Tin thế giới 13/7: Nga-Ukraine sắp đạt thỏa thuận ‘đột phá’; Tàu Mỹ vào Biển Đông khiến Trung Quốc lo ngại; Lối thoát nào cho Sri Lanka?

Quang Đào| 13/07/2022 19:39

Đàm phán xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga-Ukraine tiến triển tốt đẹp; Sri Lanka tiếp tục rơi vào hỗn loạn; Mỹ dự định mở hàng loạt cơ quan đại diện ngoại giao mới... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Tin thế giới 13/7: Nga-Ukraine sắp đạt thỏa thuận ‘đột phá’; Tàu Mỹ vào Biển Đông khiến Trung Quốc lo ngại; Lối thoát nào cho Sri Lanka?
Đàm phán xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga-Ukraine tiến triển tốt đẹp. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine gần đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc

Ngày 13/7, trả lời phỏng vấn báo El Pais của Tây Ban Nha, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba cho hay Ukraine và Nga còn “hai bước nữa” để đạt được thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc.

Ông Kuleba nói: “Ukraine sẵn sàng xuất khẩu ngũ cốc của mình ra thị trường quốc tế. Chúng tôi chỉ còn 2 bước nữa để đạt được thỏa thuận với Nga. Chúng tôi đang ở giai đoạn cuối và hiện tất cả phụ thuộc vào phía Nga. Nếu họ thực sự mong muốn thì việc xuất khẩu ngũ cốc sẽ được tiến hành trong thời gian tới”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga đã sẵn sàng cho một quá trình đàm phán với phía Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Theo ông Lavrov, quân đội đóng vai trò then chốt trong quá trình này.

Bên cạnh đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Nỗ lực đang diễn ra và thông qua quân đội. Khi thời điểm đến, họ sẽ cung cấp thông tin”. (TASS/Reuters)

Nga dè chừng chuyến công du của Tổng thống Mỹ đến Saudi Arabia

Ngày 13/7, Điện Kremlin bày tỏ hy vọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không lợi dụng chuyến công du Saudi Arabia hòng cố gắng thúc đẩy quan hệ chống Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết, Nga đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Saudi Arabia trong khuôn khổ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+). (Reuters)

Nga để ngỏ khả năng tiếp tục chuyển khí đốt qua Ukraine sau năm 2024

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này sẽ xem xét tiếp tục xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua Ukraine, sau khi thỏa thuận hiện hành kết thúc vào năm 2024, chừng nào các quốc gia châu Âu còn cần khí đốt của Nga và hệ thống trung chuyển quốc gia của Ukraine còn hoạt động.

Bất chấp cuộc chiến ở Ukraine, Nga tiếp tục chuyển một số lượng lớn khí đốt qua Ukraine vào châu Âu - khách hàng chính của Moscow trong hoạt động xuất khẩu khí đốt. (RIA)

Mỹ và Israel công bố khuôn khổ đối tác mới

Mỹ và Israel ngày 13/7 đã công bố một khuôn khổ đối tác mới về công nghệ tiên tiến, trước thềm chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tuyên bố chung của Tổng thống Biden và Thủ tướng Israel Yair Lapid nêu rõ: “Đối thoại Cấp cao Chiến lược về Công nghệ sẽ được các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và Israel thành lập, tập trung vào các công nghệ chiến lược trí tuệ nhân tạo, lượng tử và giải pháp cho những thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với các đại dịch”.

Cùng ngày, trong một phát biểu, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói: “Nếu các chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới các nước trong khu vực là để củng cố vị thế của chế độ Do Thái và bình thường hóa quan hệ của chế độ này với một số nước, thì những nỗ lực của họ sẽ không mang lại an ninh (cho Israel) theo bất kỳ cách nào”. (Reuters/AFP)

Mỹ muốn mở lãnh sự quán ở Đông Jerusalem

Ngày 13/7, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Nhà Trắng muốn mở một lãnh sự quán Mỹ ở Đông Jerusalem dành cho người Palestine.

Phát biểu được ông Sullivan đưa ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên đường bắt đầu chuyến công du Trung Đông từ ngày 13-15/7.

Phát biểu trước báo giới, ông Sullivan khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là muốn có một lãnh sự quán ở Đông Jerusalem. Rõ ràng điều đó đòi hỏi sự liên hệ với chính quyền Israel và cả với giới lãnh đạo Palestine. Và chúng tôi sẽ tiếp tục sự liên hệ đó trong chuyến đi này”. (Reuters)

Tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông

Hải quân Mỹ cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đang tiến hành các hoạt động an ninh ở Biển Đông trong ngày 13/7.

Trong một tuyên bố, Đô đốc Fred Goldhammer - sĩ quan chỉ huy của tàu USS Ronald Reagan khẳng định: “Sự hiện diện của chúng tôi ở Biển Đông thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Tuy nhiên, cùng ngày, Quân đội Trung Quốc thông báo theo dõi và xua đuổi một tàu khu trục của Mỹ đi vào khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời lưu ý rằng, những hành động đó của quân đội Mỹ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh Trung Quốc.

Đáp lại, Hải quân Mỹ khẳng định tàu USS Benfold "thực hiện các quyền và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.” Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ cũng bác bỏ các yêu sách chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh là “bất hợp pháp”. (Reuters)

Mỹ sẽ mở thêm đại sứ quán ở khu vực Thái Bình Dương

Trong bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) ngày 12/7, Phó tổng thống Kamala Harris cho biết, Mỹ sẽ mở hai đại sứ quán ở Tonga và Kiribati, cùng với việc lần đầu bổ nhiệm đặc phái viên phụ trách khu vực Thái Bình Dương.

Bà Harris thông báo Mỹ sẽ hỗ trợ 600 triệu USD cho khu vực này.

Phó tổng thống Mỹ cảm ơn Tổng thống Fiji Voreqe Bainimarama đã mời bà phát biểu tại PIF và cho biết Mỹ đã sẵn sàng "bắt tay vào một chương mới" ở Thái Bình Dương.

Bà Harris nói rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden thừa nhận Mỹ đã không dành đủ sự quan tâm cho khu vực trong quá khứ. "Chúng tôi sẽ thay đổi điều này", bà nói, nhấn mạnh Mỹ muốn "tăng cường hiện diện đáng kể" tại khu vực Thái Bình Dương. (Reuters)

Thủ tướng Italy tuyên bố tiếp tục hỗ trợ kinh tế và cải cách

Ngày 12/7, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết, ông có kế hoạch công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ kinh tế, nhằm giảm tác động của tình hình kinh tế xấu đi, một phần do chi phí năng lượng tăng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp với lãnh đạo các công đoàn lớn của nước này, Thủ tướng Draghi cho biết, ông đã thảo luận với các nhà lãnh đạo công đoàn về những thay đổi trong hệ thống thuế, tăng lương để giúp bù đắp giá cả tăng và các động lực kinh tế khác. Thủ tướng Draghi cũng kêu gọi tiến hành "các can thiệp cơ cấu ổn định" để giảm tác động của lạm phát và "sự tham gia đầy đủ" của các tổ chức công đoàn vào quá trình cải cách.

Thủ tướng Draghi cũng giảm nhẹ những thách thức kinh tế khi nói rằng, bảng cân đối kế toán của chính phủ "rất mạnh" và bất chấp những khó khăn gần đây, "Italy vẫn là một quốc gia hùng mạnh". (AFP)

Lãnh đạo Solomon, Australia, New Zealand hội đàm

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare, ngày 13/7, đã tiến hành hội đàm song phương riêng rẽ với người đồng cấp Australia Anthony Albanese và người đồng cấp New Zealand Jacinda Ardern bên lề Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương đang diễn ra ở Fiji.

Thủ tướng Sogavare nêu rõ: "Chúng ta là gia đình và mặc dù có nhiều vấn đề, nhưng điều đó chỉ càng làm gia đình chúng ta mạnh mẽ hơn".

Về phần mình, Thủ tướng Albanese nhấn mạnh, Australia và Solomon có thể làm nhiều hơn nữa để xây dựng lòng tin và "vì lợi ích chung". "Với tư cách là các thành viên của khu vực, chúng tôi muốn thúc đẩy các lợi ích của Thái Bình Dương", ông nói. (Reuters)

Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp

Chính phủ Sri Lanka vừa ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, vài giờ sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước vào sáng sớm hôm nay (13/7).

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, với tư cách là quyền Tổng thống, đã ban bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt giới nghiêm ở tỉnh phía Tây, bao gồm cả thủ đô Colombo, để ngăn các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng.

Tuy nhiên, sau đó, hàng nghìn người biểu tình đã xông vào văn phòng của Thủ tướng Wickremesinghe. Những người biểu tình này đã giương cao quốc kỳ tại văn phòng thủ tướng sau khi cảnh sát và quân đội không thể kiềm chế đám đông dù đã bắn hơi cay và vòi rồng.

Trước tình hình này, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã chỉ thị cho quân đội và cảnh sát “làm những việc cần thiết để khôi phục trật tự”.

Sri Lanka thông báo thời điểm tổ chức bầu cử

Ngày 13/7, Chủ tịch Ủy ban bầu cử (EC) Sri Lanka Nimal Punchihewa cho rằng, nước này phải mất ít nhất 4 tháng để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trong bối cảnh hiện tại.

Theo ông Punchihewa, các nhu cầu cơ bản của người dân phải được quan tâm trước khi một cuộc bầu cử được tổ chức.

Chủ tịch Punchihewa nói: “Tôi cũng không nghĩ rằng, hầu hết các ứng cử viên có thể được xem xét trước người dân. Đây cũng nên là một cân nhắc lớn”. Theo ông, hầu hết các nghị sĩ sẽ ngần ngại tranh cử do dư luận bất lợi.

Bên cạnh đó, ông còn nêu rõ: “Sau đó là vấn đề tài chính. Tôi nghĩ rằng khoảng 10 triệu Rs sẽ phải được chi cho một cuộc bầu cử. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể đủ kinh phí cho một sự kiện kiểu này”. (ANN)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 13/7: Nga-Ukraine sắp đạt thỏa thuận ‘đột phá’; Tàu Mỹ vào Biển Đông khiến Trung Quốc lo ngại; Lối thoát nào cho Sri Lanka?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO