Tin thế giới 22/10: Nga tự tin về Dòng chảy phương Bắc 2; Mỹ thừa nhận ‘thua’ Nga và Trung Quốc; Nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ trang mới

Quang Đào| 22/10/2021 19:45

Dòng chảy phương Bắc 2; Khủng hoảng năng lượng; Mỹ thua Nga và Trung Quốc trong phát triển tên lửa siêu thanh... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành: Điện Kremlin muốn kích hoạt càng sớm càng tốt, Ukraine vẫn chưa bằng lòng
Nga tự tin Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giúp châu Âu vượt qua khủng hoảng năng lượng.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Tổng thống Nga ca ngợi Dòng chảy phương Bắc 2

Phát biểu tại CLB thảo luận quốc tế Valdai, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ngay khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, Nga có thể cung cấp thêm ngay khí đốt cho châu Âu và sẽ sẵn sàng hỗ trợ lục địa này giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Cụ thể, ông Putin cho biết, nhánh đầu tiên trong hệ thống đường ống này đã được bơm đầy khí đốt. Theo đó, nhánh thứ hai cũng sẽ hoàn thành việc bơm khí muộn nhất vào tháng 12 năm nay.

“Tổng công suất của cả 2 đường ống là 55 tỷ mét khối khí. Nếu thiếu hụt trên thị trường châu Âu, theo tính toán của chúng tôi, vào khoảng 70 tỷ mét khối, thì 55 tỷ là khá tốt. Ngay sau khi đường ống thứ hai được lấp đầy, và ngay khi nhận được sự cho phép của cơ quan quản lý Đức, ngày hôm sau chúng tôi sẽ bắt đầu giao hàng”, ông Putin nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Nga đồng thời khẳng định nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 thân thiện với môi trường hơn khoảng 5-6 lần so với nguồn cung bằng tuyến đường trước đó, thông qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine. (TASS)

Nga nêu rõ quan điểm về việc cắt quan hệ với NATO

Ngày 22/10, Điện Kremlin cho biết việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông qua chiến lược mới tập trung vào Nga đã xác nhận rằng quyết định cắt đứt quan hệ của Moscow đối với khối này là đúng đắn.

Phát biểu họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Không cần thiết phải đối thoại trong những điều kiện này và (việc NATO thông qua) khái niệm như vậy đã một lần nữa khẳng định điều đó. Nga chưa bao giờ ảo tưởng về NATO. Chúng tôi biết bản chất của liên minh này... Liên minh này không được tạo ra vì hòa bình, nó được hình thành, thiết lập và tạo ra để đối đầu".

Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO đã nhất trí một kế hoạch tổng thể mới trong tuần này để chống lại bất kỳ hành động tấn công tiềm tàng nào của Nga trên nhiều mặt trận, tái khẳng định mục tiêu cốt lõi của liên minh là răn đe Moscow. (Reuters)

Mỹ thất bại khi thử tên lửa siêu thanh, thừa nhận để thua Nga, Trung Quốc

Ngày 21/10, Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ đang bị tụt lùi trong cuộc đua phát triển các loại vũ khí siêu thanh so với Nga và Trung Quốc, sau khi cuộc thử nghiệm mới nhất của Mỹ gặp thất bại.

Cụ thể, trong một tuyên bố, một người phát ngôn Lầu Năm Góc nêu rõ: "Trong ngày 21/10, Bộ Quốc phòng đã tiến hành thử nghiệm thu thập dữ liệu từ Khu phức hợp sân bay vũ trụ Thái Bình Dương - Alaska, Kodiak, AK, để thông báo về sự phát triển công nghệ siêu thanh. Vụ thử không diễn ra theo đúng kế hoạch do tên lửa đẩy không hoạt động".

Các quan chức quốc phòng đã tiến hành rà soát để xác định nguyên nhân gây ra lỗi của hệ thống đẩy.

"Các cuộc thử nghiệm và bài kiểm tra có cả thành công và thất bại. Chúng là xương sống trong quá trình phát triển các công nghệ quan trọng, phức tạp với tốc độ nhanh chóng giống như Bộ quốc phòng đang làm với các công nghệ siêu thanh", quan chức này cho biết. (Sputnik)

Ứng viên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nêu quan điểm về Bắc Kinh

Trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ, ứng cử viên của Tổng thống Joe Biden cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns khẳng định mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc có thể quản lý được.

Ông Burns nói: “Trung Quốc không phải là một cường quốc thần thánh. Mặc dù Trung Quốc là quốc gia có sức mạnh phi thường, nhưng Bắc Kinh cũng có những điểm yếu và thách thức đáng kể về mặt nhân khẩu học, kinh tế, chính trị.

Mỹ nên tin tưởng vào sức mạnh của chúng ta, niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta, vào cộng đồng đổi mới của chúng ta, vào các trường đại học của chúng ta, vào khả năng thu hút những sinh viên giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới, và tự tin vào quân đội vô song của chúng ta…

Chúng ta sẽ thành công nếu xây dựng được sức mạnh của Mỹ xoay quanh chính sách ngoại giao của mình”. (AP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ ‘bảo vệ Đài Loan

Ngày 21/10, phát biểu trong một sự kiện ở Baltimore, Maryland, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan nếu Bắc Kinh phát động chiến dịch quân sự" và "chúng tôi cam kết làm điều đó".

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định, Mỹ không muốn phát động một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc.

Ông Biden nêu rõ: "Tôi đã trò chuyện và dành nhiều thời gian với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới. Đó là lý do tại sao các bạn nghe thấy người dân nói rằng, ông Biden muốn khơi mào một cuộc chiến tranh với Trung Quốc".

Tổng thống Biden cũng khuyên người dân Mỹ không nên lo lắng việc bất kỳ cường quốc nào khác, kể cả Nga và Trung Quốc, có thể vượt qua Mỹ về sức mạnh quân sự. (Reuters)

Trung Quốc phản ứng với tuyên bố ‘bảo vệ Đài Loan’ của Mỹ

Ngày 22/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã hối thúc Mỹ đưa ra những lời nói và hành động cẩn trọng trong vấn đề Đài Loan và tránh “gửi tín hiệu sai lầm” đến những lực lượng đòi độc lập, nhấn mạnh sẽ “không có chỗ cho sự thỏa hiệp” trong các vấn đề lợi ích cốt lõi liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Cùng ngày, ông Uông Văn Bân cũng cho biết, đang theo dõi sát sao các động thái của quan chức Đài Loan và sẽ thực thi “các biện pháp chính đáng và cần thiết” nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Ông một lần nữa bày tỏ sự “kiên quyết phản đối” trước bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và đảo Đài Loan, đồng thời cảnh báo, “bất cứ ai đều không nên ảo tưởng” trong vấn đề này. (THX)

Thủ tướng Israel thăm Nga

Ngày 22/10, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã có chuyến thăm tới thành phố Sochi, Nga để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Khi lên đường tới Sochi vào ngày 22/10, ông Bennett tuyên bố quan hệ của Israel với Moscow là "một yếu tố quan trọng" của chính sách ngoại giao đất nước. Tuần trước, Văn phòng Thủ tướng Israel tiết lộ hai lãnh đạo sẽ thảo luận về chương trình hạt nhân Iran.

Truyền thông Nga đưa tin, Tổng thống Nga Putin đã bày tỏ hy vọng về tính liên tục trong quan hệ song phương bất chấp các cuộc tranh đấu chính trị đang diễn ra tại quốc gia Trung Đông.

Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ: "Bất chấp các cuộc tranh đấu chính trị nội địa vốn vẫn thường thấy với bất cứ quốc gia nào, tôi rất hy vọng chính quyền chúng tôi sẽ theo đuổi một chính sách liên tục trong quan hệ Nga-Israel. Chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ khá giống doanh nghiệp và dựa trên sự tin tưởng với chính phủ trước đây". (Sputnik)

Israel: Không thể tránh khỏi một cuộc chiến với Iran

Ngày 22/10, Bộ trưởng Tài chính Israel Avigdor Liberman, người từng giữ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Israel nhiều năm, khẳng định khả năng xảy ra một "cuộc đối đầu với Iran chỉ là vấn đề về thời gian, và cũng không còn nhiều thời gian nữa".

Trong bối cảnh Iran và các cường quốc tìm cách nối lại đàm phán cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sau sự rút đi của Mỹ vào năm 2018, ông Liberman một lần nữa cảnh báo "không có tiến trình ngoại giao hay bất cứ thỏa thuận nào có thể ngăn chương trình hạt nhân của Iran".

Theo ông Liberman, cũng là người đứng đầu đảng Yisrael Beytenu nắm giữ 7 ghế tại Quốc hội Israel, Iran là vấn đề lớn với Israel hơn nhiều so với cộng đồng quốc tế. "Bởi vì họ (Iran) đã tuyên bố chính sách của mình là hủy diệt Israel, và họ thực sự muốn điều đó", quan chức cấp cao Israel nhấn mạnh. (Times of Israel)

Tổng thống Hàn Quốc sắp công du châu Âu

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 22/10 thông báo, Tổng thống nước này Moon Jae-in sẽ thực hiện chuyến công du 3 nước châu Âu vào tuần tới.

Đầu tiên, ông Moon sẽ sẽ gặp Giáo hoàng Francis tại Vatican vào ngày 29/10 để thảo luận về hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20 ở Italy, ngày 30-31/10), hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 ở Glasgow, Scotland (ngày 1-2/11).

Trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du châu Âu lần này, Tổng thống Moon sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Hungary vào ngày 2/11. (Yonhap)

LHQ cảnh báo một cuộc chạy đua vũ trang mới

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã cảnh báo về sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang mới trên thế giới và mức độ đe dọa hạt nhân cao nhất trong 40 năm.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, ông Guterres nói: "Chúng ta đang đối mặt với cơn bão khủng hoảng lớn nhất trong một thế hệ - thế giới đang quay ngược lại với tốc độ ngày càng lớn. Chúng ta lại chứng kiến những cuộc đảo chính quân sự, bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới và mối đe dọa hạt nhân đã lên đến đỉnh điểm trong hơn 40 năm".

Theo lời ông, năm ngoái, chi tiêu quân sự tính theo tỷ lệ phần trăm GDP tăng mạnh nhất kể từ năm 2009 và hiện đạt khoảng 2.000 tỷ USD/năm. (Sputnik)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 22/10: Nga tự tin về Dòng chảy phương Bắc 2; Mỹ thừa nhận ‘thua’ Nga và Trung Quốc; Nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ trang mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO