Tín hiệu tích cực trở lại, kỳ vọng gì với trái phiếu doanh nghiệp năm 2024?

04/12/2023 19:25

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có những tín hiệu tích cực trở lại và được Chính phủ quan tâm sát sao để trở thành kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tín hiệu tích cực

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có những dấu hiệu tích cực hơn trong thời gian gần đây. Các doanh nghiệp đã quay lại phát hành được trái phiếu. Nếu như quý I hầu như không có đợt phát hành nào, thì từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.

Đây là nhận định và tổng kết của ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) tại Tọa đàm "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/12.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, thị trường TPDN đang phục hồi. Lượng phát hành trong tháng 11 gấp 15 lần so với cùng kỳ. Còn tính trong 5 tháng qua, giá trị gấp 5 lần so với trong 6 tháng đầu năm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, từ sau các vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, thị trường TPDN bị tác động nặng nề, nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường này, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ của Nhà nước.

Trong số các chính sách đó, việc Chính phủ khẩn trương và kịp thời ban hành Nghị định 08, trong đó có chính sách hoãn thực hiện một số quy định của Nghị định 65 cũng như chính sách cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn như đã đề cập ở trên.

traiphieudoanhnghiep.jpg
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tín hiệu hồi phục trở lại. (Ảnh: DT)

Theo đánh giá của bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI, trái ngược với tình trạng lo ngại tháo chạy khỏi TPDN (bond run), hiện thị trường được coi là đã “hạ cánh mềm”, chủ yếu nhờ Nghị định 08 và sự ra mắt của sàn giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung.

TS. Cấn Văn Lực cũng đánh giá cao Nghị định 08. Theo đó, đây là quyết sách chưa có tiền lệ và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ trái phiếu và cơ chế cho hoán đổi tiền - hàng (đổi TPDN sang bất động sản).

Bên cạnh đó, thị trường cũng được hỗ trợ từ các chính sách gỡ khó cho bất động sản và đẩy mạnh bơm tiền ngân hàng cho nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, căn cứ các quy định của Nghị định 08, trong cả năm qua, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Tỷ lệ đàm phán thành công tăng mạnh. Ngoài ra, những DN bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn.

Ông Nguyễn Anh Phong, Tổng Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Ngày 19/7 là ngày đầu tiên đi vào giao dịch, HNX có 19 trái phiếu của 3 doanh nghiệp tham gia đăng ký giao dịch; đến nay đã có 760 trái phiếu của hơn 200 doanh nghiệp đăng ký. Như vậy đã có khoảng 2/3 các doanh nghiệp cũng như trái phiếu trên thị trường đã được đăng ký trên hệ thống giao dịch tập trung này.

Kênh huy động vốn quan trọng, TPDN có khả năng tăng mạnh trong năm 2024

Với những tín hiệu tích cực gần đây, bà Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, thị trường TPDN có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2024.

Trên thực tế, thị trường TPDN có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, là kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường tài chính, bảo đảm hài hòa, cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng…

Việc phát triển thị trường TPDN cũng là để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước để từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng.

Trong thời gian tới, khi DN cần một lượng vốn lớn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi kinh tế hồi phục, kênh TPDN càng trở nên quan trọng hơn.

Dù vậy, để TPDN tăng trưởng mạnh trở lại, thị trường cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Nghị định 08 trên thực tế chỉ giúp DN thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu. Nhiều quy định giãn hoãn theo Nghị định 08 sắp hết hiệu lực, thị trường TPDN sẽ phải quay lại tuân thủ Nghị định 65.

Theo ông Lực, việc quay lại thực hiện Nghị định 65 là cần thiết song cần có lộ trình, nhất là về vấn đề xếp hạng tín nhiệm.

Hiện tại, trên thị trường chỉ có 3 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm và các nhà phát hành chưa hình thành được văn hóa sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Bên cạnh đó, theo ông Lực, cần phải đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường TPDN. Hiện nay, thị trường vẫn còn thiếu vắng trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững…

Thị trường cũng cần đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư. Và cần phải nâng cao hạ tầng thông tin và dữ liệu. Hơn nữa là phải đơn giản hóa quy trình thủ tục phát hành ra công chúng và tăng cường thanh tra, giám sát.

Bà Ngọc Anh cho rằng, nên xây dựng kênh giao dịch riêng cho nhà đầu tư tổ chức theo hướng thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp. TPDN cũng có thể bán cho cá nhân (sơ cấp và thứ cấp) nhưng thông tin cần rõ ràng minh bạch hơn.

Theo Bộ Tài chính, tính tới cuối tháng 10/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1 triệu tỷ đồng, chiếm 10,5% GDP năm 2022.

Mặc dù thị trường TPDN gần đây có tín hiệu tích cực nhưng khó khăn vẫn còn. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn ở mức cao, với nhiều lô phát hành gần đây lên tới 14%năm, cao gấp 2-3 lần mặt bằng lãi tiền gửi ngân hàng. Đây phần lớn là các doanh nghiệp bất động sản, hoặc liên quan tới bất động sản. Nhóm ngân hàng phát hành trái phiếu với lãi suất thấp hơn, trung bình khoảng 7%/năm.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tin-hieu-tich-cuc-tro-lai-ky-vong-gi-voi-trai-phieu-doanh-nghiep-nam-2024-2222822.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/tin-hieu-tich-cuc-tro-lai-ky-vong-gi-voi-trai-phieu-doanh-nghiep-nam-2024-2222822.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu tích cực trở lại, kỳ vọng gì với trái phiếu doanh nghiệp năm 2024?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO