Tin thế giới 23/7: Nga-Trung cùng ‘phản pháo’ phương Tây; Australia không e ngại Trung Quốc; Afghanistan vẫn rối ren

Quang Đào| 23/07/2021 19:45

Baoquocte.vn. Quan hệ Nga-phương Tây, cạnh tranh Mỹ-Trung, tình hình Afghanistan, Đối thoại chiến lược Mỹ-Hàn... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

, Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov cho rằng Moscow không nên quá kỳ vọng vào
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: TASS)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm lại một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga cáo buộc phương Tây âm mưu gây bất ổn nội bộ

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 23/7 tuyên bố phương Tây đang cố gắng làm suy yếu sự ổn định chính trị trong nước của Nga trước thềm bầu cử, khi mà phương Tây đang đưa ra những cáo buộc vô căn cứ liên quan đến nhân vật đối lập đang bị giam giữ Alexei Navalny cũng như các vấn đề khác.

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến tổ chức tại một cơ sở của đảng Nước Nga thống nhất, Ngoại trưởng Lavrov cho biết chiến dịch tranh cử trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Nga đang diễn ra trong “điều kiện phức tạp bên ngoài”, khi mà các nước phương Tây tìm cách gây ảnh hưởng đối với tình hình tại Nga.

Ông Lavrov nêu rõ: “Các nhà chiến lược chính trị phương Tây không hề giấu giếm việc họ muốn làm suy yếu sự ổn định chính trị trong nước. Họ sử dụng một loạt công cụ bẩn thỉu và lan truyền tin giả, đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về ông Navalny và vụ việc máy bay Boeing của Malaysia rơi tại Ukraine hồi tháng 7/2014, về (cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei) Skripal và nhiều vấn đề khác”.

Ngoài ra, nhà ngoại giao hàng đầu Nga cũng cho hay phương Tây đang cố gắng thiết lập một vành đai bất ổn định xung quanh Nga, đặc biệt là lợi dụng Belarus và Moldova.

Theo ông, phương Tây đang buộc các nước láng giềng thân cận của Nga phải lựa chọn giữa phương Tây và Moscow, đồng thời kiểm soát các vùng lãnh thổ xung quanh Nga về cả mặt quân sự và kinh tế. (Sputnik)

Nga lên tiếng sẽ xua đuổi Taliban nếu xâm nhập Uzbekistan, Tajikistan

Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Tiếng vang Moscow ngày 22/7, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan Zamir Kabulov nói rằng, trong trường hợp đó: “Chúng tôi sẽ tấn công họ theo điều lệ và các thỏa thuận của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể và các hiệp định song phương liên quan”.

Trả lời câu hỏi liệu Nga có thể bị lôi kéo vào các hành động quân sự trên lãnh thổ của các quốc gia Trung Á hay không, ông Kabulov nói rằng theo giả thuyết là có thể xảy ra, nhưng cảnh báo không nên lo xa quá.

Ông nhấn mạnh, những hành động như vậy sẽ chỉ được thực hiện trong trường hợp các tay súng Taliban xâm nhập lãnh thổ của các quốc gia nói trên. (TASS)

Trung Quốc tố Mỹ vu khống

Ngày 23/7, Trung Quốc đã tố cáo Mỹ đang vu khống nỗ lực của Bắc Kinh truy lùng các nghi phạm hình sự ở nước ngoài, sau khi một công tố viên Trung Quốc bị cáo buộc âm mưu đe dọa công dân trở về Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã hối thúc Mỹ sửa chữa sai lầm.

Hôm 22/7, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc một công tố viên làm việc cho Chính phủ Trung Quốc đến Mỹ để chỉ đạo một chiến dịch quấy rối nhằm ép những người Trung Quốc về nước để đối mặt với các cáo buộc hình sự.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố, Mỹ không có tư cách gì để giáo huấn Trung Quốc hoặc đưa ra các bình luận ác ý về Trung Quốc, chứ chưa nói đến việc quả quyết đối phó với Trung Quốc từ vị trí có lợi. (Reuters)

Mỹ truy tố 9 người tham gia chiến dịch 'săn cáo' của Trung Quốc

Bộ Tư pháp Mỹ mới đây đã truy tố 9 đối tượng bị tình nghi tham gia các hoạt động săn lùng và áp giải những người Trung Quốc đào tẩu ra nước ngoài.

“Trung Quốc đã cử đặc vụ đến Mỹ để bí mật thực hiện các hoạt động quấy rối, theo dõi và cưỡng ép các cư dân sống ở Mỹ, buộc họ phải trở về Trung Quốc", Jacquelyn Kasulis, quyền luật sư tại Tòa án hạt Đông New York, nói.

"Đây là hành động đi ngược lại luật pháp. FBI sẽ tiếp tục bảo vệ nạn nhân của các hành động quấy rối và đe dọa này".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ hiện chưa đưa ra phản hồi trước những cáo buộc trên.

"Săn cáo" là chiến dịch được Trung Quốc triển khai trên quy mô toàn cầu, nhằm tìm kiếm và bắt giữ những nghi phạm bỏ trốn, trong đó có cả những đối tượng bị kết tội tham nhũng. Để chiến dịch có thể phát huy hiệu quả, Trung Quốc dựa nhiều vào sự hợp tác có thiện chí với các cơ quan hành pháp quốc tế. (SCMP)

Tình hình Afghanistan:

Afghanistan phủ nhận thông tin Taliban kiểm soát 90% biên giới

Bộ Quốc phòng Afghanistan ngày 23/7 khẳng định tuyên bố của Taliban về việc kiểm soát 90% các đường biên giới nước này “hoàn toàn là lời nói dối”, đồng thời khẳng định các lực lượng chính phủ vẫn đang kiểm soát những khu vực này.

Phó phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Afghanistan Fawad Aman nói: “Đó là một sự tuyên truyền vô căn cứ”. (AFP)

Afghanistan cáo buộc Taliban sát hại hơn 100 dân thường

Kênh truyền hình Tolo News của Afghanistan dẫn thông báo của Người phát ngôn Bộ Nội vụ Mirwais Stanekzai cho biết hơn 100 dân thường ở huyện Spin Boldak thuộc tỉnh Kandahar đã bị những kẻ không rõ danh tính sát hại sau khi khu vực này rơi vào tay phiến quân Taliban. Chính phủ Afghanistan cáo buộc lực lượng Taliban đang kiểm soát khu vực này là thủ phạm sát hại dân thường.

Người phát ngôn Mirwais Stanekzai cho hay: “Theo chỉ đạo của các thủ lĩnh (Taliban) từ Punjab (Pakistan), những kẻ khủng bố tàn bạo đã tấn công nơi ở của những người dân vô tội Afghanistan ở một số khu vực thuộc huyện Spin Boldak, cướp phá nhà cửa và giết hại cả trăm người vô tội”.

Theo kênh truyền hình Tolo News, Taliban phủ nhận có liên quan đến vụ giết hại dân thường. (Sputnik)

Australia tuyên bố không ngại các đòn đánh thương mại từ Trung Quốc

Trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc - Australia leo thang, Canberra cho biết đã chuẩn bị sẵn cho việc hứng chịu các đòn đáp trả thương mại mạnh tay từ Bắc Kinh.

Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết, nước này sẵn sàng hứng chịu tác động kinh tế từ các biện pháp thương mại của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho việc hứng chịu các tác động kinh tế từ mối quan hệ với Trung Quốc. Các giá trị của chúng tôi rất quan trọng. Đó là thứ mà chúng tôi phải bảo vệ trên hết”, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết.

“Chúng ta đều có thể đưa ra các hành động tập thể trong việc đối phó với sự ép buộc kinh tế. Cần xem xét, tính đến việc liệu có nhất thiết bổ sung các công cụ khác để đối phó với điều đó hay không”, ông Dan Tehan nói khi ông đang có mặt ở Washington, tham dự cuộc họp với quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden để thảo luận cách thức đối phó các hành động hiếu chiến của Trung Quốc.

Theo ông Tehan, trong những ngày qua, quan chức Mỹ và Australia thảo luận, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có thêm công cụ khác trong nỗ lực đối phó với hành vi cưỡng bức kinh tế từ Trung Quốc. (Bloomberg)

Mỹ-Hàn khẳng định nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiền, biến đổi khí hậu

Ngày 23/7, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Hàn Quốc Choi Jong-kun và người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman đã có cuộc hội đàm tại Đối thoại chiến lược Thứ trưởng Ngoại giao Hàn-Mỹ lần thứ 9 tại Seoul.

Bà Sherman cho biết, chương trình nghị sự gồm các thách thức khu vực đe dọa phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đi ngược lại lợi ích của Mỹ và Hàn Quốc, nhấn mạnh rằng, hai nước ràng buộc nhau bởi lợi ích an ninh và các giá trị tự do, dân chủ chung.

Nhà ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ mong muốn thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai nước để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt và một lĩnh vực mà hành động là cơ hội, bao gồm việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Đáp lại, ông Choi đã nhấn mạnh vai trò của bà Sherman đối với Tiến trình Perry năm 1999, cho rằng, nỗ lực của bà sẽ chứng tỏ rằng vấn đề Bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao.

Ông Choi cho biết, kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, liên lạc và trao đổi song phương vẫn tiếp tục diễn ra không ngừng, thậm chí dù chỉ một ngày. Điều này chứng minh liên minh Seoul-Washington đang được nâng cấp thành một liên minh có tiếng nói, trong đó hai nước đã tăng cường giúp đỡ lẫn nhau. (Yonhap)

WHO kêu gọi các quốc gia hợp tác điều tra nguồn gốc Covid-19

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định tất cả các quốc gia phải làm việc cùng nhau để điều tra nguồn gốc của virus SAR-CoV-2, một ngày sau khi Trung Quốc bác bỏ quy mô được đề xuất của giai đoạn 2 cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19.

Trong buổi họp báo của Liên hợp quốc tại Geneva, người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic phát biểu: “Đây không phải là về chính trị, không phải là trò chơi đổ lỗi... Đây đơn giản là việc tất cả chúng ta phải cố gắng để hiểu được cách thức virus lây nhiễm vào cơ thể con người. Theo đó, các quốc gia phải thực sự có trách nhiệm làm việc cùng nhau và phối hợp với WHO trên tinh thần đối tác hợp tác”.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc luôn coi trọng vấn đề truy xuất nguồn gốc virus và sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu truy xuất của riêng mình.

Đồng thời, với tư cách là một trong những quốc gia đầu tiên phối hợp với WHO trong việc này, Trung Quốc sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào giai đoạn tiếp theo của quá trình hợp tác toàn cầu về truy xuất nguồn gốc. (Reuters)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 23/7: Nga-Trung cùng ‘phản pháo’ phương Tây; Australia không e ngại Trung Quốc; Afghanistan vẫn rối ren
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO