Tin thế giới 13/1: Nga nói Mỹ có ‘hành động khiêu khích và vô vọng’; Động thái bất ngờ của Washington về Biển Đông; Triều Tiên bị trừng phạt

Quang Đào| 13/01/2022 21:24

Đàm phán Nga-NATO, Mỹ phản bác các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, Triều Tiên bị trừng phạt... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.

Tin thế giới 13/1: Nga nói Mỹ có ‘hành động khiêu khích và vô vọng’; Động thái bất ngờ của Washington về Biển Đông; Triều Tiên bị trừng phạt
NATO sẽ đàm phán với Nga về việc tiếp nhận tư cách thành viên của Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

NATO chỉ đàm phán không chính thức với Nga về việc không Ukraine gia nhập khối

Bình luận về cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO tại Brussels, Giám đốc Học viện Chính trị Ukraine Ruslan Bortnik nói rằng NATO sẵn sàng đàm phán với Nga về việc không cho phép Ukraine và Gruzia gia nhập khối, nhưng sẽ không thể hiện sự ràng buộc với thỏa thuận này về mặt pháp lý.

Giải thích nguyên nhân vì sao, ông Bortnik cho biết, NATO chưa sẵn sàng chính thức và củng cố hợp pháp các thỏa thuận này, bởi nó sẽ được coi như một sự phản bội của NATO với các nước đồng minh không phải là thành viên của tổ chức, giống như việc Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Theo chuyên gia, điều này sẽ gây ra sự thất vọng không chỉ với Ukraine mà còn với các đồng minh NATO tiềm năng khác.

Trong khi đó, ông Bortnik nhấn mạnh rằng Nga sẽ không hài lòng với các thỏa thuận không chính thức, bởi vì nước này đã có cơ sở để không tin tưởng vào các thỏa thuận đó.(TASS)

EU: Nga đe dọa cấu trúc an ninh của châu Âu

Ngày 13/1, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng, Nga đang đe dọa Ukraine bằng “sự can thiệp mới” và đặt cấu trúc an ninh lâu đời của châu Âu vào thế rủi ro.

Ông Borrell nói rằng EU bây giờ phải "xác định những gì [khối này] có thể làm để duy trì trật tự an ninh của châu Âu và các nguyên tắc làm nền tảng cho khối" mà ông cho rằng đang bị đe dọa.

Quan chức hàng đầu EU này nhấn mạnh: "Nga đã đưa ra các đề xuất với Mỹ và NATO về tương lai an ninh ở châu Âu trái với các nguyên tắc của cấu trúc an ninh châu Âu. Các yêu cầu này đi kèm với việc tăng cường quân đội ở biên giới Ukraine và mối đe dọa công khai từ việc Nga thực hiện các hành động quân sự nếu những yêu cầu này không được đáp ứng”.

Ông Borrell cũng cáo buộc Nga muốn tái thiết "khu vực trung lập địa chính trị của Liên Xô" ở châu Âu, cho thấy rằng Moscow muốn chia rẽ Washington và EU vì những lý do chiến lược. (RT)

Lithuania kêu gọi EU chống lại Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói: "Đây là thời điểm cần phải có phản ứng rất rõ ràng từ châu Âu. Châu Âu phải tuyên bố rằng đây không chỉ là vấn đề liên quan đến thị trường của một quốc gia cụ thể, đây là phép thử sức mạnh của toàn bộ hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ. Châu Âu phải chống lại".

Bộ trưởng Landsbergis nhấn mạnh rằng Vilnius không đối đầu với Bắc Kinh và có quyền thiết lập quan hệ thương mại và văn hóa với đảo Đài Loan.

Ông nói thêm: " Lithuania không làm gì sai, không làm gì bất hợp pháp, chúng tôi không vi phạm bất kỳ nghĩa vụ quốc tế nào. Hoàn toàn ngược lại." (Sputnik)

Quốc hội Mỹ định tung trừng phạt chống lại Tổng thống Putin, Nga nói gì?

Ngày 12/1, một nhóm nghị sĩ Mỹ đưa ra dự luật áp đặt các lệnh hạn chế với Nga liên quan đến căng thẳng Ukraine và trong số đó bao gồm cả các biện pháp trừng phạt chống lại Tổng thống Vladimir Putin, Thủ tướng Nga, cùng các quan chức ngoại giao và quân đội.

Phản ứng trước động thái này, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng: “Chúng tôi tin rằng những lời kêu gọi ở Quốc hội Mỹ về việc ban hành các biện pháp hạn chế nặng nề nhằm chống lại Nga cũng như các lệnh trừng phạt cá nhân với giới lãnh đạo cấp cao của Nga là những hành động khiêu khích và vô vọng. Chúng tôi sẽ không bị đe dọa bởi những lệnh trừng phạt đó."

Ông Antonov khẳng định, những gì Mỹ đang làm nhằm gây ảnh hưởng với Nga giữa bối cảnh các cuộc đàm phán về an ninh châu Âu đang diễn ra. Đồng thời, Moscow coi sức ép này giống như việc Washington không thể bảo vệ quan điểm của mình trên bàn đàm phán.” (Sputnik)

Mỹ phản bác các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày 12/1, Cục các vấn đề Đại dương, Môi trường và Khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố một tài liệu nghiên cứu với nội dung phản bác các “yêu sách trái pháp luật” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo tài liệu nghiên cứu dài 47 trang, các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Cụ thể, tài liệu khẳng định, những yêu sách này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quy định của pháp luật quốc tế được ghi nhận trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà Bắc Kinh đã tham gia.

Tài liệu trên cũng kêu gọi Trung Quốc “ngừng các hoạt động trái pháp luật và các hành vi gây sức ép ở Biển Đông”, đồng thời khẳng định những yêu sách dựa trên lịch sử của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. (AFP)

Mỹ điều tàu sân bay tới Biển Đông

Mỹ đã điều một nhóm tấn công hàng không mẫu hạm và một nhóm tàu đổ bộ trực thăng tới Biển Đông, nơi tàu sân bay Sơn Đông (Shandong) của Trung Quốc đã tập trận hai tuần trước, làm leo thang căng thẳng mới ở khu vực điểm nóng này.

Viện Điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết hai tàu sân bay USS Carl Vinson lớp Nimitz và tàu đổ bộ USS Essex lớp Wasp, cùng với các tàu hộ tống, đã đi vào vùng phía Nam của Biển Đông tối 11/1.

Hiện Hải quân Mỹ không thông báo về các kế hoạch của họ, tuy nhiên hai nhóm tấn công chính dự kiến sẽ hợp lực và có thể hoạt động cùng nhau thông qua diễn tập. (SCMP)

Triều Tiên bị Mỹ trừng phạt

Ngày 12/1, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này đã áp đặt trừng phạt nhiều cá nhân Triều Tiên và một thực thể liên quan vấn đề hạt nhân.

OFAC nêu rõ, các lệnh trừng phạt nhằm hai cá nhân, thực thể của Nga là ông ty Parsek LLC và ông Roman Alar của Nga cùng với 6 người Triều Tiên theo các quy định về trừng phạt Bình Nhưỡng.

Theo đó, các đối tượng này có những hành vi nghi là hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Brian Nelson nhấn mạnh: “Đây là một phần trong những nỗ lực của Mỹ để chống lại các chương trình phát triển vũ khí đạn đạo, các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, nhằm vào việc nước này tiếp tục sử dụng các đại diện ở nước ngoài để mua sắm vũ khí bất hợp pháp”. (Reuters)

Hàn Quốc phản ứng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam cho biết, việc Mỹ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt bổ sung của LHQ đối với Triều Tiên dường như nhằm lôi kéo phản ứng thống nhất từ cộng đồng quốc tế đối với các hành động gần đây của Bình Nhưỡng.

Theo ông Choi, Washington dường như muốn mở rộng các biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ các nghị quyết hiện có của HĐBA LHQ thay vì thông qua các nghị quyết mới.

Quan chức trên nhấn mạnh: "Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực nối lại đối thoại để đưa ra giải pháp thực chất cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Chúng tôi kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán mà không làm trầm trọng thêm tình hình". (Yonhap)

Đức tiết lộ lý do khiến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bị trì hoãn

Người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức (Bundestag) - ông Michael Roth cho biết các ý kiến phản đối việc khởi động dự án Dòng chảy phương Bắc 2 chủ yếu xuất phát từ lợi ích kinh tế của các nước khác.

Ông Roth nhắc lại rằng Mỹ đặc biệt quan tâm đến cuộc chiến chống lại dự án của Nga vì nước này có những toan tính riêng đối với thị trường khí đốt châu Âu. Ông nói: “Ngày nay, phần lớn những lời chỉ trích đường ống này là do tư lợi. Rốt cuộc cũng chỉ là Mỹ muốn bán nguồn khí tự nhiên hóa lỏng đắt đỏ của mình ở châu Âu”.

Nghị sĩ Đức lưu ý vấn đề về đường ống dẫn khí đốt gây nhiều tranh cãi "ngay cả giữa các đối tác của chúng ta". Ông kết luận: “Chúng ta phải tính đến điều này và đảm bảo rằng đường ống luôn nằm trong chiến lược năng lượng toàn châu Âu”.

Ông Roth đồng thời kêu gọi Nga đảm bảo tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine sau năm 2024. (Sputnik)

Một số tin quốc tế nổi bật khác:

Lực lượng gìn giữ hòa bình rời Kazakhstan: Ngày 13/1, Moscow xác nhận hơn 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình do Nga dẫn đầu bắt đầu rời khỏi Kazakhstan sau khi tới nước này giúp ổn định tình hình.

Ấn Độ, Anh chính thức khởi động đàm phán thương mại tự do: Ngày 13/1 tại thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal đã gặp Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Anne-Marie Trevelya đã chính thức khởi động cuộc đàm phán thương mại nhằm đạt được một thỏa thuận dự kiến sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương lên hàng tỷ bảng Anh.

LHQ cam kết phối hợp với Chủ tịch ASEAN đảm bảo tình hình Myanmar không xấu đi: Ngày 13/1, hãng Thông tấn Quốc gia Campuchia (AKP) đưa tin, bà Noeleen Heyzer, Đặc phái viên về Myanmar của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 13/1: Nga nói Mỹ có ‘hành động khiêu khích và vô vọng’; Động thái bất ngờ của Washington về Biển Đông; Triều Tiên bị trừng phạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO