- Apple thiệt hại 41 tỷ USD vì thiếu iPhone
Theo ước tính của Bloomberg, những tác động của Covid-19 trong 3 năm qua khiến hãng công nghệ sụt giảm sản lượng và chịu thiệt hại tới 41 tỷ USD.
Gần 3 năm kể từ ngày Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, tập đoàn công nghệ giá trị nhất thế giới vẫn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng gia tăng chi phí và gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo Bloomberg, những tác động tiêu cực khiến khoản thiệt hại của Apple có thể đã tăng lên 41 tỷ USD.
Theo phân tích của Wedbush, sản lượng iPhone sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay, còn TFI Asset Management cho rằng sản lượng iPhone dự kiến giảm tới 20%, tương đương 15-20 triệu chiếc, so với dự kiến.
Riêng quý IV, Apple có thể lỡ kế hoạch sản xuất 6 triệu chiếc iPhone 14 Pro do nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu bị đình trệ.
Hiện chiếc model Pro đang được bán với giá thấp nhất 999 USD trong khi model Pro Max có giá 1.099-1.599 USD. Giả sử phần lớn mẫu máy bán ra là model tiêu chuẩn, doanh thu của Apple có thể bị thổi bay 6-7,2 tỷ USD trong giai đoạn cao điểm tháng 12.
- Thanh tra đột xuất cung cấp dịch vụ nội dung của mạng Viettel, MobiFone, Vietnamobile
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thanh tra đột xuất chấp hành pháp luật về an toàn thông tin mạng và cung cấp dịch vụ nội dung của 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, Vietnamobile…
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có quyết định về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về an toàn thông tin mạng và cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động của 3 nhà mạng: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile.
Đợt thanh tra đột xuất 3 nhà mạng nêu trên về việc chấp hành pháp luật về an toàn thông tin mạng và cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trong thời gian từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/10/2022. Và khi cần thiết, có thể xem xét số liệu trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
- Foxconn dự kiến nhà máy tại Trịnh Châu sẽ hoạt động hết công suất trở lại
Foxconn, nhà cung cấp của Apple, dự kiến nhà máy tại Trịnh Châu (Trung Quốc) của hãng này sẽ trở lại hoạt động hết công suất vào khoảng cuối tháng 12/2022 đến đầu tháng Một.
Do chính sách kiểm soát nghiêm ngặt dịch COVID-19, việc sản xuất thiết bị của Apple tại nhà máy Trịnh Châu đã bị gián đoạn trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Tết Nguyên đán, khi nhiều công nhân phải cách ly để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 hoặc đã rời khỏi nhà máy.
Theo một nguồn tin thân cận, công suất hoạt động đang dần khôi phục với việc tuyển dụng thêm nhân viên mới. Nếu việc tuyển dụng diễn ra suôn sẻ, có thể mất khoảng ba đến bốn tuần để nhà máy hoạt động hết công suất trở lại.
Foxconn là nhà sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, khi đóng góp 70% lượng iPhone xuất xưởng trên toàn cầu. Doanh nghiệp này có các địa điểm sản xuất khác nhỏ hơn ở Ấn Độ và miền nam Trung Quốc.
- Samsung phát triển ứng dụng ‘tự sửa chữa’ cho thiết bị smartphone
Hồ sơ tại Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ (USPTO) cho thấy Samsung đang thiết kế một ứng dụng tự sửa chữa mới.
Theo hồ sơ, Samsung đang làm việc trên một ứng dụng di động mới có tên là "Trợ lý tự sửa chữa" (Self Repair Assistant). Logo ứng dụng có hình bánh răng cưa cách điệu với cờ lê trên nền màu xanh lam.
Trước đó, vào mùa hè năm nay Samsung đã ra mắt chương trình "Tự sửa chữa" tại Mỹ. Chương trình cho phép người dùng thiết bị Galaxy tại Mỹ mua các bộ phận, công cụ và tự sửa chữa thiết bị của mình. Samsung cũng đã giới thiệu chương trình "Tự sửa chữa" hợp tác với iFixit.
Mối quan hệ hợp tác bắt đầu vào đầu năm 2022, khi Samsung gửi hướng dẫn để giúp trang web này cung cấp thông tin về bảo trì và bán các linh kiện gốc cho một số sản phẩm Galaxy.
Đáng chú ý là Google cũng tung ra một chương trình tương tự với iFixit nhằm mục đích giúp người dùng tự sửa chữa điện thoại Pixel của họ. Trước đó, Apple cũng đã tung ra một chương trình tương tự để giúp người dùng sửa chữa iPhone và MacBook.
- Người dùng Samsung và LG có nguy cơ bị hacker tấn công do chứng chỉ Android bị rò rỉ
Một chứng chỉ Android đã bị rò rỉ trực tuyến, khiến hàng triệu thiết bị có nguy cơ bị phần mềm độc hại tấn công. Thông tin tốt là vụ rò rỉ này không ảnh hưởng đến tất cả người dùng Android. Tuy nhiên, người dùng Samsung và LG, cùng với mọi smartphone tích hợp chipset MediaTek đều có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi malware này.
Hiện tại, Lukasz Siewierski, một nhân viên của Google và là kỹ sư chống malware, đã báo cáo rằng nhiều chứng chỉ của các OEM Android đã được đăng công khai. Các tác nhân độc hại có thể khai thác những khóa này để cài đặt malware lên smartphone của người dùng. Khóa đăng nhập này có mức quyền hệ điều hành cao nhất. Điều này cực kỳ quan trọng bởi điều đó đồng nghĩa rằng tác nhân độc hại có thể chèn malware mà Google, nhà sản xuất thiết bị, hay nhà phát triển ứng dụng không hề hay biết.
Về mặt lý thuyết, nếu khách hàng tải về bản cập nhật từ trang web của bên thứ 3, tác nhân xấu có thể âm thầm lây nhiễm malware mà vẫn có thể hoạt động như 1 bản cập nhật ứng dụng hợp pháp.