Tin thế giới 13/8: Quan điểm của Nga về Ukraine; Mỹ gặp khó khi tiếp xúc với Trung Quốc; Bắc Kinh nêu lý do từ chối điều tra nguồn gốc Covid-19

Quang Đào| 13/08/2021 19:45

Baoquocte.vn. Nga nêu quan điểm về Ukraine, Biển Đen; Mỹ gặp khó trong việc tiếp xúc với Trung Quốc; tình hình Afghanistan... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Bộ Ngoại giao Nga. (Nguồn: TASS)
Bộ Ngoại giao Nga. (Nguồn: TASS)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm lại một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Quan điểm của Nga về các vấn đề ‘nóng’ trong khu vực

Ngày 12/8, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, ông Nikolai Lakhonin đã tổ chức họp báo để trả lời câu hỏi của các hãng truyền thông đề nghị bình luận về một số vấn đề đáng chú ý trong quan hệ của Moscow với các nước láng giềng. Những vấn đề nổi bật như Ukraine và Biển Đen.

Bình luận về về tình hình nội bộ Ukraine trong thời gian gần đây, ông Lakhonin chỉ rõ, Nga lo ngại về sự xuống cấp của tình hình an ninh ở miền Đông Ukraine. Theo ông, kể từ đầu tháng 8, Phái đoàn Giám sát đặc biệt của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã ghi nhận khoảng 1.000 trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn.

Trong lĩnh vực chính trị, Moscow cho rằng, thay vì giải quyết cuộc xung đột ở Donbass, nhà cầm quyền Ukraine tiếp tục có những bước đi chỉ làm phức tạp thêm tình hình vốn đã bế tắc trong quá trình đàm phán.

Ngày 5/8, chính phủ Ukraine đã thông qua dự thảo luật “Về chính sách nhà nước của thời kỳ chuyển tiếp”. Dự luật này xác nhận việc áp dụng "khái niệm thời kỳ chuyển tiếp" ở Donbass, trong đó quy định một "chế độ pháp lý đặc biệt" nhằm mục đích làm sạch khu vực khỏi các lực lượng không trung thành với Kiev, vốn không liên quan gì đến các thỏa thuận Minsk.

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến các tiến trình đang diễn ra ở Ukraine và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để cùng nhau thúc giục chính thức Kiev ngừng chiến tranh chống lại cư dân phía Đông đất nước, ngăn chặn các vi phạm nhân quyền lớn, bao gồm sự phân biệt đối xử thô bạo đối với các dân tộc thiểu số, đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập và phe đối lập.

Về vấn đề Biển Đen, đại diện Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ quan ngại về hàng loạt các cuộc tập trận quân sự quốc tế đã và đang diễn ra trên Biển Đen với sự tham gia của các nước thành viên liên minh NATO và các đối tác của họ, trong đó có Ukraine. (Sputnik)

Nga bắt giữ chuyên gia vì tình nghi phản quốc

Ngày 12/8, các đặc vụ của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ nhà khoa học chuyên ngành siêu thanh Alexander Kurano, 73 tuổi. Ông bị cáo buộc bán các “thông tin mật” liên quan nghiên cứu của mình cho "một người nước ngoài."

Thông báo của tòa án quận Lefortovo ở Moscow nêu rõ, ông Kuranov bị tạm giam đến ngày 9/10 trong thời gian chờ tòa xét xử.

Ông Kuranov là Tiến sĩ Khoa học Kỹ thuật và là giáo sư chủ nhiệm Hệ thống điều khiển và công nghệ tại Đại học Bách khoa St.Petersburg, Giám đốc điều hành và nhà thiết kế chính của Công ty Nghiên cứu và phát triển các hệ thống siêu thanh có trụ sở tại thành phố Saint Petersburg. TS. Kuranov đã tiến hành nghiên cứu nhiên liệu hydrocacbon cho máy bay.

Theo quy định của pháp luật Nga, người bị buộc tội phản quốc có thể chịu án tù giam từ 12-20 năm. (TASS)

Mỹ-Trung Quốc:

Bộ Quốc phòng Mỹ nói tiếp xúc quan chức Trung Quốc thật khó

Tại cuộc họp báo hôm 12/8, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho hay, vẫn chưa có cuộc tiếp xúc nào giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và quan chức Trung Quốc. "Vẫn chưa có cuộc thảo luận nào ở cấp ông ấy với người đồng cấp tại Trung Quốc", ông John Kirby cho hay.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Lloyd Austin muốn đối thoại với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng. “Chúng tôi đã nói rõ ràng rằng, Mỹ muốn có các cuộc thảo luận quan trọng với Trung Quốc, ở cấp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng”, ông John Kirby nói. (Reuters)

CIA tính lập đơn vị đặc biệt về Trung Quốc

Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang cân nhắc đề xuất thành lập một 'Trung tâm nhiệm vụ Trung Quốc' hoạt động độc lập nhằm theo dõi kỹ càng hơn về đối thủ chiến lược hàng đầu của Mỹ.

Đề xuất này nằm trong đánh giá rộng hơn về năng lực theo dõi Trung Quốc mà giám đốc CIA William Burns chủ trì soạn thảo. Nếu được triển khai, sự tập trung vào Trung Quốc sẽ được nâng lên một mức độ nữa.

Các trung tâm chuyên sâu riêng của CIA hoạt động độc lập để huy động nguồn lực từ nhiều bộ phận phù hợp với các ưu tiên của mình. Một trung tâm riêng về Trung Quốc sẽ giúp bảo đảm số lượng nhân viên, kinh phí và sự chú ý vào những hoạt động liên quan đến Trung Quốc.

CIA hiện có các trung tâm tâm riêng như vậy cho trong các mảng phản gián, chống khủng bố và Cận Đông. (Bloomberg)

Mỹ thông báo đăng cai Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9

Nhà Trắng ngày 12/8 thông báo, Mỹ sẽ chuẩn bị chủ trì Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9, dự kiến diễn ra vào đầu mùa Hè năm 2022.

Đây là lần đầu tiên Mỹ tổ chức sự kiện nhóm họp nguyên thủ các nước khắp châu lục này kể từ hội nghị tại Miami vào năm 1994. (Reuters)

Tình hình Afghanistan:

Taliban giành quyền kiểm soát 2 thành phố lớn tại Afghanistan

Ngày 13/8, các quan chức Afghanistan cho biết, lực lượng Taliban vừa giành quyền kiểm soát các thành phố lớn thứ 2 và thứ 3 tại nước này. Lực lượng chính phủ đã không thể chống đỡ các đợt tấn công của Taliban nhằm vào các thành phố Kandahar ở miền Nam và Herat ở miền Tây sau nhiều ngày giao tranh.

Ngoài ra, các nguồn tin từ giới chức Afghanistan cũng cho biết, Taliban đã chiếm được các thị trấn Lashkar Gah ở miền Nam và Qala-e-Naw ở Tây Bắc trong khi thành phố Firuz Koh, thủ phủ của tỉnh Ghor ở miền Trung, cũng rơi vào tay Taliban. (Reuters)

Mỹ, Anh lên kế hoạch đưa quân trở lại Afghanistan

Ngày 13/8, Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cử 3.000 lính, gồm ba tiểu đoàn bộ binh, một từ lục quân và hai từ thủy quân lục chiến, để giúp sơ tán nhân viên và quan chức đại sứ quán Mỹ ở Kabul.

Ông Kirby, người mô tả nỗ lực này là "nhiệm vụ tạm thời với trọng tâm hẹp", cho biết, Lầu Năm Góc cũng đang cử khoảng 1.000 nhân viên từ không quân và lục quân đến Qatar để xử lý thị thực Afghanistan.

Trong khi đó, Anh cũng sẽ triển khai khoảng 600 binh lính để hỗ trợ công dân rời Afghanistan trong khi các đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức cứu trợ khác cũng thông báo các kế hoạch đưa nhân viên rời khỏi quốc gia này.

Phát biểu trên BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra nội chiến tại Afghanistan. Ông Wallace cũng bày tỏ lo ngại rằng, al Qeada có thể lợi dụng tình hình hỗn loạn để quay trở lại Afghanistan.

Theo ông, Anh có thể đưa quân trở lại Afghanistan nếu tổ chức khủng bố al Qeada trở lại quốc gia này và gây ra các mối đe dọa với phương Tây. (Reuters/BBC)

Trung Quốc nêu lý do phản đối điều tra nguồn gốc Covid-19 giai đoạn 2

Trong một cuộc họp báo tổ chức hôm nay (13/8) tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc tiếp tục khẳng định nước này phản đối kế hoạch điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 giai đoạn 2 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ông Mã Triều Húc khẳng định: “kế hoạch này không dựa trên Báo cáo nghiên cứu chung giữa Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không tiếp thu các kết luận và khuyến nghị khoa học đưa ra trong báo cáo”, do vậy vấp phải sự nghi ngờ và phản đối của các quốc gia thành viên như Trung Quốc.

Quan chức này cũng nêu ra 4 lập trường quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề truy tìm nguồn gốc đại dịch.

Theo đó, Trung Quốc cho rằng, việc truy tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2 là vấn đề khoa học, chỉ nên và chỉ có thể do các nhà khoa học nghiên cứu để tìm ra nguồn gốc virus và con đường lây truyền sang con người.

Bắc Kinh yêu cầu các kết luận và khuyến nghị trong Báo cáo nghiên cứu chung giữa Trung Quốc và WHO phải được tất cả các bên, gồm cả Ban Thư ký WHO tôn trọng và thực hiện. Việc xác định nguồn gốc Covid-19 trên toàn cầu trong tương lai nên và chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở báo cáo này, thay vì bắt đầu lại từ đầu. (THX)

Triều Tiên nhắc nhở Mỹ không nên "chĩa mũi dùi" vào việc của nước khác

Ngày 13/8, Triều Tiên lên án việc hết hạn lệnh cấm của chính quyền Mỹ với những hoạt động thu hồi nhà của cư dân trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, đồng thời nói Washington nên giải quyết những vấn đề nhân quyền của nước này trước khi "chĩa mũi dùi" vào việc của nước khác.

Lệnh cấm trục xuất của chính quyền Mỹ đối với những người dân không trả tiền thuê nhà trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 đã hết hạn vào cuối tháng trước tại hầu hết khu vực trên cả nước, đẩy hàng triệu cư dân dễ bị tổn thương vào nguy cơ mất nhà.

Trên trang tin điện tử, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ: "Trước khi trơ trẽn nói về 'những vấn đề nhân quyền' của nước khác, Mỹ nên giải quyết những vấn đề nhân quyền trong chính xã hội của họ, vốn ngày một tồi tệ hơn, do những chính sách chống lại người dân". (Yonhap)

Thủ tướng Đức lên kế hoạch công du Nga và Ukraine

Ngày 13/8, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà Merkel sẽ bay tới Moscow trong ngày 20/8 tới và có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Người phát ngôn này cho biết thêm, bà Merkel sẽ tới thăm Ukraine vào ngày 22/8 song không nói rõ chi tiết về các chuyến đi này. (Reuters)

Haiti quyết định hoãn bầu cử tổng thống

Phát ngôn viên của Hội đồng Bầu cử Haiti Richard Dumel cho biết, chính quyền nước này đã hoãn cuộc bầu cử chọn người kế nhiệm cố Tổng thống bị ám sát Jovenel Moise.

Theo đó, cuộc bỏ phiếu chọn người kế nhiệm Tổng thống bị ám sát Jovenel Moise sẽ được tổ chức vào đầu tháng 11 thay vì cuối tháng 9.

Quan chức này không nói lý do hoãn cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, tiết lộ người dân Haiti cũng sẽ bỏ phiếu cho một hội đồng lập pháp mới và trong một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 7/11. (AP)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 13/8: Quan điểm của Nga về Ukraine; Mỹ gặp khó khi tiếp xúc với Trung Quốc; Bắc Kinh nêu lý do từ chối điều tra nguồn gốc Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO