Tin Thế giới 12/10: Campuchia nói không với vũ khí Mỹ, nhà sáng lập Wikileaks sẽ bị dẫn độ về Mỹ

Minh Quân| 11/12/2021 01:34

Campuchia nói không với vũ khí Mỹ, Washington sẽ dẫn độ nhà sáng lập Wikileaks, Italy nói về biên giới Belarus-Ba Lan... là một số tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.

julian-assange-toi-pham-hay-anh-hung
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange sẽ bị dẫn độ về Mỹ. (Nguồn: techcentral.co.za)

‘Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ’ trực tuyến

Trung Quốc phản đối Đài Loan (Trung Quốc) tham dự ‘Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ’ trực tuyến

Ngày 10/12, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang đã lên tiếng chỉ trích nhà chức trách Đảng Dân tiến Đài Loan (DPP) vì cử đại diện tới tham dự cái gọi là “hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ” do Mỹ đăng cai tổ chức.

Trả lời họp báo tại thủ đô Bắc Kinh, ông Mã Hiểu Quang nhấn mạnh, việc tham dự hội nghị chỉ phơi bày bản chất của chính quyền DPP là tìm kiếm “độc lập” dưới hình thức dân chủ.

Quan chức Trung Quốc này còn gọi hội nghị thượng đỉnh là một sự thao túng chính trị để duy trì lợi ích và quyền bá chủ của Mỹ, đồng thời nói thêm rằng bản thân cái gọi là “nền dân chủ” của Mỹ đã bị cộng đồng quốc tế và chính người dân của xứ sở Cờ hoa đặt nghi vấn rộng rãi.

Liên quan tới việc nối lại quan hệ ngoại giao cấp đại sứ giữa Trung Quốc và Nicaragua, ông Mã cho rằng, Trung Quốc hoan nghênh những “đồng minh” vỏn vẹn còn lại của Đài Loan nắm bắt xu thế lịch sử chung và lựa chọn con đường lịch sử đúng đắn càng sớm càng tốt.

Bày tỏ đánh giá cao đối với sự ủng hộ của Nicaragua đối với sự thống nhất của Trung Quốc, ông Mã khẳng định Đài Loan là một phần của Trung Quốc và nguyên tắc Một Trung Quốc là quy tắc cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế và sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Ông Mã nhắc lại rằng con đường “Đài Loan độc lập” sẽ chỉ dẫn đến ngõ cụt. (Tân hoa xã)

New Zealand kêu gọi xây dựng mạng internet tự do, mở và an toàn

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì và tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 9-10/12, tập trung vào những thách thức và cơ hội mà các nền dân chủ phải đối mặt, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã trình bày tuyên bố quốc gia, kêu gọi xây dựng mạng internet tự do, mở, an toàn và kết nối toàn cầu.

Bà Ardern tuyên bố: “Là một trong những nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới, New Zealand sẽ luôn bảo vệ và bảo vệ các nguyên tắc dân chủ, đa nguyên và quan hệ đối tác, được củng cố bởi nhân quyền và pháp quyền, bởi vì chúng hình thành nên bản sắc của một quốc gia.

Chúng ta tiếp tục đối mặt với những thách thức của thời đại, chẳng hạn như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, theo cách phản ánh sức mạnh dân chủ của chúng ta, đó là sự hòa nhập của các xã hội, bảo tồn giá trị của sự đa dạng về tiếng nói và xây dựng các thể chế lâu dài và phương pháp tiếp cận hợp tác giúp giải quyết các thách thức và đáp ứng nhu cầu”.

Bà Ardern kêu gọi các quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đình cam kết xây dựng một mạng internet tự do, mở, an toàn và được kết nối toàn cầu vì đó là phương tiện đắc lực cho tiến bộ xã hội và đảm bảo tương lai của nền dân chủ.

Các chính phủ, ngành công nghiệp và xã hội dân sự cần cùng làm việc để loại bỏ nội dung khủng bố và bạo lực cực đoan trực tuyến. Nhà lãnh đạo New Zealand cũng kêu gọi các nền dân chủ trên thế giới nắm bắt cơ hội hợp tác để tăng cường khả năng chuẩn bị và ứng phó với đại dịch toàn cầu.

Thủ tướng Ardern cũng đã công bố tại Hội nghị thượng đỉnh khoản bổ sung 1 triệu NZD (700.000 USD) để hỗ trợ các nỗ lực chống tham nhũng của các nước Thái Bình Dương, cũng như đóng góp cho Quỹ Bảo vệ Truyền thông Toàn cầu của UNESCO và Quỹ Truyền thông Quốc tế vì Lợi ích Công cộng.

Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ, được tổ chức trùng với Ngày Quốc tế Phòng chống Tham nhũng và Ngày Nhân quyền Thế giới (9 và 10/12), có sự tham gia của hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và khu vực tư nhân. (Reuters)

Thủ tướng Italy và Ba Lan thảo luận vấn đề an ninh và năng lượng

Ngày 9/12, tại thủ đô Rome, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã thảo luận với người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki về các vấn đề liên quan đến an ninh, hệ thống năng lượng và sự thống nhất của châu Âu trước các mối đe dọa từ phương Đông, cùng các vấn đề liên quan đến biên giới Belarus-Ba Lan, chủ đề di cư và vấn đề quan hệ EU-Nga.

Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Draghi bày tỏ sự quan tâm đến tình hình ở sườn phía Đông của NATO. Trong khi đó Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh, “tình hình tại Ukraine vẫn chưa chắc chắn”. Ông Morawiecki nói: “Ukraine là hàng xóm lân cận của chúng tôi. Chúng tôi biết những rủi ro liên quan đến tình hình ở Ukraine, đó là việc Nga tăng cường hiện diện quân sự xung quanh nước này”.

Hai Thủ tướng cũng thảo luận việc thao túng giá khí đốt và Hệ thống thương mại khí thải Liên minh châu Âu (ETS). Ba Lan sẽ đề xuất với Hội đồng Châu Âu rằng không nên sử dụng ETS bởi các nhà đầu tư từ bên ngoài phải sử dụng các khoản phụ cấp ETS. (AP)

Vụ Wikleaks: Mỹ kháng cáo thành công lệnh dẫn độ nhà sáng lập Wikileaks

Giới chức Mỹ tuyên bố đã kháng cáo thành công phán quyết của Tòa án Tối cao London, qua đó dẫn độ người sáng lập Wikileaks Julian Assange về Mỹ để đối mặt với các cáo buộc vi phạm luật gián điệp và âm mưu xâm nhập hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ.

Thẩm phán Timothy Holroyde nói: "Tòa án cho phép kháng cáo". Thẩm phán Holroyde nêu rõ Mỹ đã đưa ra một loạt đảm bảo về điều kiện giam giữ Assange.

Ông Assange, người Australia, 49 tuổi, đang bị giam giữ tại nhà tù Belmarsh ở London (Anh). Tại Mỹ, ông Assange bị cáo buộc 18 tội danh hình sự liên quan đến vụ rò rỉ khoảng 500.000 tài liệu mật của Chính phủ Mỹ trên WikiLeaks.

Các luật sư của ông Assange lập luận rằng việc truy tố ông Assange mang động cơ chính trị và việc dẫn độ ông Assange tới Mỹ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với công việc của các nhà báo. (Reuters)

Thủ tướng Campuchia ra lệnh từ bỏ và tiêu hủy vũ khí Mỹ

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 10/12 đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang trên khắp đất nước thu gom toàn bộ vũ khí và quân trang do Mỹ sản xuất để cất giữ trong kho hoặc thiêu hủy.

Động thái này được đưa ra sau khi Mỹ ngày 8/12 áp đặt các lệnh cấm vận vũ khí với Campuchia, cấm xuất khẩu khí tài tới quốc gia Đông Nam Á này.

Trên tài khoản Facebook cá nhân, lãnh đạo Campuchia nêu rõ: "Tôi sẽ ra lệnh cho tất cả đơn vị quân đội ngay lập tức kiểm tra các vũ khí và quân trang Campuchia hiện đang sử dụng và thu gom tất cả vũ khí và quân trang của Mỹ, nếu phát hiện, cất giữ trong kho hoặc thiêu hủy chúng dựa theo tình hình thực tế".

Theo ông Hun Sen, ông đã đưa ra một quyết định đúng đắn kể từ năm 1994 đó là nước này đã không mua vũ khí và quân trang của Mỹ.

Ông cho biết thêm: "Đây là một thông điệp cảnh báo gửi tới chính quyền Campuchia trong những thế hệ tiếp theo rằng nếu nước này muốn độc lập trong lĩnh vực quốc phòng, làm ơn không sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất”. (Tân hoa xã)

Nhân viên đâm đơn kiện Bộ Ngoại giao Mỹ vì nghi mắc “Hội chứng Havana”

Một nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, người bị cho là mắc phải “Hội chứng Havana”, đã kiện bộ và người đứng đầu bộ này, ông Antony Blinken, vì hành vi phân biệt đối xử với người khuyết tật. Theo CNN, đây là vụ kiện đầu tiên chống lại chính phủ được biết đến.

Theo đơn kiện, năm 2017 tại Quảng Châu (Trung Quốc), nhân viên an ninh thuộc phái đoàn ngoại giao Mark Lenzi và gia đình bị “đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, chảy máu cam, mất ngủ và mất trí nhớ”. Lenzi cho biết căn hộ của một nhân viên Bộ Ngoại giao khác có các triệu chứng tương tự đã được kiểm tra, người này sau đó được sơ tán vì lý do y tế.

Tuy nhiên, đơn kiện cáo buộc rằng thiết bị được sử dụng để phát hiện vi sóng đã “lỗi thời, không hoạt động bình thường”. Một trong những nhân viên này nói với Lenzi rằng cuộc kiểm tra được thực hiện “chỉ để cho qua chuyện”.

Theo CNN, ông Lenzi đã tự nguyện chuyển khỏi căn hộ của mình ở Quảng Châu và gửi thư điện tử cho các đồng nghiệp, cảnh báo họ về mối đe dọa có thể xảy ra đối với sức khỏe và sự an toàn của họ. Đơn kiện lưu ý vì bức thư này, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Lenzi đi kiểm tra tâm thần.

Năm 2018, anh và vợ đã được kiểm tra tổn thương não, kết quả cho thấy họ có những triệu chứng tương tự và họ được phép trở về Mỹ vì lý do y tế. Tại Mỹ, Lenzi được chẩn đoán chính thức bị tổn thương não. Đơn kiện nhấn mạnh “rất có thể Lenzi đã được thăng chức nếu không phải do cơ quan quản lý phân biệt đối xử và trả đũa”.

Các biểu hiện của "Hội chứng Havana" được ghi nhận thấy ở một số nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba vào năm 2016 và 2017, cũng như ở Trung Quốc vào năm 2018. Những nhà ngoại giao này được cho là phải chịu tác động từ những hiệu ứng âm thanh gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

Trên các phương tiện truyền thông Mỹ thường thường vẫn có những cáo buộc cho rằng chính Nga đã tiến hành “các cuộc tấn công bằng âm thanh”. Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ những cáo buộc này và gọi đó là “điều hoàn toàn vô lý và những lời bịa đặt kỳ dị”.

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông Mỹ trước đó cũng đưa tin có hơn 20 trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe mắc “Hội chứng Havana” trong số các nhà ngoại giao, sĩ quan tình báo và các nhân viên công chức khác của Mỹ ở Vienna kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Dự kiến các cơ quan tình báo Mỹ sẽ hoàn thành điều tra về các “cuộc tấn công” gây ra hội chứng này trong năm nay, nhưng theo các nguồn tin, thời gian có thể được điều chỉnh và cũng sẽ không có báo cáo công khai. (Sputnik)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin Thế giới 12/10: Campuchia nói không với vũ khí Mỹ, nhà sáng lập Wikileaks sẽ bị dẫn độ về Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO