Tin thế giới 20/12: Nga khẩn thiết yêu cầu Mỹ hồi đáp; Trung Quốc nói Đài Loan 'sẽ trở về nhà'; lập trường của Campuchia về Biển Đông

Hoàng Hà| 20/12/2021 23:01

Vấn đề Ukraine, quan hệ Nga-Mỹ, Nga-NATO liên quan đề xuất đảm bảo an ninh của Moscow, vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Chile có Tổng thống trẻ nhất lịch sử, căng thẳng Isreal-Iran, đàm phán hạt nhân Iran... là một số tin quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tin thế giới 20/12: Mỹ ra 'tối hậu thư' cho Nga? Nga dọa đáp trả quân sự NATO; Campuchia nêu lập trường về Biển Đông
Tổng thống đắc cử Chile Gabriel Boric, 35 tuổi, là người đứng đầu quốc gia trẻ nhất trong lịch sử đất nước Nam Mỹ này. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Vấn đề Ukraine: Mỹ đặt hạn chót ngăn chặn Nga?

Ngày 19/12, kênh truyền hình CNN dẫn một nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị cho ban lãnh đạo an ninh quốc gia sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để ngăn chặn cái gọi là "cuộc xâm lược" mà Nga được cho là sắp thực hiện nhằm vào Ukraine.

Nhà lãnh đạo Mỹ lo ngại kịch bản năm 2014 sẽ lặp lại, khi việc Bán đảo Crimea được Nga sáp nhập "khiến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bất ngờ".

Nguồn tin cho hay: “Chúng tôi đã tính toán tất cả các bước cần thiết và chỉ có khoảng 4 tuần để thực hiện".

Theo các quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Biden, "các phương án được đề xuất hiện nay sẽ mang tính trấn áp, ngay lập tức kéo theo những thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Nga và hệ thống tài chính của nước này".

Nga nhiều lần bác bỏ những cáo buộc về việc nước này chuẩn bị xâm lược Ukraine. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov lưu ý rằng, đất nước ông có quyền quyết định điều động quân trong lãnh thổ của mình và điều này không đe dọa bất kỳ ai.

Đề xuất an ninh: Nga khẩn thiết yêu cầu Mỹ hồi đáp

Hồi cuối tuần, Nga đã công bố danh sách các đề xuất an ninh mà Moscow muốn đàm phán, trong đó có việc đảm bảo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ từ bỏ mọi hoạt động quân sự ở Đông Âu và Ukraine.

Tuy nhiên, ngày 20/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, Moscow vẫn chưa nhận được phản hồi thực sự về các yêu cầu từ phương Tây.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng khẳng định, cho đến nay Mỹ chưa phản hồi về các đề xuất này.

Chỉ trích phía Mỹ cố trì hoãn phúc đáp mà thay vào đó đưa ra các điều kiện của mình, quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh, Moscow "khẩn thiết yêu cầu phản hồi từ phía Washington" vì tình hình hiện "đang khó khăn và có xu hướng xấu đi".

Bình luận về mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, ông Ryabkov bày tỏ lạc quan về một bước tiến tích cực nếu Washington đạt tiến bộ về đảm bảo an ninh, đồng thời tin tưởng Mỹ sẽ không bác đề xuất của Nga liên quan vấn đề này. (Sputnik, TASS)

Nga-NATO: Nga dọa đưa ra các phản ứng quân sự

Ngày 20/12, ông Konstantin Gavrilov, Trưởng phái đoàn Nga tham dự các cuộc đàm phán quốc tế về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí tại Vienna (Áo), nhấn mạnh, NATO hiểu rằng không thể liên tục đánh vào các điểm yếu của Nga và đối thoại là cần thiết.

Theo quan chức trên, Nga đã giải thích lập trường và phản ứng có thể xảy ra đối với các hành động của NATO và giờ đây, liên minh quân sự này sẽ phải có thái độ nghiêm túc với các đề xuất của Moscow về đảm bảo an ninh mà không được bác bỏ mọi thứ.

Ông Gavrilov nhấn mạn, Nga-NATO cần phải có cuộc thảo luận nghiêm túc và "mọi thành viên trong NATO cần hiểu rằng, dù liên minh này có mạnh đến đâu thì điều cấp thiết hiện nay là phải có những hành động chính trị cụ thể, nếu không Nga sẽ chỉ có giải pháp duy nhất là thực hiện các đòn đáp trả quân sự".

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết, vào tuần này, NATO sẽ thảo luận về đề xuất của Moscow đảm bảo an ninh cho Nga. (TASS)

Vấn đề Đài Loan: Ngoại trưởng Trung Quốc nói Đài Loan "sẽ trở về nhà"

Ngày 20/12, tại lễ khai mạc hội nghị về tình hình quốc tế và ngoại giao Trung Quốc năm 2021, Ngoại trưởng nước này Vương Nghị nói: “Xung quanh tình hình ở Eo biển Đài Loan đã xuất hiện một vòng xoáy căng thẳng mới, gốc rễ vấn đề là do chính quyền Đài Loan đang cố gắng dựa vào Mỹ trong nỗ lực muốn ‘độc lập’, còn Mỹ và các nước khác lại có ý định lợi dụng Đài Loan để kiểm soát Trung Quốc".

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc lưu ý, tất cả những hành động mâu thuẫn này đã làm thay đổi hiện trạng và phá hoại hòa bình ở Eo biển Đài Loan, cũng như vi phạm sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế.

Ông Vương Nghị nói thêm: “Đài Loan là một lữ khách và cuối cùng cũng trở về nhà, chứ không phải quân cờ để người khác lợi dụng. Trung Quốc phải thống nhất và tất yếu sẽ được thống nhất”. (Sputnik)

Biển Đông: Campuchia nhấn mạnh lập trường

Ngày 20/12, báo Phnom Penh Post dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen tái khẳng định, nước này sẽ nỗ lực để đạt được đồng thuận về bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) trong thời gian nước này giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm tới.

Trên trang Facebook cá nhân, ông nhấn mạnh: “Quan điểm của Campuchia về Biển Đông là thúc đẩy thực thi nghiêm chỉnh Tuyên bố của các bên về Biển Đông (DOC) và chúng tôi hối thúc các nước liên quan đàm và nỗ lực đạt được thỏa thuận chung về COC”.

Nhật Bản: Đảng cầm quyền xem xét lại Chiến lược An ninh Quốc gia

Ngày 20/12, một ủy ban quốc phòng của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản bắt đầu thảo luận về việc xem xét lại Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó có khả năng tấn công căn cứ của kẻ địch. Đây là lần đầu tiên chiến lược này được xem xét lại kể từ khi được thông qua vào năm 2013.

Cùng với việc rà soát chiến lược đối ngoại và quốc phòng dài hạn của đất nước, ủy ban này cũng sẽ thảo luận và cập nhật 2 tài liệu tăng cường quốc phòng khác gồm Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng Quốc gia và Chương trình Quốc phòng Trung hạn.

Thủ tướng Kishida Fuimo cho rằng, Tokyo đang đối mặt với một tình hình an ninh đáng lo ngại và cam kết xem xét "mọi lựa chọn" để đẩy mạnh phòng thủ quốc gia, trong đó có việc đạt được khả năng tấn công các căn cứ của kẻ địch nhằm đáp trả một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung tài khóa 2021 cao kỷ lục đầu tiên dưới thời ông Kishida, trị giá 36.000 tỷ Yen (khoảng 320 tỷ USD). Văn bản được thông qua sau khi Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 15/12. (Kyodo)

Bầu cử Chile: Tổng thống đắc cử lộ diện

Ngày 20/12, với 55,86% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống Chile lần 2, diễn ra ngày 19/12, ứng cử viên Gabriel Boric, 35 tuổi, thuộc liên minh cánh tả đã trở thành lãnh đạo trẻ nhất của quốc gia Nam Mỹ này.

Ông Boric bắt đầu con đường hoạt động chính trị năm 2011 với tư cách là một thủ lĩnh sinh viên và sau đó đắc cử nghị sĩ Quốc hội năm 27 tuổi.

Trong cuộc bầu cử vòng một cách đây 1 tháng, ông Boric về thứ hai sau ứng cử viên cánh hữu José Antonio Kast. Tuy nhiên, tại vòng hai này, ông đã vượt qua đối thủ một cách thuyết phục với cách biệt hơn 11 điểm.

Sau chiến thắng, Tổng thống đắc cử Chile Gabriel Boric cam kết sẽ lãnh đạo đất nước vì lợi ích của tất cả người dân Chile, đồng thời kêu gọi đoàn kết trong xã hội để từng bước thực thi những thay đổi mang tính cấu trúc theo đòi hỏi của thời đại mới.

Đại diện của liên minh cánh tả cho biết, ông sẽ mở rộng các quyền xã hội của người dân, ưu tiên cải cách hệ thống trợ cấp xã hội để những người về hưu không phải thiệt thòi, cũng như tìm cách xây dựng một hệ thống y tế phổ cập cho tất cả mọi người và phân phối của cải trong xã hội một cách công bằng hơn.

Ông Boric cũng cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ tiến trình soạn thảo hiến pháp mới, một trong những thắng lợi lớn mà người dân Chile đã đấu tranh trong những năm vừa qua để lần đầu tiên có thể đưa ra một bản hiến pháp dân chủ, công bằng và có sự tham gia của cả các cộng đồng thổ dân.

Tổng thống đắc cử Chile cho rằng những thách thức mà chính phủ sắp tới sẽ phải đối mặt là hết sức khó khăn, đặc biệt là những tác động về kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra, song ông cam kết sẽ có trách nhiệm thực hiện mọi thay đổi cần thiết để đưa đất nước quay trở lại con đường phát triển vì lợi ích của tất cả người dân. (TTXVN, AFP)

Một số tin quốc tế khác nổi bật trong ngày:

Các tổ chức thánh chiến Hồi giáo đe dọa tấn công vào Israel: Ngày 19/12, phong trào Hamas và tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) đã đạt được thỏa thuận tăng cường tấn công vào Israel, đặc biệt là ở Jerusalem và Bờ Tây. Thỏa thuận đạt được trong các cuộc họp giữa lãnh đạo của Hamas và PIJ tại Lebanon và Dải Gaza. (Jerusalem Post)

Iran tuyên bố đáp trả “khốc liệt” nếu Israel tấn công: Ngày 19/12, trong một cuộc diễn tập quân sự, chỉ huy quân đội Iran Gholamali Rashid tuyên bố: “Nếu Israel thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Iran, các lực lượng vũ trang của chúng ta sẽ ngay lập tức tấn công khốc liệt tất cả các trung tâm, căn cứ, tuyến đường và không gian được Israel sử dụng để gây hấn”. (Reuters)

Đàm phán hạt nhân Iran sẽ được nối lại sau Giáng sinh: Ngày 20/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân giữa nước này với các cường quốc, tên chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), sẽ được nối lại tại Vienna (Áo) sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. (Sputnik)

Bộ trưởng Quốc phòng Đức ủng hộ trừng phạt Tổng thống Nga Putin và những người quanh ông ấy, cho rằng, những người chịu trách nhiệm cho "hành động gây hấn" phải chịu hậu quả cá nhân.(AFP)

Hàn Quốc-Triều Tiên: Ngày 20/12, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thận trọng phản ứng trước những tin tức về khả năng thay đổi vị thế của bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cho rằng "thật khó để kết luận vào thời điểm này liệu có sự thay đổi địa vị của bà ấy hay không". (Yonhap)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 20/12: Nga khẩn thiết yêu cầu Mỹ hồi đáp; Trung Quốc nói Đài Loan 'sẽ trở về nhà'; lập trường của Campuchia về Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO