Tin thế giới 14/4: Nga mở điều tra về Ukraine, phóng tên lửa ở biển Nhật Bản; quan chức Mỹ-Hàn bàn chuyện trên tàu sân bay

Minh Vương| 14/04/2022 21:09

Nga mở điều tra về Ukraine, phóng tên lửa ở biển Nhật Bản; quan chức Mỹ-Hàn bàn chuyện trên tàu sân bay, Đức triệt phá âm mưu gây bạo động…là tin thế giới nổi bật ngày 14/4.

(04.14) Tên lửa hành trình Kalibr bắn từ tàu ngầm trong video do Bộ Quốc phòng Nga công bố. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)
Tên lửa hành trình Kalibr bắn từ tàu ngầm Nga trên biển Nhật Bản. (Nguồn: Facebook Bộ Quốc phòng Nga)

Báo Thế giới & Việt Nam xin điểm một số tin thế giới nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Moscow mở cuộc điều tra cáo buộc Ukraine tra tấn binh sĩ Nga: Ngày 14/4, Ủy ban Điều tra Nga thông báo đang mở các vụ án hình sự liên quan tới cáo buộc quân nhân Ukraine tra tấn binh sĩ Nga, trong bối cảnh Moscow tiếp tục ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ ở quốc gia láng giềng Đông Âu.

Chuyên điều tra các tội ác nghiêm trọng, Ủy ban trên cho hay một số binh sĩ Nga đã bị cơ quan an ninh Ukraine bắt giữ ở Zaporizhzhia và Mykolaiv. Thông cáo của Ủy ban Điều tra Nga nêu rõ: “Những người Nga đã bị bạo hành và tra tấn để buộc họ đưa ra những lời giải thích sai sự thật về điều kiện giam giữ trái phép họ trong khuôn viên của Cơ quan An ninh Ukraine, cũng như về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga”.

Người đứng đầu ủy ban trên, ông Alexander Bastrykin cũng chỉ thị mở cuộc điều tra về cáo buộc bắn phá dân thường của lực lượng Ukraine từ Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, khi họ sơ tán qua khu vực lân cận Kharkov.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố đang kiểm tra toàn bộ thông tin liên quan tới việc đối đãi với tù nhân chiến tranh, sẽ điều tra mọi vi phạm và có hành động pháp lý phù hợp. (Reuters)

* Nga phóng tên lửa hành trình ở Biển Nhật Bản: Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/4 thông báo tàu ngầm nước này ở Biển Nhật Bản đã phóng tên lửa hành trình trong khuôn khổ các hoạt động tập trận, vào thời điểm nảy sinh căng thẳng với Tokyo liên quan tới sự ủng hộ của Nhật Bản dành cho Ukraine.

Cụ thể, hai tàu ngầm ngoài khơi vùng viễn Đông Nga, là Petropavlovsk-Kamchatsky và the Volkov, đã phóng các tên lửa hành trình Kalibr từ dưới nước nhắm vào một mục tiêu. Đoạn video được đăng tải cho thấy các tên lửa bay lên khỏi mặt biển khi các thành viên thủy thủ đoàn của tàu ngầm giả định sắp bị tên lửa tấn công.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Nhật Bản đã tham gia vào các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây.

Hôm 8/4, Tokyo đã công bố gói trừng phạt mới, bao gồm một lệnh cấm than đá của Moscow, và trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga liên quan tới cái gọi là “các tội ác chiến tranh” ở Ukraine.

Cùng lúc đó, Nhật Bản tiếp nhận hàng trăm người Ukraine chạy trốn khỏi xung đột, đồng thời, viện trợ cho quốc gia này nhiều khí tài, trang thiết bị quốc phòng không gây sát thương. (AFP)

* Nhật Bản đồng bảo trợ nghị quyết về quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ: Chính quyền Nhật Bản ngày 14/4 cho biết nước này đã quyết định đồng bảo trợ một nghị quyết do Liechtenstein đề xuất nhằm buộc các nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thực hiện trách nhiệm giải trình sau khi Nga thực thi quyền này để chặn nghị quyết của một nhóm các nước phương Tây lên án hoạt động quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine.

Nghị quyết trên nhận được sự ủng hộ từ hàng chục quốc gia, trong đó có Mỹ, đồng minh của Nhật Bản và là thành viên thường trực của HĐBA LHQ. Các thành viên thường trực khác gồm Anh, Trung Quốc và Pháp.

Trả lời họp báo thường kỳ, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nêu rõ: "Chính phủ (Nhật Bản) tin rằng các thành viên thường trực nên tự kiềm chế tối đa trong việc thực hiện quyền phủ quyết và từ quan điểm này, đất nước chúng tôi đã quyết định đồng bảo trợ cho nghị quyết, theo chỉ thị của Thủ tướng Kishida (Fumio). Với sự quan tâm của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các động thái hướng tới mục tiêu thông qua nghị quyết”.

Trước đó một ngày, đăng trên tài khoản Twitter, Phái đoàn thường trực của Liechtenstein tại LHQ cho biết các nước đồng bảo trợ sẽ chính thức trình bày dự thảo nghị quyết cho các quốc gia thành viên vào tuần tới. (Kyodo)

* Hàn Quốc “đặc biệt lo ngại” cáo buộc Nga thảm sát dân thường ở Ukraine: Ngày 14/4, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc (NSC) bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" đối với cáo buộc Nga thảm sát dân thường ở Ukraine.

Tuyên bố nêu rõ, sau khi tiến hành phiên họp thường kỳ, NSC “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các trường hợp thảm sát thường dân do Chính phủ Ukraine công bố và kêu gọi ngừng hành động thảm sát thường dân”. Theo tuyên bố, Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động viện trợ nhân đạo cho Ukraine trong khuôn khổ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.

Trước đó, phương Tây đã cáo buộc Nga sát hại dân thường ở Bucha, một thành phố ở ngoại ô thủ đô Kiev của Ukraine. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ cáo buộc và xem đây là giả mạo. (Yonhap)

* Trung Quốc phản đối việc xuyên tạc và bôi nhọ lập trường về Ukraine: Ngày 14/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng nước này ủng hộ đối thoại và tham vấn về vấn đề Ukraine, đồng thời phản đối các tiêu chuẩn kép trong các vấn đề quốc tế và không chấp nhận những hành vi gây áp lực, đe dọa, bóp méo lập trường và những cáo buộc vô căn cứ.

Trả lời họp báo, ông Triệu nêu rõ: “Trung Quốc luôn tôn trọng lập trường khách quan và công bằng trong vấn đề Ukraine, chúng tôi ủng hộ đối thoại và đàm phán, tích cực cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine và các nước khác bị ảnh hưởng bởi tình hình hiện nay, đồng thời thực hiện những nỗ lực đáng kể nhằm xoa dịu tình hình, giải quyết khủng hoảng và khôi phục hòa bình”.

Ông Triệu cho rằng, Trung Quốc luôn kiên định tuân theo lập trường rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước phải được tôn trọng và bảo vệ, không nên có các tiêu chuẩn kép trong quan hệ quốc tế, đồng thời nhấn mạnh cần phải đảm bảo bình đẳng chủ quyền và an ninh của Ukraine cũng như tính đến các mối quan tâm chính đáng của Nga về an ninh.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ mọi sự xuyên tạc và bôi nhọ lập trường của phía Trung Quốc. Bắc Kinh luôn đóng vai trò xây dựng trong vấn đề Ukraine, chúng tôi ủng hộ công lý và nỗ lực vì hòa bình”. Ông cũng nói thêm rằng Trung Quốc phản đối những cáo buộc và nghi ngờ vô căn cứ đối với nước này, đồng thời không chấp nhận bất kỳ áp lực và đe dọa nào. (Sputnik)

Mỹ-Hàn

* Quan chức Hàn-Mỹ bàn chuyện trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln: Các nguồn tin cho biết ngày 14/4, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, Tướng Won In-choul và Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ, Tướng Paul LaCamera đã lên tàu sân bay của Mỹ USS Abraham Lincoln đang ở Biển Nhật Bản.

Đây là một động thái hiếm hoi nhằm nêu bật sự đoàn kết của liên minh trong bối cảnh quan ngại về nguy cơ Triều Tiên có thêm những hành động khiêu khích.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln, nơi diễn ra cuộc gặp của hai quan chức quân sự hàng đầu Hàn Quốc và Mỹ, đã tiến vào Biển Nhật Bản tuần qua.

Cuộc gặp mang tính biểu tượng này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên được phương Tây cho là có thể triển khai một số động thái mới nhân dịp kỷ niệm các sự kiện chính trị then chốt ở Triều Tiên, trong đó có kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15/4/2022. (Yonhap)

Đức

* Đức triệt phá tổ chức âm mưu gây bạo động, phá hủy cơ sở hạ tầng: Ngày 14/4, Cảnh sát Đức đã bắt giữ 4 công dân nước này bị tình nghi âm mưu bắt cóc Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cũng như đặt chất nổ phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm gây ra các sự cố trên cả nước.

Kênh truyền hình ARD và báo Spiegel dẫn lời một phát ngôn viên Cơ quan Tổng công tố ở Koblenz cho biết hai nghi phạm chính được cho đã thống nhất với những đối tượng khác thực hiện tấn công nhằm vào Bộ trưởng Lauterbach cũng như âm mưu phá hủy các nhà máy điện nhằm gây sự cố mất điện kéo dài trên cả nước Đức.

Những đối tượng này tham gia tổ chức “Người yêu nước thống nhất”, có âm mưu tạo nên các tình huống giống như một cuộc nội chiến với mục đích cuối cùng là lật đổ nền dân chủ ở Đức. Các đối tượng ở độ tuổi từ 40-55 tuổi này cũng được cho có liên quan tới các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phòng chống COVID-19 cũng như “Phong trào công dân đế chế” bị cấm hoạt động.

Lực lượng đặc nhiệm đã đột kích và lục soát tại 20 địa điểm thuộc các bang Rheinland-Pfalz, Baden-Württemberg, Brandenburg, Bayern, Niedersachsen, Nordrhein-Westfalen, Sachsen, Schleswig-Holstein và Thüringen; thu giữ nhiều vũ khí trong đó có 7 súng ngắn, 14 súng dài và một khẩu súng trường cùng vô số đạn dược. Lực lượng chức năng cũng thu giữ khoảng 19.000 euro tiền mặt và ngoại tệ, nhiều vàng thỏi và đồng bạc.

Ngoài ra, nhiều tài liệu về kế hoạch lật đổ cũng như các giấy chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm giả. Cơ quan công tố cũng cho biết nhóm này đã lên kế hoạch bắt cóc nhiều nhân vật nổi tiềng khác, song không cho biết chi tiết.

Ngoài 4 nghi phạm đã bị bắt giữ, lực lượng an ninh đang truy lùng đối tượng thứ 5. Các đối tượng đều bị cáo buộc âm mưu tiến hành bạo động nghiêm trọng gây nguy hiểm cho nhà nước Đức, vi phạm Đạo luật Kiểm soát vũ khí và vũ khí chiến tranh. (Spiegel)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 14/4: Nga mở điều tra về Ukraine, phóng tên lửa ở biển Nhật Bản; quan chức Mỹ-Hàn bàn chuyện trên tàu sân bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO