Tin thế giới 14/3: Ukraine muốn gì ở vòng đàm phán thứ tư với Nga?; NATO rầm rộ tập trận; EU cảnh báo Thế chiến III

Hoàng Hà| 14/03/2022 20:20

Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, cuộc tập trận quy mô lớn của NATO, vụ máy bay MH17, Iran tấn công tên lửa vào Iraq, đàm phán hạt nhân Iran là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tin thế giới 14/3: Ukraine muốn gì ở vòng 4 đàm phán? Nga bị kiện; NATO rầm rộ tập trận; EU cảnh báo Thế chiến III
Nga-Ukraine bước vào vòng đàm phán thứ 4 theo hình thức trực tuyến trong ngày 14/3. (Nguồn: TASS)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua:

Nga-Ukraine

* Nga-Ukraine bắt đầu vòng đàm phán thứ tư theo hình thức trực tuyến vào chiều 14/3 (giờ Việt Nam).

Ông Mykhailo Pololyak - Cố vấn Tổng thống Ukraine, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán với Nga - cho hay: "Các bên tích cực bày tỏ lập trường nhất định của mình. Việc liên lạc vẫn được tiến hành mặc dù khó khăn. Nguyên nhân bất đồng là do hệ thống chính trị quá khác biệt".

Trước đó, ông cho biết, vòng đàm phán thứ tư sẽ tập trung "về hòa bình, ngừng bắn, lập tức rút quân và đảm bảo an ninh. Đây là cuộc đàm phán khó khăn".

Theo ông Pololyak, lập trường của Ukraine vẫn không thay đổi, kiên quyết đạt được lệnh ngừng bắn trước khi có thể tiến hành đàm phán về các mối quan hệ trong tương lai.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky ngày 13/3 nhấn mạnh, nhiệm vụ của các quan chức đàm phán nước này là đảm bảo tổ chức được các cuộc hội đàm trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước nhằm mang đến hòa bình.

Ông Zelensky thừa nhận đây là con đường "khó khăn", nhưng "cần thiết cho hòa bình và an ninh". (Reuters)

* Hy Lạp trấn an Ukraine về lệnh trừng phạt Nga: Ngày 14/3, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã trấn an rằng, việc các nước Liên minh châu Âu (EU) thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt sẽ góp phần gây sức ép khiến Nga chấm dứt chiến dịch quân sự.

Thủ tướng Mitsotakis đảm bảo với ông Zelensky rằng, chính phủ Hy Lạp hoàn toàn ủng hộ Ukraine.

Hai bên cũng nhất trí về sự cần thiết thiết lập hành lang nhân đạo tại các khu vực bị thiệt hại như Mariupol, nơi có hàng trăm người thiểu số Hy Lạp sinh sống. Hy Lạp đã gửi viện trợ và sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn. Athens cũng đang nỗ lực sơ tán Tổng Lãnh sự Hy Lạp và những người khác khỏi Mariupol. (Reuters)

* Hàn Quốc cân nhắc chuyển hoạt động cơ quan đại diện ở Ukraine: Ngày 14/3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo, nước này đang cân nhắc di dời nhân viên khỏi văn phòng Đại sứ quán tạm thời ở thành phố Lviv, miền Tây Ukraine, trong bối cảnh Nga mở rộng chiến dịch tấn công quân sự sang khu vực này.

Bộ trên cho biết, sẽ quyết định thời gian di dời "tùy thuộc tình hình". Cho tới ngày 11/3, tổng cộng 28 công dân Hàn Quốc vẫn ở Ukraine.

Đại sứ quán Hàn Quốc tại Ukraine đã tạm thời chuyển hoạt động từ thủ đô Kiev sang thành phố Lviv, gần Ba Lan, cùng hai khu vực khác nhằm hỗ trợ công dân Hàn Quốc đang sinh sống tại khu vực xung đột. (Yonhap)

* Khôi phục cấp điện cho nhà máy hạt nhân Chernobyl: Ngày 13/3, Bộ Năng lượng Nguyên tử Ukraine cho biết, nguồn điện tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã được khôi phục, đồng nghĩa với việc hệ thống làm mát cho cơ sở hạt nhân bỏ hoang hiện do quân Nga kiểm soát đã hoạt động bình thường.

Trong khi đó, công ty Energoatom phụ trách quản lý nhà máy Chernobyl cũng thông báo, các chuyên gia Ukraine đã khôi phục đường cung cấp điện.

Trước đó, Ukraine đã cảnh báo nguy cơ rò rỉ phóng xạ nếu đường điện cao thế dẫn tới nhà máy không được sửa chữa sau khi bị hư hại vì giao tranh với quân Nga. (Reuters, Sputnik)

* Mỹ cảnh báo Nga “trả giá đắt” nếu sử dụng vũ khí hóa học tại Ukraine: Ngày 13/3, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cảnh báo, Nga sẽ phải trả “giá đắt” nếu phát động tấn công bằng vũ khí hóa học vào Ukraine.

Phát biểu trên chương trình Face the Nation của kênh truyền hình CBS, ông Sullivan cho biết, Mỹ và đồng minh đang tham vấn chặt chẽ về nguy cơ xảy ra vụ việc này cũng như đang liên lạc trực tiếp với Moscow để răn đe một bước đi như vậy.

Theo quan chức này, bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sẽ vấp phải sự đáp trả tổng lực từ phía liên minh quân sự phương Tây này. (Reuters)

Châu Âu

* EU cảnh báo Thế chiến III: Ngày 14/3, trả lời phỏng vấn tờ báo Tây Ban Nha El Pais, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng, việc NATO tham gia cuộc xung đột Ukraine có thể châm ngòi cho Thế chiến III.

Theo ông: "Chúng tôi đang cố gắng hết sức để không làm trầm trọng thêm xung đột. Nga là một cường quốc hạt nhân và chúng tôi nhận thức rõ rằng nếu cuộc xung đột này biến thành cuộc chiến của NATO chống lại Nga thì chúng ta sẽ có Thế chiến III".

Về yêu cầu của Ukraine muốn gia nhập EU ngay lập tức, Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định, ông thường xuyên liên lạc với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói rằng: "Việc mở rộng EU là một vấn đề nhạy cảm mà không phải tất cả các nước châu Âu đều có cùng quan điểm. Chúng tôi phải tính đến các quốc gia đã bắt đầu quá trình gia nhập EU". (TASS)

* Anh nói tên lửa Nga rất khó rơi xuống lãnh thổ NATO: Ngày 14/3, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho rằng, việc tên lửa Nga rơi xuống lãnh thổ các nước thành viên NATO là điều có thể xảy ra nhưng khả năng rất thấp.

Trả lời phỏng vấn đài BBC Radio, ông Javid nêu rõ: "Ngay từ trước khi cuộc xung đột này nổ ra, chúng tôi đã tuyên bố rất rõ ràng với phía Nga rằng chỉ cần một dấu chân của Nga hiện diện trên lãnh thổ NATO thì khi đó động thái này sẽ bị coi là một hành động gây chiến". (Reuters, Sputnik)

* NATO bắt đầu tập trận quy mô lớn ở Na Uy với sự tham gia của 30.000 quân của liên minh cùng các nước đối tác từ ngày 14/3, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga liên quan tới cuộc chiến tại Ukraine.

Cuộc tập trận mang tên Cold Response 2022 (Phản ứng Lạnh 2022), được lên kế hoạch từ rất lâu trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhằm mục đích kiểm tra cách thức Na Uy xử lý việc các nước đồng minh trong NATO triển khai quân trên lãnh thổ nước này, phù hợp với Điều 5 Hiến chương NATO.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TV2 của Na Uy, Tướng Yngve Odlo phụ trách cuộc tập trận cho hay: "Đây là cuộc tập trận mang tính phòng thủ, chứ không phải một chiến dịch quân sự mang mục đích tấn công".

Nga đã từ chối lời mời của Na Uy về việc cử quan sát viên. Tướng Odlo cho hay, Nga "hoàn toàn có khả năng giám sát cuộc tập trận một cách hợp pháp. Tôi thực sự hy vọng họ tôn trọng các thỏa thuận hiện có". (AFP)

* Latvia muốn Mỹ triển khai quân thường xuyên ở nước này: Ngày 14/3, Tổng thống Latvia Egils Levits tuyên bố, nước này "hoan nghênh" sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ba Lan và vùng Baltic.

Khẳng định "cần sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ trong khu vực này”, Tổng thống Latvia cũng kêu gọi NATO tăng cường lực lượng ở sườn Đông do leo thang xung đột ở Ukraine.

Ông Levits nhấn mạnh, việc triển khai lực lượng NATO ở các nước Baltic, Romania và Ba Lan sẽ là “tín hiệu mạnh mẽ đối với Nga”, chứng tỏ rằng liên minh sẽ bảo vệ tất cả các nước thành viên của mình.

Tổng thống Latvia cũng xem NATO là "liên minh quân sự mạnh nhất thế giới" và bày tỏ quan điểm rằng, tổ chức này có "tiềm lực quân sự lớn hơn nhiều" so với Nga. (The Hill)

Australia, Hà Lan khởi kiện Nga vụ máy bay MH17 rơi

Ngày 14/3, Australia và Hà Lan bắt đầu các thủ tục pháp lý kiện Nga tại Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) trong vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi gần thị trấn Shaktarsk (Ukraine) ngày 17/7/2014, làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng.

Hai nước này đều cho rằng, Moscow phải chịu trách nhiệm theo luật pháp quốc tế để xảy ra thảm kịch này.

Trong một thông báo, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne tuyên bố, đây là một bước quan trọng trong “cuộc chiến vì sự thật, công lý và trách nhiệm” cho tất cả các nạn nhân trong vụ MH17, trong đó có các công dân Australia.

Bộ trưởng Tư pháp Australia Michaelia Cash cho biết, nước này và Hà Lan kêu gọi ICAO, cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết vấn đề này, buộc Nga phải giải trình.

Chính phủ Nga luôn bác bỏ các cáo buộc nước này có liên quan trong vụ máy bay MH17 rơi, cũng như tuyên bố rút khỏi các cuộc tham vấn với Hà Lan và Australia về vụ việc.

Bộ Ngoại giao Nga từng tuyên bố, "các hành động thù địch của Hà Lan khiến việc tiếp tục các cuộc tham vấn 3 bên với sự tham gia của chúng tôi là vô nghĩa". (Reuters, RT)

Đặt niềm tin vào S-400 Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không quan tâm đến Patriot Mỹ

Ngày 14/3, người đứng đầu Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir cho biết, hiện tại, nước này "không có nhu cầu về hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Vấn đề này đã bị loại khỏi chương trình nghị sự của Cục Quản lý Công nghiệp Quốc phòng, vì chúng tôi không được coi là người đối thoại”.

Theo ông, bất kỳ chiến dịch quân sự nào đều liên quan việc thực hiện các cuộc không kích và nếu bên nào không thể ngăn chặn các cuộc tấn công từ trên không, thì bên đó sẽ trở thành mục tiêu cho các cuộc không kích thường xuyên.

Ông cho biết thêm: “Không thể bỏ qua hệ thống phòng không S-400 của Nga, đó là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới. Tôi tin rằng nó sẽ mang lại lợi thế lớn trong phòng không”. (Sputnik)

Iran-Iraq căng thẳng vụ tấn công tên lửa

Tehran và Baghdad đang vướng vào căng thẳng ngoại giao liên quan vụ Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tấn công 12 tên lửa đạn đạo vào vào thành phố Erbil, thủ phủ khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq sáng cùng ngày.

Liên hợp quốc, EU, Liên đoàn Arab đã đồng loạt lên án vụ tấn công, trong khi Iraq triệu Đại sứ của Iran để yêu cầu giải thích về hành động này.

Về phía Iran, nước này cho hay, cuộc tấn công nhằm vào một cơ sở tình báo của Israel tại Erbil để đáp trả một vụ không kích của Israel tại thủ đô của Syria ngày 7/3, vốn khiến 2 thành viên của IRGC thiệt mạng.

Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, Tehran đã nhiều lần cảnh báo chính quyền Iraq rằng, lãnh thổ nước này không nên để các bên thứ ba sử dụng để tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Iran.

Mỹ cũng đã lên án cuộc tấn công. Trong một tuyên bố được Nhà Trắng công bố, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ chính phủ Iraq trong việc buộc Iran phải chịu trách nhiệm và sẽ hỗ trợ các đối tác của mình trên khắp Trung Đông đối phó với các mối đe dọa tương tự từ Iran". (Reuters, AFP)

Đàm phán hạt nhân: Mỹ phải đưa ra quyết định để khôi phục JCPOA

Ngày 14/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, Mỹ cần phải đưa ra quyết định để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Theo ông Khatibzadeh, "hiện chưa đến lúc để chúng tôi công bố một thỏa thuận vì có một số vấn đề chưa giải quyết, quan trọng cần được Washington quyết định. Ngay sau khi chúng tôi nhận được các quyết định của họ, chúng tôi sẽ có thể trở lại Vienna và đạt được thỏa thuận cuối cùng".

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian sẽ tới thủ đô Moscow của Nga vào ngày 15/3, vài ngày sau khi cuộc đàm phán hạt nhân bị đình chỉ liên quan các yêu cầu mới của Nga. (AFP, Reuters)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 14/3: Ukraine muốn gì ở vòng đàm phán thứ tư với Nga?; NATO rầm rộ tập trận; EU cảnh báo Thế chiến III
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO