Tin thế giới 21/9: Nga nói Mỹ chộp được món hời sau vụ AUKUS; Pháp tìm đến Ấn Độ sau cú sốc bị phản bội? Đức cảnh tỉnh EU

Hoàng Hà| 21/09/2021 19:42

Nga nhận định về thỏa thuận AUKUS, quan hệ Pháp-Australia, Mỹ-EU, quan hệ Nga-phương Tây, bầu cử Hạ viện Nga, tổng tuyển cử Canada, Thượng đỉnh Bộ tứ... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tin thế giới 21/9: Nga nói Mỹ chộp được món hời sau vụ AUKUS; Pháp tìm đến Ấn Độ sau cú sốc bị phản bội?
Thủ tướng Ấn Độ Modi công du Pháp vào tháng 8/2019 và có cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Macron tại Paris. (Nguồn: HMNews)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

AUKUS: Philippines, Nga lên tiếng

Ngày 21/9, TASS dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho hay, thỏa thuận an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AUKUS) "là một khối quân sự chống lại Nga và Trung Quốc".

Theo quan chức an ninh Nga, "sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương" của Mỹ và các đồng minh cũng "phải trả giá" khi Washington "đẩy đối tác Pháp của chính họ ra xa để chộp được một món hời - đóng tàu cho Canberra".

Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho rằng, việc một đồng minh gần khu vực tăng cường năng lực và sức mạnh quốc phòng sẽ khôi phục và duy trì thế cân bằng hơn là làm mất ổn định, khác với lo ngại của các láng giềng Indonesia và Malaysia về tàu ngầm năng lượng hạt nhân cũng như việc AUKUS có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Ông Locsin nói rằng, nếu không có sự hiện diện thực sự của vũ khí hạt nhân, AUKUS hoàn toàn không vi phạm hiệp ước năm 1995 về ngăn chặn vũ khí hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á.

Nhà ngoại giao Philippines nhấn mạnh: "Cự ly gần đồng nghĩa với việc phản ứng nhanh hơn, do đó việc nâng cao năng lực quân sự của một đồng minh và người bạn gần ASEAN giúp đối phó với mối đe dọa trong khu vực hoặc thách thức thay đổi hiện trạng". (Reuters, TASS)

Pháp-Australia: Paris không 'buông tha' dễ dàng cho Canberra

Ngày 21/9, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết, Paris sẽ không nhanh chóng gác lại tranh cãi với Australia liên quan việc Canberra phá vỡ hợp đồng mua 12 tàu ngầm của nước này.

Phát biểu với báo giới trước thềm cuộc họp với những người đồng cấp Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Beaune nhấn mạnh: “Quan hệ của chúng tôi rất khó khăn. Chúng tôi không thể hành động như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi cần xem xét mọi lựa chọn”.

Ông Beaune cũng hoan nghênh sự ủng hộ của các ngoại trưởng EU trong cuộc họp vào chiều 20/9, đồng thời nhấn mạnh, đây là vấn đề của EU chứ không chỉ là vấn đề của riêng Pháp.

Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, ông không có kế hoạch gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề kỳ họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) diễn ra trong tuần này.

Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị trao đổi ý kiến với Tổng thống Pháp Macron nhằm xoa dịu căng thẳng, Thủ tướng Morrison cho hay ông sẽ không tổ chức một cuộc gặp song phương riêng rẽ với nhà lãnh đạo Pháp. (Reuters)

Pháp tìm đến Ấn Độ để hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Trong cuộc điện đàm ngày 21/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhất trí "cùng hành động" ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và bao trùm, sau cú sốc mà Paris cho là "bị phản bội" với Mỹ, Australia và Anh.

Nhà lãnh đạo Pháp đảm bảo với Thủ tướng Modi về việc Paris tiếp tục "cam kết tăng cường quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ, bao gồm cả nền công nghiệp và công nghệ của nước này, như một phần của mối quan hệ chặt chẽ dựa trên sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau".

Theo tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Macron, cách tiếp cận chung của Pháp và Ấn Độ sẽ nhằm thúc đẩy "sự ổn định khu vực và pháp quyền, đồng thời loại trừ mọi hình thức bá quyền". (Reuters, AFP)

EU-Mỹ: EU hành động thể hiện lập trường sau "cú sốc Pháp", Đức cảnh tỉnh

Ngày 21/9, hai nhà ngoại giao EU cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu đại sứ các nước thành viên của khối này hoãn cuộc họp trù bị cho một hội đồng thương mại và công nghệ EU-Mỹ mới được thành lập, vốn dự kiến diễn ra vào ngày 29/9, để phản đối thỏa thuận tàu ngầm giữa Washington và Canberra.

Trước đó, EC cũng đã lên tiếng bày tỏ đứng về phía Pháp trong khủng hoảng liên quan thỏa thuận tàu ngầm với Australia vừa bị phá vỡ do AUKUS.

Cùng ngày, Đức cho rằng, việc Australia từ bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp là một lời cảnh tỉnh khác đối với EU trong việc củng cố quyền tự chủ của mình.

Phát biểu với phóng viên trước thềm cuộc họp với những người đồng cấp ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng châu Âu của Đức Michael Roth nhấn mạnh: “Chúng ta không thể hoàn toàn dựa vào người khác, mà phải hợp tác. Chúng ta phải khắc phục những bất đồng trong nội bộ EU và có chung tiếng nói".

Quan chức Đức kêu gọi các thành viên EU "cần ngồi xuống bàn thảo luận và gây dựng lại niềm tin đã mất dù không dễ dàng”. (Reuters)

Nga gia hạn lệnh trừng phạt đáp trả phương Tây

Ngày 20/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh gia hạn đến ngày 31/12/2022 một số biện pháp kinh tế đặc biệt trả đũa các nước đã áp đặt trừng phạt đối với Moscow.

Vào tháng 3/2014, do tình hình ở bán đảo Crimea, EU và một số quốc gia khác, bao gồm Australia, Iceland, Canada, New Zealand, Mỹ, Thụy Sỹ và Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Đặc biệt, các nước đã đưa ra danh sách trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân Nga với các biện pháp cấm nhập cảnh và đóng băng tài khoản ngân hàng.

Đáp lại, vào tháng 8/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đưa ra các biện pháp đáp trả, trong đó có áp đặt lệnh cấm nhập khẩu một số sản phẩm thực phẩm từ Mỹ, EU, Na Uy, Australia và Canada. (TASS)

Pháp khẳng định duy trì hiện diện quân sự tại Mali

Ngày 20/9, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly, đang ở thăm Mali sau cuộc họp với người đồng cấp nước chủ nhà, khẳng định Paris vẫn duy trì sự hiện diện quân sự ở quốc gia châu Phi này.

Bà Parly tuyên bố: "Pháp sẽ không bỏ rơi Mali và vẫn quyết tâm trong cuộc chiến chống khủng bố", đồng thời đề cập chuyến thăm của bà như một động thái nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước.

Nữ tư lệnh quốc phòng Pháp cho hay, trong 8 năm qua, Paris đã lựa chọn đồng hành với Bamako trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố vũ trang theo đề nghị của nước chủ nhà, cùng chung vai gánh vác và đoàn kết với các đối tác về một tầm nhìn chung về Mali.

Giờ đây, đã đến lúc "phát triển hệ thống này bằng cách tăng cường hợp tác" nhằm giúp tái cấu trúc Các lực lượng Vũ trang Mali (FAMa) và ngày nay "bắt buộc phải tái bảo đảm việc Pháp và các đối tác cung cấp sự hỗ trợ trên không cho FAMa".

Chuyến thăm của bà Parly diễn ra vào thời điểm có nhiều tin đồn về việc Mali thỏa thuận thuê 1.000 lính đánh thuê của tập đoàn an ninh tư nhân Wagner của Nga để huấn luyện quân đội và bảo vệ các lãnh đạo cấp cao. (THX)

Bầu cử Hạ viện Nga: Kết quả cuối cùng

Ngày 21/9, với 100% số phiếu được kiểm, đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền đã giành được 49,82% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga từ 17-19/9, giành chiến thắng áp đảo và giữ thế đa số tại cơ quan lập pháp này.

Với kết quả này, đảng Nước Nga Thống nhất giành được 112 ghế tại Hạ viện.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, còn quá sớm để nói về những thay đổi trong bộ máy lãnh đạo của Duma Quốc gia mới cũng như tân Chủ tịch Hạ viện của cơ quan này.

Các đảng còn lại vượt ngưỡng 5% số phiếu ủng hộ và có ghế trong Hạ viện gồm đảng Cộng sản Liên bang Nga (CPRF, 18,93%), đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR, 7,55%), đảng Nước Nga Công bằng - Vì sự thật (7,46%) và Con người mới ( 5,32%). (TASS)

Bầu cử Canada: Người dân tiếp tục tin tưởng Thủ tướng Trudeau

Ngày 20/9, khoảng 30 triệu cử tri trên khắp Canada đã đi bỏ phiếu để lựa chọn một chính phủ mà họ tin rằng sẽ đại diện tốt nhất cho mình.

Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 20/9 cho thấy, đảng Tự do của Thủ tướng Justine Trudeau giành chiến thắng với 157 ghế và thiếu 13 ghế cần thiết để chiếm thế đa số tại Hạ viện.

Với kết quả này, ông Trudeau sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 lãnh đạo đất nước và đảng Tự do của ông Trudeau sẽ thành lập một chính phủ thiểu số sau chiến thắng này.

Trong khi đó, đảng Bảo thủ giành được 121 ghế, đảng Dân chủ Mới cánh tả giành được 27 ghế, và đảng Khối Quebec giành được 32 ghế, không thay đổi nhiều so với cách đây 2 năm. (AP, AFP)

Bộ tứ: Nhật Bản xác nhận Thủ tướng Suga thăm Mỹ, dự Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ

Ngày 21/9, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu thông báo, Thủ tướng nước này Suga Yoshihide sẽ có chuyến thăm tới Mỹ từ ngày 23-26/9 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại An ninh Bộ tứ (Quad) cùng Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Kato nêu rõ: "Các nhà lãnh đạo được cho sẽ đề cập những vấn đề khu vực quan trọng khác nhau, trong đó có cuộc chiến chống đại dịch Covid-19".

Theo quan chức cấp cao này, Tokyo cũng hy vọng thúc đẩy khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua hội nghị này.

Ông Kato cho biết thêm, Mỹ và Nhật Bản cũng đang bàn thảo về một cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo hai nước.

Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên của Bộ tứ sẽ diễn ra ở Washington vào ngày 24/9. (Sputnik)

Âm mưu đảo chính ở Sudan: Thủ tướng chính thức ra tuyên bố

Ngày 21/9, Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok cho biết, các phần tử ở trong và ngoài quân đội đã tổ chức một cuộc đảo chính ở nước này nhưng bất thành.

Theo ông Hamdok, Sudan đã tiến hành loạt vụ bắt giữ những đối tượng dính líu âm mưu trên, khẳng định sự việc không thể phá hoại tiến trình chuyển đổi dân chủ của quốc gia Bắc Phi này. (Reuters)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 21/9: Nga nói Mỹ chộp được món hời sau vụ AUKUS; Pháp tìm đến Ấn Độ sau cú sốc bị phản bội? Đức cảnh tỉnh EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO