Tin công nghệ 18/8: Lại mạo danh ngân hàng để lừa đảo người dùng

Việt Báo (Tổng hợp)| 18/08/2022 07:00

Lại mạo danh ngân hàng để lừa đảo người dùng; Apple, Google, Facebook sẽ phải lưu trữ thông tin người dùng dịch vụ tại Việt Nam?

- TP Hồ Chí Minh ra mắt nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường

Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã ra mắt “Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường” nhằm phục vụ các cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp lấy dữ liệu theo đúng quy định.

Sở đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin dữ liệu Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh vào năm 2021 (https://geoportal-stnmt.tphcm....). Cổng thông tin dữ liệu Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ web ngành tài nguyên và môi trường đã hình thành "Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh" để phục vụ các cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định đã ban hành.

Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh" là kênh chia sẻ dữ liệu không gian địa lý với gần 450 tập dữ liệu thông qua các giao tiếp mở, chuẩn quốc tế và theo quy định của nhà nước.

- Lại mạo danh ngân hàng để lừa đảo người dùng

Kẻ lừa đảo mạo danh thương hiệu các ngân hàng như VP Bank, SHB, ACB, TPB để phục vụ mục đích xấu.

Mới đây nhất, VP Bank vừa gửi đi cảnh báo cho biết, ngân hàng này và một số nhà băng khác đang bị gửi tin nhắn SMS giả danh để lừa đảo người dùng.

Nội dung tin nhắn có dạng: "Tài khoản của Quý khách vừa mở dịch vụ tài chính toàn cầu với phí dịch vụ hằng tháng là xxxVND sẽ bị trừ trong y giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ, vui lòng nhấn vào link (có định dạng ví dụ như) vpbank.abc-tp.abclmn để hủy".

Ngân hàng này khẳng định những tin nhắn có nội dung thông báo về những sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng không đăng ký đều là tin nhắn giả mạo, nhằm mục đích lừa khách hàng bấm vào link đính kèm tin nhắn và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Thông thường, người dùng sẽ bị yêu cầu nhấp vào một đường link, sau đó nhập vào các thông tin ngân hàng và có thể bị kẻ xấu đánh cắp tiền trong tài khoản.

- Apple, Google, Facebook sẽ phải lưu trữ thông tin người dùng dịch vụ tại Việt Nam?

Thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ internet tại Việt Nam phải được nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ tại Việt Nam, theo quy định tại Nghị định 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng vừa được ban hành.

Theo đó, các dữ liệu phải được nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ tại Việt Nam gồm: dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra (tên tài khoản sử dụng dịch vụ, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu); dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam (bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác).

- Dữ liệu lớn có thể đóng góp hơn 100 tỷ USD cho Đông Nam Á

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra báo cáo nhận định Big data (dữ liệu lớn) có thể hỗ trợ hơn 100 tỷ USD cho những cơ hội phát triển tại Đông Nam Á, đặc biệt là 5 quốc gia Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines và Thái Lan.

Trong báo cáo “Khai thác tiềm năng dữ liệu lớn ở Đông Nam Á hậu đại dịch”, ADB cho rằng việc sử dụng công nghệ số để cung cấp phương pháp học tập từ xa và cá nhân hóa, cũng như kết hợp công việc trực tuyến có thể đóng góp hơn 77 tỷ USD hằng năm vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước Đông Nam Á nói trên vào năm 2030.

- Sẽ có sản phẩm phát hiện hành vi bất thường của người dùng trên mạng

Theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, sản phẩm phát hiện và phân tích hành vi bất thường của người dùng trên mạng phải tích hợp sẵn ít nhất 500 kịch bản.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm phân tích và phát hiện hành vi bất thường của người dùng trên mạng (User and Entity Behavior Analytics - UEBA).

Theo đó, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển; đánh giá, lựa chọn sản phẩm UEBA khi đưa vào sử dụng trong các hệ thống thông tin, cần áp dụng 8 nhóm yêu cầu kỹ thuật cơ bản, gồm: yêu cầu về tài liệu; yêu cầu về quản trị hệ thống; yêu cầu về kiểm soát lỗi; yêu cầu về log; yêu cầu về hiệu năng xử lý; yêu cầu về chức năng tự bảo vệ; yêu cầu về chức năng giám sát, phân tích sự kiện và đánh giá mức độ rủi ro an toàn thông tin; yêu cầu về chức năng cảnh báo.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin công nghệ 18/8: Lại mạo danh ngân hàng để lừa đảo người dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO