và Nga. (RT)

EU sẵn sàng biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga, Belarus

Ngày 25/3, một tuyên bố của Hội đồng châu Âu (EC) khẳng định, các nhà lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga và Belarus.

Theo tuyên bố, bất kỳ nỗ lực nào nhằm lách các lệnh trừng phạt hoặc viện trợ Nga bằng các biện pháp khác đều phải bị dừng lại.

EC cũng lưu ý rằng EU đã nhất trí về việc thành lập quỹ tín thác cho Ukraine, với tên gọi Quỹ tín thác đoàn kết Ukraine (Ukraine Solidarity Trust Fund), đồng theo kêu gọi các đối tác quốc tế tham gia. (TASS)

Phương Tây sẽ giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga

Ngày 25/3, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố thỏa thuận cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trong bối cảnh Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Một tuyên bố nêu rõ, sáng kiến do Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố sẽ chứng kiến việc Washington nỗ lực giúp cung cấp cho châu Âu thêm 15 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong năm nay. (AFP)

Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm mua S-400

Ngày 25/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, nước này không thay đổi quan điểm về việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga và vấn đề này là một "thỏa thuận đã xong".

Ngoài ra, ông Erdogan cho biết cuộc đàm phán giữa Ankara với Washington về máy bay tiêm kích F-16 mới đang diễn ra thuận lợi.

Báo Haberturk dẫn lời ông Erdogan trên chuyến bay trở về sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ) bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán tích cực về việc mua lô F-16 mới, cùng bộ dụng cụ hiện đại hóa từ Washington sẽ sớm có kết quả.

Ông cũng bác bỏ thông tin cho rằng giới chức Mỹ đã đặt vấn đề một cách không chính thức với Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng không đưa hệ thống S-400 tới Ukraine trong bối cảnh Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo ông, "tất cả những gì họ làm là gây náo động" liên quan đến Washington. (Reuters)

Hàn Quốc và Trung Quốc ​nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương

Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chiều ngày 25/3 (giờ địa phương) đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó nhấn mạnh sẽ duy trì liên lạc để sớm thực hiện cuộc gặp cấp cao trực tiếp ngay sau lễ nhậm chức.

Đây là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình nói chuyện qua điện thoại với một tổng thống đắc cử của Hàn Quốc kể từ khi nhậm chức vào tháng 3/2013.

Phát biểu với báo giới ở Seoul sau cuộc điện đàm, Người phát ngôn của Tổng thống đắc cử Kim Eun-hye cho biết: "Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol và Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham vấn chặt chẽ về tình hình an ninh nghiêm trọng trên Bán đảo Triều Tiên sau vụ phóng ICBM của Triều Tiên ngày 24/3 vừa qua đồng thời nhấn mạnh đây là hành động khiêu khích làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên".

Tổng thống Yoon Suk-yeol cho rằng hai nước cần hợp tác chặt chẽ để duy trì ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên. Ông Yoon hy vọng sẽ cùng phối hợp với ông Tập để thúc đẩy quan hệ song phương trên tinh thần "tôn trọng lẫn nhau cùng hợp tác và phát triển".

Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình mô tả Hàn Quốc và Trung Quốc là "những nước láng giềng thân thiết không thể xa cách" đồng thời nói rằng hai bên nên làm việc cùng nhau để mang lại lợi ích cho cả hai nước và người dân bằng cách thúc đẩy sự phát triển ổn định và lâu dài của quan hệ song phương. (Yonhap)

Ấn Độ thừa nhận gặp vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc

Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar ngày 25/3 cho rằng quan hệ giữa nước này với Trung Quốc hiện không bình thường, do việc triển khai số lượng lớn binh sĩ dọc biên giới, trái với các thỏa thuận 1993-1996.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm sâu rộng với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết hai bên đã thảo luận về một chương trình nghị sự sâu rộng một cách cởi mở và thẳng thắn.

“Chúng tôi đã thảo luận về mối quan hệ song phương vốn đã bị xáo trộn do các hành động của Trung Quốc vào tháng 4/2020. Tôi đã thành thật bày tỏ ý kiến của chúng tôi về vấn đề này trong cuộc gặp với ông Vương Nghị”, ông S. Jaishankar cho biết.

Ngoại trưởng Ấn Độ đồng thời khẳng định việc khôi phục quan hệ bình thường sẽ đòi hỏi việc khôi phục trạng thái bình thường ở các khu vực biên giới. Ông Jaishankar cho biết hiện nay hai nước đang tiến hành công việc để giải quyết tình hình nhưng với tốc độ chậm hơn mong muốn.

Ông lưu ý hiện giữa hai nước vẫn còn những khu vực đối đầu, dù đã đạt được tiến bộ trong việc giải quyết một số khu vực xung đột khác như hồ Pangong Tso. Cuộc hội đàm ngày hôm nay là nhằm bàn cách thúc đẩy điều này. (PTI)

Triều Tiên tiến nhanh trong công nghệ tên lửa

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 25/3 xác nhận Triều Tiên đã phóng thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ mới mang tên Hwasong-17 vào ngày 24/3 (giờ địa phương), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo KCNA, tên lửa Hwasong-17 nói trên đã bay được quãng đường dài 1.090 km trong 4.052 giây trước khi bắn trúng mục tiêu trên biển. Hãng thông tấn này dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố: "Loại vũ khí chiến lược mới này của Triều Tiên sẽ khiến cả thế giới một lần nữa phải thừa nhận rõ ràng sức mạnh của các lực lượng vũ trang chiến lược của chúng ta".

Truyền thông phương Tây dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng đây có thể loại ICBM lớn nhất từ trước đến nay mà Bình Nhưỡng phát triển được và động thái này cho thấy Triều Tiên đã bất ngờ quay trở lại hoạt động thử nghiệm tên lửa tầm xa, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

Tổng thống Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Moon Jae-in nói rằng vụ thử mới này đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Bán đảo Triều Tiên, khu vực và cộng đồng quốc tế, đồng thời là "sự vi phạm rõ ràng" các nghị quyết của HĐBA LHQ.

Với giọng điệu cứng rắn hơn, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định: "Vụ phóng này là sự vi phạm trắng trợn các nghị quyết của HĐBA LHQ". Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố: "Đây là một hành động tàn bạo và không thể tha thứ". (Yonhap/Reuters)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 25/3: Nga nói gì về việc bị loại khỏi G20?; EU chuẩn bị ‘tung’ thêm trừng phạt Nga, Belarus; Tên lửa ‘kiểu mới’ của Triều Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO