Tin nhanh tối 5/2: Ám ảnh chặng đường về quê ăn Tết; Tết xa xứ của người Việt ở Nhật

Dạ Cầm (Tổng hợp)| 05/02/2024 19:15

Trong bản tin nhanh tối 5/2, TPHCM tiếp tục ùn ứ ở các cửa ngõ, sân bay lẫn cao tốc vì người dân đổ xô về quê ăn Tết; Tết xa xứ của người Việt tại Nhật trong cơn động đất để lại nhiều khó khăn.

Quãng đường 1.000km về quê ăn Tết bằng ô-tô

"Những dịp khác, tôi lái ô tô từ TPHCM về Quảng Nam chỉ mất 15 giờ thì nay phải mất gần 30 giờ mới đến nơi. Trước khi khởi hành về quê ăn Tết, tôi dự đoán sẽ có kẹt xe nhưng không ngờ nghiêm trọng đến vậy. Gia đình tôi về tới quê mệt muốn xỉu vì phải chật vật trên đường, buồn ngủ. Khi trở lại TPHCM tôi sẽ cân nhắc đi sớm hơn để tránh ùn tắc", ông Toàn, người lái xe đưa gia đình về quê ăn Tết nói.

6y65.jpg
Ông Toàn đưa gia đình từ TPHCM về Quảng Nam ăn Tết bằng ô-tô. Ảnh: Dân Trí

20h ngày 3/2 (tối 24 tháng Chạp), ông Toàn chất hành lý lên ô tô 7 chỗ, cùng 3 con nhỏ và 2 em trai bắt đầu khởi hành rời TPHCM. Xe chạy chầm chậm qua nhiều tuyến đường chật cứng phương tiện rồi theo đại lộ Mai Chí Thọ hướng về cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo ông Toàn, đoạn đường từ TPHCM về đến Nha Trang (Khánh Hòa) đa phần là cao tốc, thời điểm ông đi không xảy ra sự cố giao thông nên các phương tiện di chuyển dễ dàng. Do lượng xe từ các tỉnh phía Nam đổ về điểm cuối cao tốc ở TP Nha Trang quá lớn, khiến quốc lộ 1 từ đây về đến Quảng Ngãi ùn tắc nghiêm trọng.

Linh vật rồng Nghệ An được khen ngợi

Linh vật rồng tại Nghệ An được nhận xét uy nghiêm nhưng không kém phần mềm mại và được coi là điểm nhấn của đường hoa xuân TP Vinh khi nhận vô số lời khen từ người dân, cộng đồng mạng.

juyj.jpg
Linh vật rồng ở Nghệ An. Ảnh: Dân Trí

Linh vật rồng có chiều dài khoảng 30m, cao khoảng 5m, nặng khoảng 3 tấn. Phần đầu rồng được thiết kế với thần thái uy nghiêm, phần thân mềm mại, uốn lượn, thể hiện hình tượng rồng ngậm ngọc ẩn mình trong mây để vươn lên. Đây là biểu tượng của sự kiên định, chờ đợi vận hội nhưng không mất đi sự nhẫn nại, khiêm tốn.

Người dân Nghệ An thích thú lưu lại hình ảnh linh vật rồng. Ông Phan Tân Hợi (trú phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An), cho biết: "Tôi thấy linh vật rồng rất đẹp, thể hiện sự tôn nghiêm, uyển chuyển, cũng như khát vọng phát triển, vươn lên như rồng bay của thành phố, của tỉnh và của đất nước ta". 

Đường phố Hà Nội thông thoáng lạ thường

Mặc dù cận Tết và vào giờ cao điểm của ngày đầu tuần nhưng nhiều tuyến đường, phố ở Hà Nội trong sáng nay lại thông thoáng "lạ thường", khắc hẳn với tình trạng của những ngày trước.

Trong buổi sáng đầu tuần cuối cùng của năm cũ, mặc dù vào giờ cao điểm nhưng nhiều tuyến đường, phố của Hà Nội như Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Phạm Hùng, Cầu Giấy, Tây Sơn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh... thông thoáng "lạ thường".

yth.jpg
Một Hà Nội thảnh thơi những ngày cận Tết. Ảnh: Dân Trí

"Mặc dù giờ cao điểm ngày đầu tuần nhưng Ngã Tư Sở không còn cảnh ùn tắc như trước đó. Sáng nay, chúng tôi chỉ giám sát giao thông, không phải phân luồng, điều tiết như khi ùn tắc", Đại úy Sơn nói và nhận định nhiều người dân, sinh viên đã về quê nghỉ Tết sớm nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông giảm rõ rệt và cũng giảm ùn tắc.

Cao tốc ùn tắc vì Tết

Ngày 3/2 vừa qua, ùn tắc kéo dài 10km trên cao tốc TP.HCM- Long Thành – Dầu Giây khiến nhiều người “ngao ngán”. Vụ tai nạn liên hoàn giữa 4 ô tô trên cao tốc này đã khiến giao thông trên toàn tuyến tê liệt, ùn tắc kéo dài 10km.

Mặc dù vụ va chạm sau đó đã được giải tỏa nhưng do lượng xe lưu thông quá đông nên lực lượng chức năng phải điều tiết chuyển hướng phương tiện, thậm chí có thời điểm phải chặn lối vào cao tốc để giảm ùn tắc.

yyfdgnh.jpeg
Cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: VNN

Anh Nguyễn Văn Thắng (tài xế chạy hàng tuyến Bắc – Nam) cho rằng những ngày cận Tết người dân nên chủ động chọn lộ trình phù hợp, khi phát hiện sự cố ùn xe nên rẽ ra các nút giao gần nhất.

Anh Thắng nhấn mạnh, trong khi chưa thể làm làn dừng khẩn cấp ngay thì các cơ quan chức năng nên xây dựng sớm hệ thống trạm dừng nghỉ. Tránh tình trạng tắc đường 8-10h trên đường cao tốc mà chỗ…đi vệ sinh cũng không có. 

Tết của người Việt ở Nhật Bản

Qua Nhật từ năm 2014 theo diện du học sinh tính đến nay cũng được hơn 10 năm, anh Trần Thanh Long hiện đang làm giám đốc mảng du lịch Việt - Nhật của công ty SUN SHINE chi nhánh tỉnh Saitama (Nhật Bản). Do tính chất công việc nên anh hầu như luôn phải đón tết xa quê.

ythyt.png
Anh Trần Thanh Long. Ảnh: Dân Trí

Anh Long cho biết, không giống như Việt Nam, Tết Nguyên Đán không phải là ngày lễ lớn ở Nhật Bản. Nước này chú trọng vào lễ Tết Oshougatsu, diễn ra vào ngày 1/1 Dương lịch.

"Có lần tôi cùng các anh chị em đồng nghiệp đến ngôi đền gần công ty tham gia lễ hội đón thời khắc giao thừa và thưởng thức osechi ryori cùng người dân Nhật Bản. Cảm giác được hòa mình vào không khí Tết ấm áp trên đất nước khác cũng là một trải nghiệm rất đáng nhớ đối với tôi", anh Long kể.

yyrgthdtgf.jpg
Chị Việt Chinh. Ảnh: Dân Trí

Việt Chinh hiện đang làm trong một công ty may mặc ở tỉnh Gifu, cô chia sẻ: "Năm đầu tiên đón Tết xa nhà em cảm thấy rất buồn, nói đúng hơn là vô cùng tủi thân. Mình vẫn nhớ giao thừa năm đó phải làm ca đêm và không thể gọi điện về nhà, dù biết bố mẹ mình cũng rất mong ngóng được trò chuyện với con trong khoảnh khắc chuyển giao năm mới. Cảm giác thật khó tả. Tuy là con gái nhưng mình rất ít khi rơi nước mắt nhưng đêm đó mình không thể kìm lại được, chỉ biết vừa làm vừa lau nước mắt. Đến tận bây giờ mình vẫn không thể quên được cái cảm xúc lúc đó".

Cô nói thêm: "Mình sang Nhật cuối năm 2019, được vài tháng thì dịch bùng phát. Công ty hết việc và cũng lây lan dịch nên bọn mình phải nghỉ mất gần 2 tháng và không được hỗ trợ gì. Khoảng thời gian đó thực sự khó khăn về chi tiêu".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin nhanh tối 5/2: Ám ảnh chặng đường về quê ăn Tết; Tết xa xứ của người Việt ở Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO