Tin thế giới 15/9: Tình trạng sức khỏe của Tổng thống Putin; Nga nói 'không và không' về tin đồn ở Mali; Ai khởi xướng Dòng chảy phương Bắc 2?

Hoàng Hà| 15/09/2021 19:50

Sức khỏe của Tổng thống Nga Putin, quan hệ Nga với EU, NATO, Dòng chảy phương Bắc 2, tình hình Bán đảo Triều Tiên, mâu thuẫn nội bộ của EU, Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Hàn Quốc... là một số tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Tin thế giới 15/9: Tình trạng sức khỏe của Tổng thống Nga Putin; EU nói nước Nga sẽ không biến mất; Ai khởi xướng Dòng chảy phương Bắc 2?
Tổng thống Vladimir Putin tham dự cuộc họp trực tuyến với ban lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất và các thành viên chính phủ ở Điện Kremlin ngày 14/9, khi ông đang tự cách ly. (Nguồn: Sputnik)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Tình hình sức khỏe của Tổng thống Nga

Ngày 15/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện cảm thấy "hoàn toàn khỏe mạnh sau" khi ông phải tự cách ly do có một số nhân viên trong đoàn tháp tùng nhiễm Covid-19 và nhà lãnh đạo đã tiếp xúc gần với họ trong thời gian dài.

Ông Peskov khẳng định, Tổng thống Nga vẫn tiếp tục làm việc bình thường, tuy nhiên, thời gian nhà lãnh đạo ngừng việc tự cách ly sẽ do các chuyên gia quyết định. Điện Kremlin cũng cho hay, các chuyên gia và bác sĩ đang làm mọi thứ cần thiết.

Ông Putin đã tiêm vaccine Covid-19 Sputnik V do Nga sản xuất. Trước đó, nhà lãnh đạo Nga nói rằng, tỷ lệ kháng thể trong cơ thể vẫn ở mức cao và hy vọng, vaccine Sputnik V sẽ bảo vệ ông. (TASS)

Tin đồn Mali muốn 'rước' lực lượng an ninh Nga: Moscow nói 'không và không'

Ngày 14/9, truyền thông châu Phi dẫn nguồn tin giấu tên tiết lộ, chính quyền quân sự Mali đang đàm phán với tập đoàn an ninh tư nhân Wagner của Nga để thuê khoảng 1.000 nhân viên hoạt động tại quốc gia Tây Phi này, khiến Pháp lên tiếng cảnh báo.

Tuy nhiên, mới đây, Điện Kremlin thông báo, không có quân nhân Nga ở Mali và cũng không có cuộc đàm phán chính thức nào về sự hiện diện của họ đang diễn ra.

Điện Kremlin cũng khẳng định, không có thông tin nào về các cuộc đàm phán giữa chính quyền Mali và công ty quân sự tư nhân Wagner. (TASS)

Moscow: NATO từ chối đàm phán quân sự với Nga

Ngày 15/9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Moscow sẵn sàng duy trì đối thoại với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) theo cách chuyên nghiệp và không phải quá khích.

Tuy nhiên, ông Lavrov cho hay: "Họ hoàn toàn từ chối tiến hành một cuộc đối thoại quân sự, vốn đã bị tạm dừng vì một quyết định được gọi là sự trừng phạt sau những sự kiện ở Ukraine và Crimea". (Sputnik)

EU coi Nga là tác nhân toàn cầu quan trọng, láng giềng lớn nhất

Trong phát biểu tại cuộc họp của Nghị viện Châu Âu ngày 15/9, Đại diện cấp cao về chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết: “Trong mọi trường hợp, Nga vẫn là nước láng giềng lớn nhất của chúng tôi và là một tác nhân quan trọng trên toàn cầu".

Theo ông Borrell, "nước Nga sẽ không biến mất mà sẽ vẫn ở đó. Điều này sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều", đồng thời đề nghị EU xem xét khả năng thay đổi dần các mối quan hệ để làm cho chúng dễ dự đoán và ổn định hơn.

Thừa nhận "Nga đang đóng vai trò xây dựng trong một số vấn đề đa phương" như thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA), quan chức EU kêu gọi hợp tác với Moscow trong các vấn đề an ninh.

Tuy vậy, ông Borell cũng cáo buộc Nga "muốn chia rẽ" EU, đồng thời nhấn mạnh, trước bất kỳ nỗ lực nào thực hiện ý định trên, EU "phải cố gắng duy trì sự đoàn kết, dù không phải lúc nào cũng dễ dàng”.

Đại diện cấp cao EU cho hay: "Tôi muốn nghĩ đến một mối quan hệ đối tác mới với Nga, nhưng ngày nay đó là một viễn cảnh xa vời". (TASS)

Ai là người khởi xướng Dòng chảy phương Bắc 2?

Ngày 15/9, Sputnik dẫn lời Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Viacheslav Volodin nói rằng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có tầm quan trọng tương đương với việc xây dựng Kerch nối Nga với bán đảo Crimea.

Nghị sĩ Nga cho hay: “Đây là một dự án có quy mô lớn, giúp chúng mở rộng thị trường cung cấp các sản phẩm của mình trong khi người tiêu dùng sẽ nhận được khí đốt chất lượng cao với giá rẻ. Nói một cách dễ hiểu, dự án mang tính kinh tế và mọi người đều được hưởng lợi từ nó”.

Ông Volodin cũng hé lộ, chính Tổng thống Nga Putin là người "khai sinh" ra dự án Dòng chảy phương Bắc 2, từ ý tưởng tới lộ trình lắp đặt tuyến đường ống, trong một cuộc điện đàm với người đứng đầu Tập đoàn khai thác dầu khí Nga Gazprom Alexei Miller.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc vận hành Dòng chảy phương Bắc 2 càng sớm càng tốt sẽ cân bằng các thông số giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu, bao gồm cả thị trường giao ngay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galuschenko tuyên bố, "rủi ro" chính đối với an ninh năng lượng châu Âu nằm ở dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. (Sputnik, TASS)

Bán đảo Triều Tiên: Triều Tiên, Hàn Quốc thi nhau phóng tên lửa

Ngày 15/9, Hàn Quốc thông báo Triều Tiên phóng 2 vật thể ra Biển Nhật Bản, có thể là 2 tên lửa đạn đạo. Vụ phóng diễn ra vài ngày sau khi Bình Nhưỡng thông báo tiến hành các vụ thử tên lửa vào ngày 11-12/9.

Hàn Quốc và Nhật Bản sau đó đều lên tiếng quan ngại về động thái của Triều Tiên, trong khi Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định, vụ phóng không gây ra mối đe dọa tức thời cho Mỹ cùng các đồng minh, nhưng cho thấy tác động gây bất ổn của chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, ông nhất trí với quan điểm của Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên rằng, vụ phóng này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Vài giờ sau vụ phóng trên, Hàn Quốc thông báo đã phóng thử tên lửa đạn đạo phóng từ tầm ngầm (SLBM) tự sản xuất và đã trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới sở hữu vũ khí này, sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ấn Độ.

Hàn Quốc cũng công bố việc phát triển một tên lửa hành trình siêu thanh để nâng cao khả năng phòng thủ trên biển, tuy nhiên từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, việc nước này nâng cấp năng lực tên lửa có thể giúp răn đe hành động khiêu khích của Triều Tiên. (Yonhap)

Thông điệp liên minh của Chủ tịch EC đề cập loạt vấn đề nóng

Ngày 15/9, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đọc Thông điệp liên minh, trong đó đề cập một loạt vấn đề nóng, từ vấn đề tiêm vaccine ngừa Covid-19, chống biến đổi khí hậu cho tới kinh tế và quốc phòng.

Về Covid-19, EU đánh dấu cột mốc quan trọng với hơn 70% dân số trưởng thành tại 27 nước thành viên đã được tiêm đủ liều vaccine. EU cũng cam kết tài trợ thêm 200 triệu liều vaccine cho thế giới, nâng tổng số vaccine viện trợ của khối lên 450 triệu liều.

Chủ tịch EC kêu gọi các nước trên thế giới tham gia vào kế hoạch tham vọng của EU về chống biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết sẽ bổ sung 4 tỷ Euro (4,7 tỷ USD) để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi xanh cũng như kêu gọi các nước khác có trách nhiệm với cam kết của mình.

Về kinh tế, EU cần tăng cường đầu tư để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn nhằm khắc phục những yếu kém trong chuỗi cung ứng sản xuất, tập trung vào vấn đề nguồn cung chip điện tử ở châu Âu. Bà von der Leyen gọi đó là “vấn đề chủ quyền công nghệ” và lưu ý các quốc gia EU cần “cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái chip hiện đại”, qua đó giúp EU “dẫn đầu thế giới” trong lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực quốc phòng, bà von der Leyen nhấn mạnh, EU cần tăng quyền tự chủ của mình và thành lập Liên minh Quốc phòng châu Âu. Bà cũng bày tỏ tin tưởng các nhóm tác chiến của EU hay các lực lượng tiên phong phản ứng nhanh với các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài “sẽ là một phần giải pháp”.

Về tình hình tại Afghanistan, Chủ tịch Ursula von der Leyen cam kết tăng cường viện trợ nhân đạo cho quốc gia Tây Nam Á, đồng thời nêu rõ EU sẽ sát cánh với người dân Afghanistan.

Liên quan việc bảo vệ phụ nữ, quan chức EC cho biết, cơ quan này sẽ sớm đề xuất một đạo luật chống bạo hành nữ giới. (Reuters, Politico)

Mâu thuẫn nội bộ: Ba Lan cáo buộc EU can thiệp vào công việc nội bộ

Ngày 15/9, người đứng đầu đảng dân túy cánh hữu cầm quyền của Ba Lan cho biết, nước này muốn có chủ quyền và chấm dứt việc EU can thiệp vào công việc nội bộ.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Ba Lan PAP, lãnh đạo đảng Pháp luật và Công lý (PiS) Jaroslaw Kaczynski phát biểu: “Sẽ không có Polexit. Chúng tôi thấy rõ ràng tương lai của Ba Lan trong EU”.

Tuy nhiên, ông cho rằng, nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia đang bị vi phạm nghiêm trọng, cáo buộc một số quốc gia mạnh hơn như Đức đã “công cụ hóa EU”.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi các quan chức cấp cao của PiS “nói bóng gió” về khả năng rời khỏi EU, trong bối cảnh quan hệ giữa Brussels và Ba Lan ngày càng gay gắt liên quan đến cải cách tư pháp của nước này. (AFP)

Iran: Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân làm cố vấn Ngoại trưởng, Nga nói về bom hạt nhân

Ngày 14/9, Bộ Ngoại giao Iran cho biết, vị trí Thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị của ông Abbas Araghchi sẽ do ông Ali Bagheri Kani đảm nhiệm. Ông Araghchi, từng là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, được bổ nhiệm làm cố vấn cho tân Ngoại trưởng Amir Abdollahian.

Không rõ ông Kani, nhà ngoại giao cấp cao có quan điểm cứng rắn từng đảm nhận vị trí quan chức đàm phán cấp cao trong các cuộc thảo luận hạt nhân giữa Iran và phương Tây giai đoạn 2007-2013, có thay thế ông Araghchi làm Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân hay không.

Giới quan sát nhận định, đây có thể là bước mở đầu cho quan điểm cứng rắn hơn trên bàn đàm phán hạt nhân với các cường quốc.

Cùng ngày, Nga nhận định, cho tới nay, Iran không có dấu hiệu thực hiện dự án sở hữu vũ khí hạt nhân hay tạo ra một quả bom hạt nhân. (TASS, Reuters)

Căng thẳng mới giữa Anh-Trung Quốc

Ngày 14/9, một người phát ngôn của Thượng viện Anh cho biết, Chủ tịch Hạ viện Lindsay Hoyle và Chủ tịch Thượng viện John McFall đã can thiệp để ngăn Đại sứ Trung Quốc tại London Trịnh Trạch Quang vào phát biểu tại một sự kiện trong tòa nhà Quốc hội.

Phản ứng về động thái trên, Đại sứ quán Trung Quốc tại London đã lên án hành động "của một số nghị sĩ Anh", nói rõ, quan hệ giữa các nước phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và không can thiệp công việc nội bộ. (Reuters, THX)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Hàn Quốc

Trong cuộc gặp kéo dài 40 phút tại Nhà Xanh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lưu ý vai trò và đóng góp của Bắc Kinh cho tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, đề nghị "sự ủng hộ không thay đổi" của Bắc Kinh và vai trò liên quan của Ngoại trưởng Vương Nghị.

Ông Moon Jae-in kỳ vọng, mối "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược" giữa Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ phát triển lên một cấp độ cao hơn, trên cơ sở các thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh mới đây với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh: "Chuyến thăm của Bộ trưởng Vương Nghị tới Hàn Quốc có ý nghĩa hơn bởi vào đúng thời điểm mà hai bên cần mở ra tương lai mới của quan hệ song phương trước thềm lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022".

Đáp lại, Bộ trưởng Vương Nghị nói: "Mối quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc đang duy trì xu hướng phát triển tốt. Đại dịch Covid-19 đã làm sâu sắc thêm tình hữu nghị của chúng ta. Hợp tác kiểm soát Covid-19 giữa hai nước đã trở thành một điển hình của quốc tế". (Yonhap)

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-159-tinh-trang-suc-khoe-cua-tong-thong-putin-nga-noi-khong-va-khong-ve-tin-don-o-mali-ai-khoi-xuong-dong-chay-phuong-bac-2-158608.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-159-tinh-trang-suc-khoe-cua-tong-thong-putin-nga-noi-khong-va-khong-ve-tin-don-o-mali-ai-khoi-xuong-dong-chay-phuong-bac-2-158608.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 15/9: Tình trạng sức khỏe của Tổng thống Putin; Nga nói 'không và không' về tin đồn ở Mali; Ai khởi xướng Dòng chảy phương Bắc 2?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO