- Doanh thu công nghiệp CNTT tháng 8 tăng cao
Về lĩnh vực Kinh tế số, tính đến ngày 19/8/2022, Chương trình SMEdx (Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số) đã có khoảng 379.865 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận và trải nghiệm các nền tảng số Make in Việt Nam xuất sắc do Chương trình tuyển chọn và có 56.267 doanh nghiệp chính thức sử dụng các nền tảng của Chương trình.
Về lĩnh vực Công nghiệp ICT, doanh thu công nghiệp CNTT trong tháng 8/2022 ước đạt 334.866 tỷ đồng tăng trưởng 19% so với cùng kỳ 2021 (281.172 tỷ đồng) và tăng trưởng 36,56% so với tháng 7/2022 (245.220 tỷ đồng). Doanh thu tăng đột biến do chính sách mở cửa nền kinh tế của Chính phủ tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu và sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng.
Trong năm 2021 đã có 27 địa phương ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2022 có 43/63 địa phương đã ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Trong thời gian tới, Cục công nghiệp CNTT-TT sẽ tiếp tục bám sát, đôn đốc các địa phương để hết năm 2022, 63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch phát triển DN công nghệ số.
- Hơn 130 công ty công nghệ là mục tiêu của chiến dịch lừa đảo quy mô lớn
Nhiều cái tên lớn trong ngành công nghệ như Twilio, Signal, DoorDash, Best Buy và AT&T đều nằm trong tầm ngắm của chiến dịch lừa đảo đánh cắp thông tin quy mô lớn.
Theo The Verge, hơn 130 tổ chức lớn trong ngành công nghệ, trong đó có Twilio, DoorDash và Cloudflare, đã bị tin tặc xâm nhập và tấn công trong chiến dịch lừa đảo 0ktapus kéo dài nhiều tháng. Theo đó, thông tin đăng nhập của gần 10.000 cá nhân đã bị đánh cắp bằng một dịch vụ giả mạo được tạo ra bởi các tác nhân gây hại nhằm “nhái” lại dịch vụ đăng nhập một lần Okta, theo một báo cáo từ tổ chức an ninh mạng Group-IB.
Những kẻ tấn công đã sử dụng quyền truy cập đó để lặp lại hành động tấn công những tài khoản trên các dịch vụ khác.
- Khách hàng bức xúc vì bị làm phiền, nhà mạng ký cam kết chặn cuộc gọi rác
Vừa qua, dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông, các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thoả thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.
Tại buổi ký kết, các nhà mạng đã cam kết ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác, đảm bảo quyền lợi khách hàng, người sử dụng, tạo tiền đề cho việc phát triển các dịch vụ mới, không gian mới của lĩnh vực trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, xã hội số của Việt Nam.
Trong giai đoạn vừa qua, một số đối tượng đã lợi dụng ưu điểm của dịch vụ viễn thông, phát tán cuộc gọi rác (gọi điện thoại quảng cáo, bán hàng (telesales) mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng,..) gây phiền nhiễu. Đây là vấn nạn toàn cầu, không riêng gì Việt Nam.