Công dân quốc tịch Nga Alexander Franchetti bị Czech bắt giữ theo lệnh bắt giữ quốc tế mà Ukraine ban hành. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Czech bắt công dân Nga: Ukraine yêu cầu dẫn độ, Nga cảnh báo Prague
Ngày 12/9, Czech thông báo đã bắt giữ công dân Nga Alexander Franchetti tại sân bay Prague dựa trên lệnh bắt giữ quốc tế do Ukraine ban hành.
Ngày 13/9, một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Czech cho biết, Ukraine đã gửi tới Prague yêu cầu dẫn độ công dân này về Kiev.
Quan chức này cho hay: "Hiện tại, cơ quan công tố thành phố Prague đang xem xét".
Tòa án Czech sẽ xem xét yêu cầu dẫn độ của Kiev và chuyển đến Bộ Tư pháp kèm các khuyến nghị. Bộ trưởng Tư pháp là người ra phán quyết cuối cùng và các thủ tục trên "thường mất vài tháng".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow đã yêu cầu Prague "cung cấp thông tin chi tiết về động cơ đằng sau hành động của Czech" trong vụ bắt giữ này.
Theo bà Zakharova, phía Moscow đã cảnh báo Prague rằng, việc tiếp tục "chính sách phá hoại của Czech liên quan Nga và các công dân của nước này sẽ dẫn đến quan hệ song phương xấu đi hơn nữa".
Cho biết Đại sứ quán Nga tại Prague cũng đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Czech, bà Zakharova nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng phía Czech sẽ nhanh chóng phản ứng với các kháng nghị và trả lời đầy đủ các câu hỏi mà chúng tôi đưa ra". (TASS)
Nga tố Mỹ dùng Ukraine để gây áp lực cho Nga
Ngày 14/9, trên kênh YouTube Soloviev Live, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, dự án "dân chủ hóa Ukraine" của Washington nhằm gây sức ép với Moscow và tạo ra bất ổn trong khu vực.
Theo bà: "Mỹ cung cấp viện trợ tài chính cho Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky chỉ để đạt được mục tiêu chính của họ là gây áp lực lên Nga và thúc đẩy cái mà họ gọi là dân chủ trên toàn thế giới".
Quan chức ngoại giao Nga nhận định: “Đất nước chúng tôi là mục tiêu và nền tảng chính cho khái niệm này. Đó là một công cụ mà Mỹ sử dụng để kiềm chế đất nước của chúng tôi và duy trì tình trạng bất ổn đang diễn ra".
Về dự án mà bà gọi là "dân chủ hóa Ukraine", nữ phát ngôn viên Zakharova chỉ ra rằng, dự án không phù hợp với lợi ích của người dân Ukraine: "Không có gì được thực hiện vì lợi ích của người dân Ukraine. Tất cả những gì đã được thực hiện đều đi ngược lại lợi ích của họ". (TASS)
Thời điểm Dòng chảy phương Bắc 2 nhận được giấy phép hoạt động
Ngày 13/9, Cơ quan mạng lưới liên bang Đức (BNetzA) cho biết, trước ngày 8/1/2022, họ sẽ quyết định liệu có cấp chứng nhận và giấy phép hoạt động cho đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 hay không.
Theo thông báo, BNetzA có 4 tháng để xác minh tất cả tài liệu mà công ty Nord Stream 2 AG nộp nhằm xin chứng nhận là nhà vận hành truyền tải độc lập để vận hành đường ống, đồng thời dự thảo các quyết định và trình lên Ủy ban châu Âu (EC) xin góp ý.
Trước thông báo từ BNetzA, Nord Stream 2 AG cho hay, công ty này không bình luận về thủ tục chứng nhận đang diễn ra.
Công ty nêu rõ: "Dự án sẽ tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện giấy phép. Chúng tôi sẽ thông báo về tất cả bước bổ sung". (TASS, Yahoo)
Afghanistan: Lầu Năm Góc đang đánh giá cuộc không kích thực hiện ở Kabul cuối tháng 8
Ngày 13/9, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ "vẫn đang đánh giá" kết quả của cuộc không kích mà nước này thực hiện hồi cuối tháng 8 tại Kabul, Afghanistan.
Tuyên bố của ông Kirby nhằm đáp trả câu hỏi về các cuộc điều tra của truyền thông cho rằng, quân đội Mỹ có thể đã nhầm lẫn một nhân viên cứu trợ thành một kẻ đánh bom liều chết trong vụ không kích hôm 29/8.
Theo đó, các cuộc điều tra riêng biệt của báo New York Times và Washington Post xác định người điều khiển phương tiện bị không kích là Zemarai Ahmadi, một kỹ sư điện 43 tuổi làm việc cho Nutrition and Education International, một nhóm viện trợ của Mỹ có trụ sở tại Pasadena, California.
Ông Kirby bảo vệ cuộc không kích, nói rằng nó "được thực hiện để ngăn chặn một cuộc tấn công sắp xảy ra", và cho biết thêm, Bộ Chỉ huy Trung tâm cho đến nay không có kế hoạch để các nhà điều tra vào cuộc, nhưng hứa rằng Lầu Năm Góc sẽ "minh bạch về kết quả nhất có thể".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, khẳng định chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất ở Afghanistan.
Bên cạnh đó, ông Blinken khẳng định: “Ngay cả những đánh giá bi quan nhất cũng không dự đoán được rằng lực lượng chính phủ ở Kabul sẽ sụp đổ trong khi lực lượng của Mỹ vẫn ở đó”. (THX, Reuters)
Tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ kêu gọi mối quan hệ thương mại song phương ổn định
Ngày 13/9, trong một cuộc họp trực tuyến với các giám đốc điều hành (CEO) của các công ty lớn ở Mỹ, Đại sứ mới của Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương kêu gọi một mối quan hệ thương mại ổn định và mang tính xây dựng giữa Washington và Bắc Kinh, cả khi hai bên vật lộn để giải quyết những bất đồng chính trị và thương mại.
Ông Craig Allen, Chủ tịch nhóm phi lợi nhuận gồm 200 công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc nói trên, cho biết: "Thông điệp của Đại sứ Trung Quốc gửi tới các CEO là quan hệ thương mại phải phát triển và phát triển khi chúng tôi nỗ lực hơn để có hành động giải quyết những bất đồng".
Theo ông Allen, quan hệ Mỹ-Trung hiện tại nói chung vẫn "ở trong tình trạng bất ổn", song Đại sứ Tần Cương nói với nhóm này quan hệ thương mại của hai bên vẫn vững mạnh.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, đối thoại giữa các chính đảng Mỹ-Trung Quốc lần thứ 12 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, do Ban liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc và đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa của Mỹ đồng tổ chức. (Reuters)
Ngoại trưởng Trung Quốc hội kiến Thủ tướng Singapore, lên đường thăm Hàn Quốc
Ngày 14/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hội kiến và thảo luận với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á.
Thủ tướng Lý Hiển Long nhận xét đây là "cuộc thảo luận hữu ích và thẳng thắn về những diễn biến trên trường quốc tế và trong khu vực".
Trước đó một ngày, ông Vương Nghị cũng đã gặp người đồng cấp Vivian Balakrishnan và Phó thủ tướng Heng Swee Keat của nước chủ nhà.
Cuối ngày, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc dự kiến sẽ đến Sân bay quốc tế Incheon, phía Tây Seoul, bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc trong 2 ngày.
Ông Vương Nghị sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Chung Eui-yong vào ngày 15/9 nhằm thảo luận về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và nỗ lực đưa Bình Nhưỡng trở lại đối thoại trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân với Mỹ tiếp tục đình trệ.
Về quan hệ song phương, hai bên dự kiến sẽ có các cuộc thảo luận sâu rộng về các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào việc thúc đẩy giao lưu văn hóa, nhân dịp năm 2022 sẽ đánh dấu kỷ niệm 30 năm Hàn Quốc và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. (AFP, THX)
Liệu Triều Tiên có 'qua mặt' Hàn Quốc trong vụ thử tên lửa?
Sau khi truyền thông Triều Tiên thông báo, cuối tuần trước, nước này đã phóng thử thành công các tên lửa hành trình tầm xa và bắn trúng mục tiêu cách 1.500km sau khi bay 126 phút, một số ý kiến cho rằng, quân đội Hàn Quốc đã không thể phát hiện các vụ phóng này.
Trong phiên chất vấn của Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/9, khi liên tục được hỏi liệu quân đội có phát hiện được vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook cho biết, các thiết bị chung của nước này và Mỹ đã phát hiện các tên lửa mà Triều Tiên phóng thử.
Tuy nhiên, ông không nói rõ khi nào và bằng cách nào các thiết bị này phát hiện được các vụ phóng.
Bộ trưởng Suh nhấn mạnh: “Chúng tôi biết Triều Tiên bắt đầu phát triển những tên lửa loại này từ đầu những năm 2000 và đã tích hợp được các công nghệ liên quan. Chúng ta có một hệ thống phát hiện và đánh chặn tên lửa hành trình của Triều Tiên. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét và bổ sung hệ thống phòng thủ”. (Yonhap)
Bộ tứ: Thủ tướng Ấn Độ dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ
Ngày 13/9, theo một quan chức cấp cao của Mỹ, Tổng thống nước này Joe Biden sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo Bộ tứ, gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ vào ngày 24/9 tại Nhà Trắng.
Ngày 14/9, Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ thông báo, Thủ tướng nước này Narendra Modi sẽ cùng Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự Hội nghị trên tại Washington ngày 24/9 tới, qua đó xác nhận thông tin trên.
Các nhà lãnh đạo sẽ xem xét tiến độ đạt được kể từ Hội nghị thượng đỉnh dưới hình thức trực tuyến đầu tiên diễn ra hôm 12/3 vừa qua và thảo luận về các vấn đề khu vực cùng quan tâm.
Là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo sẽ xem xét lại sáng kiến Bộ tứ về vaccine đã được công bố vào tháng 3 năm nay.
Bộ tứ cũng sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề toàn cầu hiện nay như công nghệ quan trọng và mới nổi, kết nối và cơ sở hạ tầng, an ninh mạng, an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, biến đổi khí hậu và giáo dục.
Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ mang đến cơ hội giá cho đối thoại và tương tác giữa các nhà lãnh đạo, gắn với tầm nhìn chung về việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa nhập. (PTI)
Tổng thống Nga tiếp người đồng cấp Syria
Ngày 13/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại Điện Kremlin, thảo luận về tình hình chính trị ở Syria, chủ nghĩa khủng bố quốc tế cũng như các vấn đề hợp tác song phương và nhân đạo.
Tuyên bố ra ngày 14/9 của Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin khẳng định, vấn đề lớn ở Syria hiện nay là các lực lượng vũ trang nước ngoài vẫn hiện diện tại một số khu vực ở quốc gia Trung Đông, mâu thuẫn với luật pháp quốc tế và cản trở những nỗ lực của ban lãnh đạo hợp pháp tại Syria nhằm củng cố đất nước.
Trong khi đó, Tổng thống Assad một lần nữa nhấn mạnh rằng, Nga đã đóng góp lớn vào chiến thắng trước những kẻ khủng bố ở Syria, đồng thời bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của ông Putin cũng như Bộ Ngoại giao Nga.
Theo ông Assad, hành động của hai nước nhìn chung đã "đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ toàn nhân loại" khỏi chủ nghĩa khủng bố.
Điện Kremlin cho biết, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các phe phái tại Syria đạt được các thỏa thuận chính trị mà không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. (TASS)