Tin thế giới 1/4: Nga đáp trả Ukraine vì vụ cháy kho dầu Belgorod; Thượng đỉnh EU-Trung Quốc có gì? Mỹ ra ‘cảnh báo’ với Ấn Độ

Duy Quang| 01/04/2022 20:07

Vụ cháy kho dầu ở Belgorod có khiến xung đột Nga-Ukraine leo thang? EU-Trung Quốc họp thượng đỉnh; Mỹ 'cảnh báo' Ấn Độ...là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Tin thế giới 1/4: Nga đáp trả Ukraine vì vụ cháy kho dầu Belgorod; Thượng đỉnh EU-Trung Quốc có gì? Mỹ ra ‘cảnh báo’ với Ấn Độ
Vụ cháy kho dầu ở Belgorod được coi là động thái tấn công đầu tiên của Ukraine vào lãnh thổ Nga. (Nguồn: Euractiv)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine:

Điện Kremlin đáp trả cuộc tấn công của Ukraine vào kho nhiên liệu Belgorod

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, cuộc không kích của quân đội Ukraine vào kho nhiên liệu ở thành phố Belgorod của Nga không tạo ra điều kiện tích cực cho các cuộc đàm phán sâu hơn giữa Moscow và Kiev.

Khi được hỏi liệu vụ việc này có khiến xung đột Nga-Ukraine leo thang, ông Peskov chỉ ra rằng "không phải để chúng tôi ở Phủ tổng thống đưa ra đánh giá, mà chính các chuyên gia và cơ quan thực thi pháp luật mới nên làm điều đó."

Trước đó, ngày 1/4, Thống đốc Vùng Belgorod – ông Vyacheslav Gladkov cho biết một kho dầu đã bốc cháy. Thành phố Belgorod nằm gần biên giới với Ukraine.

Theo Thống đốc Gladkov, kho dầu bốc cháy do bị 2 trực thăng của lực lượng vũ trang Ukraine không kích. Các máy bay này tiến vào lãnh thổ Nga ở tầm thấp.

Vụ tấn công khiến 2 nhân viên kho dầu bị thương, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Cơ quan chức năng hiện đang sơ tán người dân khỏi khu vực lân cận. (Sputnik/TASS)

Hòa đàm Nga-Ukraine tiếp diễn theo hình thức trực tuyến

Văn phòng Tổng thống Ukraine dẫn lời nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết nước này và Nga đã nối lại các cuộc đàm phán hòa bình vào ngày 1/4 theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, ông Podolyak không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc đàm phán.

Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov không xác nhận chính xác ngày diễn ra vòng đàm phán tiếp theo.

Trong thông điệp đăng tải trên Telegram, Đại diện phái đoàn đàm phán Ukraine David Arakhamia cho biết, tại cuộc đối thoại vừa diễn ra ở Istanbul, Ukraine đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với Nga.

Tuy nhiên, phía Nga đã nêu điều kiện trước tiên cần đưa ra một bản dự thảo thỏa thuận với sự chấp thuận mạnh mẽ hơn từ cả đôi bên.

Cùng ngày, Phát biểu tại họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết đã có một số tiến bộ đạt được tại các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine và Moscow đang chuẩn bị phản hồi các đề xuất của Kiev. (Reuters)

Tổng thống Ukraine sa thải 2 quan chức vì 'phản quốc'

Ngày 31/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đã cách chức 2 thành viên cấp cao của cơ quan an ninh quốc gia với lý do họ là những kẻ phản bội.

Trong bài phát biểu trực tuyến, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết, tình hình tại vùng Donbass và khu vực phía Nam Ukraine vẫn rất cam go, đồng thời nhắc lại rằng, Nga đang tăng cường lực lượng gần thành phố Mariupol bị bao vây.

Ông nói: "Sẽ có những trận chiến ở phía trước. Chúng tôi vẫn cần phải đi trên một con đường rất chông gai để đạt được mọi thứ chúng tôi muốn. Tình hình ở miền Nam và ở Donbass vẫn còn rất khó khăn". (Reuters)

Lãnh đạo Nga, Belarus thảo luận về Ukraine

Hãng Belta đưa tin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 1/4 đã tiến hành cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về quan hệ song phương và tình hình ở Ukraine.

Theo đó, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình trạng hiện tại của quan hệ song phương và chia sẻ quan điểm để phát triển quan hệ hơn nữa.

Bên cạnh đó, hai bên cũng đã thảo luận riêng biệt về tình hình Ukraine.

Ngoại trưởng Nga thăm Ấn Độ, Mỹ dè chừng

Ngày 1/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bắt đầu cuộc gặp giới chức Ấn Độ tại thủ đô New Delhi.

Phát biểu trong cuộc gặp người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar, ông Lavrov nói: "Chúng tôi đánh giá cao việc Ấn Độ xem xét tình huống này (tình hình Ukraine) trên cơ sở toàn bộ sự thật chứ không chỉ theo cách một chiều. Chúng tôi tiếp tục triển khai các dự án trong lĩnh vực năng lượng, khoa học và công nghệ, vũ trụ, công nghiệp dược phẩm".

Trong khi đó, vài giờ trước khi ông Lavrov đến Ấn Độ, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh, kiến trúc sư trưởng của các biện pháp trừng phạt chống Moscow, tuyên bố sẽ có hậu quả đối với những quốc gia "tích cực tìm cách lách lệnh trừng phạt".

Ông Singh nêu rõ, Mỹ “rất muốn tất cả các quốc gia, đặc biệt là đồng minh và đối tác của chúng tôi, không tạo ra các cơ chế hỗ trợ đồng Ruble và tìm cách làm suy yếu hệ thống tài chính dựa trên đồng USD" để lách các biện pháp trừng phạt.

Theo đó, ông kêu gọi "các nền dân chủ trên toàn thế giới, cụ thể là Bộ Tứ, đoàn kết và bày tỏ những lợi ích cũng như các mối quan ngại chung về những diễn biến ở Ukraine và những tác động của cuộc chiến tranh này”. (Reuters/AP)

Thượng đỉnh đầu tiên giữa EU-Trung Quốc sau hơn 2 năm

Ngày 1/4, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến.

Vào lúc 10h sáng theo giờ địa phương tại Brussels (15h theo giờ Việt Nam), các lãnh đạo châu Âu đã có cuộc thảo luận với Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường và đến 14h theo giờ Brussels (19h theo giờ Việt Nam) là cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình.

Được lên kế hoạch và chuẩn bị công phu từ nhiều tháng qua nhằm tìm cách đối thoại tháo gỡ những bất đồng lớn trong quan hệ song phương năm 2021 nhưng cuộc họp thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần này bị phủ bóng bởi cuộc chiến tại Ukraine, khi châu Âu đang tìm cách gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi quan điểm ủng hộ Nga, đồng thời đe dọa trừng phạt Trung Quốc nếu như nước này công khai hỗ trợ Nga về tài chính, quân sự.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 31/3 ở thủ đô Brussels, đại diện Cơ quan đối ngoại EU (EEAS) cho biết, nội dung thảo luận chính của hội nghị là chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và tác động đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cũng như an ninh toàn cầu và nền kinh tế.

Chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc cũng bao gồm tranh chấp thương mại với Lithuania cũng như những thông tin về Tân Cương và Đài Loan. (Reuters)

EU phản đối việc 'hứng đòn' trừng phạt của Nga

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, cho biết khối này lấy làm tiếc với việc Nga quyết định áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với lãnh đạo EU.

Trên trang Twitter, ông Borrell nêu rõ: "EU lấy làm tiếc với quyết định của chính quyền Nga áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với một số công dân EU để trả đũa lệnh trừng phạt của EU...”

Trước đó, trong một tuyên bố hôm 31/3, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với lãnh đạo cao nhất của EU, một số ủy viên châu Âu, người đứng đầu các cơ quan quân sự của EU, cũng như đa số thành viên của Nghị viện châu Âu có chính sách đối đầu với Nga.

Theo đó, bộ này lên án các chính sách trừng phạt của EU đã “vượt qua mọi giới hạn”, với mục tiêu “buộc Nga phải từ bỏ các lợi ích của mình”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga kết thúc bằng lời khẳng định, rằng “bất kỳ hành động không thân thiện nào nữa của EU và các quốc gia thành viên chắc chắn sẽ bị đáp trả mạnh mẽ.” (Reuters/RT)

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan thăm Trung Quốc​

Bộ Ngoại giao Thái Lan ngày 1/4 cho biết Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai sẽ đến thăm thành phố Hoàng Sơn thuộc tỉnh An Huy của Trung Quốc từ ngày 1-2/4 theo lời mời của Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện giữa Thái Lan và Trung Quốc và tăng cường hợp tác nhằm phục hồi nền kinh tế từ những tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình toàn cầu. Phái đoàn Thái Lan cũng sẽ bao gồm các đại diện từ khu vực tư nhân. (THX)

Trung Quốc kêu gọi LHQ cần nghiên cứu tài liệu của Nga về phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở Ukraine

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết cộng đồng quốc tế cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra đánh giá khách quan về thông tin do Nga cung cấp về các phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở Ukraine.

Ông lưu ý rằng Mỹ vẫn chưa đưa ra "phản ứng mang tính xây dựng đối với các tuyên bố của Nga."

"Chúng tôi sẽ thay mặt xã hội quốc tế hoan nghênh một đánh giá công bằng, không thiên vị và chuyên nghiệp về các tài liệu do Nga cung cấp dựa trên cơ chế của Liên hợp quốc”, ông Triệu Lập Kiên khẳng định. (TASS)

Australia thừa nhận thiệt hại hàng tỷ USD vì hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp

Ngày 1/4, trước sự chất vấn của Thượng nghị sĩ Penny Wong, Thứ trưởng Quốc phòng Australia Tony Dalton tiết lộ rằng việc chấm dứt thỏa thuận mua tàu ngầm với Pháp đi kèm với một mức giá quá đắt, khả năng nằm trong mức 5,5 tỷ AUD. Tuy nhiên, con số chính xác vẫn chưa được xác định vì các cuộc đàm phán với Naval Group đang diễn ra.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Simon Birmingham vẫn bảo vệ quyết định từ bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp là "cần thiết trong nhiều thập niên tới".

Ông Birmingham nhấn mạnh dù hiểu được những thiệt hại tài chính nghiêm trọng, song môi trường chiến lược thay đổi trong khu vực đồng nghĩa phương án đã được chọn trước đây sẽ không đáp ứng được nhu cầu tốt nhất cho Australia trong tương lai. (The Australian)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin thế giới 1/4: Nga đáp trả Ukraine vì vụ cháy kho dầu Belgorod; Thượng đỉnh EU-Trung Quốc có gì? Mỹ ra ‘cảnh báo’ với Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO