Tin thế giới 25/2: Nga nói ‘trung lập là còn đường duy nhất’; Indonesia-Ấn Độ tập trận chung

Minh Vương| 25/02/2022 20:48

Nga nói ‘trung lập là còn đường duy nhất’, Ukraine kêu gọi EU tăng sức ép, Indonesia-Ấn Độ tập trận chung...là tin thế giới nổi bật ngày 25/2.

(02.25) Một khu phố tại thủ đô Kiev của Ukraine sau khi hứng chịu đợt tấn công của Nga ngày 24/2. (Nguồn: AP)
Tin thế giới 25/2: Nga nói ‘trung lập là còn đường duy nhất’, Ukraine kêu gọi EU tăng sức ép, Indonesia-Ấn Độ tập trận chung - Ảnh: Một khu phố tại thủ đô Kiev của Ukraine sau khi hứng chịu đợt tấn công của Nga ngày 24/2. (Nguồn: AP)

Căng thẳng Nga-Ukraine

Nga nói “trung lập là con đường duy nhất” cho Ukraine, nêu điều kiện đàm phán

Ngày 25/2, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR), ông Sergei Naryshkin, cho rằng con đường duy nhất cho Ukraine là trung lập, một ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt với nước này.

Trước đó, Điện Kremlin cho biết đã lưu ý tuyên bố của Ukraine rằng Kiev sẵn sàng thảo luận về vị thế trung lập và đang phân tích lời đề nghị này.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow đã sẵn sàng đàm phán với Kiev nếu quân đội Ukraine đầu hàng, trong bối cảnh các lực lượng Nga tiến vào thủ đô của quốc gia Đông Âu này. Phát biểu họp báo tại Moscow, ông Lavrov nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào, ngay sau khi các lực lượng vũ trang Ukraine đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi và hạ vũ khí”.

Cùng ngày, các lực lượng Nga tuyên bố đã nắm quyền kiểm soát một con kênh quan trọng cung cấp nước cho Bán đảo Crimea, khu vực vốn phải hứng chịu cảnh thiếu nước trong 8 năm qua. Crimea tiếp nhận phần lớn nước từ sông Dnepr của Ukraine qua kênh đào Bắc Crimea cho đến năm 2014, khi Moscow sáp nhập bán đảo này. Sau đó, chính quyền Kiev đã chặn con kênh này. (Reuters/AFP)

Nga: Phương Tây cùng Ukraine phá hoại các Hiệp định Minsk

Ngày 25/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết các nước phương Tây đã hoàn toàn đứng về phía Ukraine phá hoại các Hiệp định Minsk, văn kiện nhằm mang lại hòa bình cho cuộc xung đột ở Donbas.

Họp với các quan chức đối ngoại cấp cao của "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" (DPR) và "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" (LPR) tự xưng, ông Lavrov nêu rõ: “Phương Tây hoàn toàn đứng về phía chính quyền Kiev trong những nỗ lực nhằm phá hoại và phá hủy triệt để các Hiệp định Minsk.

Trong những tuần gần đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã che chở cho Kiev khi Ukraine cuối cùng đã quyết định chiếm DPR và LPR bằng vũ lực, thông báo không có sự lựa chọn thay thế nào cho Ukraine ngoài việc gia nhập NATO và đe dọa sở hữu các vũ khí hạt nhân”.

Theo ông, Moscow không thể vẫn dửng dưng về các yêu cầu cung cấp viện trợ quân sự của Donetsk và Lugansk trước sự gây hấn của Kiev.

Ông Lavrov nói thêm: “Trong suốt những năm qua, các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi đã liên tục bao che cho chế độ ở Ukraine, làm ngơ trước tội ác chiến tranh chống lại dân thường, làm ngơ trước những vụ sát hại phụ nữ, trẻ em, người già, đến việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự và âm thầm khuyến khích sự phát triển nhanh chóng chủ nghĩa quốc xã mới và căn bệnh ghét Nga, những điều cuối cùng đã đẩy đất nước này vào thảm kịch”. (Sputnik)

Ukraine cáo buộc Nga tăng cường binh sĩ tại Belarus để tấn công Kiev

Ngày 25/2, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine đã cáo buộc Nga đang sử dụng sân bay Gomel ở Belarus để điều quân tấn công Kiev do sân bay quân sự Hostomel gần thủ đô Ukraine bị hư hại.

Trong tuyên bố trên trang Facebook, Bộ trên nhấn mạnh: “Để đe dọa người dân Ukraine, kẻ thù đang tăng cường chọn cách phá hủy cơ sở hạ tầng và nhà ở dân sự”. Theo tuyên bố, quân đội Nga đang tiến vào Kiev từ nhiều hướng trong khi các lực lượng Ukraine chiến đấu xung quanh thành phố Mariupol ở miền Nam và Kharkiv ở phía Đông Bắc nước này.

Hãng tin RIA (Nga) dẫn nguồn AP cho biết có tiếng súng gần khu vực trụ sở Chính phủ ở thủ đô Kiev. Cố vấn của Chính phủ Ukraine nhận định khả năng Nga sẽ cố vào Kiev trong ngày hôm nay (25/2). Cư dân thành phố đã được yêu cầu tới các địa điểm trú ẩn khi có báo động không kích.

Cũng trong ngày, lãnh đạo tỉnh Belgorod ở miền Nam nước Nga cho biết 7 tòa nhà dân cư trong khu vực này đã bị hư hại do pháo kích từ Ukraine. (Reuters)

Ukraine kêu gọi EU bổ sung trừng phạt nhằm tăng sức ép đối với Nga

Ngày 25/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga sau khi khối này trì hoãn gói trừng phạt toàn diện đối với Moscow.

Sau thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Zelensky viết trên Twitter rằng “Không phải tất cả các khả năng trừng phạt đã được khai thác triệt để. Cần phần gia tăng sức ép với Nga”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho hay EU muốn cắt đứt mọi liên kết giữa Nga và hệ thống tài chính toàn cầu sau khi khối nhất trí các biện pháp trừng phạt mới với Moscow bởi chiến dịch tại Ukraine. (Reuters)

Anh cam kết sẽ hỗ trợ thêm cho Ukraine

Ngày 25/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết “Anh sẽ hỗ trợ thêm cho Ukraine” trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong cuộc điện đàm này, ông Zelensky đã thông báo cho nhà lãnh đạo Anh biết “những diễn biến khủng khiếp tại Kiev”.

Trong một thông báo, Văn phòng Thủ tướng Johnson nêu rõ: “Tổng thống Zelensky đã cập nhật cho Thủ tướng Anh những bước tiến quân gần đây nhất của Nga, trong đó có những diễn biến khủng khiếp tại Kiev. Thủ tướng cam kết Anh sẽ viện trợ thêm cho Ukraine trong những ngày tới”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheik Abdullah bin Zayed Al Nahyan cũng đã thảo luận về Ukraine sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại đây.

Trong một thông báo được đưa ra ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Ngoại trưởng Antony J. Blinken hôm nay đã điện đàm với Bộ trưởng Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan về cuộc tấn công được tính toán trước, vô cơ và phi lý của Nga vào Ukraine cũng như tầm quan trọng của việc tạo ra một phản ứng quốc tế mạnh mẽ để ủng hộ chủ quyền của Ukraine qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”. (AFP/Sputnik)

(02.25) Thủ tướng Pakistan Imran Khan duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Moscow. (Nguồn: New York Times)
Thủ tướng Pakistan Imran Khan duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Moscow. (Nguồn: New York Times)

Pakistan quan ngại ảnh hưởng về kinh tế từ xung đột Nga-Ukraine

Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã quan ngại về tác động kinh tế từ cuộc xung đột ở Ukraine đối với các nước đang phát triển trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow ngày 24/2.

Trong một thông báo chiều 24/2 sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, Bộ Ngoại giao Pakistan nêu rõ: “Thủ tướng Khan đã nhấn mạnh cuộc xung đột này sẽ không có lợi cho ai, và các quốc gia đang phát triển luôn phải hứng chịu tác động nặng nề nhất về mặt kinh tế khi xung đột xày ra”.

Ông Khan là nhà lãnh đạo trên thế giới đầu tiên gặp ông chủ Điện Kremlin kể từ khi ông Putin ra lệnh phát động cuộc tấn công Ukraine. Thủ tướng Pakistan đã có mặt tại Moscow chỉ vài giờ trước khi cuộc tấn công bắt đầu trong một chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với Nga.

Ngày 25/2, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và Thủ tướng Nga Mikhail Mishutin cũng đã thảo luận các biện pháp bảo vệ hoạt động thương mại song phương trước các lệnh trừng phạt Nga. (Reuters)

Ukraine kêu gọi ngăn chặn tàu Nga ở Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ nói khó thực hiện

Ngày 25/2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara không thể ngăn các tàu chiến Nga tiếp cận Biển Đen thông qua các eo biển của nước này như Ukraine đã yêu cầu do một điều khoản trong hiệp ước quốc tế cho phép các tàu trở về căn cứ tại quê nhà.

Phát biểu tại Kazakhstan, ông Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang nghiên cứu đề nghị của Kiev. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng song theo Công ước, Nga có quyền đưa các tàu của nước này trở về các căn cứ tại quê nhà, trong trường hợp này là ở Biển Đen. Vì vậy, các tàu Nga sẽ chỉ bị ngăn cản khi đi theo hướng khác, từ căn cứ đến Địa Trung Hải.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm rằng các chuyên gia pháp lý nước này vẫn đang cố xác định xem liệu xung đột ở Ukraine có thể được định nghĩa là một cuộc chiến hay không. Điều sẽ quyết định việc chính quyền nước này thực hiện các quy định trong Công ước.

Trước đó, Ukraine đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn tàu chiến Nga đi qua eo biển Dardanelles và Bosphorus vào Biển Đen. (Reuters)

Indonesia

Indonesia tham gia tập trận hải quân đa phương tại Ấn Độ

Theo hãng thông tấn Antara, tàu KRI Raden Eddy Martadinata-331 của Hải quân Indonesia đã lên đường đến Ấn Độ để tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương mang tên Milan-2022.

Cuộc tập trận này sẽ được tổ chức tại vùng biển Visakhapatnam thuộc bang Andhra Pradesh của Ấn Độ từ ngày 26/2 đến ngày 4/3/2022. Tàu KRI Raden Eddy Martadinata-331 dự kiến sẽ đến Ấn Độ trong ngày 25/2.

Trong một thông cáo, Đại tá Wawan Trisatya, Chỉ huy đơn vị tàu hộ tống thuộc Bộ chỉ huy Hạm đội I cho biết Milan-2022 là cuộc diễn tập trận trên biển lớn nhất do Hải quân Ấn Độ tổ chức hai năm một lần từ năm 1995 ngoại trừ các năm 2001, 2005, 2016 và 2020.

Năm nay, sự kiện này sẽ thu hút sự tham gia của 15 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản. Theo Đại tá Trisatya – Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm tham gia Milan-2022, Indonesia là một trong bốn nước đã tham gia cuộc diễn tập này từ đầu, bên cạnh Singapore, Sri Lanka và Thái Lan.

Về phần mình, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono, nhấn mạnh việc tham gia cuộc diễn tập nằm trong chính sách chiến lược của Indonesia nhằm thúc đẩy ngoại giao quân sự khu vực. (Antara)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 25/2: Nga nói ‘trung lập là còn đường duy nhất’; Indonesia-Ấn Độ tập trận chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO