Tình hình xung quanh quan hệ Nga-Ukraine tiếp tục có những diễn biến phức tạp. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
Tình hình xung quanh Ukraine tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khi ngày 13/2, Mỹ cảnh báo Nga có thể "xâm lược" Ukraine bất kỳ lúc nào và Moscow có thể tạo ra một cái cớ bất ngờ để tấn công.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ những tuyên bố trên là "trống rỗng và vô căn cứ", phục vụ cho một âm mưu làm leo thang căng thẳng.
Bên cạnh đó, ông Peskov không loại trừ khả năng phương Tây có những hành động khiêu khích nhằm biện minh cho những cáo buộc trên và cảnh báo rằng, những nỗ lực sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Đông Nam Ukraine sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định, các hành động của Mỹ là sự tuyên truyền chiến tranh ở dạng thuần túy nhất.
Nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại và triển khai các hành động nhằm đảm bảo an toàn cho công dân và các doanh nghiệp của mình tại Ukraine, đồng thời có các cảnh báo trừng phạt đối với Nga.
G7 cảnh báo Nga sẽ lãnh hậu quả kinh tế "to lớn"
Ngày 14/2, Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) lên tiếng về tình hình Ukraine, theo đó, các nước thành viên cam kết hỗ trợ nền kinh tế của nước này một cách nhanh chóng và quyết đoán.
Trong một tuyên bố chung, các Bộ trưởng Tài chính G7 nhấn mạnh: "Ưu tiên trước mắt của chúng tôi là ủng hộ các nỗ lực nhằm giảm leo thang tình hình".
Tuy nhiên, "quân đội Nga liên tục tăng cường quân sự tại biên giới Ukraine, đây là một nguyên nhân gây ra mối quan ngại nghiêm trọng. Chúng tôi, các Bộ trưởng Tài chính G7, nhấn mạnh sự sẵn sàng hành động nhanh chóng và dứt khoát nhằm hỗ trợ nền kinh tế Ukraine".
Theo đó, bất kỳ hành động xâm lược quân sự nào của Nga nhằm vào Ukraine sẽ phải hứng chịu đòn đáp trả nhanh chóng, thống nhất và mạnh mẽ. G7 đã sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính, điều này sẽ gây ra hậu quả tức khắc và to lớn đối với nền kinh tế Nga". (Reuters, AFP)
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine vẫn hoạt động bình thường
Ngày 14/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Đại sứ quán nước này tại Ukraine vẫn hoạt động bình thường.
Theo ông Uông, Trung Quốc "đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ukraine" và liên hệ chặt chẽ với Đại sứ quán của nước này ở Kiev.
Trước đó, cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Kiev đã ra thông báo khuyến cáo người dân nước này đang sinh sống tại Ukraine theo dõi các diễn biến tại quốc gia Đông Âu.
Trong khi đó, nhiều quốc gia như Canada, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel... đã khuyến cáo công dân nước mình rời khỏi Ukraine. Ngày 13/2, CBS News đưa tin, giới chức Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng tất cả các nhân viên Mỹ đang ở Kiev rời thành phố trong vòng 48 giờ. (Reuters, TASS)
Nga-Anh: London tính kế "đưa Nga quay trở lại từ bờ vực chiến tranh"
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán sâu hơn với các nhà lãnh đạo thế giới trong bối cảnh nước này nỗ lực đưa Nga "quay trở lại từ bờ vực chiến tranh" với Ukraine khi cuộc khủng hoảng bước vào "thời điểm quan trọng".
Người phát ngôn của Phố Downing cho biết: "Cuộc khủng hoảng ở biên giới Ukraine đã đến thời điểm nghiêm trọng. Tất cả những thông tin chúng tôi có đều cho thấy Nga có thể đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào. Điều này sẽ gây ra hậu quả tại hại cho cả Nga và Ukraine".
Theo người này, "vẫn còn cơ hội để giảm leo thang và ngoại giao và Thủ tướng Johnson sẽ tiếp tục làm việc không mệt mỏi cùng với các đồng minh để Nga lùi bước khởi bờ vực chiến tranh".
Trong tuần này, ông Johnson tiếp tục các nỗ lực ngoại giao và nhận được các thông tin tình báo hàng ngày từ các Giám đốc an ninh về việc tăng cường xây dựng lực lượng của Nga.
Ông Johnson cũng được cho là đang làm việc với các đồng minh để hỗ trợ về mặt phòng thủ và kinh tế cho Kiev, dự kiến đưa ra thông báo trong những ngày tới. (The National News)
Phát ngôn "Kiev có thể từ bỏ gia nhập NATO": Thái độ của Nga và chính quyền Ukraine?
Ngày 14/2, Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko cho biết, Ukraine sẽ có động thái linh hoạt hơn trong lộ trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), động thái mà Tổng thống Nga Vladimir Putin lo ngại sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột.
Theo nhà ngoại giao này, Ukraine vẫn chưa phải là thành viên NATO, nên nước này sẽ hướng tới các thỏa thuận song phương với Anh và Mỹ để có thể vượt qua thách thức hiện nay. Để tránh nguy cơ xung đột, Ukraine sẵn sàng nhượng bộ và đây cũng là nội dung của các cuộc thảo luận với Nga.
Phản ứng trước các tuyên bố trên, Thứ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey cho biết Anh sẽ ủng hộ mọi quyết định của Ukraine liên quan đến việc gia nhập NATO.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết, không coi những bình luận từ Đại sứ Prystaiko là báo hiệu một sự thay đổi chính thức trong lập trường của Ukraine về ý muốn gia nhập NATO, song nêu rõ, nếu Kiev từ bỏ ý định đó thì điều này sẽ giúp giải quyết đáng kể những quan ngại an ninh của Nga.
Về phía chính quyền Ukraine, người phát ngôn của Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định, nguyện vọng gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU) đã được nêu ra trong Hiến pháp và sẽ vẫn là ưu tiên của quốc gia này, không thể đưa ra quyết định nào đi ngược lại các tiêu chuẩn đó.
Đưa ra tuyên bố tương tự, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho hay, vì chưa phải là thành viên của NATO, "vấn đề đảm bảo an ninh trở thành một trong những vấn đề then chốt đối với Ukraine và sự đảm bảo tốt nhất là Kiev tham gia liên minh ngay lập tức".
Người này cũng cho rằng, phát biểu của ông Prystaiko đã bị truyền thông đưa ra khỏi ngữ cảnh của cuộc phỏng vấn. (TASS)
Nga khước từ Hội nghị An ninh Munich
Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich (MSC) Wolfgang Ischinger cho biết, chính quyền Nga quyết định không cử đại diện đến MSC năm nay, sự kiện sẽ khai mạc vào ngày 18/2 tại thành phố Munich - thủ phủ bang Bayern (Đức).
Hội nghị được biết tới với tên gọi là "Davos vì quốc phòng", quy tụ sự tham gia của các quan chức quốc phòng và an ninh hàng đầu trên toàn thế giới. MSC được tổ chức đúng vào thời điểm nhạy cảm, với việc Mỹ cảnh báo Nga sắp phát động cuộc tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, phát biểu họp báo, ông Ischinger cho hay, ông sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm thuyết phục Nga tham dự MSC: "Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức, ngày mai Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đích thân đến Moscow... để mời một đại diện chính thức của Nga tới dự MSC". (Reuters)
Nga-Mỹ: Quan hệ ở mức thấp nhất, điện đàm Biden-Putin không hiệu quả
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở mức thấp nhất, song không giống như vài năm trước, hiện giữa 2 bên vẫn đang có một số kênh liên lạc trong các lĩnh vực, trong đó có đối thoại giữa lãnh đạo 2 nước.
Về cuộc điện đàm ngày 12/2 của Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, Lầu Năm Góc mới đây nhận định, liên lạc đã không mang lại tín hiệu lạc quan.
Trong khi đó, ngày 13/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan thông báo, Washington đang lên danh sách đại diện nhóm người Nga có ảnh hưởng về kinh tế sẽ bị trừng phạt trong trường hợp căng thẳng leo thang liên quan Ukraine.
Những người này cùng các nhân vật thân cận Tổng thống Putin có thể bị áp đặt các biện pháp trừng phạt như hạn chế đi lại và sử dụng tiền trên toàn cầu. (AFP, Sputnik)
Biểu tình ở Canada: Tiến triển lạc quan, chính phủ cân nhắc Đạo luật khẩn cấp
Ngày 14/2, Bộ trưởng Bộ Ứng phó khẩn cấp Canada Bill Blair cho biết, chính phủ liên bang đã thảo luận về việc áp dụng các quyền hạn khẩn cấp đặc biệt để đối phó với các cuộc biểu tình đang diễn ra ở thủ đô Ottawa.
Đạo luật, vốn chưa từng được thực hiện trước đây, sẽ trao cho thủ đô Ottawa quyền làm bất cứ điều gì mà họ cho là cần thiết để đối phó với khủng hoảng.
Quan chức cấp cao Canada cũng không loại trừ phương án triển khai quân đội để giúp chấm dứt cuộc biểu tình đang chiếm đóng một số khu vực ở trung tâm thành phố.
Đây là một sự thay đổi trong quan điểm của chính phủ, sau khi Thủ tướng Justin Trudeau hôm 11/2 nói rằng việc triển khai quân đội là "phải tránh bằng mọi giá".
Làn sóng biểu tình ở Ottawa nhằm phản đối các biện pháp y tế công cộng được áp dụng trong đại dịch, đã kéo dài hơn hai tuần. Những người biểu tình chiếm đóng một số khu vực ở trung tâm thành phố xung quanh Đồi Quốc hội.
Hiện đảng Bảo thủ đối lập đang kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Trudeau dỡ bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến đại dịch và "chuyển đổi sang một xã hội hậu Covid-19 càng nhanh càng tốt".
Trong khi đó, thành phố Ottawa của Canada đã đạt được thỏa thuận với một trong các lãnh đạo cuộc biểu tình Đoàn xe tự do, theo đó, có thể trong 24 giờ tới, hàng trăm xe tải và các phương tiện cơ giới khác sẽ ra khỏi các khu dân cư ở trung tâm thành phố hoặc chuyển đến đại lộ Sir John A. Macdonald, nơi nhiều xe tải đã đậu từ ngày đầu tiên. (CTV News)
Đàm phán hạt nhân Iran: Không đi vào ngõ cụt, Tehran tiết lộ kế hoạch
Ngày 14/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ, nước này đã có quyết định chính trị bằng cách tiếp tục theo đuổi thỏa thuận hạt nhân 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) sau khi Washington rời khỏi năm 2008.
Cuộc đàm phán gián tiếp tại Vienna (Áo) giữa Iran và Mỹ được nối lại tuần trước sau 10 ngày tạm nghỉ. Các đại diện cho biết, cuộc đàm phán đã đạt được tiến bộ hạn chế kể từ khi được nối lại hồi tháng 11 sau 5 tháng gián đoạn.
Theo ông Khatibzadeh: "Không có ngõ cụt trong cuộc đàm phán tại Vienna. Các cuộc thương lượng được tiến hành như trước đây và những trao đổi vẫn đang diễn ra giữa các đoàn đàm phán"
Quan chức ngoại giao Iran nói thêm, "nếu Mỹ và châu Âu chứng tỏ quyết tâm thật sự thì có thể sớm đạt được một thỏa thuận tại Vienna", đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi cần những đảm bảo khách quan để đảm bảo Mỹ không rời khỏi JCPOA một lần nữa và nước này tôn trọng các cam kết của mình".
Bên cạnh đó, Iran yêu cầu tất cả các lệnh trừng phạt liên quan JCPOA với bất kỳ chiêu bài nào đều phải được "dỡ bỏ cùng một lúc".
Ngoài ra, ông Khatibzadeh tiết lộ, việc trao đổi tù nhân với Mỹ nằm trong chương trình nghị sự song song với các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna, "nhưng dường như Mỹ chưa đưa ra quyết định về vấn đề này". (AFP, Reuters)
Ấn Độ-Trung Quốc lâm căng thẳng mới
Tờ Economic Times ngày 14/2 đưa tin, theo một sắc lệnh mới, Ấn Độ cấm 54 ứng dụng của Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh.
Đây là một động thái căng thẳng mới nhất giữa hai nước láng giềng liên quan tới cuộc tranh chấp biên giới kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến các thương vụ kinh doanh.
Đối tượng bị cấm bao gồm các ứng dụng của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent, Alibaba và NetEase, vốn là các phiên bản được đổi thương hiệu của những ứng dụng đã bị Ấn Độ cấm hồi năm 2020. Hiện người phát ngôn của Bộ Nội vụ chưa đưa ra bình luận về vấn đề này. (Bloomberg)