Tin công nghệ 30/9: 7 nhà mạng bị xử phạt hơn 3 tỷ đồng

Việt Báo (Tổng hợp)| 30/09/2022 07:00

7 nhà mạng bị xử phạt hơn 3 tỷ đồng; chứa nhiều nội dung độc hại, TikTok phải xoá 113 triệu video

Viettel "liên thông" sóng di động, giúp đảm bảo liên lạc sau bão số 4

Viettel phối hợp các doanh nghiệp viễn thông khác triển khai dịch vụ chuyển vùng di động (roaming) miễn phí, giúp chính quyền, người dân đảm bảo thông tin liên lạc tại những vùng bị cô lập khi mạng viễn thông đang sử dụng gặp sự cố và không có sóng.

Tại Quảng Nam, hạ tầng viễn thông bị ảnh hưởng sau bão khiến nhiều khu vực không đảm bảo liên lạc. Ngày 29/9 Viettel và các doanh nghiệp viễn thông khác đã hoàn thành phối hợp triển khai dịch vụ chuyển vùng di động (roaming) miễn phí.

Với hoạt động này, thuê bao của các mạng di dộng khác có thể được tự động kết nối để thực hiện cuộc gọi, nhắn tin SMS trên hạ tầng của Viettel tại các khu vực mà mạng di động đó bị gián đoạn thông tin và ngược lại. Quá trình roaming được thực hiện tự động, không cần bất kỳ thao tác nào từ phía khách hàng và được duy trì đến khi các nhà mạng khôi phục lại hoàn toàn mạng lưới.

Chứa nhiều nội dung độc hại, TikTok phải xoá 113 triệu video

Báo cáo minh bạch hằng quý của TikTok cho thấy họ đã phải xóa khoảng 113 triệu video vi phạm chính sách trong quý II/2022. "Con số này chỉ chiếm 1% so với tổng số video được đăng tải lên TikTok trong cùng khoảng thời gian" - chuyên trang công nghệ The Verge cho biết.

Phần nhiều các video bị xóa liên quan các nội dung độc hại với trẻ em khi chiếm 44%. Các lý do khác là: hoạt động bất hợp pháp, hàng hóa thuộc diện không được quảng cáo cũng như các video nghi có hình ảnh khỏa thân, nội dung người lớn...

Số liệu cũng cho thấy quý II/2022, hệ thống tự động của TikTok đã xóa 48 triệu video vi phạm chính sách. Khoảng 96% số video bị xóa trước khi người dùng kịp gửi báo cáo nội dung xấu.

7 nhà mạng bị xử phạt hơn 3 tỷ đồng

Hôm 29/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết luận về việc kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định, sim sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp viễn thông di động.

Đợt kiểm tra trên được bắt đầu từ hồi tháng 4/2022 với 7 doanh nghiệp viễn thông gồm: Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile, Gmobile, Đông Dương Telecom, Mobicast. Các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cũng là những địa điểm bị thanh tra cùng đợt.

Cũng theo kết luận thanh tra, tổng số tiền phạt đợt này là gần 3 tỷ đồng, trong đó xử phạt doanh nghiệp viễn thông và các chi nhánh 1,155 tỷ đồng và xử phạt các các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ 1,77 tỷ đồng.

Châu Âu lo ngại nguy cơ mất mạng di động trong mùa đông

Một tình huống khó tưởng tượng nhưng giờ đây có thể xảy ra: điện thoại di động có thể bị tắt sóng ở nhiều nơi thuộc châu Âu vào mùa đông này nếu việc cắt giảm tiêu thụ điện hoặc phân bổ năng lượng ảnh hưởng đến một phần của các mạng di động trên toàn khu vực.

Quyết định của Nga về việc ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua tuyến đường ống Nord Stream đã làm tăng nguy cơ thiếu điện ở khu vực này trong mùa đông. Ở Pháp, tình hình còn tồi tệ hơn khi một số nhà máy điện hạt nhân đang ngừng hoạt động để bảo trì.

Các quan chức ngành viễn thông cho biết họ lo ngại một mùa đông khắc nghiệt sẽ gây căng thẳng cho cơ sở hạ tầng viễn thông của châu Âu, buộc các công ty trong ngành và chính phủ châu Âu phải chạy đua giảm thiểu tác động.

Hiện tại không có đủ hệ thống điện dự phòng ở nhiều nước châu Âu để ứng phó tình trạng cắt điện trên diện rộng, làm tăng rủi ro mất sóng di động.

Phần mềm quen thuộc có khả năng đánh cắp tài khoản Facebook, thẻ ngân hàng

Khi người dùng tìm kiếm phần mềm lậu trên Google, họ hoàn toàn có khả năng trở thành nạn nhân của một chiến dịch tấn công nguy hiểm.

Các nhà nghiên cứu bảo mật tại Kaspersky mới đây vừa phát hiện một loại mã độc nguy hiểm có thể tự động tải về và cài đặt thêm 20 loại virus khác nhau lên thiết bị nạn nhân sau khi lây nhiễm.

Với tên gọi NullMixer, mã độc này hiện đang lây nhiễm trên hơn 50.000 máy tính trên toàn cầu, bao gồm cả tại Việt Nam. Loại mã độc này được cài cắm trong các phần mềm crack (bẻ khoá) hoặc keygen (công cụ tạo mã bản quyền lậu cho các phần mềm) – vốn quen thuộc với nhiều người dùng có thói quen sử dụng phần mềm "lậu".

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin công nghệ 30/9: 7 nhà mạng bị xử phạt hơn 3 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO