Tin thế giới 18/3: Nga tiếp tục yêu cầu đảm bảo an ninh, Pháp nói trừng phạt 'có tác động'; đặc phái viên ASEAN sắp đến Myanmar

Minh Vương| 18/03/2022 21:50

Nga khẳng định đề xuất an ninh, Ukraine và EU thảo luận đợt trừng phạt thứ 5, đặc phái viên ASEAN sắp đến Myanmar... là những tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga muốn nhận được đảm bảo an ninh cho cả Nga, Ukraine và toàn châu Âu.

Xung đột Nga-Ukraine

Nga muốn nhận được đảm bảo an ninh cho cả Nga, Ukraine và toàn châu Âu

Trả lời phỏng vấn truyền thông Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh, bất kỳ lô vũ khí nào vận chuyển đến Ukraine đều là mục tiêu hợp pháp của Nga. Ông cũng tuyên bố, Moscow sẽ không cho phép cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 từ các quốc gia khác cho Kiev. Theo ông, Moscow muốn nhận được những đảm bảo an ninh chung cho cả Nga và Ukraine cũng như toàn châu Âu.

Ông Lavrov nói: “Chúng tôi sẽ tồn tại. Những biện pháp đang được tổng thống và chính phủ xây dựng đang dần được công bố. Đây chỉ là bước khởi đầu của việc điều chỉnh đường lối kinh tế của chúng tôi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Sau năm 2014, chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm phải dựa vào sức mạnh của chính mình. Và bài học quan trọng nhất là từ giai đoạn lịch sử này. Tất nhiên, tình hình hiện nay về quy mô không thể so sánh với năm 2014. Tuy nhiên, giờ đây ảo tưởng rằng chúng ta có thể dựa vào các đối tác phương Tây đã bị phá hủy. Chúng tôi chỉ có thể dựa vào chính mình và những đồng minh, những người sẽ ở lại với chúng tôi".

Ngoài ra, ông cho hay: “Đánh giá về những gì đang xảy ra, theo quan điểm của tôi, chỉ ra rõ ràng rằng Mỹ đang phấn đấu cho một thế giới đơn cực. Đó sẽ không phải là một ngôi làng toàn cầu mà sẽ là một ngôi làng của Mỹ”. Theo ông, người Mỹ đã huy động các lực lượng xung quanh dựa trên lợi ích của chính mình.

Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã thảo luận với Hội đồng An ninh Nga về chiến dịch quân sự tại Ukraine. (Sputnik/Reuters)

Nga đánh giá quy mô phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở Ukraine

Ngày 18/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá, Ukraine có thể là dự án phòng thí nghiệm sinh học lớn nhất của Mỹ. Trả lời phỏng vấn với RT, Ngoại trưởng Lavrov nói: “Ukraine có lẽ là dự án lớn nhất theo quan điểm của Lầu Năm Góc, đơn vị quản lý hoạt động của các phòng thí nghiệm này”.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, Mỹ đã và đang thử nghiệm các bệnh truyền nhiễm tiềm năng. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nhắc lại rằng, Moscow đã nêu vấn đề này ở nhiều tổ chức quốc tế khác nhau. Ông nhấn mạnh Nga kiên quyết yêu cầu xây dựng một cơ chế điều tra các hoạt động sinh học quân sự.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nhà chức trách Mỹ đã tài trợ cho công việc tại các phòng thí nghiệm sinh học của Ukraine với số tiền hơn 200 triệu USD. Công việc được thực hiện trong các dự án sinh học quân sự. (Sputnik)

Nga yêu cầu Google chặn thông tin đe dọa công dân Nga trên YouTube

Ngày 18/3, cơ quan quản lý truyền thông Nga Roskomnadzor cho biết đã yêu cầu Google thuộc tập đoàn công nghệ Alphabet Inc ngừng phát tán những gì được xem là các mối đe dọa đối với công dân Nga trên nền tảng chia sẻ video YouTube.

Theo Roskomnadzor, quảng cáo trên nền tảng này đang đe dọa tính mạng và sức khỏe của công dân Nga. Roskomnadzor nhấn mạnh, việc phổ biến quảng cáo này là bằng chứng cho thấy quan điểm bài Nga của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Hiện Google chưa hồi đáp khi được đề nghị bình luận. (Reuters)

Ukraine, EU thảo luận gói trừng phạt Nga thứ 5

Ngày 18/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đã thảo luận với Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, về gói trừng phạt Nga tiếp theo sau khi Moscow phát động cuộc chiến tại Ukraine.

Viết trên Twitter, ông Kuleba nêu rõ: “Chúng tôi đã thảo luận về việc chuẩn bị gói trừng phạt thứ 5 của EU nhằm vào Nga. Áp lực sẽ tiếp tục gia tăng chừng nào còn cần ngăn chặn Nga. Chúng tôi cũng thảo luận về việc bảo vệ và giúp đỡ những người Ukraine chạy đến EU để tránh bom đạn của Nga”. (Reuters)

Đức hối thúc Nga ngừng bắn, Pháp đánh giá hiệu quả lệnh trừng phạt

Một người phát ngôn của Chính phủ Đức cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi Moscow ngừng bắn ở Ukraine.

Theo người phát ngôn, trong cuộc trò chuyện kéo dài gần 1 giờ đồng hồ, ông Scholz cũng nhấn mạnh rằng cần cải thiện tình hình nhân đạo cũng như cần đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao sớm nhất có thể.

Cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, các biện pháp trừng phạt Nga của các nước phương Tây bắt đầu có “tác động thực sự”.

Phát biểu trên kênh BFM TV, người phát ngôn Gabriel Attal nói: “Chúng tôi hy vọng các lệnh trừng phạt này sẽ buộc (Tổng thống Nga) Vladimir Putin thay đổi các kế hoạch của ông ấy”.

Cùng ngày, cơ quan quản lý truyền thông Anh Ofcom cho biết đã thu hồi giấy phép phát sóng của kênh truyền hình Nga RT. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. (Reuters)

Ba Lan sẽ giảm phụ thuộc vào Nga, Bulgaria có hành động cứng rắn

Ngày 18/3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố, nước này sẽ hành động để giảm bớt yếu tố Nga trong nền kinh tế của mình, loại bỏ sự phụ thuộc vào Nga với kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới và trợ cấp cho nông dân khi giá phân bón tăng nhằm giữ giá lương thực giảm.

Cùng ngày, lực lượng biên phòng Ba Lan cho biết, hơn 2 triệu người tị nạn từ Ukraine đã vào nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) này kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng thân phương Tây ngày 24/2.

Cùng ngày, TASS (Nga) dẫn lời Đại sứ Nga tại Bulgaria Eleonora Mitrofanova, cho biết Bulgaria đã quyết định trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga sau khi họ bị cáo buộc thực hiện “các hoạt động không phù hợp với quy chế ngoại giao của họ”. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi coi đây là một hành động cực kỳ đối địch và có quyền trả đũa”. (Reuters/TASS)

Hàn Quốc

Hàn Quốc-Pháp hội đàm quốc phòng về hợp tác an ninh vũ trụ

Ngày 18/3, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, nước này và Pháp đã tổ chức cuộc hội đàm cấp chuyên viên đầu tiên về an ninh vũ trụ tại thủ đô Paris trong tuần này, như một phần tiếp theo cuộc thảo luận cấp bộ trưởng quốc phòng giữa 2 bên vào tháng trước.

Vụ trưởng Vụ Chính sách Triều Tiên thuộc bộ trên, ông Cho Yong-kun và người đồng cấp Pháp Bertrand Le Meur cùng nhiều quan chức khác đã tham gia cuộc họp được tổ chức vào ngày 17-18/3. Hai bên đã thảo luận về cách tăng cường hợp tác an ninh vũ trụ song phương cũng như chia sẻ nhu cầu giao lưu giữa các chuyên gia vũ trụ của hai nước.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook và người đồng cấp Pháp Florence Parly đã cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực khác trong cuộc hội đàm tại Paris. (Yonhap)

Hàn Quốc, UAE thảo luận về hợp tác công nghiệp quốc phòng

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, tại thủ đô Seoul ngày 18/3 Bộ trưởng bộ này Suh Wook đã gặp người đồng cấp Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Mohammad Ahmed Al-bowardi để thảo luận về hợp tác công nghiệp vũ khí và các vấn đề khác.

Cuộc gặp trên diễn ra 2 tháng sau khi UAE ký một thỏa thuận sơ bộ mua hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung (M-SAM) của Hàn Quốc. Hệ thống M-SAM, được gọi là Cheongung II, là yếu tố cốt lõi trong chương trình chống tên lửa đa tầng của Hàn Quốc.

Bộ trưởng Suh bày tỏ lòng biết ơn đối với người đồng cấp Al-bowardi về quyết định nhập khẩu này, đồng thời nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tiếp tục giúp quân đội UAE đạt được năng lực hoạt động liên quan.

Về phần mình, Bộ trưởng Al Bowardi ca ngợi năng lực công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc, tái khẳng định hợp tác công nghiệp vũ khí là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt của hai nước.

Hai bên cũng chia sẻ đánh giá về môi trường an ninh và khu vực, trong đó Bộ trưởng Al Bowardi bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Seoul nhằm đạt được phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)

Trung Quốc

Tàu sân bay Trung Quốc đi qua Eo biển Đài Loan

Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho biết ngày 18/3, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã đi qua Eo biển Đài Loan và một tàu khu trục Mỹ đã theo dõi tàu sân này. Vụ việc diễn ra chỉ vài giờ trước cuộc điện đàm được lên kế hoạch giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Theo nguồn tin trên, tàu sân bay Sơn Đông đã tiến tới gần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát. Nguồn tin cho biết: "Khoảng 10h30, tàu sân bay Sơn Đông đã xuất hiện cách đảo Kim Môn khoảng 30 hải lý về phía Tây Nam. Một hành khách trên một chuyến bay dân dụng đã chụp được ảnh con tàu này".

Tàu USS Ralph Johnson - một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Arleigh Burke của Mỹ đã theo dõi tàu sân bay Sơn Đông. Không có máy bay trên boong tàu Sơn Đông và con tàu này đi về hướng Bắc qua Eo biển Đài Loan. (Reuters)

Myanmar

ASEAN nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình cho Myanmar

Ngày 18/3, văn phòng của đặc phái viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết ông này sẽ đến Myanmar vào tuần tới nhằm thiết lập nền tảng cho một tiến trình hòa bình mà chính quyền quân sự Myanmar đã bị cáo buộc trì hoãn.

Khi được hãng Reuters yêu cầu xác nhận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Chum Sounry nêu rõ: "Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của đặc phái viên (Chum Sounry) tới Myanmar nhằm tạo điều kiện thuận lợi hướng đến chấm dứt bạo lực cũng như sự kiềm chế tối đa của tất cả các bên".

Theo người phát ngôn này, hiện chưa phải thời điểm thích hợp để thông báo ông Sokhonn sẽ gặp ai trong chuyến công tác từ ngày 21-23/3 với mục tiêu khuyến khích đối thoại và tham vấn chính trị. (Reuters)

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-183-nga-tiep-tuc-yeu-cau-dam-bao-an-ninh-phap-noi-trung-phat-co-tac-dong-dac-phai-vien-asean-sap-den-myanmar-177396.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-183-nga-tiep-tuc-yeu-cau-dam-bao-an-ninh-phap-noi-trung-phat-co-tac-dong-dac-phai-vien-asean-sap-den-myanmar-177396.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 18/3: Nga tiếp tục yêu cầu đảm bảo an ninh, Pháp nói trừng phạt 'có tác động'; đặc phái viên ASEAN sắp đến Myanmar
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO