Tin thế giới 14/12: 'EU tự hại mình nếu chặn Dòng chảy phương Bắc 2'; Nga nói gì vụ phủ quyết ở HĐBA? Mỹ vững một điều với Trung Quốc

Hoàng Hà| 14/12/2021 22:37

Dòng chảy phương Bắc 2, Nga phủ quyết ở HĐBA, Thượng đỉnh trực tuyến Nga-Trung, quan hệ Mỹ-Trung, Ngoại trưởng Mỹ thăm Đông Nam Á, Hàn Quốc muốn gia nhập CPTPP, thành lập chính phủ Hà Lan, quan hệ Trung Á... là một số tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Tin thế giới 14/12: 'EU tự hại mình nếu chặn Dòng chảy phương Bắc 2'; Nga nói gì vụ phủ quyết ở HĐBA? Mỹ vững một điều với Trung Quốc
Thủ tướng Áo Nehammer khẳng định ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2. (Nguồn: Reuters, Net News)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Dòng chảy phương Bắc 2: Thủ tướng Áo cảnh báo EU

Ngày 14/12, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Welt, tân Thủ tướng Áo Karl Nehammer khẳng định tiếp tục ủng hộ đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, đồng thời hy vọng dự án sẽ sớm được ra mắt như kế hoạch.

Theo ông Nehammer, châu Âu phụ thuộc vào các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng hiện tại, khối này cần dầu và khí đốt và điều quan trọng là việc cung cấp năng lượng cho các nước Liên minh châu Âu (EU) phải được đảm bảo thông qua các tuyến đường ống dẫn khí đốt khác nhau.

Nhà lãnh đạo Áo cho hay: "Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án quan trọng mang lại cho EU sự an toàn về nguồn cung cấp năng lượng".

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nehammer cho rằng: "không cần thiết phải liên kết việc ra mắt Dòng chảy phương Bắc 2 với các hành động của Nga ở Ukraine. Làm như vậy, EU chỉ có thể gây hại cho chính mình".

Lưu ý Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ phục vụ lợi ích của Nga mà cả Đức và Áo, ông Nehammer khẳng định: "EU hưởng lợi từ Dòng chảy phương Bắc 2 và đây là dự án của châu Âu, không nên được sử dụng như một phương tiện gây áp lực lên Moscow".

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Áo cũng cho rằng, các chính trị gia không nên sử dụng bạo lực làm phương tiện và việc vi phạm luật pháp quốc tế có thể gây ra hậu quả, đồng thời nhấn mạnh "cần phải bảo toàn lợi ích của Ukraine với tư cách là một quốc gia trung chuyển"

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp ngoại trưởng các nước EU ở Brussels, Bỉ, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg cho rằng, Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án có thể chấp nhận được và đã sẵn sàng hoạt động, việc EU nghi ngờ dự án này là không hợp lý. (TASS)

Nga lên tiếng vụ phủ quyết ở HĐBA

Ngày 13/12, Nga phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) do Ireland và Niger đề xuất, chính thức liên kết vấn đề biến đổi khí hậu với những thách thức về an ninh toàn cầu.

Nghị quyết này nhận được sự ủng hộ của 12 trong số 15 thành viên HĐBA và 113 nước thành viên LHQ, trong khi Ấn Độ bỏ phiếu chống và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Động thái này khiến một số nước cảm thấy khó hiểu, trong khi Mỹ tuyên bố rằng, Nga "khiến cả thế giới thất vọng".

Phản ứng trước bình luận trên, ngày 14/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phản bác bình luận trên, nhấn mạnh: "Moscow nhận thức được trách nhiệm của mình với tư cách là một bên tham gia vào chương trình nghị sự về khí hậu".

Ông Peskov khẳng định, chương trình nghị sự về khí hậu cực kỳ quan trọng đối với Moscow và có vị trí cao trong danh sách các ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga.

Theo quan chức Điện Kremlin: "Nghị quyết hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chương trình nghị sự về khí hậu không thể là yếu tố hạn chế quyền phát triển của các quốc gia".

Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng, các hạn chế trong nghị quyết do các quốc gia mà "ở một thời điểm nào đó, vì mục tiêu đạt được tốc độ phát triển cao và xây dựng các nền kinh tế công nghiệp hóa cao đã gây ra tác hại lớn đối với khí hậu" đề xuất.

Trong khi đó, theo phái bộ Nga tại LHQ: "Nghị quyết được đề xuất đã khiến HĐBA có cách tiếp cận một chiều với các xung đột và mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế thông qua lăng kính khí hậu mà bỏ qua tất cả khía cạnh khác ở các quốc gia xung đột hoặc các quốc gia tụt hậu". (TASS)

Các vấn đề tại Thượng đỉnh trực tuyến Nga-Trung Quốc

Ngày 14/12, về chương trình nghị sự trong cuộc gặp trực tuyến vào ngày 15/12 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Điện Kremlin cho hay: "Các vấn đề quốc tế, đặc biệt là ở châu Âu, rất căng thẳng và cần có sự thảo luận giữa các đồng minh, giữa Moscow và Bắc Kinh".

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov: "Chúng tôi đã thấy những luận điệu rất hung hăng từ cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải thảo luận với phía Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực, năng lượng và quan hệ song phương.

Trả lời câu hỏi liệu các nguyên thủ có đề cập việc cung cấp khí đốt cho Trung Quốc hay không, ông Peskov lưu ý rằng, "cuộc đối thoại năng lượng chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự."

Người phát ngôn Điện Kremlin cho hay, các cuộc tiếp xúc giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc luôn có chiều sâu và đây sẽ là "cuộc thảo luận vô cùng quan trọng". (TASS, Sputnik)

Xung đột Mỹ-Trung 'sẽ là thảm khốc với tất cả chúng ta'

Trong một bài phát biểu khi đang có chuyến thăm Indonesia, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của tới 3 nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Thái Lan), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, nước này kiên quyết không để xảy ra tình huống sự cạnh tranh với Trung Quốc leo thang thành xung đột.

Nhắc lại cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng trước, Ông Blinken khẳng định: "Chúng tôi chia sẻ ý thức trách nhiệm sâu sắc đảm bảo cam kết trên. Chúng tôi thực hiện trách nhiệm này với sự nghiêm túc tối đa".

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, trong trường hợp xảy ra xung đột, hậu quả "sẽ là thảm khốc đối với tất cả chúng ta". (Sputnik)

Ngoại trưởng Mỹ thăm Đông Nam Á

Trong bài phát biểu ngày 14/12 ở Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, nước này sẽ phối hợp duy trì một trật tự được thiết lập dựa trên các quy định được xây dựng trong nhiều thập niên qua nhằm đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ngoại trưởng Blinken cũng cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cam kết duy trì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và sẽ làm điều đó bằng cách thúc đẩy các liên minh của Mỹ, tạo dựng các mối quan hệ mới và đảm bảo rằng quân đội Mỹ duy trì “lợi thế cạnh tranh của mình”.

Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ áp dụng một chiến lược kết hợp chặt chẽ hơn tất cả các công cụ sức mạnh quốc gia của chúng tôi gồm ngoại giao, quân sự, tình báo với các đồng minh và đối tác của chúng tôi".

Theo ông Blinken, Mỹ sẽ liên kết các ngành công nghiệp quốc phòng của nước này và châu Á, tích hợp chuỗi cung ứng và hợp tác về đổi mới công nghệ.

Theo kế hoạch, sau Indonesia, Ngoại trưởng Blinken sẽ tới Malaysia nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong giải quyết các thách thức chung, bao gồm đối phó với đại dịch Covid-19, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong khi đó, tại Thái Lan, Ngoại trưởng Blinken sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với liên minh hiệp ước Mỹ-Thái Lan, nỗ lực hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Ngoại trưởng Blinken sẽ kết thúc chuyến công du với điểm dừng chân tại Honolulu, Hawaii, vào ngày 17/12. (AFP, TTXVN)

Ấn Độ tăng cường liên kết với các nước Trung Á

Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đã mời 5 nhà lãnh đạo Trung Á là các nguyên thủ quốc gia của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ năm 2022.

Nguồn tin của chính phủ Ấn Độ cho biết, New Delhi hiện đang chờ phản hồi từ 5 nhà lãnh đạo Trung Á về việc tham dự buổi lễ.

Nếu tất cả đều nhận lời mời, đây sẽ là lần đầu tiên cả 5 nhà lãnh đạo Trung Á cùng tham dự cuộc diễu hành kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ.

Giới ngoại giao nhận định, lời mời này là một phần trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ với các nước thuộc Liên Xô trước đây kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới 5 nước Trung Á này vào năm 2015.

Trong khi đó, quan chức ngoại giao New Delhi cho rằng, lời mời là tín hiệu Ấn Độ muốn tăng cường liên kết với khu vực. (The Hindu)

Hà Lan: Các chính đảng nhất trí thành lập liên minh cầm quyền

Sau khoảng 9 tháng đàm phán, tối 13/12, liên minh 4 đảng tại Hà Lan, gồm đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) theo đường lối trung hữu của ông Rutte, đảng D66 trung tả, đảng Dân chủ cơ đốc giáo CDA và đảng Liên minh cơ đốc giáo (CU) bảo thủ nhất trí tái lập chính phủ liên minh.

Đây là khoảng thời gian đàm phán thành lập liên minh kéo dài nhất trong lịch sử Hà Lan. Theo truyền thông, ông Mark Rutte sẽ tiếp tục làm Thủ tướng lần thứ 4.

Chính phủ của Thủ tướng Rutte đã phải tuyên bố từ chức hồi tháng 1/2021 do liên quan vụ bê bối hỗ trợ trẻ em, song tiếp tục nắm quyền điều hành chính phủ.

Thủ tướng Rutte đã lãnh đạo ba chính phủ liên minh kể từ năm 2010, khiến ông trở thành người đứng đầu chính phủ còn tại nhiệm tại EU lâu thứ hai sau Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. (AFP)

Nhật Bản chưa chắc chắn về triển vọng Hàn Quốc gia nhập CPTPP

Ngày 14/12, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, còn quá sớm để bình luận về triển vọng Hàn Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Matsuno nói: “Trước hết, Nhật Bản cần xem xét liệu các nền kinh tế muốn tham gia hiệp định đã chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của CPTPP hay chưa. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến liên quan các nền kinh tế này và sẽ phản hồi sau khi cân nhắc quan điểm chiến lược và ý kiến của công chúng về vấn đề này”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Genjiro Kaneko cho biết, hiện chưa có đơn chính thức xin gia nhập CPTPP từ phía Hàn Quốc, đồng thời từ chối bình luận về quan điểm của chính phủ Nhật Bản về khả năng gia nhập CPTPP của Seoul.

Trước đó ngày 13/12, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết nước này đã bắt đầu tiến trình gia nhập CPTPP. Hàn Quốc cần sự chấp thuận của 11 thành viên hiện tại trước khi tham gia hiệp định.

Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison ca ngợi những thành tựu thương mại của Hàn Quốc và cho rằng, nước này đã đạt được các tiêu chuẩn thương mại cao cần thiết để tham gia CTPPP. (Kyodo)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 14/12: 'EU tự hại mình nếu chặn Dòng chảy phương Bắc 2'; Nga nói gì vụ phủ quyết ở HĐBA? Mỹ vững một điều với Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO