Người đàn bà ấy nhắn: "Chị có thời gian nghe chuyện không?".
Tôi nhấn mở tin. Ôi trời, phần trước tin nhắn kia là những video, hình ảnh nhạy cảm đã được gửi từ rất nhiều ngày trước. Xẹt qua đầu tôi là ý nghĩ, Facebook của mình có đăng gì quá không, sao có người vào gạ gẫm chuyện này? Nhưng tin nhắn vừa xong của Cát bụi cô đơn khiến tôi lập tức từ bỏ suy nghĩ ấy.
"Chị có thời gian nghe chuyện của em không chị? Em thường xuyên đọc bài viết của chị trên Facebook, em nghĩ chị là người rất có tâm hồn và đáng tin cậy".
Tôi vội đáp: "Chào em. Chị gọi em là Cát được không? Cảm ơn em đã tin cậy chị. Em kể chuyện của em đi, chị đang lắng nghe đây".
"Dạ. Nhưng lúc khác đi chị, em bận rồi".
Và tôi phải chờ 2 tuần sau đó để được nghe câu chuyện của em.
Nỗi đau đớn từ tuổi thơ đeo bám cuộc đời người phụ nữ. Ảnh minh họa
Cát chia sẻ, năm em lên 6 tuổi, bố vẫn tắm cho em, đúng hơn là bố chịu trách nhiệm tắm cho cả 3 chị em hàng ngày vì mẹ đi bán hàng về muộn. Em có chị gái sinh đôi và một em trai kém 4 tuổi.
Trước đó, có lẽ do còn quá nhỏ, em không để ý hoặc không nhớ gì, nhưng có một ngày cảm giác sợ sệt lần đầu xuất hiện, đó là khi em tầm 6 tuổi. Hôm đó, bố tắm cho em, em chưa hiểu gì về chuyện của người lớn nhưng cảm giác bất an kinh sợ trong lòng ngày một lớn lên.
Em sợ mỗi buổi chiều bố chuẩn bị chậu nước lớn để lần lượt tắm cho từng đứa. Hành động kỳ quặc của bố khiến em không cho bố động vào người mình nữa.
Mặc dù chưa được dạy dỗ về chuyện phải biết bảo vệ mình nhưng bản năng mách bảo em rằng bố đang làm một việc gì đó rất đáng sợ.
Hiện tại em 39 tuổi rồi, đã hơn 30 năm trôi qua, cuộc đời cũng trải qua đủ thứ đáng sợ nhưng vào lúc này, khi đang nhắn tin với chị, em lại như sống cùng với cảm giác kinh sợ của ngày ấy.
Em thu mình lại, chỉ cần nhìn thấy bố từ xa em đã co rúm người run rẩy. Em sợ tiếp xúc với bố, sợ nhìn thấy ông ấy, sợ nghe cả tiếng ông ấy nói. Chỉ vì chuyện không chịu cho bố tắm mà em bị cả bố và mẹ mắng mỏ. Câu em thường nghe mỗi ngày là: "Mày là đứa ương bướng… mày không giống ai ở cái nhà này… sao mày không giống chị mày cho tao đỡ khổ…".
Nhưng dù có ương bướng, ngỗ ngược cỡ nào, em cũng chỉ là đứa trẻ con. Em không dám kể với ai nỗi sợ của mình, cứ chui lủi một mình sợ bố, tránh né mẹ.
Ngày đó khái niệm về ấu dâm không thường trực trong đầu các bà mẹ nên việc em đột nhiên thay đổi tính tình không làm mẹ chú ý. Vả lại, thời đó các kênh tin tức, xã hội chưa phát triển, người lớn chỉ nghĩ làm sao kiếm đủ tiền nuôi con ăn học, chẳng ai nói về kĩ năng sống, trang bị cho con cái những kiến thức cơ bản về giới tính, cũng không có ai dạy em rằng xấu hổ là một loại cảm giác không cần thiết nhất trong mọi tình huống khi mà ta cần bảo vệ bản thân.
Khái niệm biến thái hoặc ấu dâm đều chưa từng tồn tại trong trí não em khi ấy. Em chỉ cảm thấy xấu hổ và sợ sệt, không dám hé răng kể với bất kì ai, kể cả mẹ mình.
Chuyện chắc sẽ dừng lại đó nếu không có một buổi sáng chị gái em bị ốm. Bố sai em đi đón em trai. Việc này em vẫn thường làm nên cũng thấy bình thường, thậm chí em còn hào hứng đi hơn là ở nhà với bố.
Lúc dắt em trai về em thấy bố luống cuống chui từ trong chăn ra. Em trai ríu rít khoe bố phiếu bé ngoan, bố liếc qua em rồi cười cười trả lời em trai như không có chuyện gì. Nhưng em biết có gì đó không bình thường. Cảm giác lạnh toát chạy dọc sống lưng làm em sởn gai ốc.
Em trừng trừng nhìn chị gái vẫn đang nằm trong chăn, mắt khép hờ mặt đỏ bừng không rõ vì đang sốt hay vì lý do gì khác. Lúc đó em chỉ muốn gào lên, muốn dựng chị em dậy hỏi cho ra lẽ, muốn xông vào túm cổ áo ông ta để hỏi. Nhưng rốt cuộc vẫn là im lặng. Em hèn nhát đợi mấy ngày sau mới dám xa gần hỏi chị: "Chị có quý bố không? Có sợ bố không?...".
Giá như em biết đường hỏi thẳng một câu: “Bố có làm gì xâm hại chị không?”, biết đâu chị đã tìm được người để tâm sự, biết đâu chị đã không bị biến thành cô gái ngây ngốc phải quyên sinh khi chưa đầy 20 tuổi.
Càng kể lại em càng thấy hối hận vì mình ngu dại. Nếu em đủ bản lĩnh và mạnh mẽ hơn, chắc chắn cuộc đời em sẽ khác, gia đình em cũng không đi đến ngày hôm nay: Cả bố và chị gái đều tự tử, mẹ mắc bệnh tâm thần, em trai út bỏ nhà biệt tích. Ngôi nhà ở quê của em vẫn còn nhưng coi như bỏ hoang.
Người phụ nữ ấy ngừng lời, còn tôi thì ngồi nhìn màn hình điện thoại chết sững.
"Hiện tại em đang ở đâu? Chị có thể gặp em không? Em cần chị giúp gì cứ nói đi chị sẵn sàng".
Cát trả lời: "Không chị ạ. Em cũng gần 40 tuổi rồi, em tự lo được mọi thứ cho em. Câu chuyện này em giấu kín lâu nay, ở đây không ai biết em là ai nhưng em thì không tự giấu được mình. Đến giờ phút này em nhận ra, em càng giấu càng vô ích.
Em sống trong địa ngục mỗi ngày mà không làm sao thoát ra. Em không muốn cơn ác mộng này đeo đẳng suốt cuộc đời mà không làm được gì với nó nên em muốn kể ra với ai đó, một người không biết em là ai, ở đâu, làm gì, người có thể thay em nói ra. Biết đâu câu chuyện giúp ích được ai, bất kì ai chẳng may phải sống trong hoàn cảnh tương tự có thể biết cách xử lý vấn đề, đừng giống như em, đừng giống bất cứ ai trong gia đình em.
Vì tổn thương tâm lý nguy hiểm và đáng sợ vô cùng. Giá như em có cuộc sống bình thường thì có thể giờ em cũng có một gia đình. Nếu có con gái em sẽ dạy con về vấn đề xâm hại tình dục, cách bảo vệ bản thân. Còn nếu có con trai em sẽ dạy con thành người đàn ông tử tế, không để đứa nào trở thành vấn nạn cho xã hội và mọi người xung quanh.
Tôi thốt lên: "Nhưng chị vẫn chưa hiểu, tại sao em chọn cách tiếp cận với chị bằng những video người lớn kia".
Cát bình thản trả lời: "Em muốn kiểm tra xem chị có tốt đẹp như những điều chị viết hay không. Em cũng muốn xác nhận xem chị có coi thường những người như em không".
Buông điện thoại xuống rồi mà lòng tôi không ngừng trào lên cảm giác xót xa. Lời ca diết da trong bài hát của Trịnh Công Sơn không ngừng vang lên trong lòng ôm thắt trái tim tôi: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để ngày mai tôi về làm cát bụi”.
Theo vietnamnet.vn