Tin ‘thần dược gia truyền’, nhiều người 'tiền mất tật mang'

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 27/04/2022 19:01

Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường đã sử dụng các loại thuốc được quảng cáo như "thần dược gia truyền" dẫn đến ngộ độc, suýt nguy hiểm đến tính mạng.

thuoc-nam-dieu-tri-dai-thao-duong-1651047857376388112501-crop-16510478760461446331121.jpeg
Loại thuốc điều trị tiểu đường gia truyền được quảng cáo - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tự ý bỏ điều trị theo đơn bác sĩ

Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết trong năm 2019 đã tiếp nhận 5 ca bị bệnh tiểu đường cấp cứu do sử dụng "tiểu đường hoàn" chứa chất cấm phenformin.

Còn theo thống kê từ khoảng cuối năm 2018 đến tháng 4-2019, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM tiếp nhận, cấp cứu thành công cho hơn 10 trường hợp nhiễm toan máu do sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường không rõ nguồn gốc có chứa phenformin.

Mới đây, nhất Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết vừa cứu số thành công một cụ bà 75 tuổi có tiền sử đái tháo đường 15 năm và dùng thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, thời gian gần đây người bệnh bỏ điều trị mà sử dụng thuốc nam của lang y trên mạng dẫn đến ngộ độc chất cấm.

Do tin vào những lời quảng cáo rằng thuốc nam điều trị được tận gốc đái tháo đường, lại đỡ hại gan thận nên người bệnh đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua thuốc. Sau 1 tháng sử dụng thuốc nam nói trên, cụ bà có biểu hiện mệt mỏi, sụt cân nên gia đình đã đưa đến cấp cứu tại viện.

Qua quá trình thăm khám, bác sĩ nghi ngờ cụ bà bị ngộ độc phenformin - một loại thuốc đái tháo đường cũ đã bị cấm cách đây 30 năm. Sau khi xét nghiệm, viên thuốc nam người bệnh sử dụng có thành phần phenformin. Sau 2 ngày lọc máu, chăm sóc và điều trị tích cực, người bệnh đã dần hồi phục.

Trước đó, ông Đ.H.L. (65 tuổi, ngụ Đồng Tháp) vô cùng khổ sở sống chung với căn bệnh đái tháo đường type 2. Thế nhưng từ khi sử dụng loại thuốc "gia truyền" của một thầy lang mà hàng xóm "mách", ông vui mừng ra mặt bởi đường huyết luôn ở mức ổn định, không cần phải kiêng cữ nhiều như trước.

Thế rồi chẳng mấy chốc ông lâm vào trạng thái chán ăn, mệt mỏi, ngất xỉu liên tục. Vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cấp cứu, các bác sĩ "lắc đầu" và cuối cùng được gia đình chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy với hi vọng "còn nước còn tát".

Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được xác định nhiễm toan lactic nặng, tổn thương đa cơ quan dẫn đến suy thận, suy hô hấp, hoại tử da. Sau gần một tuần lọc máu liên tục, hỗ trợ thở máy, bệnh nhân tạm qua cơn nguy kịch.

hinh-thuoc-tieu-duong-moi-8-4-15547051051831118688983.jpeg
Một số thuốc trị tiểu đường không rõ nguồn gốc - Ảnh: BVCC

Thuốc chứa nhiều chất cấm lưu hành

Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải - trưởng khoa cấp cứu và hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - phenformin được phát hiện vào năm 1957 dùng để điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên trong quá trình theo dõi, người ta nhận thấy phenformin mặc dù giúp kiểm soát đường huyết nhưng lại gây ra tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong, đó chính là nhiễm acid lactic.

Do đó, vào những năm 1970, phenformin dần bị hạn chế sử dụng, và bị cấm lưu hành ở Mỹ cũng như các nước khác vào tháng 11-1978.

Bác sĩ Trương Dương Tiển - trưởng khoa hồi sức cấp cứu khu D Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết loại thuốc nam được truyền tai là "thần dược" mà bệnh nhân đái tháo đường sử dụng được bào chế dưới dạng viên nhiều màu bắt mắt như hồng, vàng, nâu, xanh lá… tùy theo mức độ đường huyết trong máu của người bệnh.

Các loại thuốc này do các thầy lang tự pha chế hoặc nhập từ Trung Quốc.

Điều nguy hiểm là các loại "thần dược" này chủ yếu được pha chế thêm các hoạt chất như phenformin, metformin, biguanides... Đây là những hoạt chất kiểm soát đường huyết tốt nhưng bị cấm sử dụng bởi tỉ lệ biến chứng nhiễm acid lactic quá cao.

Thời gian đầu thuốc có hiệu quả tốt trong kiểm soát đường huyết nhưng sau một thời gian sử dụng, bệnh nhân thường có triệu chứng buồn nôn, ói, chán ăn, đau bụng giống như viêm dạ dày. Việc người bệnh không biết nguyên nhân vẫn tiếp tục sử dụng thuốc khiến rơi vào tình trạng ngộ độc phenformin hoặc metformin, biguanides gây toan máu và tăng lactate máu.

Để tránh tiền mất tật mang, bác sĩ Tiển khuyến cáo người bệnh đái tháo đường cần thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra.

Đặc biệt không nên tin vào các loại thuốc truyền miệng không rõ nguồn gốc hoặc các loại thực phẩm chức năng, bởi trong đó có thể chứa chất cấm hoặc hàm lượng vượt mức cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin ‘thần dược gia truyền’, nhiều người 'tiền mất tật mang'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO