Căng thẳng giữa Nga-Mỹ và phương Tây đang ngày một leo thang. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Moscow sẽ đập tan âm mưu bài Nga của phương Tây
Ngày 17/3, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow có khả năng đặt những kẻ thù do Mỹ dẫn đầu vào đúng vị trí của họ, đồng thời sẽ đập tan âm mưu bài Nga của phương Tây hòng vùi dập nước này.
Theo ông Medvedev, Mỹ đã bày trò "ghê tởm" là bài Nga hòng buộc nước này phải quỳ gối và sau đó làm cho tan rã. Ông nhấn mạnh: "Mưu đồ này sẽ không đạt được mục đích - Nga có đủ khả năng đặt tất cả những kẻ thù hung hãn vào đúng vị trí của chúng". (Reuters)
Nga liên tục bị tấn công mạng
Bộ Phát triển kỹ thuật số, thông tin và truyền thông đại chúng Nga ngày 17/3 cho biết, các trang web của chính phủ nước này đang phải đối mặt với cuộc tấn công mạng chưa từng có.
Mục tiêu của làn sóng tấn công mạng nêu trên nhằm vào các cơ quan chính phủ Nga và các công ty quốc doanh liên quan đến tình hình ở Ukraine.
Cụ thể, các trang web của Điện Kremlin, hãng hàng không Aeroflot và ngân hàng chủ chốt Sberbank... đã bị ngừng hoạt động hoặc gặp các vấn đề truy cập tạm thời trong những tuần gần đây.
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, trang web của bộ này giống như trang web của các cơ quan Chính phủ khác, đã bị tấn công DDoS liên tục trong vài tuần nay.
Nga bác bỏ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế
Ngày 17/3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moscow bác bỏ phán quyết được đưa ra một ngày trước đó của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) yêu cầu Nga dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine.
“Chúng tôi không thể xem xét phán quyết này”, ông Peskov nói, đồng thời cho biết chỉ khi nào cả hai bên - Nga và Ukraine - phải nhất trí để phán quyết được thực hiện.
Bên cạnh đó, Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Nga đang dồn sức vào các cuộc đàm phán trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận hòa bình khả thi với Ukraine, theo đó có thể nhanh chóng ngăn chặn hoạt động quân sự của Nga tại nước láng giềng.
Ông Peskov nói rằng việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố coi Tổng thống Vladimir Putin như tội phạm chiến tranh là không thể chấp nhận được và Mỹ không có quyền "lên lớp" với Nga sau khi nước này cũng đã tham gia vào nhiều cuộc xung đột. (AFP/TASS)
Đàm phán Nga-Ukraine đạt nhiều tiến triển tích cực
Ngày 16/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đàm giữa Moscow và Kiev đạt tiến triển song khá khó khăn.
Trả lời phỏng vấn đài NBC, ông Zelensky nêu rõ: "Đàm phán vẫn đang được tiến hành. Các cuộc đàm phán khá khó khăn, và các điều kiện đàm phán sẽ vẫn tiếp tục được đưa ra".
Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh rằng "bất kỳ cuộc chiến nào cũng có thể kết thúc trên bàn đàm phán". Tuy nhiên, ông không bình luận về các thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nói đến những điều kiện được cho là có thể giúp các bên đạt được thỏa thuận.
Khi được hỏi liệu cuộc xung đột hiện nay có thể châm ngòi cho Thế chiến III hay không, Tổng thống Zelensky cho rằng "không ai biết điều đó bắt đầu hay chưa". Nhà lãnh đạo Ukraine nói thêm: “Và chúng ta đã thấy điều này cách đây 80 năm, khi Thế chiến II nổ ra ... không ai có thể đoán trước được khi nào cuộc chiến tổng lực sẽ bắt đầu".
Ngày 17/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết cuộc đàm phán giữa nước này với Ukraine tiếp tục diễn ra theo hình thức trực tuyến. Quan chức bên đang thảo luận về các vấn đề quân sự, chính trị và nhân đạo. (TASS/Sputnik)
Tổng thống Ukraine phát biểu tại Hạ viện Đức
Ngày 17/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận được sự đón chào của các nghị sĩ ở Hạ viện Đức (Bundestag) khi ông có bài phát biểu qua video.
Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi Thủ tướng Đức Olaf Scholz thể hiện sự đoàn kết hơn nữa với Ukraine.
Ông Zelensky gửi cảm ơn người Đức đã giúp đỡ người tị nạn từ Ukraine, các nhà báo đưa tin về chiến sự và các doanh nghiệp Đức “đặt đạo đức lên trên lợi nhuận”.
Tôgnr thống Ukraine cũng cho rằng Đức đã đặt lợi ích kinh tế trên an ninh của Ukraine trước thềm “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga. Ông chỉ trích sự ủng hộ mà Berlin từng dành cho dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2. (AFP)
Mỹ không muốn bị kéo vào Thế chiến III
Trả lời báo giới ngày 16/3, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay: "Như chúng tôi đã nói trước đây, việc thiết lập vùng cấm bay sẽ cần các hành động thực thi. Khi đó, chúng tôi có thể sẽ phải bắn hạ máy bay Nga, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể sẽ phải bắn hạ máy bay của nước này".
Theo đó, bà Psaki khẳng định: "Chúng tôi không muốn tham gia Thế chiến III".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho biết nước này "phản đối việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine vì điều đó có nghĩa là máy bay chiến đấu của chúng tôi sẽ phải chiến đấu và chiến tranh thế giới thứ ba sẽ nổ ra".
Phát biểu trên kênh truyền hình LA7 TV, ông Di Maio nói: "Quân đội của chúng tôi đã được chuẩn bị (sẵn sàng) như bất kỳ quân đội nào khác, nhưng chúng tôi chắc chắn không muốn chiến tranh”. Theo ông Di Maio, Italy sẽ không cử quân đến Ukraine, mà chỉ hỗ trợ người dân Ukraine. (Reuters)
Mỹ tính đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran khỏi danh sách khủng bố
Reuters ngày 16/3 dẫn nguồn tin cho biết Mỹ hiện chưa xác định được mức độ cam kết của Tehran đến đâu để đổi lấy bước đi này từ Mỹ.
Theo nguồn tin ẩn danh, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét có loại IRGC khỏi danh sách các tổ chức khủng bố hay không, để đổi lấy việc Iran có cam kết hoặc bước đi nào đó liên quan đến khu vực hay hoạt động của IRGC.
Một số nguồn tin khác nhận định việc rút IRGC khỏi dánh sách tổ chức khủng bố là một trong những khúc mắc cuối cùng và cũng là rắc rối lớn nhất trong tổng thể các vòng đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran về khôi phục thỏa thuận hạt nhân được ký kết hồi năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và Đức).
Trả lời câu hỏi của giới phóng viên đề nghị xác nhận khả năng Mỹ loại IRGC khỏi danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 16/3 từ chối đưa ra bình luận trực tiếp, chỉ nói rằng nới lỏng cấm vận hiện là trọng tâm của tiến trình thảo luận nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân.
Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ đề nghị của NATO
Ngày 17/3, phát ngôn viên đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ lời kêu gọi không hỗ trợ Nga bằng bất cứ cách nào từ NATO.
Người phát ngôn này nhắc nhở NATO bằng cách viện dẫn lại vụ lực lượng Mỹ đánh bom đại sứ quán nước này ở Belgrade năm 1999.
Nửa đêm ngày 7/5/1999, một máy bay ném bom B-2 của Mỹ đã tấn công Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade vào khoảng, giết chết 3 nhà báo Trung Quốc và làm bị thương khoảng 20 người khác. Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã xin lỗi vì cuộc tấn công này, gọi đó là "một tai nạn".
"Người dân Trung Quốc có thể cảm nhận nỗi đau của các quốc gia khác vì chúng tôi sẽ không bao giờ quên người đã ném bom đại sứ quán của chúng tôi ở Cộng hòa Liên bang Nam Tư. Chúng tôi không cần bài giảng về công lý từ người lạm dụng luật pháp quốc tế" - phát ngôn viên này tuyên bố. (Financial Times)
Thái Lan đối mặt khả năng bầu cử sớm
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha sẽ có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo đảng trong liên minh cầm quyền vào ngày 17/3 nhằm tìm cách hàn gắn những chia rẽ ngày càng tăng, vấn đề có thể dẫn đến cuộc bầu cử sớm vào cuối năm nay, sau khi nước này kết thúc việc đăng cai Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2022.
Thủ tướng Prayut đứng đầu một chính phủ liên minh đang đối mặt với áp lực lớn liên quan tới cách xử lý đại dịch Covid-19, một nền kinh tế ảm đạm và căng thẳng âm ỉ sau các cuộc biểu tình đường phố năm 2021.
Bầu không khí chính trị tại nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này đã thúc đẩy phe đối lập kêu gọi Thủ tướng Prayut từ chức, yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm khi Quốc hội nước này họp lại vào tháng 5 tới. (AFP)
Lý do hoãn Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Mỹ
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 17/3 nêu rõ lý do tạm hoãn Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ vì thời gian biểu của các nước tham dự có sự khác biệt.
Phát biểu tại lễ khánh thành Làng trẻ em SOS ở tỉnh Prey Veng (phía Đông Campuchia), ông Hun Sen nhấn mạnh không nên hiểu nhầm về việc nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN từ chối tham dự Hội nghị.
Vấn đề ở chỗ 4 nước thành viên ASEAN không thể tham dự hội nghị do Mỹ đề xuất từ ngày 28-29/3. Trong khi đó, phía ASEAN đề xuất thời gian diễn ra hội nghị này từ ngày 26-27/3, thì Mỹ lại không thể tham gia. Việc xác định thời gian tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ do Indonesia đóng vai trò là nước điều phối và Chủ tịch ASEAN không có quyền gì trong việc này.