Trà sữa hiện nay không còn được coi là món đồ uống vặt vì thực tế đã xuất hiện cả một "ngành công nghiệp" với loại đồ uống này.
Theo một nghiên cứu được công bố mới đây, mỗi năm, người Việt chi khoảng 362 triệu USD, tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng, cho trà sữa. Mức giá dao động 30.000-70.000 đồng cho một ly trà sữa được cho là cao hơn hẳn so với mặt bằng chung thu nhập của người trẻ.
Thế nhưng bỏ qua sự đắt đỏ, một bộ phận giới trẻ mà chủ yếu là gen Z kể trên vẫn
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết thành phần chính của trà sữa gồm trà, sữa, trân châu, đường… Các loại trà thường được sử dụng là trà đen, trà xanh, trà trắng, trà ô long. Một số cửa hàng có thể tẩm thêm hương liệu (hương nhài, hương sen) vào trà để trà có thêm hương vị quyến rũ.
Thành phần chủ yếu của hạt trân châu là tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn (chiếm khoảng 80%), đường cô đặc, hương liệu thực phẩm và chỉ có dưới 1% là chất xơ và protein. Như vậy, dù rất nhỏ bé nhưng hạt cũng chứa rất nhiều năng lượng, 5-14kcal mỗi viên.
Thông thường, một cốc trà sữa được thêm 2 thìa trân châu, có thể cung cấp 100kcal, trong khi đó nó gần như không có chút giá trị dinh dưỡng nào.
"Do chứa nhiều đường và kcal nên nếu chúng ta uống quá nhiều trà sữa có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt với trẻ ở lứa tuổi học đường, việc uống quá nhiều trà sữa có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển. Tuy nhiên, trà sữa không phải là nguyên nhân duy nhất cũng như nguyên nhân chính gây béo phì", TS Sơn nhấn mạnh.
Một cốc trà sữa size L chứa khoảng 100g đường
Chung quan điểm, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân tích một ly trà sữa size L (700ml) chứa khoảng 100g đường, đó là chưa tính đến các loại đồ đi kèm thường được gọi là topping như kem, phô mai, bánh pudding...
Như vậy, tính chung một cốc sẽ cung cấp khoảng 400kcal. Trong khi theo khuyến nghị, người khỏe mạnh một ngày chỉ nên nạp vào cơ thể 40-50g đường.
"Uống quá nhiều trà sữa có thể gây rối loạn chuyển hóa, tăng cân, béo phì", TS Hưng nói.
Theo bác sĩ, tại nước ta chưa có thống kê chính thức số người có các vấn đề về sức khỏe do trà sữa. Tuy nhiên, ông đã gặp nhiều trường hợp người trẻ bị đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì. Trong đó, điểm chung là họ thường ăn nhiều thức ăn nhanh, có cả trà sữa. Có những trẻ mới 11-12 tuổi mà cân nặng lên tới 90-100kg hoặc trẻ mới 9 tuổi đã bị mỡ máu.
Bên cạnh những nguy cơ năng lượng dư thừa, trà sữa cũng tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe nếu các thành phần trong loại đồ uống này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện nhiều nguyên liệu pha chế trà sữa chứa chất bảo quản không đúng với tiêu chuẩn công bố.
Cơ quan chức năng đã kiểm tra đại lý chuyên phân phối các nguyên liệu dùng để pha chế trà sữa trên địa bàn phường Phú Lãm, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Các sản phẩm này đều do một Công ty có địa chỉ tại thôn Bình Phú, xã Phú Yên, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên phân phối, có hóa đơn chứng từ và bản tự công bố về chất lượng sản phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu hàng hóa và gửi đơn vị kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả là tất cả những sản phẩm lấy mẫu đều có chỉ tiêu về chất bảo quản không đúng so với quy định và với bản tự công bố về chất lượng của doanh nghiệp.
Theo TS Sơn, nếu không sử dụng đúng loại trà hoặc hương liệu thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rất có thể những loại hương liệu này sẽ chứa các hóa chất độc hại (hóa chất hương nhài có gốc từ penzylacetat, hương sen từ P - dimethoxy penzin, đều là những chất độc hại gốc hữu cơ).
Nên uống trà sữa như thế nào?
Chuyên gia khuyên, người tiêu dùng nên chọn trà sữa đảm bảo các tiêu chí như chế biến tại các cửa hàng uy tín, sử dụng loại nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sử dụng loại ít đường hoặc không đường, sử dụng sữa tươi để pha trà sữa, không phải sữa đặc hay kem béo. Một cốc trà sữa trân châu có thể không có tác động đến sức khỏe, nhưng đây không phải là món đồ uống có thể sử dụng hằng ngày. Ngoài ra, không nên cho trẻ nhỏ sử dụng trà sữa.
"Chúng ta nên ít uống và uống ít cho một lần. Với những người trót nghiện thì không uống quá 100ml/lần/ngày hoặc cốc size L thì chỉ nên uống 1 tuần/lần và sau đó giảm dần", TS Hưng cho biết thêm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng kcal trung bình cần được hấp thụ trong một ngày của mỗi người là khoảng 2000kcal. Tuy nhiên, với lượng kcal từ 350 đến 500kcal mà một ly trà sữa trân châu cung cấp, chúng ta đã hấp thụ từ 17-25% lượng kcal cho phép.
Để tiêu hao năng lượng mà một ly trà sữa cung cấp, ước tính cần phải chạy bộ khoảng 33 phút, hoặc đạp xe đạp 42 phút, khiêu vũ 98 phút.