Tình hình xung quanh Ukraine đang 'nóng' lên với những căng thẳng giữa Nga với phương Tây. (Nguồn: Latuf Cartoon) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine không thấy khả năng Nga xâm lược trong tương lai gần
Ngày 25/1, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cho biết, ông không nhận được thông tin nào cho thấy khả năng Nga xâm lược đất nước của ông trong tương lai gần.
Theo ông, tính đến nay, "các lực lượng vũ trang của Nga không lập ra các nhóm tấn công để cho thấy họ đã sắp sửa tiến hành một cuộc tấn công vào ngày mai", đồng thời nhận định, kịch bản về một cuộc tấn công của Nga trong tương lai gần cũng khó xảy ra.
Khi được hỏi về khả năng Nga tấn công Ukraine vào ngày 20/2, ngày cuối cùng của Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh, quan chức trên cho rằng, khả năng xảy ra là "thấp".
Phương Tây và Kiev gần đây đang lan truyền những cáo buộc về khả năng Nga "xâm lược" Ukraine. Nga gọi những tuyên bố này là "trống rỗng và vô căn cứ", phục vụ cho một âm mưu làm leo thang căng thẳng, đồng thời chỉ ra rằng Nga không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với bất kỳ ai. (TASS)
Mỹ chuẩn bị khiêu khích để ép Ukraine hành động? Nga theo dõi sát
Ngày 25/1, theo ông Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban thuộc Thượng viện Nga, phụ trách các vấn đề quốc tế, Mỹ đang chuẩn bị một hành động khiêu khích ở khu vực Donbass.
Ông Dzhabarov nói rõ: “Vụ khiêu khích với một mục đích duy nhất - nhằm tạo ra một cơn rối loạn tâm thần ở Ukraine để đẩy Kiev thực hiện một vụ khiêu khích nhằm vào Nga ở Donbass".
Trước đó một ngày, một người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, 8.500 lính Mỹ đã được đặt trong tình trạng báo động cao về tình hình xung quanh Ukraine.
Về động thái này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, các hành động và tuyên bố của Washington xung quanh Ukraine đang gây leo thang căng thẳng, đồng thời cho biết, Nga đang theo dõi với sự quan ngại sâu sắc.
Nga cũng nhận định, việc Tổ chức Hiêp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo đang bố trí các lực lượng ở trạng thái trực chiến và củng cố khu vực Đông Âu bằng nhiều tàu và máy bay chiến đấu, là "sự cuồng loạn" của phương Tây nhằm đáp trả việc Moscow củng cố quân đội ở biên giới Ukraine. (Reuters, Sputnik)
Các biện pháp trừng phạt Nga được phương Tây mổ xẻ
Ngày 24/1, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng một số người đồng cấp châu Âu, cũng như Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và Tổng thư ký NATO đã thảo luận các vấn đề liên quan Nga-Ukraine.
Tuyên bố nêu rõ: "Các nhà lãnh đạo đã nhắc lại mối quan ngại liên tiếp về việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới Ukraine và bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Họ nhấn mạnh mong muốn chung về một giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng hiện tại và xem xét các cam kết gần đây với Nga dưới nhiều hình thức.
Liên quan đề xuất an ninh của Nga, Mỹ cho cho biết, nước này sẽ phản hồi bằng văn bản tới Moscow trong tuần tới.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Moscow sẽ đưa ra phản ứng sau khi nhận được các phản hồi của Mỹ. (TASS)
Hợp tác Nga-Trung: Nhân tố kiềm chế căng thẳng trên thế giới?
Ngày 24/1, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov nhận định, Hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong mọi lĩnh vực là "một nhân tố mạnh mẽ trong việc kiềm chế căng thẳng lan rộng, là nhân tố ổn định cả tình hình khu vực lẫn tình hình quốc tế".
Theo ông, "trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi mà dường như toàn nhân loại nên đoàn kết, hợp lực để chống lại thảm họa này để loại bỏ những hậu quả tiêu cực về kinh tế và xã hội của nó, thì ngược lại - chúng ta lại phải chứng kiến sự gia tăng căng thẳng trên trường quốc tế".
Ông Denisov lưu ý: "Đáng tiếc rằng sự gia tăng này ảnh hưởng trực tiếp đến cả Trung Quốc và Nga, chúng tôi không có lỗi trong việc căng thẳng quốc tế gia tăng, mà ngược lại, hai quốc gia chúng tôi - Nga và Trung Quốc - đang nỗ lực hết sức để giảm bớt sự căng thẳng đó".
Ngày 25/1, hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng hải quân của nước này và Trung Quốc đã tổ chức tập trận ở Biển Arab. (Sputnik, Reuters)
Biển Đông: Mỹ hoan nghênh đồng minh thực thi tự do hàng hải
Ngày 24/1, Quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề đại dương và ngư nghiệp Constance Arvis tuyên bố, Washington hoan nghênh Nhật Bản và các đồng minh khác tiến hành những hoạt động tự do hàng hải.
Nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ "tiếp tục hoạt động trên không, trên biển và những hoạt động khác ở bất cứ nơi vào luật pháp quốc tế cho phép", ông Arvis nói: "Chúng tôi hoan nghênh các đồng minh và đối tác làm điều đó, đặc biệt là Nhật Bản".
Trong khi đó, Phó Trợ ký Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Cục các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Jung Pak khẳng định, với vai trò rất lớn tới sinh kế và sự thịnh vượng của kinh tế, tuyến đường thủy ở Biển Đông "có tầm quan trọng chiến lược" với Washington và các đồng minh và cần đảm bảo có tự do hàng hải.
Trợ lý Cố vấn Pháp lý về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Harris nói rằng, "không có gì gọi là khiêu khích" khi thực hiện đi lại đơn thuần trên Biển Đông và thực hiện các quyền và tự do được quy định trong phạm vi luật pháp quốc tế. (Kyodo)
Triều Tiên lại phóng tên lửa? Mỹ hối thúc Bình Nhưỡng tìm cách xuống thang
Ngày 25/1, hãng Yonhap đưa tin, Triều Tiên dường như đã phóng 2 tên lửa hành trình hướng ra vùng biển ngoài khơi phía Đông nước này vào sáng cùng ngày.
Quân đội Hàn Quốc đang tiến hành xác định bản chất của các vật thể bay. Văn phòng Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc hiện chưa xác nhận về thông tin này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young đã gặp hàng chục phái viên nước ngoài, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc nối lại đối thoại với Triều Tiên, viện dẫn những bất ổn đang hiện hữu liên quan đến các sự kiện chính trị lớn trong năm nay.
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố, Washington vẫn quan ngại trước chính sách thúc đẩy phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, nhưng cũng nhắc lại rằng Mỹ tiếp tục tin tưởng “ngoại giao là con đường tốt nhất” dành cho mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc góp phần đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, một phần thông qua việc Bắc Kinh thực hiện các lệnh trừng phạt hiện tại của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng. (Reuters, Yonhap)
Mỹ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Iran
Ngày 24/1, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian khẳng định, Tehran chưa có quyết định cuối cùng về đàm phán trực tiếp với Washington.
Tuy vậy, nhà ngoại giao Iran nói rằng, nếu hai bên tiến đến giai đoạn đạt được thỏa thuận có lợi với "những đảm bảo mạnh mẽ vốn đòi hỏi phải đàm phán trực tiếp với Mỹ", thì Tehran "sẽ cân nhắc khả năng này”.
Trước tuyên bố trên, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Washington sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tehran về chương trình hạt nhân Iran.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận, đàm phán trực tiếp sẽ cho phép “giao tiếp hiệu quả hơn” giữa hai bên, gọi đây là lựa chọn “cực kỳ cần thiết để nhanh chóng đạt được nhận thức về việc cùng quay trở lại tuân thủ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA)”.